Bác sĩ: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chuyên khoa: Truyền nhiễm
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Viêm kết mạc là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp. Các nguyên nhân gây viêm kết mạc bao gồm nhiễm trùng (do vi khuẩn, virus), không do nhiễm trùng (dị ứng,…). Trong căn nguyên nhiễm trùng, virus là căn nguyên hay gặp, dễ lây lan từ người bệnh sang người lành; căn nguyên virus hay gặp là Adenovirus, herpes simplex, varicella zoster, virus sởi,… Bệnh thường diễn biến cấp tính và lành tính, có thể tự giới hạn.
Viêm kết mạc do virus
Chẩn đoán bệnh thường dựa vào đặc điểm lâm sàng kết mạc viêm, xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên chỉ định trong một số trường hợp.
Các biện pháp điều trị chính chủ yếu là điều trị hỗ trợ và giảm các triệu chứng, liệu pháp kháng virus tại chỗ hay toàn thân không được khuyến cáo. Đa số các căn nguyên virus chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, do đó hạn chế tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh là biện pháp phòng bệnh quan trọng.
Adenovirus là nguyên nhân hay gặp nhất gây viêm kết mạc
Là nguyên nhân hay gặp nhất (chiếm khoảng 90%) trong các căn nguyên gây bệnh viêm kết mạc do virus, thuộc họ Adenoviridae, có khoảng hơn 60 type huyết thanh. Virus có cấu trúc bộ gen là DNA sợi kép, khoảng 35 kb. Virus phân bố trên toàn thế giới và có thể gây bệnh quanh năm. Các nhiễm trùng có thể gặp là viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,…), viêm kết mạc, nhiễm trùng tiêu hóa, nhiễm trùng thần kinh trung ương,… Trong đó các type D8, 19 và 37 thường hay gặp trong viêm kết mạc thành dịch, có thể gây bệnh tối cấp và nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng.
Là căn nguyên trong khoảng 1,3 - 4,8% các trường hợp viêm kết mạc do virus. Virus thuộc họ Herpesviridae, có bộ gen là DNA, gồm HSV-1 và HSV-2, gây nhiễm trùng nhiều cơ quan như da và niêm mạc, sinh dục, thần kinh trung ương,…
Được cho là tác nhân gây viêm kết mạc xuất huyết.
Biểu hiện lâm sàng cấp tính. Người bệnh thường xuất hiện đột ngột các triệu chứng như:
- Cảm giác trong mắt có dị vật, kết mạc mắt đỏ, cảm giác ngứa, khi có ánh sang chói, mạnh tăng tính nhạy cảm, cảm giác bỏng rát vùng mắt, cộm mắt,kèm theo chảy nước mắt. Người bệnh thường ít khi bị thay đổi nhiều về thị lực, khi nhiễm trùng không được kiểm soát có thể dẫn đến viêm giác mạc, làm giảm thị lực, nhìn mờ, nhìn đôi.
Cảm giác trong mắt có dị vật, kết mạc mắt đỏ, cảm giác ngứa, khi có ánh sang chói
- Kết mạc thường viêm đỏ, phù nề, một số người bệnh có thể kèm theo giả mạc trắng đục bám vào, tăng tiết dịch, dử mắt khiến bệnh nhân khó mở mắt. Tổn thương ban đầu thường ở một mắt, sau đó nhanh chóng lan ra hai mắt.
- Ngoài ra các triệu chứng khác gợi ý nhiễm trùng do căn nguyên virus như:
Bệnh thường lành tính và có thể tự giới hạn, sau vài ngày bệnh có thể thuyên giảm, một số người bệnh các triệu chứng nặng lên trong 3 – 5 ngày đầu cảu bệnh, sau đó đỡ dần trong 1 - 3 tuần sau.
Viêm kết giác mạc thành dịch (Epidemic keratoconjunctivitis (EKC)) là thể nhiễm trùng kết mạc nặng nhất do Adenovirus, đặc biệt là các type huyết thanh 8, 19 và 37. Bệnh có thể biểu hiện tối cấp và gây nhiễm trùng giác mạc sau tiến triển viêm kết mạc. Ngoài các triệu chứng của viêm kết mạc, người bệnh thường xuyên cảm giác thấy có dị vật trong mắt, nhìn kém, chói sáng, khó mở mắt, thậm chí ảnh hướng thị lực. Cần chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng.
Tiên lượng bệnh viêm kết mạc do virus thường lành tính, có thể tự giới hạn. Đa số người bệnh thường ổn định sau 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, một số biến chứng có thể xảy ra.
Các biến chứng đó là: Nhiễm trùng mạn tính, người bệnh có thể cảm giác sợ ánh sáng và giảm thị lực, thường xuyên thấy chói mắt; giác mạc có thể bị viêm, thậm chí loét giác mạc, tạo thành sẹo giác mạc; viêm kết mạc do virus tạo điều kiện thuận lợi cho bội nhiễm vi khuẩn,…
Biến chứng viêm kết mạc có thể làm giảm thị lực, sợ ánh sáng, bội nhiễm...
Viêm kết mạc do virus: Con người bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với virus trong các chất tiết của người bệnh (nước mắt, dử mắt,..) hoặc bề mặt vật dụng bị ô nhiễm. Dịch tiết chứa virus gây bệnh gây nhiễm bẩn bàn tay của người bệnh khi họ dụi mắt, từ đó lây cho người khác qua các vật dụng chung. Khi người bệnh ho, hắt hơi, chảy nước mũi, virus theo dịch tiết đường hô hấp có thể nhiễm vào mắt người lành,… Đây là con đường lây bệnh quan trọng, có thể gây thành dịch.
Bệnh có thể lây nhiễm khi người bệnh tiếp xúc với virus sau đó đưa tay lên dụi mắt
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, giới tính và lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên đa số đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như: Tiếp xúc với chất tiết của người bệnh, bề mặt vật dụng bị ô nhiễm; dùng chung khăn mặt; không đảm bảo vệ sinh tay; sống tại khu vực đông người, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh; hệ thống miễn dịch cơ thể bị suy giảm;… Ngoài ra, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế có thể làm lây lan virus gây bệnh qua các thiết bị y tế không được đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, giới tính và lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên đa số đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ.
- Không dùng chung khăn mặt, vật dụng cá nhân đối với người khác;
Không dùng chung đồ dùng cá nhân đặc biệt là khăn mặt với người khác
- Hạn chế thói quen dụi mắt;
- Khi hắt hơi cần che mũi miệng, xử lý chất thải của người bệnh đúng quy định;
- Vệ sinh tay đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh;
- Mang thiết bị bảo vệ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất, tăng cường, nâng cao sức khỏe;
- Bổ sung các loại vitamin A, E;
Bổ sung các loại vitamin tốt cho mắt
- Chú ý cẩn thận khi sử dụng kính áp tròng;
- Không tự ý điều trị bệnh;
- Phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điêu trị người bệnh sớm;
- Khi thăm khám, thực hiện các thủ thuật nhãn khoa cần tuân thủ nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn;…
Đa số các virus gây viêm kết mạc chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, do đó các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu là đặc biệt quan trọng.
+ Nuôi cấy virus: Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiễm trùng do căn nguyên Adenovirus, tuy nhiên yêu cầu kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại. Thời gian nuôi cấy virus có thể lâu, thậm chí kéo dài khoảng 28 ngày với type huyết thanh Adenovirus gây viêm kết mạc thành dịch.
+ Xét nghiệm kháng nguyên virus: Có thể cho kết quả nhanh hơn với với xét nghiệm nuôi cấy virus, đặc biệt ở những đối tượng suy giảm miễn dịch.
Xét nghiệm kháng nguyên virus
+ Phản ứng PCR: Đây là xét nghiệm có độ nhạy và dộ đặc hiệu khá cao nhằm phát hiện DNA của virus trong các bệnh phẩm.
+ Xét nghiệm huyết thanh học: Sự xuất hiện kháng thể IgM tương ứng với virus có thể gợi ý sự nhiễm virus cấp tính, tuy nhiên có thể có sự phản ứng chéo giữa các type virus với nhau.
- Chẩn đoán viêm kết mạc do virus: Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên không được khuyến cáo chỉ định thường xuyên ở bệnh nhân viêm kết mạc do virus, trừ khi các triệu chứng lâm sàng kéo dài, diễn biến tối cấp, đáp ứng kém với điều trị, hoặc khi cần phân biệt với nhiễm trùng do căn nguyên vi khuẩn. Đa số các trường hợp viêm kết mạc do virus có thể chẩn đoán trên các triệu chứng lâm sàng và thăm khám thực thể.
- Viêm kết mạc do virus trong một số trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc do các căn nguyên khác như: viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm kết mạc dị ứng, viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào,…
Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Đa số các mầm bệnh virus có thể tự giới hạn. Thời gian điều trị có thể kéo dài trung bình 2 - 3 tuần.
- Do bệnh viêm kết mạc do virus dễ lây lan cho người khác nên người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người lành, dùng riêng khăn tay, khăm tắm, các vật dụng cá nhân, dùng các thiết bị bảo vệ mắt,…
- Không khuyến cáo sử dụng các liệu pháp kháng virus tại chỗ hoặc toàn thân đối với người bệnh viêm kết mạc do virus. Trong trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn, có thể sử dụng các liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm như neomycin, azithromycin,…
- Vai trò của thuốc Corticoid: Có thể cân nhắc trong một số người bệnh nhằm giảm các triệu chứng, tuy nhiên chống chỉ định trong viêm kết mạc do HSV. Khi chỉ định cần cân nhắc tác dụng phụ và biến chứng của thuốc như ảnh hưởng đến thị lực, gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,...
- Các biện pháp điều trị có thể sử dụng: Chườm ấm hoặc chườm mát vùng quanh mắt nhằm giảm các triệu chứng, tuy nhiên cần chú ý vệ sinh tay đúng cách và sử dụng khăn riêng, tránh chạm trực tiếp vào mắt; bóc tách giả mạc bằng tăm bông; Sử dụng nước mắt nhân tạo trong quá trình điều trị, trên thực tế có rất nhiều sản phẩm với các thành phần khác nhau; có thể sử dụng chất sát trùng povidone-iodine trong điều trị với mục đích rút ngắn thời gian phục hồi và mức độ nghiêm trọng của bệnh; một số thuốc kháng histamine có thể chỉ định nhằm giảm các triệu chứng cho người bệnh,… Cần tư vấn cho người bệnh rằng các triệu chứng tiết dịch có thể tăng lên trong 3 - 5 ngày đầu, sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần sau 2 - 3 tuần và cần tuân thủ điều trị bệnh.
Sử dụng nước mắt nhân tạo trong quá trình điều trị
- Trong thời gian điều trị người bệnh cần nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch trong thời gian bị bệnh; ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác; xử lý chất thải đúng cách; hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian bị bệnh; sử dụng kính bảo vệ mắt, tránh gió, tránh bụi, tránh nước bẩn vào mắt; hạn chế thói quen dụi mắt;…
1. Li J, Lu X, Jiang B, Du Y, Yang Y, Qian H, Liu B, Lin C, Jia L, Chen L, Wang Q. Adenovirus-associated acute conjunctivitis in Beijing, China, 2011-2013. BMC Infect Dis. 2018 Mar 20;18(1):135
2. Kane H, Ka AM, Hanne FT, Ndiaye JMM, Diagne JP, Nguer M, Sow S, Saheli Y, Sy EHM, De Meideros Quenum ME, Ndoye Roth PA, Ba EA, Ndiaye PA. [Senegalese experience with acute viral conjunctivitis]. J Fr Ophtalmol. 2017 Apr;40(4):297-302.
3. Azari AA, Barney NP. Conjunctivitis: a systematic review of diagnosis and treatment. JAMA. 2013;310(16):1721.
4. Alfonso SA, Fawley JD, Alexa Lu X. Conjunctivitis. Prim Care. 2015 Sep;42(3):325-45
5. Marinos E, Cabrera-Aguas M, Watson SL. Viral conjunctivitis: a retrospective study in an Australian hospital. Cont Lens Anterior Eye. 2019 Dec;42(6):679-684.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!