Từ điển bệnh lý

Viêm túi mật : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10-04-2025

Tổng quan Viêm túi mật

Túi mật là một cơ quan nhỏ thuộc hệ tiêu hóa, có hình dạng giống như một quả lê hoặc chiếc túi nhỏ, nằm ở mặt dưới thùy phải của gan, phía trên phải của ổ bụng. Túi mật có chiều dài khoảng 7- 10 cm và dung tích khoảng 30 - 50 ml. 

Chức năng chính của túi mật là dự trữ, cô đặc và bài xuất dịch mật. Mật là một chất lỏng màu vàng nhạt đến xanh lục, do tế bào gan tiết ra liên tục. Dịch mật chứa các thành phần quan trọng như muối mật, sắc tố mật (bilirubin), cholesterol, phospholipid và nước, có vai trò hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đặc biệt là tiêu hóa lipid (chất béo). Khi không có thức ăn trong đường tiêu hóa, dịch mật sẽ được chuyển từ gan xuống túi mật để dự trữ và cô đặc. Khi có thức ăn, đặc biệt là thức ăn giàu chất béo, túi mật co bóp và làm giãn cơ vòng Oddi, giúp mật được phóng thích xuống tá tràng để hỗ trợ quá trình nhũ tương hóa chất béo, tăng hiệu quả hấp thu lipid và các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).

Một số bệnh lý thường gặp của túi mật

  • Sỏi túi mật. 
  • Viêm túi mật cấp. 
  • Rối loạn vận động túi mật.
  • Polyp túi mật.
  • Ung thư túi mật.

Vị trí của túi mật trong cơ thể

Vị trí của túi mật trong cơ thể 

Viêm túi mật là gì?

Viêm túi mật là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại túi mật, thường gặp trong lâm sàng và có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây biến chứng đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh có thể biểu hiện ở hai thể: viêm túi mật cấp tính và viêm túi mật mạn tính.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm túi mật là sỏi túi mật gây tắc nghẽn ống túi mật, chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp. Sỏi làm cản trở dòng chảy của dịch mật, gây ứ trệ, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây viêm. Ngoài ra, một số trường hợp không có sỏi vẫn có thể gây viêm túi mật, được gọi là viêm túi mật không do sỏi, thường gặp ở những bệnh nhân nặng như:

  • Sau phẫu thuật lớn hoặc chấn thương.
  • Nhiễm trùng huyết (sốc nhiễm trùng).
  • Bệnh lý nặng tại hồi sức tích cực (ICU).
  • Nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch kéo dài.
  • Tình trạng nhịn ăn kéo dài, suy kiệt.

Phân loại lâm sàng

  • Viêm túi mật cấp tính: Là một tình trạng cấp cứu, đặc trưng bởi đau dữ dội vùng hạ sườn phải, sốt, buồn nôn, nôn và có thể kèm theo dấu hiệu Murphy dương tính. Nếu không được xử trí đúng cách, viêm túi mật cấp có thể tiến triển nặng với các biến chứng như:

    • Hoại tử túi mật.
    • Thủng túi mật.
    • Viêm phúc mạc mật.
    • Áp xe quanh túi mật.
    • Nhiễm trùng lan tỏa, suy đa cơ quan.
  • Viêm túi mật mạn tính: Thường là hậu quả của các đợt viêm tái diễn hoặc viêm kéo dài âm thầm, dẫn đến xơ hóa và dày thành túi mật. Tình trạng này làm giảm chức năng sinh lý của túi mật, gây ra các triệu chứng như khó tiêu, đầy bụng sau ăn, đặc biệt là sau bữa ăn giàu chất béo. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể dẫn đến xơ teo túi mật, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi hoặc thậm chí là ung thư túi mật.

Nguyên nhân Viêm túi mật

  • Thừa cân và béo phì: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Béo phì làm tăng tổng hợp cholesterol ở gan và tăng bài tiết cholesterol vào dịch mật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết tinh và hình thành sỏi cholesterol.
  • Tuổi cao: Tỷ lệ mắc sỏi mật tăng dần theo tuổi, đặc biệt ở người trên 40 tuổi. Khi tuổi cao, khả năng vận động của túi mật suy giảm, làm tăng nguy cơ ứ đọng mật và hình thành sỏi.
    Giới nữ: Phụ nữ có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn nam giới, do ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen làm tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật và giảm khả năng co bóp của túi mật.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý: Chế độ ăn nhiều chất béo, giàu cholesterol và ít chất xơ làm rối loạn chuyển hóa lipid và thúc đẩy sự kết tinh cholesterol trong dịch mật. Ăn uống thất thường hoặc nhịn ăn kéo dài cũng góp phần gây ứ trệ mật.
  • Đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường thường có rối loạn vận động túi mật và tăng cholesterol trong mật.
  • Rối loạn lipid máu: Tăng triglyceride và cholesterol máu có liên quan mật thiết đến nguy cơ hình thành sỏi cholesterol.
  • Phụ nữ mang thai: Thời kỳ mang thai làm tăng nồng độ estrogen và progesterone, gây giảm vận động túi mật và tăng nồng độ cholesterol trong mật. Điều này khiến phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị ứ mật và hình thành sỏi.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được ghi nhận có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật như:

  • Tiền sử gia đình có người mắc sỏi mật.
  • Bệnh lý tán huyết mạn tính (liên quan đến sỏi sắc tố).
  • Bệnh lý đường ruột (như bệnh Crohn, phẫu thuật cắt hồi tràng).

 Sỏi kẹt cổ túi mật là một trong các nguyên nhân gây viêm túi mật cấp

Sỏi kẹt cổ túi mật là một trong các nguyên nhân gây viêm túi mật cấp 



Triệu chứng Viêm túi mật

Triệu chứng lâm sàng của viêm túi mật

  • Viêm túi mật cấp tính: Viêm túi mật cấp thường khởi phát đột ngột và có biểu hiện lâm sàng rầm rộ. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
  • Đau vùng hạ sườn phải: Là triệu chứng nổi bật và điển hình nhất. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn giàu chất béo, có tính chất âm ỉ hoặc dữ dội, liên tục, kéo dài hàng giờ. Đau có thể lan lên vai phải hoặc vùng lưng dưới bả vai. Thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu Murphy dương tính, là biểu hiện đặc trưng của viêm túi mật cấp.

  • Sốt: Là biểu hiện của phản ứng viêm và nhiễm trùng. Bệnh nhân thường sốt nhẹ đến sốt cao, từ 38- 40°C, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi, đặc biệt nếu có bội nhiễm vi khuẩn.

  • Buồn nôn và nôn: Xuất hiện sớm và khá phổ biến, thường đi kèm với chán ăn và cảm giác mệt mỏi. Đây là phản xạ kích thích từ đường tiêu hóa và túi mật.

  • Vàng da và nước tiểu sẫm màu: Có thể gặp khi viêm túi mật gây tắc nghẽn đường mật chính (ống mật chủ), làm tăng nồng độ bilirubin trong máu. Bệnh nhân có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu..

  • Phản ứng thành bụng: Là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm lan rộng hoặc biến chứng nặng như viêm phúc mạc mật, hoại tử hoặc thủng túi mật. Bệnh nhân có thể có bụng chướng, đau khi ấn vào vùng hạ sườn phải hoặc toàn bụng, kèm phản ứng gồng cơ.

  • Viêm túi mật mạn tính: Viêm túi mật mạn thường có biểu hiện lâm sàng không điển hình, tiến triển âm thầm và dễ bị bỏ sót. Các triệu chứng có thể bao gồm:
  • Khó tiêu, đầy bụng sau ăn: Đặc biệt là sau các bữa ăn nhiều dầu mỡ, bệnh nhân thường có cảm giác bụng lình phình, ậm ạch khó chịu.

  • Đau âm ỉ vùng hạ sườn phải: Không rõ ràng, thường nhẹ và kéo dài, đôi khi lan ra sau lưng hoặc vai phải.

  • Buồn nôn nhẹ, chán ăn: Do giảm khả năng co bóp của túi mật và sự ứ trệ dịch mật, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
  • Trong nhiều trường hợp, viêm túi mật mạn chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng hoặc trong quá trình thăm khám bệnh lý khác.

 Đau bụng hạ sườn phải rất thường gặp trong viêm túi mật

Đau bụng hạ sườn phải rất thường gặp trong viêm túi mật 



Các biện pháp chẩn đoán Viêm túi mật

  • Xét nghiệm máu:
  • Công thức máu: Tăng bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu trung tính.
  • CRP và procalcitonin: Tăng cao, phản ánh mức độ viêm.
  • Men gan (AST, ALT), GGT, ALP, bilirubin: Có thể tăng nếu có tắc mật.
  • Amylase, lipase: Có thể tăng khi kèm theo ảnh hưởng đến tụy.
  • Chẩn đoán hình ảnh:
  • Siêu âm bụng: Là phương tiện đầu tay, dễ thực hiện, độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Các dấu hiệu gợi ý viêm túi mật cấp gồm:
    • Thành túi mật dày >3 mm.
    • Tăng phản âm quanh túi mật.
    • Dịch quanh túi mật.
    • Sỏi túi mật gây tắc cổ túi mật.
    • Dấu Murphy siêu âm dương tính (bệnh nhân đau khi đầu dò chạm vùng túi mật).
  • CT scan bụng: Được chỉ định khi siêu âm không rõ ràng hoặc nghi ngờ biến chứng (hoại tử, thủng, áp xe quanh túi mật).
  • MRI hoặc MRCP (Cộng hưởng từ mật tụy): Hữu ích trong đánh giá hệ thống đường mật nếu nghi tắc ống mật chủ.
  • HIDA scan (cholescintigraphy): Hiếm khi cần, nhưng rất nhạy trong chẩn đoán viêm túi mật khi các phương tiện khác không xác định được.

Phân độ nặng của viêm túi mật theo Tokyo Guidelines: Tokyo Guidelines là bộ tiêu chuẩn quốc tế được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ nặng viêm túi mật và hướng dẫn điều trị phù hợp. Phân loại gồm 3 mức độ:

Độ I (nhẹ – Grade I):

  • Viêm túi mật cấp không có dấu hiệu rối loạn chức năng cơ quan, không có biến chứng.
  • Phản ứng viêm tại chỗ nhẹ, điều trị nội khoa thường hiệu quả.

Độ II (trung bình – Grade II):

  • Có ít nhất một trong các yếu tố sau:
    • Bạch cầu >18.000/mm³.
    • Sờ thấy khối vùng hạ sườn phải.
    • Đau hoặc có dấu hiệu Murphy rõ rệt.
    • Tăng CRP rõ rệt.
    • Viêm túi mật kéo dài >72 giờ.
    • Có biến chứng tại chỗ (áp xe quanh túi mật, hoại tử, viêm mủ túi mật).

Độ III (nặng – Grade III):

  • Có biểu hiện rối loạn chức năng ≥1 cơ quan:
    • Tim mạch: Huyết áp <90 mmHg cần thuốc vận mạch.
    • Hô hấp: PaO2/FiO2 <300.
    • Thận: Creatinin >2.0 mg/dL.
    • Thần kinh: Rối loạn tri giác (GCS <15).
    • Hệ thống đông máu: INR >1.5 hoặc tiểu cầu <100.000/mm³.
    • Gan: Bilirubin toàn phần >2 mg/dL.



Các biện pháp điều trị Viêm túi mật

Việc điều trị viêm túi mật cần dựa trên mức độ nặng của bệnh (theo phân độ Tokyo Guidelines), tình trạng toàn thân của người bệnh và nguy cơ biến chứng. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, kiểm soát nhiễm trùng, loại bỏ nguyên nhân và ngăn ngừa tái phát.

  • Điều trị nội khoa (bảo tồn): Áp dụng trong các trường hợp viêm túi mật nhẹ hoặc viêm túi mật trung bình chưa có biến chứng, hoặc nhằm ổn định tình trạng trước khi can thiệp ngoại khoa. Bao gồm:
  • Nhịn ăn hoàn toàn: Giúp giảm kích thích co bóp túi mật, nếu bệnh nhân buồn nôn nhiều hoặc có dấu hiệu liệt ruột, cần đặt ống thông dạ dày qua mũi để giảm áp lực trong dạ dày.
  • Bù dịch và điện giải: Truyền dịch tĩnh mạch để duy trì huyết động ổn định. Theo dõi và điều chỉnh rối loạn điện giải (Na⁺, K⁺, Cl⁻...).
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm: Ưu tiên sử dụng: Paracetamol hoặc NSAIDs.Tránh dùng morphin vì có thể gây co thắt cơ vòng Oddi, làm nặng thêm tình trạng tắc mật.
  • Thuốc chống co thắt: Atropin, drotaverin (Nospa) hoặc các thuốc tương tự có thể được sử dụng để giảm co thắt đường mật.
  • Kháng sinh điều trị nhiễm trùng: Chọn kháng sinh phổ rộng theo mức độ nặng:
  • Trường hợp nhẹ – trung bình:
    • Piperacillin/tazobactam hoặc
    • Ampicillin/sulbactam, hoặc
    • Cephalosporin thế hệ III (ceftriaxone, cefotaxime) kết hợp metronidazole.
  • Trường hợp nặng hoặc nghi ngờ vi khuẩn đa kháng:
    • Imipenem/cilastatin, meropenem hoặc phối hợp cephalosporin thế hệ III với metronidazole và/hoặc aminoglycoside tùy chỉ định.
  • Điều trị ngoại khoa: Can thiệp phẫu thuật là giải pháp triệt để trong điều trị viêm túi mật, nhất là ở các trường hợp viêm mạn tính, tái phát nhiều lần hoặc có biến chứng.
  • Cắt túi mật nội soi: Là phương pháp điều trị tiêu chuẩn và được ưu tiên hiện nay. Thực hiện sớm trong vòng 72 giờ đầu từ khi khởi phát triệu chứng viêm túi mật cấp giúp giảm nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện. Có thể trì hoãn phẫu thuật nếu bệnh nhân chưa ổn định, sau khi điều trị nội khoa thành công.
  • Mổ mở: Chỉ định khi có biến chứng nặng: thủng túi mật, viêm phúc mạc mật, hoại tử túi mật, áp xe quanh túi mật hoặc khó khăn trong nội soi (dính nhiều, giải phẫu bất thường).
  • Dẫn lưu túi mật qua da: Là biện pháp tạm thời dành cho bệnh nhân không đủ điều kiện phẫu thuật ngay (người già yếu, suy đa cơ quan). Giúp giải áp túi mật, giảm viêm trước khi có thể can thiệp triệt để.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Chỉ định khi có sỏi ống mật chủ hoặc tắc nghẽn đường mật phối hợp.Có thể kết hợp cắt cơ Oddi và lấy sỏi, thường thực hiện trước khi cắt túi mật.

Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp phổ biến hiện nay

Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp phổ biến hiện nay 

Tiên lượng 

Tiên lượng của viêm túi mật phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, thời điểm điều trị, tình trạng toàn thân của người bệnh và sự hiện diện của các biến chứng. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, phần lớn các trường hợp viêm túi mật cấp có tiên lượng tốt, hồi phục hoàn toàn sau cắt túi mật hoặc điều trị nội khoa thích hợp. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán chậm trễ hoặc bệnh diễn tiến phức tạp, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như hoại tử túi mật, thủng túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết có thể xảy ra, làm tăng tỷ lệ tử vong dao động từ 10 - 30%, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý đi kèm hoặc suy giảm miễn dịch. Viêm túi mật không do sỏi thường có diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng điển hình, dễ bị bỏ sót và thường gặp ở những bệnh nhân nặng đang nằm hồi sức (sau phẫu thuật lớn, sốc, sepsis, nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài…). Do đó, tiên lượng thường xấu hơn, nguy cơ biến chứng và tử vong cao hơn so với viêm túi mật do sỏi.

Tiên lượng dài hạn sau cắt túi mật thường tốt, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể xuất hiện hội chứng sau cắt túi mật với các triệu chứng như đầy bụng, tiêu chảy, khó tiêu sau ăn nhiều chất béo.

Viêm túi mật là một cấp cứu ngoại khoa phổ biến. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm. Điều trị nội khoa có vai trò quan trọng trong kiểm soát triệu chứng, nhưng phẫu thuật cắt túi mật vẫn là phương pháp tối ưu để ngăn ngừa tái phát.


Tài liệu tham khảo:

  1. Tokyo Guidelines 2018 (TG18). Tokyo Guidelines for the management of acute cholangitis and cholecystitis. Journal of Hepato-Biliary-Pancreatic Sciences, 2018; 25(1): 1-10.
  2. Schwartz, S.I. Schwartz's Principles of Surgery, 11th Edition. McGraw-Hill Education, 2019.
  3. Sabiston, D.C. Sabiston Textbook of Surgery: The Biological Basis of Modern Surgical Practice, 21st Edition. Elsevier, 2021.
  4. Fauci, A.S., Kasper, D.L., Hauser, S.L., Longo, D.L., Jameson, J.L., Loscalzo, J. Harrison's Principles of Internal Medicine, 20th Edition. McGraw-Hill Education, 2018.
  5. UpToDate. Gallbladder Disease: Overview and management of acute cholecystitis. UpToDate, 2025. Available at: https://www.uptodate.com/contents/acute-cholecystitis
  6. Bộ Y tế Việt Nam. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm túi mật. Bộ Y tế Việt Nam, 2022.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ