Từ điển bệnh lý
Ung thư phế quản phổi nguyên phát : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Ung thư phế quản có thể bắt nguồn từ tình trạng di căn ung thư từ các tổ chức bên ngoài phổi hoặc xuất hiện từ trong phổi (ung thư phế quản phổi nguyên phát). Cụ thể hơn thì bệnh ung thư phế quản phổi nguyên phát là các trường hợp xuất hiện khối u ác tính tại phế quản hay tiểu phế quản, các tế bào nhỏ hoặc không phải tế bào nhỏ (biểu mô tế bào lớn, biểu mô tuyến và biểu mô tế bào vảy).
Ung thư phế quản có thể bắt nguồn từ tình trạng di căn ung thư từ các tổ chức bên ngoài phổi hoặc xuất hiện từ trong phổi
Tỉ lệ ung thư phế quản phổi nguyên phát hiện nay đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt tỉ lệ tử vong ở nam giới do ung thư phế quản phổi nguyên phát là cao nhất trong các căn bệnh ung thư. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng báo động này một phần là do việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên việc điều trị rất khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen hút thuốc lào, thuốc lá của người bệnh càng làm tăng nhanh sự phát triển của khối u phế quản.
Nguyên nhân Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Khối u được hình thành từ việc phát triển và nhân lên mất kiểm soát của các tế bào đột biến gen. Các tế bào ung thư nếu không được xử lý kịp thời sẽ nhanh chóng xâm lấn sang toàn bộ những tổ chức xung quanh gây tổn thương nghiêm trọng.
Nguyên nhân xuất hiện các khối u ác tính thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố tác động lên trong một khoảng thời gian nhất định. Trường hợp bệnh nhân ung thư phế quản phổi nguyên phát có thể là do một số nguyên nhân ung thư điển hình sau đây:
- Hút thuốc lá: Thuốc lá là một chế phẩm chứa hàng nghìn chất hóa học độc hại có thể gây ra rất nhiều căn bệnh quái ác, đặc biệt là những bệnh lý về đường hô hấp. Ung thư phế quản phổi nguyên phát là một trong những căn bệnh điển hình do việc hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thường xuyên. Theo thống kê, có tới hơn 90% trường hợp bệnh nhân bị ung thư phế quản phổi đều có tiền sử hút thuốc lá, thậm chí nghiện thuốc lá.
Thuốc lá là một chế phẩm chứa hàng nghìn chất hóa học độc hại có thể gây ra rất nhiều căn bệnh quái ác
- Khí radon: Đây là một loại khí phóng xạ độc hại có thể xuyên qua đất hay thậm chí các tòa nhà để xâm nhập vào cơ thể con người gây bệnh. Loại khí này không có màu và không có mùi vì vậy rất khó phát hiện có tiếp xúc hay không. Nguy cơ hình thành ung thư phổi từ khí radon được cho là lớn hơn nhiều so với khói thuốc lá.
- Ngoài hai nguyên nhân chính được kể trên thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phế quản phổi nguyên phát cũng có thể là do: Tiếp xúc với một số hóa chất độc hại khác (Asen, Amiăng, Cadmium, niken, crom, urani,...), khói bụi môi trường, tiếp xúc với thạch tín hàm lượng cao, di truyền,...
Ung thư phế quản phổi hoàn toàn có thể phát hiện sớm được nếu như người bệnh thực hiện thăm khám bệnh định kỳ kiểm tra tầm soát ung thư, đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như:
- Người cao tuổi trên 65.
- Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Những người có thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá do người thân, đồng nghiệp.
- Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với rất nhiều khí hóa học độc hại.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính tại phổi.
- Đối tượng có người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư phế quản phổi hoặc các bệnh ung thư khác.
Triệu chứng Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Ở giai đoạn đầu, khối u mới hình thành và chưa có dấu hiệu xâm lấn diện rộng cho nên hầu như các triệu chứng bất thường của bệnh không được chú ý. Các trường hợp người bệnh tìm tới cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh đều đã tiến triển tới giai đoạn giữa hoặc giai đoạn muộn rất khó để điều trị. Nguyên nhân chủ yếu là do các triệu chứng bệnh xuất hiện không rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các căn bệnh ho thông thường.
Tổng hợp các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân ung thư phế quản phổi nguyên phát như sau:
- Ho: Các cơn ho ban đầu chỉ xuất hiện thoáng qua và không có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tình trạng ho không có dấu hiệu thuyên giảm mà thậm chí gia tăng và kèm theo những cơn đau tức ngực khó chịu. Một vài trường hợp người bệnh ho cả ra máu kèm dịch nhầy (phế quản và các tổ chức xung quanh đã bị tổn thương nghiêm trọng).
Một vài trường hợp người bệnh ho cả ra máu kèm dịch nhầy
- Tình trạng viêm nhiễm đường thở gia tăng: Chính bởi tổn thương từ khối u phế quản đã mang theo các thương tổn dễ gây viêm cho vùng phế quản, phổi và các cơ quan trong đường hô hấp.
- Khó thở: Người bệnh thở khò khè, khó hít thở sâu, thậm chí bị đau tức ngực khi cố gắng thở hoặc ho.
- Khàn tiếng do thanh quản bị ảnh hưởng.
- Trong trường hợp ung thư phế quản phổi đã tiến triển nặng tế bào ung thư đã di căn đến cơ quan khác. Các triệu chứng mà người bệnh có thể bắt gặp là: Đau nhức lưng hoặc hông, đau đầu, chóng mặt hoặc co giật, tay chân bị tê cứng, vàng da vàng mắt, giảm cân không rõ nguyên nhân, các nhóm hạch bạch huyết bị phì đại,...
Các biến chứng Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh thì cần phải xác định được giai đoạn phát triển của ung thư. Bệnh nhân ung thư phế quản phổi nguyên phát có thể sẽ trải qua các giai đoạn chính như sau:
Tùy theo tình trạng mà có phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh
- Giai đoạn 0: Khối u bắt đầu hình thành trên các tế bào biểu mô của phế quản, chưa có dấu hiệu xâm lấn các tổ chức xung quanh và không có di căn ung thư.
- Giai đoạn I: Kích thước khối u đã phát triển lớn hơn (khoảng 3cm), có dấu hiệu lan tới màng phổi hoặc gây viêm phổi nghẽn một bên hoặc làm xẹp phổi một bên. Tuy vậy, chưa có dấu hiệu di căn hạch hoặc di căn ung thư.
- Giai đoạn II: Tương tự như giai đoạn I, nhưng đã có dấu hiệu di căn hạch tại vùng rốn phổi và xung quanh phế quản, chưa có dấu hiệu di căn ung thư xa.
- Giai đoạn IIIa: Khối u bắt đầu xâm lấn thành ngực (hoặc màng phổi trung thất, màng ngoài tim, cơ hoành), có xuất hiện di căn hạch tại phế quản, rốn phổi, vùng trung thất cùng bên,... chưa có di căn ung thư xa.
- Giai đoạn IIIb: Đã có dấu hiệu di căn hạch cả hai bên tại trung thất, rốn phổi, cơ hoành,... Khối u đã xâm lấn tới trung thất (hoặc tim, khí quản, thực quản, cựa phế quản, cột sống, các mạch máu lớn,...). Chưa có dấu hiệu di căn ung thư vùng xa.
- Giai đoạn IV: Ngoài các tổn thương giống giai đoạn IIIb thì ung thư đã di căn tới vùng thượng thận, gan, não, xương.
Phòng ngừa Ung thư phế quản phổi nguyên phát
- Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phế quản phổi cao hơn bình thường cần phải thực hiện khám bệnh và tầm soát ung thư định kỳ.
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
- Luôn sử dụng đúng cách các thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.
- Khám và điều trị dứt điểm các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh về phổi.
- Lựa chọn chế độ ăn uống khoa học, bổ sung hàm lượng rau củ quả xanh nhằm tăng cường miễn dịch.
- Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.
Các biện pháp chẩn đoán Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Người bệnh sau khi được khám lâm sàng cho kết quả nghi ngờ ung thư phế quản phổi nguyên phát sẽ được thực hiện chẩn đoán xác định thông qua các phương pháp sau:
- Chụp X-quang lồng ngực nhằm phát hiện các nhóm tổn thương tại phổi.
Chụp X-quang lồng ngực nhằm phát hiện các nhóm tổn thương tại phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Xác định vị trí, kích thước và hình dáng khối u, đồng thời lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp để chẩn đoán xác định bệnh, loại tế bào gây bệnh cũng như đánh giá mức độ xâm lấn của khối u.
- Siêu âm ổ bụng hoặc chụp cắt lớp vi tình vùng bụng: Kiểm tra di căn tại các cơ quan lân cận như gan, thận và nhóm di căn hạch ổ bụng.
- Chụp PET-CT: Kiểm tra di căn ung thư xa ngoài não bộ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) não hoặc xạ hình xương: Kiểm tra nguy cơ di căn ung thư não và xương từ đó đánh giá được mức độ di căn của khối u.
- Nội soi phế quản: Phương pháp này được thực hiện khi có nghi ngờ xuất hiện khối u tại trung tâm, xác định tổn thương từ khối u đồng thời lấy mẫu sinh thiết.
- Sinh thiết lấy bệnh phẩm làm mô bệnh học: Chẩn đoán xác định ung thư đồng thời kiểm tra được thể mô bệnh học, độc mô học nhằm tiến hành lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bệnh phẩm sẽ được lấy từ mẫu sinh thiết khối u hoặc các tổn thương từ di căn ung thư (tổn thương não, gan, hạch thượng đòn, tuyến thượng thận,...).
Sau khi có kết quả từ các xét nghiệm để chẩn đoán xác định ung thư phế quản phổi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm khác nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân phù hợp với phương pháp điều trị như thế nào, đánh giá mức độ an toàn sau điều trị, tiên lượng sống cao hay thấp,...
Một số xét nghiệm khác thực hiện sau xét nghiệm xác định ung thư:
- Công nghệ gen
- Chất chỉ điểm khối u
- Đo chức năng hô hấp
- Sinh hóa máu và các xét nghiệm huyết học khác.
Các biện pháp điều trị Ung thư phế quản phổi nguyên phát
Để tiến hành điều trị ung thư phế quản phổi nguyên phát, các bác sĩ cần phải tuân thủ 3 yếu tố căn bản như sau:
- Xác định giai đoạn phát triển của ung thư.
- Kiểm tra tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh như cơ địa, các bệnh lý nền, triệu chứng bất thường,... Từ đó đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp kèm theo mức độ thành công và rủi ro của từng phương pháp.
- Lắng nghe nhu cầu, yêu cầu đặc biệt về việc lựa chọn phương pháp điều trị của người bệnh.
Sau khi các bác sĩ cùng người bệnh (người thân bệnh nhân) thống nhất phương án điều trị phù hợp nhất thì người bệnh sẽ được tiến hành điều trị sớm nhất có thể, giảm nguy cơ ung thư tiến triển. Bác sĩ có thể lựa chọn độc lập một phương pháp điều trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp đồng thời để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ phát triển của khối u và sự xâm lấn tới các tổ chức xung quanh mà phẫu thuật sẽ được thực hiện với cách thức khác nhau. Trường hợp khối u mới hình thành chưa quá lớn và mức độ xâm lấn chưa nhiều thì việc phẫu thuật loại bỏ khối u khá đơn giản. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người bệnh được chỉ định phải cắt toàn bộ một bên phổi mới có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.
Phẫu thuật điều trị ung thư phế quản có thể được thực hiện: Chỉ cắt bỏ khối u và các lớp mô bị tổn thương xung quanh, cắt bỏ toàn bộ một bên thùy phổi hoặc cắt bỏ hoàn toàn một lá phổi đã bị hư nặng. Đồng thời, các nhóm hạch bạch huyết lân cận cũng cần được cắt bỏ để tìm kiếm tế bào ung thư.
phẫu thuật sẽ được thực hiện với cách thức khác nhau
Xạ trị và hóa trị
Xạ trị là việc sử dụng các chùm tia phóng xạ nhắm vào các tế bào ung thư để tiêu diệt tận gốc. Hóa trị là biện pháp sử dụng chất hóa học đưa vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư tại diện rộng. Cả hai phương pháp này hầu như được thực hiện độc lập khi người bệnh không có khả năng thực hiện phẫu thuật (Tình trạng sức khỏe, giai đoạn ung thư muộn hoặc yêu cầu cá nhân của bệnh nhân).
Phương pháp hóa trị và xạ trị có thể thực hiện độc lập hoặc kết hợp với nhau hoặc kết hợp với phẫu thuật để có được kết quả điều trị cao nhất. Hóa trị thường được sử dụng trước hoặc cùng lúc với xạ trị và phẫu thuật nhằm làm giảm kích thước khối u và ngăn chặn sự xâm lấn. Xạ trị thường được thực hiện song song với hóa trị hoặc điều trị hậu phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.
Điều trị đích hoặc liệu pháp miễn dịch
Hai phương pháp này không phổ biến tại Việt Nam bởi chi phí điều trị cao nhưng hiệu quả điều trị chưa được kiểm chứng nhiều. Sử dụng thuốc đặc hiệu tiêu diệt các nhóm gen đột biến trong cơ thể (Phương pháp điều trị đích) hoặc sử dụng liệu pháp thay đổi hệ miễn dịch trong cơ thể nhằm sản sinh các kháng thể tự tiêu diệt tế bào ung thư (Liệu pháp miễn dịch).
Ung thư phế quản phổi nguyên phát: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị | Hệ thống Vinmec
Dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng, chẩn đoán ung thư phế quản phổi | Bệnh viện K
Bệnh học ung thư phế quản phổi | Điều trị
Nguyên nhân và biểu hiện cảu ung thư phế quản phổi | Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa u phổi
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!