Từ điển bệnh lý

Tràn dịch màng phổi ác tính : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan Tràn dịch màng phổi ác tính

Khoang ảo nằm ở vị trí giữa phổi và thành ngực được gọi là khoang màng phổi. Trong khoang màng phổi thường sẽ chứa khoảng 10 - 15ml dịch, hỗ trợ màng phổi không bị thương tổn khi ma sát mỗi khi thở. Lượng dịch sinh lý nếu nhiều hơn mức bình thường thì lúc này được coi là hiện tượng tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi ác tính

Tràn dịch màng phổi ác tính

Tràn dịch màng phổi ác tính xảy ra khi  trong khoang màng phổi phát triển các tế bào ung thư khiến cho màng phổi gặp tổn thương, từ đó dẫn tới tràn dịch màng phổi. 


Nguyên nhân Tràn dịch màng phổi ác tính

Các nguyên nhân thường gặp đối với tình trạng tràn dịch màng phổi ác tính là do những bệnh lý sau:

  • Ung thư dạ dày;
  • Ung thư phổi;

Bệnh nhân bị ung thư phổi gây tràn dịch màng phổi

Bệnh nhân bị ung thư phổi gây tràn dịch màng phổi

  • Ung thư buồng trứng;
  • Ung thư vú;
  • U lympho.

Một nguyên nhân khác gây nên hiện tượng tràn dịch màng phổi ác tính là do ung thư di căn vào các hạch bạch huyết tại trung thất, khiến lưu bạch huyết bị tắc nghẽn và làm tràn dịch màng phổi. Những trường hợp bị tràn dịch màng phổi theo cơ chế này sẽ ít khi phát hiện ra tế bào ác tính ở trong dịch màng phổi. Thực tế cho thấy khi tiến hành sinh thiết màng phổi, xét nghiệm mô bệnh thường cho kết quả là âm tính.

Mặc dù được điều trị nhưng chứng tràn dịch màng phổi ác tính vẫn có thể khiến cho tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, thậm chí dẫn tới tử vong cho bệnh nhân.


Triệu chứng Tràn dịch màng phổi ác tính

Đối tượng người có nguy cơ cao bị tràn dịch màng phổi ác tính là người cao tuổi, thường là trong độ tuổi từ 40 trở lên. Tuy được hút ra nhiều lần nhưng dịch màng phổi sẽ nhanh chóng xuất hiện lại và tồn tại lâu. Các dấu hiệu khi bị tràn dịch màng phổi ác tính đó là:

Ho: ho khan hoặc bị ho ra máu;

Ho ra máu là triệu chứng tràn dịch màng phổi ác tính 

Ho ra máu là triệu chứng tràn dịch màng phổi ác tính 

Khó thở: do lượng dịch tràn màng phổi nhiều khiến người bệnh hay bị khó thở, thậm chí phải ngồi dậy để thở. Trường hợp bệnh nhân có ít dịch màng phổi những vẫn bị khó thở nhiều thì có thể là do đường thở bị khối u chèn ép;

Đau ngực: biểu hiện thường gặp, đau âm ỉ và kéo dài, càng để lâu càng đau;

Triệu chứng toàn thân: cơ thể mệt mỏi, ít khi cảm thấy sốt, chán ăn, ăn kém, gầy sụt cân nhanh, thiếu máu, da xanh xao nhợt nhạt. Có thể điều tra tiền sử bệnh nhân thấy đã từng mắc các bệnh lý ác tính trước đây.

 


Phòng ngừa Tràn dịch màng phổi ác tính

Chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi ác tính

- Bệnh nhân cần ăn những loại thức ăn như thế nào?

  • Ăn những đồ ăn tươi và rau củ quả thẫm màu như: súp lơ xanh, cà chua, rau cần tây, cà rốt,...; Ăn chín uống sôi; Ăn những loại trái cây mọng nước để có nhiều Vitamin C: cam, quýt, táo, nho, bưởi,...;

Chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi ác tính

Chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi ác tính

Chăm sóc bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi ác tính

  • Bổ sung loại thực phẩm ngũ cốc trong thực đơn để nạp thêm Vitamin E cho cơ thể: các loại hạt như óc chó, hạt hạnh nhân, lúa mạch, những loại sữa từ hạt ngũ cốc,...;
  • Tiêu thụ các loại cá như cá thu, cá hồi,... để cung cấp chất béo omega 3 có lợi cho cơ thể, ăn thịt để bổ sung protein;
  • Tập luyện thói quen uống ít nhất 2 lít/ngày và tuỳ thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ mà bệnh nhân có thể điều chỉnh liều lượng hấp thụ vào cơ thể bằng các loại nước khác nhau như nước lọc, sữa, nước ép trái cây, nước súp;
  • Ăn uống đầy đủ 3 bữa chính mỗi ngày. Bên cạnh đó có thể bổ sung thêm 2 bữa phụ.

- Bệnh nhân nên kiêng những gì?

  • Đồ ăn mặn, chua, cay;
  • Không tiêu thụ các chất kích thích có hại như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có ga, có cồn, chất kích thích,...;
  • Không nên ăn quá nhiều đường và tinh bột;
  • Tránh sử dụng thực phẩm đông lạnh, đóng gói, chế biến sẵn vì không đáp ứng đủ chất dinh  dưỡng cũng như không đảm bảo vệ sinh an  toàn thực phẩm;
  • Không vừa ăn vừa uống.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, bạn cũng cần tạo dựng một một trường sống và làm việc trong sạch, lành mạnh. Điều này góp phần không nhỏ trong việc điều trị bệnh và giúp bạn hồi phục nhanh chóng hơn.


Các biện pháp chẩn đoán Tràn dịch màng phổi ác tính

Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng đã kể trên, bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng bệnh. Một số kỹ thuật được áp dụng trong chẩn đoán cận lâm sàng hiện tượng tràn dịch màng phổi ác tính đó là:

Xét nghiệm dịch màng phổi:

Khi quan sát dịch tiết có thể thấy máu, trường hợp ít gặp hơn thì trong dịch còn lẫn màu vàng chanh. Ngoài ra kết quả xét nghiệm dịch màng phổi có thể phát hiện được sự hiện diện của các tế bào ác tính.

Việc sử dụng kim hoặc nội soi lồng ngực trong phương pháp sinh thiết màng phổi để làm xét nghiệm mô bệnh, xem khả năng dương tính hay âm tính với ung thư là tiêu chuẩn vàng trong công tác chẩn đoán tràn dịch màng phổi ác tính.

Chụp X-quang phổi:

Hình ảnh chụp X-quang phổi ghi lại có thể cho ra những phát hiện như sau:

Lượng dịch tràn nhiều, có khi làm mờ hẳn một bên phổi, lúc này được gọi là hội chứng tối mờ nửa lồng ngực;

Bên cạnh hình ảnh dịch tràn màng phổi, có thể thấy hạch trung thất, khối u tại nhu mô phổi, hình ảnh thả bóng ở 2 phổi, hình ảnh xẹp phổi;

Sau khi hút hết dịch và tiến hành chụp X-quang phổi giúp việc quan sát hạch trung thất và khối u được rõ ràng hơn.

Chụp CT - Scan lồng ngực:

Chụp CT chẩn đoán tràn dịch màng phổi tại MEDLATEC

Chụp CT chẩn đoán tràn dịch màng phổi tại MEDLATEC

Kỹ thuật này giúp phát hiện vị trí của hạch trung thất và khối u, xem có dịch trong màng phổi hay không. Bên cạnh đó, siêu âm ổ bụng còn giúp tìm ra những hạch di căn cũng như các khối u có trong ổ bụng


Các biện pháp điều trị Tràn dịch màng phổi ác tính

Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc tràn dịch màng phổi ác tính thì cần thực hiện chọc tháo dịch màng phổi đầu tiên. Sau đó lựa chọn phương án điều trị thích hợp cho người bệnh dựa trên tiên lượng bệnh, tốc độ tái dịch màng phổi, mức độ nặng nhẹ của những triệu chứng của tình trạng này. 

Bảng bên dưới là liệt kê các cách tiếp cận trong điều trị tràn dịch màng phổi ác tính theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

Trường hợp tràn dịch màng phổi tái phát chậm

Tình trạng được coi là tái phát chậm là khi xuất hiện lại khoảng 1000ml dịch màng phổi sau 1 tuần. Nếu bệnh nhân bị khó thở cần thực hiện chọc tháo dịch màng phổi.

- Chọc tháo dịch màng phổi:

Đây là tiếp cận cơ bản đối với các ca bệnh bị tràn dịch màng phổi ác tính tái phát chậm. Quy trình như sau:

  • Người bệnh được sát trùng và gây tê tại chỗ;
  • Một kim chọc sẽ được chọc qua niêm mạc da tới vùng bị tràn dịch màng phổi;
  • Mỗi lần chọc hút có thể được tiến hành ngay tại giường bệnh hoặc ở phòng thủ thuật. Mỗi lần chọc hút, lượng dịch không nên vượt quá 1000ml.

Chọc tháo dịch màng phổi

Chọc tháo dịch màng phổi

Có thể xuất hiện tai biến phù phổi khi:

·         Lượng dịch màng phổi bị chọc tháo quá nhiều/lần ( >1500ml);

·         Dịch màng phổi bị chọc tháo quá nhanh;

·         Áp lực hút dẫn lưu màng phổi lớn, vượt quá 25cmH2O. 

Thời điểm cần ngưng chọc hút dịch màng phổi là khi:

Bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như: đau tức ngực (thường cảm thấy phần ngực phía trước bị đau tức), dấu hiệu muộn hơn có thể là ho thành từng cơn và khó thở.

Trường hợp tràn dịch màng phổi tái phát nhanh

Tình trạng tái phát nhanh xảy ra khi lượng dịch tái phát trên 1000ml khi  chưa tới 1 tuần. Lúc này có thể áp dụng các phương án điều trị như: 

  • Đặt ống dẫn lưu dịch màng phổi;
  • Đặt dẫn lưu màng phổi - ổ bụng;
  • Gây dính màng phổi;
  • Thực hiện phẫu thuật chà sát hoặc bóc tách màng phổi.

- Đặt dẫn lưu màng phổi:

  • Đây là biện pháp ít xâm lấn và thường được ưu tiên lựa chọn ban đầu khi gặp các ca bệnh bị tràn dịch màng phổi ác tính, đặc biệt là các bệnh nhân tràn dịch màng phổi có u gây tắc phế quản hoặc bị xẹp phổi;
  • Ống dẫn lưu màng phổi có thể giữ được trên cơ thể người bệnh lâu ngày. Bệnh nhân được phép chăm sóc, theo dõi tại nhà bởi những người có kỹ năng chăm sóc ống dẫn lưu vô trùng;
  • Kỹ thuật đặt dẫn lưu màng phổi hỗ trợ rất nhiều trong việc làm giảm triệu chứng một cách nhanh chóng. Khoảng 50 - 70% tỷ lệ bệnh nhân dính màng phổi  tự phát sau 2 - 6 tuần. Còn những bệnh nhân không có phản ứng dính màng phổi sau 6 tuần thì sẽ được bơm thêm chất gây dính màng phổi như bột taLc, tetracyclin, iodopovidon, bleomycin.

- Đặt ống dẫn lưu màng phổi - ổ bụng:

Kỹ thuật này thường được áp dụng cho các ca bệnh tràn dịch màng phổi ác tính bị phổi cạm hoặc đã có dày dính. Và không chỉ định cho các bệnh nhân tràn dịch màng phổi ác tính kèm theo tràn dịch dưỡng chấp màng phổi, u nội phế quản gây tắc đường thở. 

Đặt ống dẫn lưu màng phổi - ổ bụng

Đặt ống dẫn lưu màng phổi - ổ bụng

- Gây dính màng phổi:

  • Kỹ thuật nhằm nhằm mục đích làm biến mất khoang màng phổi thông qua sử dụng:
  • Một số chất gây viêm màng phổi - gây dính màng phổi bằng hóa chất;
  • Bóc tách hoặc chà sát màng phổi - gây dính cơ học;
  • Dùng ống dẫn lưu màng phổi để làm xuất hiện hiện tượng dính màng phổi tự phát.

Thông thường biện pháp gây dính màng phổi bằng hóa chất sẽ được sử dụng nhiều hơn nhờ tính hiệu quả của nó đem lại, ít phải xâm lấn và tránh việc lưu ống dẫn lưu kéo dài như trong  gây dính tự phát sau đặt ống dẫn lưu màng phổi. Bột talc được coi là chất gây dính màng phổi tốt nhất trong các loại hoá chất.

Các bước tiến hành thủ thuật:

  • Hút hết dịch màng phổi qua ống dẫn lưu;
  • Thực hiện bơm hoá chất gây dính vào trong khoang màng phổi;
  • Người bệnh cần kẹp ống dẫn lưu trong khoảng 2 - 3 giờ và cứ 15 phút/lần lại thay đổi tư thế, sau đó liên tục hút dẫn lưu;
  • Thường sau từ 1 - 2 ngày sẽ xuất hiện hiệu quả gây dính. Thời gian điều trị nội trú tại viện là từ 3 - 7 ngày.

Các biến chứng có thể gặp của phương pháp gây dính màng phổi: 

  • Sốt;
  • Đau ngực;
  • Biến chứng suy hô hấp: hiếm gặp.

- Phẫu thuật màng phổi:

Cách thực hiện là bóc một phần hoặc toàn bộ màng phổi, kết hợp với việc loại bỏ dịch, các mảng fibrin trong khoang màng phổi. Phương pháp này giúp kiểm soát hiệu quả chứng tràn dịch màng phổi đối với các ca bị tràn dịch màng phổi ác tính nhưng điều trị bằng hoá chất không hiệu quả.

Thông thường kỹ thuật này được ưu tiên chỉ định điều trị cho tràn dịch màng phổi ác tính do ung thư trung biểu mô màng phổi.

- Hoá trị và xạ trị u nguyên phát:

Biện pháp này được áp dụng phụ thuộc vào loại u và kích thước u. Có những bệnh nhân khi đáp ứng hoá trị, xạ trị hiệu quả thì tình trạng tràn dịch màng phổi ác tính giảm rõ rệt.


Tài liệu tham khảo:
  • Quyết định về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp” | Thư viện Pháp luật
  • Tràn dịch màng phổi ác tính là gì? | Vinmec

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ