Bác sĩ: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Chuyên khoa: Hô hấp
Năm kinh nghiệm: 7 năm
U máu đa phần được chẩn đoán là khối u lành tính, bệnh thường xuất hiện từ khi mới sinh ra và có thể thoái triển dần qua nhiều năm. Khối u máu hình thành thực chất là do quá trình tăng sinh máu mất kiểm soát. U máu có thể xuất hiện ở bề mặt da hoặc ở các tổ chức bên trong cơ thể như ruột, gan, cột sống, các cơ quan hô hấp và hệ thống thần kinh trung ương. Tuy nhiên, trường hợp u máu được chẩn đoán ở thể ác tính thường rất hiếm.
U máu là khối u thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh với biểu hiện là những vết bớt có hình dáng như trái dâu nên được gọi là strawberry marks. Tỷ lệ u máu xuất hiện ở trẻ sơ sinh có thể lên tới 10% và thường gặp ở bé gái nhiều hơn ở các bé trai. Mặc dù phát hiện có u máu ở trẻ sơ sinh nhưng không phải lúc nào cũng cần được điều trị bởi khối u sẽ mất dần sau một khoảng thời gian. Trong một vài trường hợp u máu có ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cơ thể bé thì sẽ được chỉ định điều trị nhằm giảm thiểu biến chứng nguy hiểm xảy ra.
U máu đa phần được chẩn đoán là khối u lành tính và thường gặp ở trẻ sơ sinh
Dựa vào cơ chế hình thành khối u sẽ được chia làm 2 loại chính:
- U máu tế bào nội mạc mạch máu: Đây là loại u máu xuất hiện ngay khi trẻ mới chào đời, khối u phát triển khá nhanh và có thể thoái triển khi trẻ đến 5 - 7 tuổi. Sự hình thành u máu là do sự tăng sinh của các tế bào nội mạc và các tế bào lát thành mạch máu tạo thành các ống mạch máu mới. Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao gấp 3 lần so với bé gái.
- U dị dạng mạch máu: Đây là tình trạng u máu do các nhóm động - tĩnh mạch và các bạch mạch bị dị dạng. Tình trạng này thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Bệnh hình thành từ các tế bào nội mạc không tăng sinh và không tạo ra các ống mạch máu mới. Trường hợp trẻ em bị dị dạng mạch máu mà không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe như nhiễm trùng, viêm loét, suy tim, một số vùng bị hoại tử vì không có máu nuôi dưỡng, tắc nghẽn đường thở,...
Dựa vào vị trí hình thành khối u được chia làm 2 loại:
- U máu trên da: Đây là loại u máu thường xuất hiện trước khi em bé ra đời, các mạch máu tích tụ bất thường tại một vùng trên hoặc dưới bề mặt da. Thông thường u máu sẽ xuất hiện ở vùng cổ, mặt hoặc sau tai. Biểu hiện đặc trưng của u máu trên da là những nốt nổi trên bề mặt da có màu đỏ giống như một nốt ruồi son, tuy nhiên kích thước của chúng sẽ tăng dần theo độ tuổi của trẻ. Một số trường hợp các nốt đỏ nhỏ có thể phát triển thành các khối u lớn hoặc các mảng da màu đỏ. U máu trên da thường biểu hiện ở 2 dạng là u máu thể hang và u máu mao mạch.
- U máu nội tạng: Là những khối u máu xuất hiện tại các cơ quan trong cơ thể, hầu hết xuất hiện tại gan. U máu có thể nằm trong gan hoặc trên bề mặt gan. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng u máu trên gan nhạy cảm với nội tiết tố estrogen, vì vậy việc sử dụng thuốc tránh thai trong khi đang mang thai có thể làm tăng kích thước của khối u máu.
Sự hình thành các khối u máu là do nhiều mạch máu tập trung lại một khu vực nhất định đan xen với nhau tạo thành một đám lớn. Nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này chưa được hiểu rõ, tuy nhiên dựa vào các đặc điểm chung của những bệnh nhân từng bị u máu thì các bác sĩ đã chỉ ra rằng có rất nhiều yếu tố có thể tác động làm tăng nguy cơ u máu.
- Người mẹ bị tăng huyết áp trong quá trình mang thai
Người mẹ bị tăng huyết áp trong quá trình mang thai có thể tác động làm tăng nguy cơ u máu ở trẻ sơ sinh
- Mẹ bầu bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn khi mang thai
- Mẹ bầu mang đa thai hoặc mang thai khi tuổi đã ngoài 40
- Trẻ sinh non, nhẹ cân, da trắng,...
- Yếu tố di truyền: Bố hoặc mẹ u máu đã thoái triển nhưng em bé sinh ra lại có tiến triển u máu nặng hơn.
- Rối loạn hormone, rối loạn miễn dịch.
- Tác động của các loại hóa chất động hại tới mẹ bầu hoặc trẻ em mới sinh.
- Trẻ sinh ra có bất thường về mạch máu bẩm sinh.
Các khối máu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể tuy nhiên bề mặt da tại các vùng như đầu, mặt, lưng hay ngực. Ngoài ra, một số trường hợp ít gặp hơn gây ảnh hưởng các cơ quan nội tạng (gan, dạ dày,...) hoặc hô hấp hoặc não bộ. Hầu hết trẻ em bị u máu đều chỉ xuất hiện 1 khối u, trường hợp xuất hiện nhiều hơn 1 khối u được gọi là u máu đa ổ. Nếu người bệnh có khối u máu trên 5 vị trí sẽ có nguy cơ xuất hiện u máu nội tạng.
- Dấu hiệu nhận biết ban đầu của khối u máu trên da: Ban đầu sẽ có dạng vết bớt màu đỏ, u phát triển dàn thành bướu xốp (giống cao su) và có màu đỏ tươi nhô hẳn ra khỏi bề mặt da.
Triệu chứng khối u máu xuất hiện trên da của trẻ
- Trường hợp khối u bị hở do có kích thước lớn hoặc vị trí đặc biệt dễ tổn thương thì nguy cơ chảy máu hay lở loét khá cao.
- Tùy thuộc vào vị trí có khối u mà những triệu chứng bệnh khác có thể xuất hiện. Ví dụ như u máu ở gan hoặc ống tiêu hóa có thể khiến người bệnh luôn có cảm giác buồn nôn, chán ăn, cảm giác bị đầy bụng,...
Hầu hết các bé có u máu đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp trẻ em bị u máu tại những vị trí đặc biệt hoặc khối u quá lớn sẽ làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh, hay thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Một số biến chứng nguy hiểm khi bị u máu:
- Người bệnh bị lác, lão thị sụp mí mắt,... nếu khối u hình thành tại vùng mí mắt hoặc hốc mắt.
- Khối u máu có thể hình thành từ rất sớm trong thai kỳ vì vậy khi em bé được sinh ra thì khối u đã phát triển quá lớn ở tuyến mang tai gây biến dạng khuôn mặt (mặc dù không ảnh hưởng đến các dây thần kinh mặt).
- U máu có thể xuất hiện ở vùng hàm răng nếu không được chẩn đoán và điều trị triệt để thì khả năng cao sẽ bị chảy máu niêm mạc xung quanh 1 răng bị sưng tấy và đau. Việc xử lý sẽ rất khó khăn bởi nếu nhổ chiếc răng đó sẽ khiến máu máu dữ dội, nguy cơ dẫn tới tử vong.
- Trường hợp trẻ sơ sinh bị u máu tại vị trí dưới sụn nắp thanh quản thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như nổi u máu trên da, thở khò khè, khó thở,... tình trạng kéo dài có thể dẫn tới tử vong.
Thông thường, nếu u máu nằm ở vị trí không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh thì có thể bỏ qua các bước xét nghiệm chuyên sâu mà chỉ cần thăm khám lâm sàng là đủ. Trường hợp nghi ngờ về mức độ nguy hiểm của khối u máu thì các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu với mục đích kiểm tra tình trạng thâm nhiễm và biệt hóa của khối u máu: Xác định các yếu tố tăng trưởng beta nguyên bào sợi trong nước tiểu và xác định các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) trong nước tiểu và máu.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm nhằm mục đích: Xác định vị trí u máu trong các cơ quan bên trong cơ thể; Phân biệt các khối u máu với các dạng tổn thương khác như hạch bạch huyết, u nang bạch huyết; Phân biệt khối u máu với các bất thường khác liên quan tới hệ thống mạch máu như tình trạng dị dạng mạch.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định vị trí u máu trong các cơ quan bên trong cơ thể
Trường hợp các khối u máu phát hiện ở bề mặt da, có kích thước tương đối nhỏ và không nằm ở những vị trí nguy hiểm thì không cần thiết đến sự trợ giúp từ nhân viên y tế. Một số khối u có thể biến mất dần theo thời gian hoặc phát triển lớn hơn, chính vì vậy các em bé có khối u máu cần được bố mẹ chú ý theo dõi. Trường hợp khối u gây ra biến chứng nứt nẻ, chảy máu hoặc lở loét nhiễm trùng thì người bệnh sẽ được chỉ định điều trị loại bỏ khối u để tránh tổn thương rộng hơn tới các cơ quan, tổ chức xung quanh.
Điều trị các khối u máu sẽ được thực hiện chủ yếu với thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Nếu người bệnh có những khối u máu với kích thước lớn gây mất thẩm mỹ hoặc hình thành tại những vị trí đặc biệt như hàm trên hoặc hàm dưới, xung quanh mắt,... thì phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định nhằm loại bỏ khối u.
Sử dụng steroid đường uống:
- Phương pháp này dễ dàng thực hiện tuy nhiên hiệu quả điều trị chỉ đạt mức 30%, người bệnh có thể phải kết hợp thêm với 1 phương pháp điều trị khác nữa.
- Steroid sẽ được chỉ định dùng trong 4 tuần với liều dùng 2 mg/kg/ngày.
- Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như nấm miệng, chậm phát triển tinh thần, tăng huyết áp, đái tháo đường,...
Tiêm xơ điều trị u máu:
- Phương pháp này có độ hiệu quả cao nhưng cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm. Thông thường bác sĩ sẽ tiến hành tiêm xơ Scleremo hoặc Trombovard 1%, 3% tại các vị trí đặc biệt như vùng mặt, cổ, đầu.
- Thuốc interferon 2b (Heberon) có thể được sử dụng điều trị u máu cho trẻ em từ 1.5 tháng tuổi cho đến 14 tuổi. Trong đó, đối tượng từ 1 - 5 tuổi đạt tỉ lệ thoái triển u máu cao hơn.
- Liều dùng: 3 triệu UI/ngày, pha thuốc với 1ml nước cất, thực hiện tiêm dưới da mỗi ngày trong vòng 6 tháng.
- Tác dụng không mong muốn: Nôn, sốt 1 - 2 ngày đầu, chán ăn, mệt mỏi,...
Phẫu thuật loại bỏ khối u máu: Nhằm loại bỏ các khối u máu do nằm tại vị trí đặc biệt, loại bỏ nguy cơ biến chứng nặng có thể xảy ra. Ngoài ra, những trường hợp u máu đã bị teo nhỏ lại (thoái triển) nhưng vẫn để lại tổn thương gây mất thẩm mỹ cũng sẽ được tư vấn phẫu thuật chỉnh sửa.
Phẫu thuật loại bỏ khối u máu
Liệu pháp laser: Nhằm cải thiện làn da sau khi các khối u đã teo đi nhưng lại gây ra tình trạng giãn mạch hoặc giúp giảm đau cho người bệnh đang bị tổn thương viêm loét.
Ngoài ra, để điều trị các khối u dị dạng mạch máu có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp phương pháp nút mạch, liệu pháp laser, phẫu thuật.
Trong giai đoạn khối u máu hình thành thì lớp da tại vị trí khối u sẽ bị căng vì vậy nếu khối u nằm ở vị trí đặc biệt như môi, đường tiết niệu sinh dục,... thì có thể sẽ bị chảy máu và viêm loét. Chính vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân cần được chú ý đặc biệt đến vấn đề vệ sinh, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân u máu như sau:
- Luôn giữ độ ẩm nhất định cho những vùng da xung quanh khối u máu nhằm giảm thiểu nguy cơ nứt nẻ chảy máu. Có thể sử dụng thuốc mỡ hoặc các loại thuốc bôi da không gây kích ứng (ví dụ như: Pomat, Ointment, Aquaphor,...).
- Các vết thương tổn do bị chảy máu cần được làm sạch bằng nước và xà phòng diệt khuẩn.
- Có thể sử dụng các loại kháng sinh bôi tại chỗ để tránh nhiễm trùng da.
- Nếu có dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các triệu chứng viêm loét tại khối u cần phải báo ngay cho bác sĩ.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!