Từ điển bệnh lý
Viêm ống tai ngoài : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tổng quan Viêm ống tai ngoài
Đại cương về ống tai ngoài
- Cấu trúc đại thể của tai gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Cấu trúc đại thể của tai gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong
- Tai ngoài gồm:
+ Loa tai: cấu tạo bằng sụn và da, có chức năng đón nhận âm thanh
+ Ống tai ngoài: cấu tạo 1/3 ngoài là sụn - 2/3 trong là xương, có chức năng dẫn âm thanh đến màng nhĩ
- Cấu trúc đặc biệt của ống tai ngoài góp phần vào sự phát triển của viêm ống tai ngoài:
+ Đây là 1 cái túi bằng da duy nhất của cơ thể. Ống tai ngoài ấm, tối và dễ bị ẩm, là môi trường tuyệt vời cho vi khuẩn và nấm phát triển.
+ Ống tai ngoài không thẳng mà gấp khúc tại vị trí tiếp giáp giữa phần sụn và xương, làm cản trở sự thoát ra của các chất tiết, dị vật… góp phần vào cơ chế bệnh sinh của viêm ống tai.
+ Da ống tai rất mỏng, 1/3 ngoài bao phủ lên sụn, 2/3 còn lại là nền xương nên ống tai rất dễ bị chấn thương.
- Tuy nhiên, ống tai ngoài cũng có một số biện pháp bảo vệ đặc biệt tránh viêm nhiễm:
+ Ráy tai (chất sáp màu vàng được bài tiết ra từ ống tai ngoài, tiếng Anh: Cerumen) tạo ra 1 lớp áo có tính acid chứa lysozyme và các chất khác có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Chất Cerumen giàu lipid cũng có tính kỵ nước, ngăn không cho nước thấm vào da và gây ra mồ hôi. Qúa ít Cerumen có thể khiến ống tai bị nhiễm trùng, nhưng nếu Cerumen quá nhiều hoặc quá nhớt có thể dẫn đến tắc nghẽn, giữ nước, các mảnh vụn, dị vật…và gây nhiễm trùng
+ Da của ống tai ngoài có hoạt tính di trú (chuyển động) và không bong vảy nên mang theo bất kỳ mảnh vụn nào từ màng nhĩ, ống tai ra ngoài.
Do đó việc vệ sinh ống tai là không cần thiết. Những người mà hay ngoáy tai bằng móng tay hoặc là dùng tăm bông ở trẻ em có thể làm tổn thương cơ chế di trú của da ống tai dẫn đến xu hướng hình thành ráy tai và gây viêm ống tai ngoài.
Một vài người mà da ống tai ngoài của họ không có hoạt tính di trú thì rất dễ bị những đợt viêm ống tai ngoài. Khi đó, ống tai có xu hướng trở lên bị bít tắc bởi bụi bẩn và ráy tai. Trong những trường hợp như thế thì cần phải làm sạch ống tai. Sự dị trú của lớp biểu bì ống tai cũng trở nên bất thường ở những người có chứng dày sừng. Trong bệnh này, những tế bào biểu mô sừng hóa bị tích tụ và hình thành một khối lớn ở trong lòng ống tai, gây ra tình trạng ăn mòn ống tai xương.
Viêm ống tai ngoài
Trong quá khứ, việc ghép da trong phẫu thuật tạo hình tai giữa thường thất bại và gây ra tình trạng viêm ống tai ngoài, bởi vì da ở những nơi khác của cơ thể không có hoạt tính di trú giống như da ống tai. Người ta có thể dùng cân cơ để làm mảnh vá màng nhĩ.
Mặc dù ráy tai bình thường thì không tích tụ trong ống tai do hoạt tính di trú của da ống tai, nhưng đôi khi nó gây ra những khó chịu và nghe kém. Khi đó tai cần được vệ sinh làm sạch.
- Khi các biện pháp bảo vệ này không thành công hoặc khi biểu mô của ống tai bị tổn thương, kết quả là viêm ống tai ngoài. Có nhiều cơ chế để hình thành bệnh, nhưng phổ biến nhất là độ ẩm quá cao làm tăng độ pH và loại bỏ cerumen. Khi lớp cerumen bảo vệ bị loại bỏ, các mảnh vụn keratin sẽ hấp thụ nước, tạo ra môi trường nuôi dưỡng vi khuẩn và nấm phát triển.
Nguyên nhân Viêm ống tai ngoài
- Vi khuẩn: là nguyên nhân chủ yếu gây viêm ống tai ngoài, vi khuẩn thường gặp là tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh.
- Nấm: chiếm khoảng 10% căn nguyên gây viêm ống tai ngoài, trong đó phổ biến nhất là nấm Aspergillus (chiếm 80-90% các trường hợp), tiếp theo là candida.
- Bệnh lý da liễu khác không do nhiễm trùng.
Yếu tố thuận lợi:
- Độ ẩm cao: bơi lội, mồ hôi
- Nhiệt độ môi trường cao
- Loại bỏ lớp cerumen
- Chấn thương ống tai
- Cho các vật thể lạ vào ống tai: bông băng, móng tay, máy trợ thính, nút tai nghe...
- Bệnh da liễu mạn tính: bệnh chàm, vảy nến, viêm da tiết bã, mụn…
Triệu chứng Viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài do vi khuẩn
Giống như tất cả các làn da ở vị trí khác trong cơ thể, da ống tai ngoài cũng có hệ vi khuẩn bình thường và không gây bệnh, trừ khi khả năng bảo vệ của nó bị gián đoạn vì 1 trong những cơ chế nêu trên, khi đó 1 hệ vi khuẩn gây bệnh mới phát triển và gây viêm ống tai. Những triệu chứng có thể xảy ra:
Toàn thân:
- Có thể có sốt hoặc không
- Sưng hạch sau tai hoặc góc hàm
Cơ năng: Triệu chứng của viêm ống tai ngoài do vi khuẩn có xu hướng dữ dội hơn so với các nguyên nhân khác.
- Đau tai: cảm giác khó chịu ở tai có thể từ ngứa đến đau dữ dội, trầm trọng hơn là đau tăng khi chạm vào tai, khi cử động tai bao gồm cả khi nhai, khi há miệng. Đau khiến bệnh nhân có thể phải dùng thuốc giảm đau toàn thân như codein và thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID).
Cảm giác khó chịu ở tai có thể từ ngứa đến đau dữ dội
- Ù tai, khó nghe: nếu tình trạng viêm gây sưng nề, đủ làm chít hẹp, bít tắc ống tai ngoài, bệnh nhân có thể phàn nàn cảm thấy đầy tai, ù tai, giảm hoặc mất thính lực.
- Chảy dịch tai: dịch mủ chảy ra ngoài bệnh nhân quan sát được hoặc đọng lại sát màng nhĩ làm bệnh nhân cảm giác ù tai.
Thực thể:
- Có thể thấy nổi hạch góc hàm hoặc sau tai bên ống tai viêm.
- Kéo vành tai hoặc ấn bình tai bên ống tai bị viêm: bệnh nhân đau dữ dội.
- Nội soi tai:
+ Ống tai: trường hợp viêm nhẹ ống tai chỉ sung huyết đỏ, nặng hơn sẽ thấy ống tai sưng nề, chít hẹp tùy mức độ, có thể bít tắc hoàn toàn không thể đưa ống nội soi vào để kiểm tra. Có thể có nhọt ở ống tai.
+ Mủ: có thể thấy mủ chảy ra ngoài cửa tai, đọng trong ống tai hoặc sát màng nhĩ, mủ có thể màu trắng, vàng hoặc xanh, mủ lẫn với ráy tai
+ Màng nhĩ: trường hợp ống tai chưa bị chít hẹp nhiều, vẫn quan sát thấy màng nhĩ bình thường.
Viêm ống tai ngoài do nấm
Nấm được xác định trong khoảng 10% các trường hợp viêm tai ngoài. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là Aspergillus (80 đến 90% các trường hợp), tiếp theo là Candida. Theo cổ điển, nhiễm nấm là kết quả của việc điều trị kéo dài bệnh viêm tai ngoài do vi khuẩn làm thay đổi hệ thực vật của ống tai. Do đó, nhiễm trùng hỗn hợp vi khuẩn và nấm là rất phổ biến. Tuy nhiên, đôi khi nấm là tác nhân gây bệnh chính trong bệnh viêm tai ngoài, đặc biệt là khi có độ ẩm hoặc nhiệt độ quá cao.
Toàn thân: thường không có triệu chứng gì
Cơ năng:
- Triệu chứng chủ yếu là ngứa và cảm giác đầy tai
- Ngứa có thể khá dữ dội, dẫn đến gãi và làm tổn thương thêm lớp biểu bì ống tai
- Ù tai cũng là triệu chứng thường gặp
Thực thể:
- Nội soi tai thấy: tổ chức nấm màu xám đen hoặc chấm vàng, hoặc tổ chức nấm màu trắng bám trên thành ống tai, hoặc trên lớp ráy tai.
Viêm ống tai ngoài do các bệnh lý da liễu khác
Bệnh hệ thống
- Các bệnh toàn thân có thể gây viêm tai ngoài bao gồm: viêm da dị ứng, bệnh vẩy nến, viêm da tiết bã, mụn trứng cá và lupus ban đỏ.
- Thường có tiền sử gia đình và các đợt tái phát.
- Triệu chứng:
+ Thương tổn thường xảy ra ở ống tai ngoài và các nơi khác trên cơ thể, đặc biệt là đầu và cổ.
+ Ngứa là triệu chứng phổ biến nhất.
+ Các biểu hiện ở ống tai ngoài có thể từ ban đỏ nhẹ và đóng vảy của viêm da dị ứng, đến vảy dày đặc, dính của bệnh vẩy nến, cho đến những ổ viêm khu trú của mụn trứng cá.
Bệnh địa phương
- Viêm ống tai ngoài có thể liên quan với tình trạng: Viêm da tiếp xúc, kích ứng hoặc dị ứng.
- Triệu chứng:
+ Các dạng dị ứng thường biểu hiện cấp tính với các tổn thương ban đỏ, ngứa, phù nề và tiết dịch, trong khi viêm da tiếp xúc thường khởi phát âm ỉ hơn với hiện tượng lichen hóa. Cả hai loại đều có thể có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
+ Viêm da tiếp xúc ở ống tai có thể do mọi chất kích ứng tại chỗ, bao gồm thuốc chống nhiễm trùng tại chỗ, thuốc gây tê tại chỗ và các chế phẩm bôi ngoài da khác. Nó cũng có thể liên quan đến việc sử dụng máy trợ thính và nút bịt tai.
Phòng ngừa Viêm ống tai ngoài
- Những người thường xuyên bơi lội nên sử dụng mũ tắm trùm kín đầu để bảo vệ tai khỏi nước vào.
Những người thường xuyên bơi lội nên sử dụng mũ tắm trùm kín đầu để bảo vệ tai khỏi nước vào
- Sau khi tắm hoặc bơi lội, nên làm khô ống tai ngoài bằng máy sấy tóc ở chế độ nhiệt thấp nhất.
- Cần tránh mọi thao tác trên da của ống tai ngoài (chẳng hạn như gãi hoặc làm sạch quá kỹ). Vì bất cứ khi nào ống tai ngoài được làm sạch và loại bỏ lớp cerumen, nó sẽ trở nên dễ bị nhiễm trùng hơn.
Các biện pháp chẩn đoán Viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài do vi khuẩn
- Dựa vào triệu chứng lâm sàng
Viêm ống tai ngoài do nấm
Dựa vào hình ảnh nội soi tai.
Nội soi tai chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh
Các biện pháp điều trị Viêm ống tai ngoài
Viêm ống tai ngoài do vi khuẩn
Điều trị tại chỗ:
- Làm sạch ống tai
- Nhỏ tai bằng các dung dịch kháng khuẩn như: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Polymycin…, nhỏ 5-7 ngày. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng hơn, có thể phải điều trị từ 10 đến 14 ngày.
Nhỏ tai bằng các dung dịch kháng khuẩn như Ofloxacin
- Làm ấm lọ thuốc nhỏ tai trong tay trước khi nhỏ vào tai sẽ giúp giảm thiểu chóng mặt. Có thể sử dụng một nút bông nhỏ được làm ẩm với thuốc nhỏ tai để giúp giữ lại thuốc trong tai nếu bệnh nhân không thể nằm yên đủ lâu để thuốc hấp thụ.
- Việc bổ sung steroid vào thuốc nhỏ tai có thể làm giảm viêm và phù nề ống tai và giải quyết các triệu chứng nhanh chóng hơn, nhưng không phải tất cả các nghiên cứu đều cho thấy lợi ích. Ngoài ra, steroid tại chỗ có thể là một chất gây mẫn cảm tại chỗ nên cần cân nhắc sử dụng trong trường hợp cần thiết.
- Trường hợp ống tai bị sưng tấy nhiều làm chít hẹp, khi đó cần đặt 1 bấc (Meche) vào ống tai và nhỏ thuốc từ ba đến bốn giờ một lần khi bệnh nhân tỉnh. Meche tai giúp những giọt thuốc được dẫn vào sâu trong ống tai. Cần làm sạch ống tai, thay Meche và sọi lại kiểm tra sau mỗi 24 - 48 giờ cho đến khi không cần dùng Meche nữa. Đó là khi sưng tấy đã giảm đi, đủ để có thể nhỏ thuốc trực tiếp vào ống tai.
Điều trị toàn thân:
- Kháng sinh:
+ Kháng sinh đường uống hiếm khi cần thiết, nhưng sẽ cần sử dụng trong các trường hợp: viêm ống tai ngoài dai dẳng; viêm ống tai ngoài có kèm theo viêm tai giữa; tổn thương viêm lan rộng tại chỗ (viêm tấy lan tỏa) hoặc toàn thân (Sốt trên 38.3 độ, đau tai dữ dội, nổi hạch vùng cổ).Cuối cùng, cũng nên cân nhắc việc bắt đầu sử dụng kháng sinh đường uống sớm ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn hại như người mắc bệnh tiểu đường, người dùng corticoid toàn thân hoặc những người có bệnh viêm da mãn tính tiềm ẩn.
+ Các kháng sinh được sử dụng: cephalosporin, penicilin kháng penicilinase và fluoroquinolon.
+ Thường sử dụng đường uống nhưng nếu bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm độc hoặc nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh đường uống, đặc biệt khi có biểu hiện đau dữ dội và có mô hạt trong ống tai (biểu hiện của viêm tai ngoài hoại tử) thì nên sử dụng kháng sinh đường tiêm.
- Thuốc giảm đau: nếu bệnh nhân đau nhiều, các thuốc giảm đau như NSAID có thể cần sử dụng trong 24 đến 48 giờ đầu tiên.
Viêm ống tai ngoài do nấm
- Làm sạch ống tai, lấy hết tổ chức nấm và dùng thuốc chống nấm tại chỗ.
+ Thuốc nhỏ axit hóa, 3-4 lần/ngày, trong 5-7 ngày thường là đủ để hoàn tất quá trình điều trị.
+ Nếu tình trạng viêm tai ngoài do nấm không thuyên giảm, có thể sử dụng dung dịch clotrimazole 1% (Lotrimin).
+ Nếu màng nhĩ bị thủng, nên dùng dung dịch tolnaftate 1% (Tinactin) để ngăn ngừa độc tính trên tai.
+Trường hợp nhiễm Aspergillus đề kháng với clotrimazole có thể cần phải sử dụng itraconazole (Sporanox) đường uống.
Viêm ống tai ngoài do các bệnh lý da liễu khác
- Bệnh hệ thống
+ Kiểm soát tốt bệnh hệ thống sẽ làm giảm triệu chứng ở ống tai ngoài.
+ Ngoài ra, viêm tai ngoài do tất cả các bệnh này, ngoại trừ mụn trứng cá, sẽ đáp ứng với steroid tại chỗ liều thấp. Tuy nhiên, steroid có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc nấm ở những bệnh nhân có làn da đã bị tổn thương. Do đó, một chất axit hóa thường được thêm vào. Mụn trứng cá thường sẽ đáp ứng tốt với kem bôi benzoyl peroxide và dung dịch kháng sinh. Viêm da tiết bã ở tai ngoài có thể được điều trị bằng dầu gội thuốc dùng cho da đầu. Những trường hợp khó nên chuyển đến bác sĩ da liễu.
- Bệnh địa phương
+ Quan trọng nhất là xác định và loại bỏ chất gây kích ứng, dị ứng
+ Thuốc: Sử dụng Steroid tại chỗ, dung dịch otic của Burow với 2% axit axetic (Otic Domeboro), thường được thêm vào để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp, tái hoạt hóa da, làm khô các tổn thương và loại bỏ các lớp vảy.
+ Steroid toàn thân và thuốc kháng histamine có thể cần thiết khi có phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
1. Van Asperen IA, de Rover CM, Schijven JF, Oetomo SB, Schellekens JF, van Leeuwen NJ, et al. Risk of otitis externa after swimming in recreational fresh water lakes containingPseudomonas aeruginosa. BMJ. 1995;311:1407–10.
2. Halpern MT, Palmer CS, Seidlin M. Treatment patterns for otitis externa. J Am Board Fam Pract. 1999;12(1):1–7.
3. Kelly KE, Mohs DC. The external auditory canal. Anatomy and physiology. Otolaryngol Clin North Am. 1996;29:725–39.
4. Boustred N. Practical guide to otitis externa. Aust Fam Physician. 1999;28:217–21.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!