Bác sĩ: ThS. BSNT Trịnh Thị Nga
Chuyên khoa: Chuyên khoa Cơ xương khớp
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Gân là cấu trúc giúp các cơ bám vào xương, thực hiện chức năng vận động của cơ thể. Đây là một cấu trúc rất dẻo, dai và có dạng sợi, chịu lực tốt. Tuy gân rất chắc khỏe nhưng nó mềm hơn xương nên được xếp vào mô mềm. Viêm gân được định nghĩa là tình trạng viêm hoặc kích ứng của gân dẫn đến tình trạng phù nề, đau và hạn chế vận động các cơ, động tác tương ứng. Mặc dù viêm gân có thể xảy ra ở bất kỳ gân nào trên cơ thể, nhưng nó thường gặp nhất ở vai, khuỷu tay, cổ tay, đầu gối, gót chân và gan bàn chân.
Gân là cấu trúc giúp các cơ bám vào xương, thực hiện chức năng vận động của cơ thể.
Tùy từng gân cụ thể mà yếu tố dịch tễ có thể khác nhau. Nhìn chung, viêm gân thường gặp hơn ở nữ giới, người cao tuổi, người lao động nặng,…
Căn nguyên của bệnh viêm gân chưa được tìm hiểu đầy đủ. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng một chấn thương (có thể lớn hoặc nhỏ mà đôi khi người bệnh không nhận biết thấy) gây ra tổn thương gân và tình trạng viêm cấp tính sẽ khiến người bệnh đau đớn, khó chịu và hạn chế vận động. Chấn thương gân có thể là tác nhân gây căng thẳng cơ học, quá tải lặp đi lặp lại hoặc hóa chất độc hại. Bên cạnh đó, các bệnh lý viêm hệ thống như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp... cũng có tình trạng viêm gân do các chất hóa học gây viêm đến làm tổn thương gân.
Tình trạng viêm gân xảy ra qua ba giai đoạn, trong thực tế, nó xảy ra trên một chuỗi liên tục. Giai đoạn một bắt đầu khi gân bị tác động, căng thẳng hoặc chấn thương ban đầu. Điều này có thể là do quá tải cấp tính, căng thẳng lặp đi lặp lại hoặc kích ứng hóa học bởi các tác nhân như fluoroquinolones, chất gây viêm hệ thống. Ở giai đoạn 2, sự chữa lành của gân không thành công, từ đó dẫn đến giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, các tế bào viêm xâm nhập tổ chức gân tổn thương, gây phù nề, tiết dịch, tăng sinh mạch máu, khiến người bệnh có biểu hiện đau, hạn chế vận động. Nếu không điều trị kịp thời, các tổn thương viêm này lặp đi lặp lại có thể gây xơ hóa, viêm mạn tính.
Những bệnh nhân bị viêm gân thường đau ở vị trí tương ứng gân viêm. Đau tăng khi thực hiện các động tác liên quan, giảm khi nghỉ ngơi. Vị trí tại chỗ có thể sưng nề nhẹ, không nóng đỏ, ấn thường có điểm đau chói tại gân viêm. Các động tác tương ứng bị chi phối bởi gân viêm thường bị hạn chế.
Những bệnh nhân bị viêm gân thường đau ở vị trí tương ứng gân viêm.
Khi nghi ngờ viêm gân, BS cần khai thác thêm các yếu tố nguy cơ, tiền sử chấn thương… để hướng dẫn sinh hoạt vận động cho người bệnh thích hợp, tránh tái phát về sau. Đặc biệt. một số người bệnh có biểu hiện viêm gân như một triệu chứng chỉ điểm cho các bệnh lý khác như viêm cột sống dính khớp, viêm ruột… nên cần chú ý thêm các dấu hiệu như: đau lưng, rối loạn đại tiện, sốt, gầy sút cân, nổi ban…
Tuy căn nguyên viêm gân chưa được đánh giá đầy đủ, song có một số yếu tố gây viêm gân và bệnh gân mạn tính, bao gồm:
Các yếu tố bên ngoài
- Tải trọng cơ học lặp đi lặp lại
- Tăng thời lượng vận động đột ngột
- Tăng tần suất vận động đột ngột
- Tăng cường độ vận động đột ngột
- Sai kỹ thuật
- Thiết bị hỗ trợ không phù hợp
- Giày dép không phù hợp (giày cứng, chật, giày quá rộng, không dùng giày thể thao khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao....)
- Bề mặt chạy không tốt (gồ ghề, nhiều chướng ngại vật...)
Các yếu tố bên trong
- Yếu tố giải phẫu: bất thường giải phẫu gân cơ, teo cơ, yếu cơ, mất thăng bằng...
- Yếu tố liên quan đến tuổi tác: thoái hóa gân, giảm khả năng tự hồi phục gân cơ, xơ hóa gân, xơ hóa mạch máu,...
- Yếu tố toàn thân: Các bệnh lý viêm khớp, sử dụng thuốc kháng sinh nhóm quinolon, viêm gân mạn tính...
Người bệnh cần tránh các hoạt động gắng sức, các động tác kéo dài, lặp đi lặp lại. Cần có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn cũng như các động tác làm việc thoải mái, phù hợp với công việc.
Hoạt động vừa sức; tránh va đập, chấn thương; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, duy trì cân nặng phù hợp là nguyên tắc cơ bản để dự phòng viêm gân.
Hoạt động vừa sức; tránh va đập, chấn thương
Chẩn đoán viêm gân chủ yếu dựa vào khám lâm sàng của bác sĩ. Có thể củng cố thêm bằng siêu âm, xét nghiệm máu. Các phương pháp khác có giá trị loại trừ các chẩn đoán ngoài viêm gân.
Xét nghiệm
- Chỉ số viêm: CRP, máu lắng có thể tăng trong viêm gân do bệnh lý viêm khớp gây ra.
- Các xét nghiệm cơ bản: Đánh giá bệnh lý kèm theo.
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp quan trọng nhất trong chẩn đoán viêm gân. Siêu âm giúp đánh giá tổn thương gân tốt, có thể đánh giá mức độ viêm và dự đoán nguy cơ đứt gân. Hình ảnh thường gặp của viêm gân trên siêu âm và giảm âm, tăng kích thước. Ngoài ra, siêu âm còn là phương tiện hướng dẫn tiêm tại chỗ.
- Cộng hưởng từ: Cộng hưởng từ là phương pháp chụp hiện đại, đánh giá tốt nhất về tổn thương phần mềm. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém, không sẵn có nên ít được chỉ định. Cần cân nhắc chụp cộng hưởng từ khi tổn thương không rõ ràng, nghi ngờ có các tổn thương khác kèm theo (đặc biệt ở bệnh nhân viêm quanh khớp vai) hoặc cần loại trừ các tổn thương u,…
Cộng hưởng từ là phương pháp chụp hiện đại, đánh giá tốt nhất về tổn thương phần mềm
- Xquang và cắt lớp vi tính: Để loại trừ tổn thương xương khi người bệnh có đau tại một vị trí.
Chẩn đoán phân biệt
- Hội chứng khoang
- Chấn thương khớp
- Viêm bao hoạt dịch
- Chèn ép thần kinh
- Gút, giả gút
- Nhiễm khuẩn phần mềm
- Viêm khớp phản ứng
- Viêm khớp dạng thấp
Điều trị không dùng thuốc
Các khuyến nghị về điều trị và tự chăm sóc cho bệnh viêm gân bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Các bệnh nhân viêm gân cần được nghỉ ngơi để gân giảm viêm và phục hồi. Với những người bệnh có công việc lặp đi lặp lại, nên nghỉ một phút sau mỗi 15 phút làm việc và nghỉ năm phút sau mỗi 20 - 30 phút làm việc. Mức giảm này không nhiều nếu xét đến vai trò của nó trong việc ngăn ngừa đau đớn và tàn tật lâu dài. Một số người sẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn khi bắt đầu điều trị. Bệnh nhân nên được khuyến cáo để ý thức về cơ thể của họ. Nếu người bệnh thâm gia một hoạt động nào đó mà họ cảm thấy đau đớn thì có lẽ họ đang vận động quá sức, cần giảm cường độ và thời gian vận động.
Các bệnh nhân viêm gân cần được nghỉ ngơi để gân giảm viêm và phục hồi
- Điều chỉnh các động tác cho phù hợp. Những thay đổi nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Ví dụ, liên quan đến lực tác động khi làm việc, nhân viên thu ngân được khuyến khích nhấn các phím thanh ghi càng nhẹ càng tốt và người sử dụng máy tính nên đảm bảo cổ tay của họ được đặt ở vị trí trung lập trong khi gõ. Các công ty lớn hơn và các tổ chức chính phủ thường có một chuyên gia sức khỏe nghề nghiệp sẵn sàng tư vấn cho nhân viên về các hoạt động của họ khi làm việc hàng ngày.
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Các trường hợp viêm gân nặng, có thể cân nhắc sử dụng nẹp, nạng để giảm tải cho gân cơ khi thực hiện các động tác.
- Kéo giãn cơ, vận động nhẹ nhàng, thận trọng: Giãn cơ và di chuyển nhẹ các gân viêm trong phạm vi chuyển động tự nhiên của nó sẽ giúp giảm đau, ngăn chặn tình trạng ảnh hưởng đến các vùng lân cận. Nó giúp duy trì phạm vi chuyển động tích cực, đảm bảo tính linh hoạt.
- Chườm lạnh: Nước đá gây co mạch và được cho là giải quyết sự tăng sinh mạch bất thường của mô gân khi bị viêm. Kinh nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng chườm lạnh rất hữu ích cho bệnh lý về gân mặc dù lý do tại sao vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Chườm lạnh trong 15 - 20 phút nhiều lần mỗi ngày (cho phép ít nhất 45 phút giữa các lần chườm lạnh) và sau khi tham gia các hoạt động rất có lợi cho gân.
- Massage: Massage giúp kích thích tuần hoàn và hoạt động của tế bào, đặc biệt khi được thực hiện ở độ sâu thích hợp, từ đó làm nguyên bào sợi và tạo ra collagen mới. Stasinopoulos và Johnson báo cáo rằng áp dụng massage sâu vào gân ít nhất mười phút sau khi vận động mạnh đã đạt được kết quả làm giảm đau, tăng sức mạnh và tăng khả năng vận động. Một loạt các kỹ thuật xoa bóp có thể làm giảm các tín hiệu đau do hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm, tăng cường tuần hoàn và cải thiện sức khỏe tổng thể của mô.
- Dinh dưỡng: Vitamin C, mangan và kẽm đều quan trọng đối với quá trình tổng hợp sản xuất collagen. Vitamin B6 và Vitamin E cũng có liên quan đến sức khỏe của gân. Khi bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trên, người bệnh sẽ có khả năng phục hồi gân tốt hơn.
Mặc dù tổn thương tế bào trong viêm gân khó có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng các phương pháp điều trị và khuyến nghị tự chăm sóc này có thể làm tăng sức mạnh của gân bằng cách ngừng tổn thương, tăng sinh collagen, giải quyết các thay đổi mạch máu quá mức, giảm tăng sinh và xơ hóa chất nền. Điều trị phù hợp với chứng viêm gân sẽ giúp loại bỏ hoặc giảm đáng kể cơn đau, tăng phạm vi vận động, tăng cường sức mạnh và đưa bệnh nhân trở lại các hoạt động hàng ngày bình thường và không bị đau cũng như giúp người bệnh dự phòng những đợt viêm tái phát về sau.
Điều trị dùng thuốc
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Đây là loại thuốc phổ biến, giúp giảm tình trạng viêm, giảm đau cho người bệnh. Thuốc có hiệu quả tốt ở giai đoạn viêm gân cấp tính, hiệu quả kém hơn khi viêm gân mạn tính. Khi sử dụng nhóm thuốc này cần thận trọng ở người cao tuổi, người có tiền sử bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa.
- Corticoid: Corticoid tiêm tại chỗ là một phương pháp có hiệu quả trong đợt viêm gân cấp. Thuốc giúp giảm viêm tại chỗ, song không nên lạm dụng tiêm nhiều lần.
- Huyết tương giàu tiểu cầu: Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một can thiệp đầy hứa hẹn cho các tổn thương viêm gân. Schnabel và cộng sự đã chỉ ra rằng các gân được nuôi cấy trong môi trường huyết tương giàu tiểu cầu có khả năng phục hồi tốt. Huyết tương giàu tiểu cầu giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm viêm phần mềm.
- Thuốc ức chế enzyme metalloproteinase: Thuốc ức chế enzyme metalloproteinase là một biện pháp can thiệp gần đây khác đối với chứng viêm gân. Enzyme metalloproteinase là chất tham gia vào quá trình tái cấu trúc chất nền ngoại bào của các mô liên kết. Sự gia tăng hoạt động của chúng trong gây ra sự suy thoái gân được cho là góp phần vào sự phát triển của bệnh viêm gân. Các chất ức chế metalloproteinase nhằm mục đích làm giảm hoạt động của enzym nhằm ngăn ngừa tổn thương viêm tiến triển.
Phẫu thuật
Được chỉ định ở các trường hợp điều trị nội khoa không cải thiện. Phẫu thuật giúp phải phóng gân, loại bỏ bao xơ, khắc phục các tổn thương khác kèm theo.
Tiên lượng
Các gân chậm lành vì chúng có nguồn cung cấp mạch máu hạn chế. Việc chữa lành chứng viêm gân có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng, nhưng liệu pháp, nghỉ ngơi và dùng thuốc có thể thúc đầy quá trình này nhanh hơn. Bệnh viêm gân không ảnh hưởng đến tuổi thọ, song nó gây ra tình trạng hạn chế vận động, đau đớn, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Viêm gân nếu không được điều trị thích hợp có thể gây các biến chứng sau:
- Rách gân
- Xơ hóa gân
- Teo cơ
- Mất chức năng vận động.
1. Lädermann A, Cunningham G, Chagué S, Charbonnier C. Sexual Activities as Risk Factors of Rotator Cuff Lesions: A Prospective Cohort Study. Sex Disabil. 2018;36(4):305-311.
2. Le ADK, Enweze L, DeBaun MR, Dragoo JL. Current Clinical Recommendations for Use of Platelet-Rich Plasma. Curr Rev Musculoskelet Med. 2018 Dec;11(4):624-634.
3. Aicale R, Bisaccia RD, Oliviero A, Oliva F, Maffulli N. Current pharmacological approaches to the treatment of tendinopathy. Expert Opin Pharmacother. 2020 Aug;21(12):1467-1477.
4. Arnoczky SP, Lavagnino M, Egerbacher M. The mechanobiological aetiopathogenesis of tendinopathy: is it the over-stimulation or the under-stimulation of tendon cells? Int J Exp Pathol. 2007;88:217-226
5. Brown R, Orchard J, Kinchington M, et al. Aprotinin in the management of Achilles tendinopathy: a randomised controlled trial. Br J Sports Med. 2006;40:275-279
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!