Bác sĩ: ThS. BSNT Trịnh Thị Nga
Chuyên khoa: Chuyên khoa Cơ xương khớp
Năm kinh nghiệm: 04 năm
Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua là một quá trình viêm cấp tính, không đặc hiệu, ảnh hưởng đến màng hoạt dịch của khớp háng. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây đau hông, dáng đi khập khiễng của trẻ em.
Bệnh lý này được báo cáo lần đầu tiên vào năm 1892 bởi Lovett. Ông đã mô tả “một dạng bệnh ở khớp háng thoáng qua biến mất trong vài tháng thay vì vài năm”. Từ đó, bệnh được gọi với nhiều tên như “viêm bao hoạt dịch khớp háng đơn thuần”, “viêm bao hoạt dịch khớp háng tạm thời”, “viêm bao hoạt dịch khớp háng nhiễm độc”…
Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua là một quá trình viêm cấp tính
Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua thường gặp nhất ở trẻ em từ 3 đến 10 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình hàng năm và tổng nguy cơ suốt đời được ước tính lần lượt là 0,2% và 3%. Một nghiên cứu năm 2010 từ Hà Lan báo cáo tuổi trung bình của trẻ mắc bệnh là 4,7 tuổi. Trong khi phần lớn các trường hợp xảy ra ở bệnh nhi trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi, các tài liệu đã chứng minh các trường hợp hiếm gặp ở cả trẻ nhỏ hơn và dân số trưởng thành. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp đôi nữ, và khoảng 1% đến 4% trường hợp bệnh nhân có biểu hiện cả hai bên.
Các nguyên nhân gây bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua vẫn chưa rõ ràng. Một số tác giả đã đề xuất căn nguyên do virus (đặc biệt liên quan đến nhiễm trùng Parvovirus B-19 và Herpes simplex virus) vì mối liên quan với nhiễm trùng đường hô hấp trước đó đã được quan sát thấy ở một số trường hợp. Theo Kastrissianakis và Beattie, những bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua có nhiều khả năng đã trải qua các triệu chứng do virus trước đó bao gồm nôn mửa, tiêu chảy hoặc các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Một nghiên cứu trước đó báo cáo rằng những bệnh nhân mắc viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua có nồng độ interferon huyết thanh cao hơn. Các tác giả khác đề xuất nguyên nhân sau chấn thương với sự phát triển tiếp theo của viêm bao hoạt dịch hóa học, và những tác giả khác lại cho rằng khuynh hướng dị ứng có liên quan đến bệnh này. Đến nay, bệnh vẫn chưa được hiểu rõ về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.
Khi có tác nhân tác động đến màng hoạt dịch (như virus, chấn thương, dị ứng…) sẽ gây ra tình trạng viêm, phù nề lớp niêm mạc màng hoạt dịch, dẫn đến tình trạng màng hoạt dịch dày và có dịch trong ổ khớp.
Các nguyên nhân gây bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua vẫn chưa rõ ràng
1. Triệu chứng lâm sàng
Viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua có biểu hiện thường gặp nhất là trẻ đau vùng hông là dáng đi khập khiễng. Sở dĩ trẻ đi khập khiễng do khi tì xuống khớp háng bên bệnh trẻ sẽ đau nhiều, vì vậy trẻ có xu hướng nâng vùng hông bên bị bệnh cao hơn, hình thành dáng đi khập khiễng. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói, trẻ có thể quấy khóc, đặc biệt khi thay tã bỉm, thay đổi tư thế.
Tiền sử gần đây người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp: viêm họng, viêm phế quản.
a. Khám bệnh:
- Người bệnh có dáng đi khập khiễng
- Khớp háng thường không sưng nóng đỏ.
- Hạn chế vận động thụ động, đặc biệt là tư thế nằm xấp và xoay trong.
- 1/3 số người bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua không hạn chế vận động khi thăm khám.
2. Triệu chứng cận lâm sàng
a. Xét nghiệm
Xét nghiệm chẩn đoán viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua tại MEDLATEC
- Bilan viêm: Tăng chỉ số viêm (máu lắng, CRP).
- Bạch cầu máu: Bình thường
- Bạch cầu dịch khớp: Tăng (5-15G/L)
- Các XN miễn dịch (RF, antiCCP, kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng chuỗi kép…): âm tính
b. Chẩn đoán hình ảnh
Siêu âm
Là phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng nhất khi đánh giá viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua. Đây là phương pháp nhanh chóng, thuận tiện, chi phí rẻ, dễ thực hiện.
Hình ảnh siêu âm giúp xác định tình trạng viêm màng hoạt dịch và tràn dịch khớp háng, cũng như đánh giá bề dày lớp dịch.
Ngoài ra, khi lượng dịch nhiều, bác sĩ có thể lựa chọn chọc hút dịch khớp dưới hướng dẫn siêu âm với hai mục đích: Lấy dịch làm xét nghiệm chẩn đoán và giảm đau cho bệnh nhân.
Những người bệnh mắc viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua cần được siêu âm kiểm tra lại sau 2 tuần điều trị để đánh giá đáp ứng và tiến triển bệnh.
X-quang
Llà phương pháp cần thiết để đánh giá khớp háng ở những bệnh nhân đau khớp hoặc có dáng đi khập khiễng.
Hình ảnh X-quang của người bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua thường bình thường, đôi khi có thể thấy khe khớp rộng do viêm màng hoạt dịch và tràn dịch khớp háng. X-quang là phương tiện cơ bản, nhanh chóng, rẻ tiền để loại trừ các tổn thương khác ở khớp háng như gãy xương, hư điểm cốt hóa chỏm xương đùi,… Vì vậy, có thể kết quả X-quang bình thường song người bệnh bị đau khớp háng hay dáng đi khập khiễng cần được chỉ định chụp X-quang khớp.
Hình ảnh Xqunag ở một trẻ nam 6 tuổi bị viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua chp thấy khe khớp háng trái (mũi tên đỏ) rộng hơn khe khớp háng phải (mũi tên vàng)
Cộng hưởng từ
Là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong đánh giá viêm màng hoạt dịch khớp háng, tràn dịch khớp háng. Ngoải ra, cộng hưởng từ còn giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác tại khớp háng với sự hiện diện của tình trạng phù tủy xương, gãy xương, tổn thương ổ cối, thâm nhiễm phần mềm… Tuy nhiên, cộng hưởng từ còn chưa phổ biến, chi phí cao nên ít được sử dụng trên lâm sàng.
Tiên lượng
Đa phần người bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua khỏi hoàn toàn trong 2 tuần không để lại di chứng. Tuy nhiên, có khoảng 20-25% người bệnh bị tái phát viêm màng hoạt dịch.
Dự phòng
Hạn chế chấn thương. Khám và kiểm tra định kỳ khi có bất thường.
Khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện bất thường
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn chấn đoán cụ thể cho viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua. Việc chẩn đoán bệnh dựa trên loại trừ các bệnh lý khác. Bác sĩ cần loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp thiếu niên, chấn thương khớp, hư điểm cốt hóa chỏm xương đùi,… thông qua khai thác triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu và dịch khớp, siêu âm, x-quang, hoặc cộng hưởng từ khớp.
Bệnh viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:
a. Điều trị không dùng thuốc:
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, không bê vác vật nặng. Tránh tì đè vào bên bệnh.
- Massage nhẹ nhàng.
- Chườm mát ở hông nếu trẻ đang ở giai đoạn đau cấp tính hoặc có thể chườm ấm ở giai đoạn khi tình trạng viêm giảm.
- Tập thể dục nhẹ nhàng.
Tập thể dục nhẹ nhàng
- Sử dụng nạng khi cần thiết.
b. Điều trị thuốc
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Đây là lựa chọn hàng đầu để điều trị viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua. Tuy nhiên ở trẻ em cần chú ý lựa chọn thuốc, tránh các thuốc không được sử dụng cho trẻ.
- Corticoid. Có thể cân nhắc sử dụng corticoid tiêm tại chỗ trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với thuốc chống viêm đường uống.
Các triệu chứng của người bệnh thường cải thiện sau 24 đến 48 giờ điều trị và khỏi sau 1-2 tuần. Nếu người bệnh vẫn đau nhiều sau 7-10 ngày cần tìm các nguyên nhân gây bệnh khác.
c. Điều trị phẫu thuật
Hiện không có chỉ định phẫu thuật cho người bệnh mắc viêm màng hoạt dịch khớp háng thoáng qua.
- Dubois-Ferrière V, Belaieff W, Lascombes P, de Coulon G, Ceroni D. Transient synovitis of the hip: which investigations are truly useful? Swiss Med Wkly. 2015;145:w14176.
- Houghton KM. Review for the generalist: evaluation of pediatric hip pain. Pediatr Rheumatol Online J. 2009 May 18;7:10.
- Yagupsky P. Differentiation between septic arthritis and transient synovitis of the hip in children. J Bone Joint Surg Am. 2005 Feb;87(2):459; author reply 459-60.
- Kocher MS, Mandiga R, Zurakowski D, Barnewolt C, Kasser JR. Validation of a clinical prediction rule for the differentiation between septic arthritis and transient synovitis of the hip in children. J Bone Joint Surg Am. 2004 Aug;86(8):1629-35.
- Vijlbrief A, Bruijnzeels M, Van der Wouden JC, van Suijlekom-Smit LWA. Incidence and management of transient synovitis of the hip: a study in Dutch general practice. Br J Gen Pract. 1992;42:426–428.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!