Từ điển bệnh lý

U bạch huyết : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07-07-2023

Tổng quan U bạch huyết

U bạch huyết là căn bệnh phổ biến trên lâm sàng, mọi lứa tuổi kể từ trẻ sơ sinh cho tới người già đều có thể xuất hiện các khối u bạch huyết. Tuy nhiên, theo các thống kê từ Bộ y tế cho thấy rằng tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán có khối u bạch huyết đều dưới 2 tuổi chiếm tới 90%, trong đó những trẻ em sơ sinh có u bạch huyết chiếm khoảng 50%. U bạch huyết được chia thành nhiều loại khác nhau phụ thuộc vào vị trí, kích thước mà mỗi loại lại có những triệu chứng đặc trưng.

U bạch huyết ở vị trí cổ

U bạch huyết (hay còn được gọi là u hạch bạch huyết) là một dạng dị tật của hệ thống bạch huyết, các khối u có thể xuất hiện ở bất kì vị trí hạch bạch huyết nào trên cơ thể. Sự hình thành các khối u bạch huyết có thể là do bẩm sinh hoặc do tác động từ bệnh lý, chấn thương,...

Một số trường hợp các khối u bạch huyết có thể phát triển lớn hơn và chèn ép lên các dây thần kinh, mạch máu hoặc thậm chí xâm lấn đường thở,... Chính vì vậy, việc chẩn đoán u bạch hạch từ sớm và lựa chọn phương hướng xử lý phù hợp sẽ tránh được những rủi ro không đáng có sau này.


Nguyên nhân U bạch huyết

Đa số những trường hợp bị u bạch huyết đều xuất hiện ngay từ khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tuy nhiên không phải lúc nào các triệu chứng bệnh cũng biểu hiện rõ ràng ngay từ ban đầu. Trong thời kỳ bào thai, sự tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết chính là nguyên nhân trực tiếp hình thành lên các khối u hạch bạch huyết. Tình trạng tắc nghẽn này xảy ra có thể là do tác động từ nhiều yếu tố, một phần nguyên do đến từ người mẹ như: Uống rượu bia quá nhiều hoặc bị nhiễm virus khi đang mang thai.

  • U nang bạch huyết có thể là hệ quả của các hội chứng rối loạn gen như hội chứng 3 nhiễm sắc thể (13,18,21) và hội chứng Noonan. U nang bạch huyết thường xuất hiện từ rất sớm ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ.

Rối loạn gen cũng là nguyên nhân gây u bạch huyêt

Rối loạn gen cũng là nguyên nhân gây u bạch huyêt

  • Một số nghiên cứu cho thấy rằng có tới 40% số bệnh nhân có khối u bạch huyết dạng nang mắc phải hội chứng Down, hội chứng Turner.
  • Một số trường hợp em bé mới sinh phát hiện có u nang bạch huyết và đã được hút bớt nhưng vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn. Các u nang sẽ liên tục được lấp đầy với chất lỏng và kích thước vùng u nang tổn thương sẽ lan rộng thêm. Chỉ khi thực hiện phẫu thuật điều trị mới có thể loại bỏ hoàn toàn u nang bạch huyết.

Triệu chứng U bạch huyết

Hạch bạch huyết có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên nhưng vị trí cụ thể như sau được xác định là có nguy cơ cao hơn xuất hiện u bạch huyết, đó là: Vùng cổ, sau đầu, phía trước và sau tai, dưới hàm, cằm, mặt, phía trên xương đòn, dưới khuỷu tay, cổ tử cung trước và sau, sau đầu gối, bẹn và nách.

Các vị trí xuất hiện hạch bạch huyết

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng loại u hạch bạch huyết mà dấu hiệu nhận biết cũng sẽ khác nhau. Điển hình là u bạch huyết dạng mao mạch hay phát triển trên bề mặt da, xuất hiện các cụm mụn nhỏ có màu hồng, đỏ hoặc đỏ sẫm. Đối với các khối u bạch huyết dạng hang thường xuất hiện từ khi mới sinh, vị trí hay gặp ở vùng cổ, lưỡi và môi. Các khối u dạng hang sẽ không xuất hiện rõ trên bề mặt da mà chỉ gồ lên một chút.

Hầu hết các khối u bạch huyết không gây đau, đôi lúc đau nhẹ nhưng không quá ảnh hưởng đến người bệnh. Nếu khối u bạch huyết phát triển lớn tại chân hoặc tay có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

Một số triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện khi trẻ có khối u bạch huyết: Trẻ quấy khóc, khó ăn, cơ thể yếu ớt, hít thở khó khăn, chảy máu tại vùng có khối u,... 


Các biến chứng U bạch huyết

Khối u hạch bạch huyết có thể phát triển ngay từ khi thai nhi còn trong bụng người mẹ, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp trẻ mới sinh ra chưa xuất hiện triệu chứng bệnh bởi khối u vẫn đang phát triển âm thầm sâu bên trong các lớp biểu mô. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và định hướng điều trị sớm nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Trong một vài trường hợp u bạch huyết đã phát bệnh ngay từ khi em bé mới chào đời, thậm chí các triệu chứng bệnh còn nghiêm trọng như khó thở, chảy máu nhỏ và rò rỉ dịch bạch huyết,... Nếu trẻ không được kịp thời xử lý có thể sẽ dẫn tới nguy cơ tử vong do khối u to chèn ép đường thở, nhiễm trùng đường hô hấp,...

Một số biến chứng nguy hiểm khác có thể xuất hiện khi trẻ bị u bạch huyết:

  • Viêm mô tế bào tái phát
  • Khó nuốt, rối loạn hô hấp, nhiễm trùng,...

Người bệnh thấy khó nuốt

Người bệnh thấy khó nuốt

  • Chảy máu khu vực hạch phát triển, rò rỉ dịch hạch
  • Nếu trẻ bị u bạch huyết do bị di truyền tế bào nhiễm sắc thể từ người mẹ thì khả năng lần mang thai sau của mẹ bầu cũng có nguy cơ bị u hạch bạch huyết. Gia đình cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để đưa ra giải pháp an toàn và phù hợp nhất.
  • Bệnh nhân được điều trị cắt bỏ các khối u bạch huyết vùng cổ có thể có nguy cơ bị tổn thương các cơ quan lân cận, nhiễm trùng hoặc tái phát bệnh.

Các biện pháp chẩn đoán U bạch huyết

Chẩn đoán u bạch huyết thông thường chỉ cần thông qua thăm khám các triệu chứng lâm sàng có thể xác định được. Tuy nhiên, để phân biệt được loại u hạch bạch huyết hoặc tìm kiếm nhóm hạch bạch huyết nội tạng thì có thể tiến hành thực hiện siêu âm nhằm xác định chính xác vị trí, kích thước và mức độ tổn thương của khối u tới các tổ chức lân cận.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Ngoài ra, các biện pháp xét nghiệm khác thông qua hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp X-quang, nội soi, xạ hình xương,... có thể được thực hiện nhằm kiểm tra các tổn thương có liên quan khi nghi ngờ người bệnh có xuất hiện biến chứng từ u bạch huyết. Một số xét nghiệm tế bào hoặc sinh hóa máu cũng có thể được thực hiện nhằm loại bỏ nguy cơ có khối u ác tính.

 


Các biện pháp điều trị U bạch huyết

Thông thường các khối u bạch huyết xuất hiện không gây ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe bệnh nhân vì vậy không can thiệp điều trị, cho đến khi khối u phát triển quá lớn gây cản trở hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể thì người bệnh mới bắt đầu quan tâm.

U hạch bạch huyết có thể hình thành và phát triển theo các thể khác nhau vì vậy tính chất mỗi khối u lại có đặc điểm riêng biệt. Tùy thuộc vào loại u bạch huyết được chẩn đoán xác định mà các bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp nhất:

  • Điều trị xử lý u bạch huyết dạng mao mạch: Lựa chọn sử dụng phương pháp dẫn lưu dịch bạch huyết hoặc liệu pháp laser hoặc phẫu thuật loại bỏ khối u.
  • Xử lý khối u nang bạch huyết: Phẫu thuật thường được thực hiện nhằm loại bỏ khối u hiệu quả, tuy nhiên đối với trường hợp u nang bạch huyết thì khả năng tái phát bệnh sau phẫu thuật có thể xảy ra. Thực hiện biện pháp tiêm xơ (tiêm trực tiếp thuốc vào nang) được chỉ định ưu tiên cho đối tượng u nang bạch huyết.

Điều trị bệnh càn có sự thăm khám, tư vấn từ bác sĩ 

Tiêm xơ điều trị bạch huyết là như thế nào?

Tiêm xơ xử lý khối u bạch huyết là biện pháp chữa trị mang lại hiệu quả cao, cách thức thực hiện an toàn và đồng thời hạn chế nguy cơ gây tổn thương tới các tổ chức lân cận. Tiêm xơ hay còn được hiểu là phương pháp đưa một lượng thuốc vào trong khối u nhằm mục đích chính là giảm kích thước khối u đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh.

Cơ chế hoạt động của phương pháp tiêm xơ như sau: Tiêm trực tiếp vào các tổn thương nang hạch bạch huyết một số loại thuốc như doxycycline, sulfat tetradecyl hoặc cồn. Tác dụng làm giảm bài tiết các chất dịch lỏng bạch huyết đồng thời khiến các lớp bao bọc khối u dần dần bị phá hủy. Kích thước khối u sẽ giảm dần sau đó bác sĩ có thể lựa chọn phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u bạch huyết.

Chống chỉ định tiêm xơ điều trị u bạch huyết:

  • Bệnh nhân có u nang bạch huyết vùng trung thất hoặc ổ bụng.
  • Bệnh nhi có tiền sử mắc bệnh viêm phổi kẽ, xơ phổi hoặc dị ứng với doxycycline.
  • Bệnh nhi mắc bệnh về máu như rối loạn đông máu.
  • Bệnh nhi có người giám hộ (bố mẹ, người thân) không đồng ý tiến hành điều trị bằng phương pháp này.

Lựa chọn phương pháp tiêm xơ loại bỏ u bạch huyết thường sẽ kết hợp với phẫu thuật chỉnh hình nhằm cải thiện tính thẩm mỹ cho bệnh nhân sau điều trị, đặc biệt đối với các trường hợp bệnh nhân có khối u trên mặt.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.