Bác sĩ: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chuyên khoa: Sản khoa
Năm kinh nghiệm: 10 năm
Đời sống sinh sản của người phụ nữ gồm nhiều giai đoạn kế tiếp nhau: trước dậy thì, dậy thì, độ tuổi sinh sản và mãn kinh. Trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng là trục nội tiết có vai trò rất quan trọng trong hoạt động sinh sản của người phụ nữ.
Như chúng ta đã biết, để hiện tượng kinh nguyệt đều đặn, cần phải có hoạt động nhịp nhàng của các nội tiết trong cơ thể, đường sinh dục bình thường, bao gồm buồng tử cung, ống cổ tử cung, cổ tử cung, âm đạo, âm hộ; nang noãn buồng trứng phát triển bình thường qua các giai đoạn trưởng thành, phóng noãn và hình thành hoàng thể. Do đó, chỉ cần rối loạn một trong các yếu tố nêu trên, hiện tượng kinh nguyệt có thể không xảy ra, gọi là vô kinh.
Vô kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt, thường được đinh nghĩa là mất một hoặc nhiều chu kỳ kinh nguyệt. Vô kinh được chia ra làm 2 loại:
- Vô kinh nguyên phát: được định nghĩa là tình trạng không có kinh ở người chưa có kinh ở tuổi 16, đã có đầy đủ các đặc điểm sinh dục thứ phát. Hoặc cũng có thể được định nghĩa là tình trạng không có kinh ở người chưa có kinh ở tuổi 14 nhưng không có các đặc điểm sinh dục thứ phát.
Vô kinh nguyên phát là tình trạng không có kinh ở người chưa có kinh ở tuổi 16, đã có đầy đủ các đặc điểm sinh dục thứ phát
- Vô kinh thứ phát: là tình trạng một người phụ nữ đã có kinh trong quá khứ nhưng đã mất kinh từ 3 tháng kinh liên tiếp trở lên.
Vô kinh thứ phát thường gặp hơn vô kinh nguyên phát. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, tần suất vô kinh nguyên phát chiếm khoảng 1% và vô kinh thứu phát là 4% (đã loại trừ các trường hợp vô kinh thứ phát do mang thai) ở phụ nữ độ tuổi sinh sản.
Mất kinh có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do sinh lý, do tác dụng phụ khi dùng thuốc,… nhưng cũng có thể là nguyên nhân từ các bệnh lý.
Vô kinh nguyên phát
- Với bệnh nhân vô kinh nguyên phát có sự phát triển đầy đủ của các đặc điểm sinh dục thứ phát nhưng:
+ Không có tử cung, có 2 nguyên nhân chính có thể xảy ra: Hội chứng không nhạy cảm hormon nội tiết androgen, và hội chứng Mayer - rokitansky - Kusster - Hauser (hội chứng MRKH - được đặc trưng bởi sự thoái triển của tử cung và 2/3 trên âm đạo và các bất thường ở thận, hệ xương, cơ quan thính giác ở người phụ nữ có đặc điểm giới tính thứ phát bình thường và có bộ nhiễm sắc thể là 46XX).
+ Có tử cung: những nguyên nhân làm tắc nghẽn lối ra của máu kinh (như: màng trinh không rách, màng ngăn âm đạo ), đây là bất thường tương đối hiếm với tần suất 1/10.000 đến 1/1.000 trẻ gái,màng trinh bít hoàn toàn lỗ vào âm đạo, gây tắc nghẽn đường ra của máu kinh nguyệt.
- Với bệnh nhân vô kinh nguyên phát không có sự phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát: nguyên nhân thường gặp:
+ Suy hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng: là hội chứng trong đó buồng trứng bị suy giảm hay mất chức năng sản xuất các hormone sinh dục, các nang noãn không phát triển và phóng noãn được do thiếu kích thích của hormone GnRH từ vùng hạ đồi dẫn đến giảm hay không có hoạt động chế tiêt hormone từ tuyến yên (FSH,LH).
+ Hội chứng Turner: do mất đi một số gen trên nhiễm sắc thể X (bộ nhiễm sắc thể là 45XO). Bệnh nhân không có kinh và vô sinh các dải xơ không chứa nang noãn thay thế các tuyến sinh dục.
Hội chứng Turner: do mất đi một số gen trên nhiễm sắc thể X
+ Suy buồng trứng sớm: là tình trạng hoạt động của buồng trứng bị suy giảm rất sớm khiến cho các trẻ gái không dậy thì. Tỷ lệ khoảng 1/10000 phụ nữ đến tuổi 20.
Vô kinh thứ phát
- Vô kinh do sinh lý như: đang có thai, Đang nuôi con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn, thời kỳ mãn kinh.
- Vô kinh do sử dụng thuốc hoặc phương pháp tránh thai như: tiêm thuốc tránh thai, cấy que tránh thai dưới da, …
- Do tác dụng phụ khi dùng thuốc như : thuốc điều trị trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc dị ứng, trong hóa trị ung thư,…
- Do yếu tố lối sống như:
+ BMI (chỉ số khối cơ thế thấp: BMI quá thấp (khoảng 10% so với trọng lượng bình thường) sẽ ảnh hưởng nhiều chức năng nội tiết tố trong cơ thể, có thể ngăn cản quá trình rụng trứng. Những phụ nữ bị mắc chứng bệnh rối loạn ăn uống, như không thèm ăn hoặc ăn nhiều vô độ, thường bị mất kinh do những thay đổi nội tiết tố do những bất thường này).
+ Tập thể dục quá sức: những vận động viên hoặc những phụ nữ đòi hỏi sự luyện tập thể lực căng thẳng, tiêu hao nhiều năng lực, nghiêm ngặt.
+ Căng thẳng (stress): Tinh thần căng thẳng kéo dài có thể tạm thời làm rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi. Do đó, hiện tượng rụng trứng và có kinh nguyệt có thể bị dừng đột ngột.
- Mất cân bằng hormon nội tiết:
+ Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS làm cho mức độ hormone như: LH, Androgen luôn ở mức cao và duy trì, thay vì mức độ dao động trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ bình thường.
+ Bệnh lý tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp bị suy giảm chức năng (suy giáp) có thể gây ra kinh nguyệt không đều, bao gồm cả vô kinh.
+ Bệnh lý u tuyến yên: Khối u trong tuyến yên có thể cản trở việc điều hòa nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt.
+ Thời kỳ mãn kinh sớm: Thời kỳ mãn kinh thường gặp ở người phụ nữ bắt đầu bước vào tuổi 50. Tuy nhiên, đối với một số người, nguồn dự trữ trứng của buồng trứng giảm trước 40 tuổi và kinh nguyệt bị ngừng lại.
- Các vấn đề về cấu trúc cơ quan sinh dục:
+ Sẹo dính ở tử cung: Hay gặp trong hội chứng Asherman (hay dính buồng tử cung) là tình trạng trong đó mô sẹo tích tụ trong niêm mạc tử cung, thường xảy ra sau khi nạo hút buồng tử cung, mổ lấy thai hoặc điều trị bóc u xơ tử cung. Sẹo dính ở tử cung ngăn cản sự dày lên và bong ra của lớp niêm mạc tử cung.
Ngoài ra, một số yếu tố sau thể làm tăng nguy cơ vô kinh như:
- Tiền sử gia đình: Nếu mẹ hoặc chị gái bị vô kinh, bạn cũng có thể bị vô kinh.
- Rối loạn ăn uống: Chán ăn hoặc ăn vô độ, cũng có nguy cơ cao bị vô kinh.
- Hoạt động thể chất: Tập luyện, vận động thể thao khắc nghiệt có thể làm tăng nguy cơ bị vô kinh.
- Tiền sử của một số thủ thuật phụ khoa: nạo, hút buồng tử cung, cắt LEEP cổ tử cung,.. nguy cơ vô kinh cao.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô kinh, người phụ nữ sẽ có những dấu hiệu hoặc triệu chứng đi kèm với triệu chứng không có kinh, chẳng hạn như: tiết dịch ở núm vú, đau đầu, rụng tóc, thay đổi tầm nhìn, rậm lông, nhiều mụn, đau vùng xương chậu,…
- Vô sinh và các vấn đề với thai kỳ. Nếu người phụ nữ không có hiện tượng rụng trứng và không có kinh nguyệt, thì người phụ nữ đó không thể thụ thai được. Khi sự mất cân bằng hormone là nguyên nhân gây ra vô kinh, điều này cũng có thể gây sẩy thai hoặc các vấn đề khác đối với thai kỳ.
- Căng thẳng tâm lý: stress kéo dài, tránh cảm xúc mạnh.
Căng thẳng tâm lý: stress kéo dài, tránh cảm xúc mạnh.
- Bệnh loãng xương và bệnh tim mạch. Hai bệnh lý này có thể do không có đủ estrogen. Loãng xương làm cho xương bị yếu, dòn và dễ gãy. Bệnh tim mạch bao gồm đau tim và các vấn đề về mạch máu và cơ tim.
- Đau vùng xương chậu; nếu nguyên nhân về giải phẫu gây ra vô kinh, thì nó cũng có thể gây đau vùng xương chậu.
Vì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vô kinh. Vì vậy, để chẩn đoán nguyên nhân vô kinh, bác sỹ cần khai thác bệnh sử cẩn thận cũng như thăm khám toàn thân.
- Tiền sử bệnh sử như: các thông tin về hoạt động tình dục, tiền sử các thủ thuật phụ khoa, các biện pháp tránh thai, chế độ sinh hoạt hàng ngày,…
- Các xét nghiệm máu như:
+ Thử thai: đây là xét nghiệm đầu tiên được bác sỹ chỉ định để loại trừ hoặc xác nhận nguyên nhân có thai.
+ Kiểm tra chức năng tuyến giáp (TSH, T3, FT4): để xác định xem tuyến giáp có hoạt động bình thường không.
+ Kiểm tra chức năng buồng trứng (FSH, LH,Estogen, Progesterone): xác định xem buồng trứng có hoạt động bình thường không.
Xét nghiệm kiểm tra chức năng buồng trứng (FSH, LH,Estogen, Progesterone)
+ Thử nghiệm Prolactin: Nồng độ Prolactin máu tăng cao bất thường có thể là nguyên nhân của khối u tuyến yên.
+ Xét nghiệm Testosterone (nội tiết tố nam)
- Chứng nghiệm thử thách hormone: Bác sỹ sẽ cho bạn dùng thuốc nội tiết từ 7 đến 10 ngày để gây ra kinh nguyệt. Kết quả từ thử thách này có thể cho bác sĩ nguyên nhân gây vô kinh do thiếu estrogen hay không.
- Phương pháp thăm dò:
+ Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm tử cung phần phụ qua ngả âm đạo: kiểm tra bất thường ở cơ quan nội tạng hoặc cơ quan đường sinh dục
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI): trong trường hợp cần khảo sát kỹ hơn về các bất thường đường sinh dục hoặc u tuyến yên.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
+ Nội soi buồng tử cung: đánh giá các bất thường về hình thái tử cung, cổ tử cung, sẹo gây dính buồng tử cung( trong hội chứng Asherman).
Việc điều trị vô kinh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô kinh như:
- Thay đổi lối sống:
+ Chế độ ăn uống khoa học: không bỏ bữa sáng, chế độ ăn đủ thành phần chất xơ, tinh bột, chất đạm, chất béo. Nên chọn các thực phẩm dễ tiêu, tăng lượng trái cây và hoa quả, hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh.
+ Uống nhiều nước. Hạn chế uống rượu, hoặc đồ uống có gas, hút thuốc lá.
+ Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: ngủ đủ giấc, thư giãn, tập yoga, dành nhiều thời gian cho bản thân. Tránh những căng thẳng hoặc cảm xúc mạnh.
Chế độ nghỉ ngơi hợp lý cải thiện tình trạng vô kinh
- Sử dụng một số loại thuốc nội tiết tố và thuốc tránh thai có thể giúp gây ra kinh nguyệt hoặc giúp kích hoạt quá trình rụng trứng để gây ra kinh nguyệt( trong hội chứng buồng trứng đa nang). Liệu pháp hormone có thể được sử dụng để cân bằng hormone.
- Phẫu thuật là rất hiếm, nhưng có thể cần thiết trong một số trường hợp, chẳng hạn như:
+ Để sửa chữa các khiếm khuyết do gen hoặc nhiễm sắc thể.
+ Để điều trị khôi u tuyến yên (não).
+ Để loại bỏ mô sẹo ở tử cung (hội chứng Asherman)
Kết luận
Qua bài viết có thể thấy vô kinh là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Việc phát hiện sớm đúng nguyên nhân của bệnh, giúp việc điều trị đạt hiệu quả không chỉ với rối loạn kinh nguyệt của người phụ nữ mà còn là những vấn đề bệnh lý khác có liên quan như: khả năng có thai, loãng xương,…
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!