Từ điển bệnh lý

U ác khí quản : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-05-2023

Tổng quan U ác khí quản

Khí quản chính là một ống dẫn khí có hình lăng trụ kéo dài từ điểm cuối của thanh quản đến hệ phế quản của phổi. Vai trò chính của khí quản chính ra dẫn khí vào ra, đồng thời điều hòa lượng không khí để làm tăng khả năng trao đổi khí ở phổi. Khí quản được coi là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống hô hấp của cơ thể con người cho nên tổn thương khí quản cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ hô hấp bị ảnh hưởng. 

Khối u có trong khí quản là trường hợp hiếm gặp tuy nhiên nếu có xuất hiện thì khả năng cao sẽ là khối u ác tính rất khó chữa trị. Trường hợp bệnh nhân bị ung thư khí quản thông thường sẽ được xếp chung vào nhóm bệnh ung thư phế quản - phổi, bởi tính liên kết khăng khít với ống khí quản.

Ung thư khí quản

Trường hợp khối u ác hình thành trong khí quản thường xuất hiện từ nhóm biểu mô tế bào vảy hoặc nhóm biểu mô tuyến nang (hai trường hợp này chiếm khoảng 70% tổng số ca mắc bệnh ung thư khí quản). Khối u hình thành một cách âm thầm cho tới khi kích thước khối u lớn gây tắc nghẽn đường thở, hô hấp người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể dẫn tới tử vong nếu không kịp thời phát hiện và xử lý.


Nguyên nhân U ác khí quản

Ung thư khí quản là căn bệnh hiếm gặp nhưng ảnh hưởng mà bệnh mang tới lại rất nghiêm trọng. Mỗi căn bệnh cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh và lựa phương pháp điều trị phù hợp, thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể xác định được một nguyên nhân cụ thể. Ung thư khí quản chưa được xác định nguyên nhân chính gây bệnh nhưng ta hoàn toàn có thể dựa vào những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như sau:

  • Hút thuốc lá: Tiếp xúc với khói thuốc lá hay một số loại hóa chất độc hại khác đều có thể gây hại cho đường hô hấp, ung thư khí quản cũng là một trong những bệnh lý có thể xảy ra. Theo thống kê, có tới 90% trường hợp bệnh nhân ung thư khí quản đều có tiền sử hút thuốc lá hay thậm chí là nghiện thuốc lá. Rất nhiều hợp chất độc hại có trong khói thuốc lá, trong đó phải kể tới 2 loại hóa chất gây ung thư tiêu biểu là carbon monoxide và oxit nitơ.

Tiếp xúc với khói thuốc lá hay một số loại hóa chất độc hại khác đều có thể gây hại cho đường hô hấp, gây ung thư khí quản

 

  • Di truyền: Một số nghiên cứu y học cho thấy rằng tỉ lệ di truyền của bệnh ung thư khí quản không quá cao nhưng vẫn được xét vào danh sách có nguy cơ.
  • Nguyên nhân bệnh lý nền: Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mạn tính có nguy cơ bị ung thư khí quản cao hơn bình thường. Tiêu biểu là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh lao, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính.

Ung thư khí quản được nhận định là một căn bệnh không thể lây truyền từ người sang người một cách trực tiếp. Tuy nhiên, một số tác nhân quan trọng gây gia tăng nguy cơ ung thư khí quản như khói thuốc lá, khói bụi công nghiệp, amiăng, ô nhiễm môi trường,... có thể tác động đến một nhóm người hoặc một quần thể người có cùng môi trường sống. Vì vậy Ung thư đường hô hấp nói chung và ung thư khí quản nói riêng có thể xuất hiện ở nhiều cá thể trong một vùng có cùng hoàn cảnh và môi trường sống. Mặt khác, một số tác nhân vi sinh vật như lao, các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm,... gây bệnh đường hô hấp cũng có thể lây truyền và làm gia tăng các biến cố tại phổi.

 


Triệu chứng U ác khí quản

Hầu hết trường hợp bệnh nhân ung thư khí quản khi được chẩn đoán bệnh đều đã chuyển sang giai đoạn giữa hoặc muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do các triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu thường không rầm rộ mà chỉ xuất hiện thoáng qua. Tần suất các triệu chứng xuất hiện sẽ tăng dần và mức độ cũng nặng hơn khi khối u phát triển lớn và xâm lấn nhiều tổ chức xung quanh.

  • Khó thở: Đây là triệu chứng điển hình của bệnh ung thư khí quản bởi khi khối u hình thành sẽ xâm lấn đường dẫn khí vào phổi, người bệnh sẽ có cảm giác cơ thể bị thiếu hụt Oxy nên phải luôn gắng sức để thở. Tình trạng khó thở sẽ tăng dần khi khối u phát triển lớn hơn chèn ép đường thở.
  • Ho ra máu: Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ có cảm giác khó chịu trong đường thở nên buộc phải ho hắt ra. Các cơn ho sẽ xuất hiện dày đặc hơn khi bệnh tiến triển xấu đi, ho có thể kèm theo dịch nhầy có máu do tổn thương đường hô hấp nghiêm trọng.

Ho ra máu

  • Gây viêm đường thở: Khí quản bị tổn thương có thể kèm viêm nhiễm và lây lan tới các tổ chức xung quanh. Bệnh nhân có thể thở khò khè, cò cử liên tục tăng dần.
  • Khối u phát triển lớn sẽ chèn ép ống thực quản, thanh quản, các dây thần kinh và mạch máu ở vùng cổ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác như: Khó nuốt, khàn tiếng, bầm tím cổ, đau đầu,...

Các biến chứng U ác khí quản

Ung thư khí quản cũng giống như các bệnh ung thư khác đều sẽ trải qua nhiều giai đoạn phát triển của bệnh. Tùy thuộc vào mức độ phát triển của khối u và mức độ xâm lấn hay di căn tới các vùng cơ quan khác mà các chuyên gia đã chỉ ra được 5 giai đoạn chính của bệnh ung thư khí quản.

  • Giai đoạn 0: Khối u bắt đầu hình thành tại các lớp tế bào biểu mô tuy nhiên chưa có sự xâm lấn sâu hơn vào các nhóm mô hoặc lây lan sang các tổ chức lân cận.
  • Giai đoạn I: Khối u đã phát triển những kích thước vẫn nhỏ (chỉ dưới 2cm) và đã bắt đầu xâm lấn lớp mô xung quanh. Tuy nhiên, chưa có sự tổn thương tới các hạch bạch huyết lân cận chính vì vậy khả năng chữa trị khỏi trong giai đoạn này rất cao.
  • Giai đoạn II: Khối u đã phát triển hơn nhiều, kích thước có thể lên tới 7cm và chưa có dấu hiệu lây lan tới các hạch bạch huyết lân cận; Hoặc khối u nhỏ hơn 5cm nhưng đã có sự xâm lấn tới các nhóm hạch bạch huyết xung quanh.
  • Giai đoạn III: Khối u đã ăn sâu vào trong thành ống khí quản và xâm lấn nhiều nhóm hạch bạch huyết lân cận. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu di căn ung thư tới các cơ quan khác.
  • Giai đoạn IV: Khối u phát triển một cách mất kiểm soát, xâm lấn các vùng mô và hạch bạch huyết lân cận. Hầu hết các tổ chức, hệ cơ quan lân cận hoặc xa đều có thể bị di căn ung thư thông qua đường máu. Phế quản, phổi và gan là những đối tượng dễ bị lây lan nhất, sau đó sẽ di căn đến não, xương,...

Hầu hết những bệnh nhân được chẩn đoán trước giai đoạn III có thể được điều trị khỏi và tiên lượng sống cao. Trường hợp ung thư khí quản giai đoạn muộn hơn sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mới quyết định được phương pháp điều trị cũng như khả năng sống sót sau điều trị của người bệnh.


Đối tượng nguy cơ U ác khí quản

Một số đối tượng có nguy cơ bị ung thư khí quản cao hơn bình thường:

  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi) có tiền sử hút thuốc lá, mắc bệnh hô hấp mạn tính,...
  • Bệnh nhân từng điều trị ung thư vùng ngực có sử dụng biện pháp xạ trị sẽ có nguy cơ bị ung thư khí quản cao hơn bình thường.
  • Những người có người thân trong gia đình tiền sử bị ung thư.
  • Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Phòng ngừa U ác khí quản

  • Khám bệnh và tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư khí quản cao.
  • Cai thuốc lá
  • Sử dụng các thiết bị bảo vệ đường hô hấp khi làm việc trong môi trường có nhiều khí độc hại từ hóa chất.
  • Khám chữa dứt điểm các bệnh về đường hô hấp.
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe,...

Cai thuốc lá

Tóm tắt các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bị ung thư khí quản:

  • Khó thở
  • Ho (có thể kèm máu)
  • Viêm nhiễm đường hô hấp
  • Khàn tiếng, khó nuốt, đau đầu, đau họng,...

Các biện pháp chẩn đoán U ác khí quản

Tổng hợp những phương pháp có thể được chỉ định thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh nhân ung thư khí quản :

  • Chụp X-quang lồng ngực: Cho thấy hình ảnh cây khí quản bị tổn thương, lượng khí trong phổi bị giảm so với thông thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính vùng ngực: Xác định được vị trí khối u, kích thước và mức độ lây lan tới các tổ chức xung quanh. Kiểm tra tình trạng tổn thương do di căn ung thư tại phổi (nếu có). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não nếu có nghi ngờ di căn ung thư tại não (có thể thực hiện với phương pháp chụp cộng hưởng từ não bộ cũng cho kết quả tương tự).

Siêu âm ổ bụng kiểm tra di căn

Nội soi khí quản: Quan sát trực tiếp được các thương tổn tại ống khí quản, kích thước và vị trí chính xác của khối u. Kết hợp lấy mẫu tế bào mô tổn thương để làm sinh thiết chẩn đoán khối u ác tính hay lành tính.

Bên cạnh các phương pháp chẩn đoán ung thư khí quản thì người bệnh có thể được chỉ định thực hiện thêm các thủ thuật xét nghiệm khác nhằm phân biệt bệnh như: Xét nghiệm tế bào học qua bệnh phẩm và sinh thiết để phân biệt bệnh lao; Chụp CT scan và nội soi khí phế quản để phân biệt bệnh áp xe vùng khì quản; Nội soi khí quản có thể xác định được có khối u thanh quản hoặc ung thư phế quản hay không;...

  • Xạ hình xương: Xác định nguy cơ di căn xương, kiểm tra mức độ tổn thương để đánh giá mức độ tiến triển của ung thư (Đặc biệt chú ý nhóm xương sườn, xương cột sống và xương chậu).
  •  Xạ hình chức năng thận: Đánh giá chức năng thận trước và sau khi điều trị ung thư khí quản.
  • Xét nghiệm tế bào học thông qua bệnh phẩm (dịch rửa phế quản, đờm, tế bào hạch thượng đòn,...) nhằm tìm kiếm tế bào ung thư.
  • Sinh thiết để xác định tế bào ung thư.

Các biện pháp điều trị U ác khí quản

Cũng tương tự như các bệnh ung thư khác thì phương pháp điều trị chủ yếu sẽ nằm trong 3 thủ thuật chính: Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của khối u, tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh và những yêu cầu đặc biệt của người bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp nhất.

Phẫu thuật

Trường hợp khối u mới hình thành và chưa có sự xâm lấn diện rộng sang các tổ chức xung quanh thì phẫu thuật sẽ là phương pháp hàng đầu được các bác sĩ ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp khối u quá lớn, có sự xâm lấn nhiều và nằm tại vị trí không thuận lợi thì sẽ không được chỉ định thực hiện phẫu thuật.

Phương pháp này chủ yếu nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u có trong khí quản, đồng thời loại bỏ các phần mô bị hư hại do tế bào ung thư xâm lấn và đặc biệt chú ý không làm tổn thương các tổ chức lành xung quanh. Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần ống khí quản có khối u thì người bệnh sẽ phải đối mặt với một số rủi ro trong quá trình phục hồi: Cử động cổ khó khăn, có thể ho ra đờm kèm máu do khí quản chưa ổn định, khả năng nói bị ảnh hưởng,... Chính vì vậy, các bài tập vật lý trị liệu cần được bệnh nhân thực hiện nghiêm ngặt sau phẫu thuật nhằm cải thiện tình hình nhanh nhất có thể.

Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u

Xạ trị

Phương pháp xạ trị có thể được thực hiện đơn độc cho bệnh nhân ung thư khí quản không thể thực hiện phẫu thuật hoặc xạ trị hậu phẫu thuật nhằm loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư còn sót.

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ với mục đích nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thủ thuật này cũng không hề ít: Cơ thể mệt mỏi, sạm da, rụng tóc, buồn nôn, chán ăn, đau đầu,... Các triệu chứng khó chịu trong quá trình xạ trị có thể biến mất dần sau đó, mức độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào sức khỏe và cơ địa bệnh nhân.

Hóa trị

Hóa trị là biện pháp sử dụng các loại hóa chất đưa vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể thực hiện độc lập nhưng hầu hết các trường hợp điều trị ung thư đều thực hiện kết hợp với xạ trị hoặc phẫu thuật để có được kết quả cao nhất.


Tài liệu tham khảo:

1. Khối u khí quản: Những điều cần biết | Bệnh viện Vinmec

2. Ung thư khí quản – sát thủ thầm lặng | King Fucoidan

3. Các phương pháp điều trị ung thư khí quản bệnh nhân nên biết | Sức khỏe hàng ngày

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.