Bác sĩ: ThS. Nguyễn Thị Trang
Chuyên khoa:
Năm kinh nghiệm:
Vô sinh thứ phát (Secondary infertility) là tình trạng các cặp vợ chồng từng mang thai trước đây nhưng không thể thụ thai lại dù sinh hoạt tình dục thường xuyên và không sử dụng biện pháp ngừa thai. Tình trạng này được xác định sau 12 tháng ở phụ nữ dưới 35 tuổi hoặc sau 6 tháng ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.
Vô sinh thứ phát ngày càng phổ biến, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm số lượng cặp vợ chồng mắc vô sinh thứ phát tăng 15-20% so với năm trước, gây ra nhiều áp lực cho gia đình và xã hội. Hiểu biết, điều trị và dự phòng vô sinh thứ phát kịp thời là điều cần thiết nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng.
Tỷ lệ vô sinh thứ phát đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam
Vô sinh thứ phát có thể do nhiều yếu tố gây nên. Khoảng 40% trường hợp vô sinh thứ phát liên quan đến yếu tố từ vợ, 40% từ chồng, 10% do cả hai vợ chồng, và 10% không thể xác định được lý do cụ thể. Các nguyên nhân chính có thể kể đến:
Nguyên nhân từ vợ:
Rối loạn phóng noãn: là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh thứ phát, trong đó hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là nguyên nhân thường gặp nhất. Hội chứng này đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều nang nhỏ trong buồng trứng, sự thay đổi nội tiết và chu kỳ kinh nguyệt không đều. Rối loạn nội tiết tố khiến việc hình thành nang trứng trội gặp khó khăn, dẫn đến hiện tượng rụng trứng không thường xuyên hoặc không xảy ra. Ngoài ra, các tình trạng như tăng prolactin máu, suy buồng trứng sớm, rối loạn hormon tuyến giáp cũng có thể gây rối loạn phóng noãn, làm giảm khả năng thụ thai.
Viêm, tắc ống dẫn trứng: sự thụ tinh của trứng và tinh trùng thường diễn ra ở ⅓ ngoài của ống dẫn trứng. Việc thụ thai sẽ không xảy ra nếu con đường này bị tắc hoặc bị tổn thương do các nguyên nhân như viêm nhiễm, các can thiệp phẫu thuật trước đó.
Lạc nội mạc tử cung: là tình trạng mô nội mạc tử cung phát triển ngoài buồng tử cung gây nhiều biến chứng trong đó có vô sinh thứ phát. Đặc biệt, khi lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, nó có thể gây giảm dự trữ buồng trứng hoặc tắc nghẽn vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
Nhiễm trùng và yếu tố miễn dịch: nhiễm khuẩn mạn tính nội mạc tử cung, tồn tại kháng thể kháng tinh trùng, rối loạn miễn dịch,..là những nguyên nhân làm giảm khả năng làm tổ của phôi dẫn đến thai sinh hóa.
Phụ nữ lớn tuổi: chất lượng buồng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 35 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm mạnh, đồng thời tăng nguy cơ về thai dị tật, quá trình thụ thai khó khăn dẫn đến vô sinh thứ phát.
Nguyên nhân từ chồng:
Chất lượng tinh trùng: tinh trùng bất thường về số lượng, hình thái, tỉ lệ di động tiến tới,..trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, stress, mất ngủ, uống nhiều bia rượu, chất kích thích là những tác nhân phổ biến gây giảm chất lượng tinh trùng.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh: giãn tĩnh mạch thừng tinh gây ứ đọng tuần hoàn dẫn đến thay đổi nhiệt độ, môi trường tinh hoàn. Nhiệt độ cao hơn sinh lý gây bất lợi cho quá trình sản xuất tinh trùng, tinh trùng giảm, kém chất lượng.
Viêm nhiễm đường sinh dục: các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục nam như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn,..gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tinh trùng, tắc đường dẫn tinh, làm giảm hoặc mất khả năng sinh sản.
Nguyên nhân chung:
Môi trường sinh sống: khi tiếp xúc với lượng lớn hoặc thời gian kéo dài những chất độc hại như khí thải công nghiệp, phương tiện giao thông, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc nhuộm, sơn, dung môi,...sẽ làm tổn thương tinh trùng ở nam giới và ảnh hưởng chức năng buồng trứng ở nữ giới. Ngoài ra, nguồn nước sinh hoạt chứa hóa chất như nitrat, arsenic, hoặc kim loại nặng có thể gây rối loạn nội tiết.
Nghề nghiệp: làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại hoặc nhiệt độ cao (lò luyện kim, nhà máy nhiệt điện) ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng sinh sản. Công việc tiếp xúc với bức xạ: tia X, tia gamma trong môi trường y tế, công nghiệp có thể gây đột biến gen, làm giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ sảy thai.
Lối sống không lành mạnh: ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, không kiểm soát cân nặng, hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích có thể làm suy yếu chức năng tinh trùng, rối loạn nội tiết tố. Bên cạnh đó, thường xuyên thức khuya, căng thẳng tâm lý kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp gây giảm khả năng thụ thai.
Môi trường sinh sống bị ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây vô sinh thứ phát
Duy trì lối sống khoa học và lành mạnh:
Chế độ ăn uống phù hợp: ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả sạch, ngũ cốc nguyên hạt, protein từ cá, các loại hạt và dầu lành mạnh. Tăng cường các chất chống oxy hóa như vitamin C, E, kẽm và selen để bảo vệ chất lượng trứng và tinh trùng.
Rèn luyện thể lực thường xuyên: luyện tập thể dục hằng ngày, ít nhất 150 phút/ tuần, duy trì cân nặng hợp lý giúp tăng cường trao đổi chất, nâng cao miễn dịch cơ thể, tốt cho hệ sinh sản.
Kiểm soát căng thẳng: áp dụng các phương pháp giảm stress như yoga, thiền định, tham gia các hoạt động giải trí đồng thời ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng kéo dài.
Tránh các yếu tố độc hại: không hút thuốc, hạn chế rượu bia và giảm tiếp xúc với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu hoặc dung môi công nghiệp. Thay đổi môi trường sống nếu phát hiện có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Khám sức khỏe định kỳ:
Đây là bước quan trọng để phát hiện sớm vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý như viêm nhiễm sinh dục, lạc nội mạc tử cung, các khối u phần phụ ở nữ giới hoặc giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới giúp tránh khả năng mắc vô sinh thứ phát sau này.
Các cặp vợ chồng có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền cần được tư vấn để đánh giá nguy cơ và có biện pháp dự phòng phù hợp.
Lập kế hoạch sinh sản theo độ tuổi:
Với phụ nữ nên sinh đủ con trước tuổi 35 vì vậy cần lập kế hoạch mang thai ở độ tuổi phù hợp. Nếu chưa sẵn sàng làm mẹ, việc trữ đông noãn là một lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản. Ở nam giới, tuổi tác có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, đặc biệt là sau tuổi 40. Khi đó, tỷ lệ đột biến di truyền có thể tăng lên, làm tăng nguy cơ truyền gen trội cho con. Vì vậy, việc sinh con trước độ tuổi này được khuyến khích.
Tìm kiếm hỗ trợ sinh sản khi cần thiết:
Các cặp vợ chồng khi mong con trong 12 tháng (hoặc 6 tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi) nhưng không thụ thai nên sớm tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hỗ trợ sinh sản. Việc hỗ trợ sớm sẽ tăng khả năng có con, giảm chi phí điều trị sau này.
Chẩn đoán Vô sinh thứ phát:
Vô sinh thứ phát được xác định khi cặp vợ chồng đã từng mang thai, có quan hệ tình dục thường xuyên (tối thiểu 2-3 lần/ tuần), không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không thể có thai trở lại sau 6 tháng đối với phụ nữ trên 35 tuổi, 12 tháng với phụ nữ dưới 35 tuổi.
Chẩn đoán nguyên nhân gây vô sinh thứ phát là một quá trình khá phức tạp, cần nhiều lần thăm khám. Bác sĩ sẽ thu thập thông tin, khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và công cụ chẩn đoán hình ảnh để đánh giá sức khỏe sinh sản của cả vợ và chồng.
Chẩn đoán nguyên nhân từ vợ:
Để kiểm tra sức khỏe sinh sản và tìm nguyên nhân gây vô sinh ở người vợ cần tiến hành ít nhất qua ba lần thăm khám.
Lần thăm khám đầu tiên: thường tiến hành vào ngày sạch kinh, bác sĩ hỏi bệnh, thu thập thông tin về chu kỳ kinh nguyệt, số lần mang thai (bao gồm cả những lần thành công và thất bại), tiền sử các bệnh lý liên quan và các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, tiền sử gia đình có bệnh lý di truyền, hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đồng thời, bệnh nhân được khám lâm sàng và làm một số cận lâm sàng để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Xét nghiệm dịch âm đạo - cổ tử cung đánh giá tình trạng viêm nhiễm, xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư Cổ tử cung, siêu âm đầu dò âm đạo,.. nhằm đánh giá giải phẫu tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phát hiện các khối u phần phụ là những cận lâm sàng cơ bản nhất giúp bác sĩ tìm nguyên nhân gây vô sinh ở nữ.
Lần thăm khám tiếp theo: được làm vào ngày ra kinh, thường bác sĩ sẽ hẹn bệnh nhân tái khám vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Đây là thời điểm thích hợp để tiến hành xét nghiệm máu đánh giá nội tiết buồng trứng (FSH, LH, estradiol, progesteron, prolactin, testosterone,..), đồng thời khảo sát các chỉ số khác (như chức năng tuyến giáp, đường huyết, công thức máu, các bệnh lây truyền qua đường máu,...) để kiểm tra sức khỏe tổng quát toàn cơ thể.
Một số cận lâm sàng kiểm tra chuyên sâu có thể được các bác sĩ chỉ định như xét nghiệm di truyền (tìm các bất thường về NST và gen), xét nghiệm về các bệnh lý huyết khối (hội chứng tăng đông máu, hội chứng kháng Phospholipid,..), xét nghiệm kháng thể NK đánh giá bất thường của nội mạc tử cung,...
Lần khám thứ ba: cần thăm khám trong ngày thứ 7-10 của chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh nhân được hẹn vào thời điểm sau sạch kinh vài ngày, đã kiêng quan hệ tình dục. Bác sĩ sẽ thăm khám để loại trừ vấn đề viêm nhiễm và chắc chắn không mang thai trước khi thực hiện chụp tử cung và vòi trứng (Hysterosalpingography). Cận lâm sàng này giúp đánh giá sự lưu thông của đường sinh dục, phát hiện sự tắc nghẽn hoặc dị dạng của buồng tử cung, vòi trứng.
Thứ tự thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được các bác sĩ xem xét và chỉ định tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Chẩn đoán nguyên nhân từ chồng:
Hỏi bệnh và khám lâm sàng: tương tự như với người vợ, bác sĩ khai thác các thông tin về tuổi tác, nghề nghiệp, môi trường sống, thói quen sinh hoạt (hút thuốc, sử dụng rượu bia, thuốc,..) và các bệnh lý liên quan nhằm đánh giá các nguy cơ có thể gây vô sinh thứ phát.
Xét nghiệm tinh dịch đồ: chất lượng tinh trùng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai ở nam giới. Xét nghiệm tinh dịch đồ đánh giá các chỉ số như số lượng, mật độ, tỷ lệ di động tiến tới và hình dạng của tinh trùng.
Xét nghiệm nội tiết: các xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ testosterone, FSH, chức năng tuyến giáp được chỉ định khi có cần xác định các vấn đề liên quan đến rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến quá trình tạo tinh trùng.
Siêu âm tinh hoàn: giúp đánh giá cấu trúc và kích thước tinh hoàn. Qua đó phát hiện sự bất thường về kích thước, loại trừ các khối u, phát hiện viêm nhiễm tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn. Siêu âm còn phát hiện các vấn đề liên quan đến mạch máu như giãn tĩnh mạch thừng tinh -một nguyên nhân phổ biến gây vô sinh ở nam giới.
Xét nghiệm kiểm tra các yếu tố viêm nhiễm: các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và một số bệnh lý viêm nhiễm toàn thân khác như viêm gan B, HIV, giang mai, viêm niệu đạo,… sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của nam giới. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm qua đường máu hoặc dịch tại bộ phận sinh dục để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý trên.
Xét nghiệm di truyền: một số trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân hoặc có tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền, các xét nghiệm đánh giá NST hoặc giải trình tự gen có thể được thực hiện để tìm ra các rối loạn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, như hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter hoặc các rối loạn di truyền khác.
Tinh dịch đồ là xét nghiệm cơ bản để tìm nguyên nhân vô sinh thứ phát ở nam giới
Điều trị vô sinh thứ phát cần kết hợp nhiều phương pháp và phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị nội khoa:
Thuốc kích thích rụng trứng: Clomiphene citrate và Letrozole thường được các bác sĩ lựa chọn trong điều trị vô sinh do rối loạn rụng trứng, như phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Metformin: Metformin trong việc hỗ trợ phụ nữ mắc PCOS có kháng insulin cải thiện khả năng thụ thai. Thuốc cần được bác sĩ xem xét và chỉ định trong trường hợp cụ thể.
Thuốc cải thiện chất lượng tinh trùng: các chất chống oxy hóa như Vitamin C và Vitamin E, kẽm đã được nghiên cứu giúp cải thiện chất lượng tinh trùng bằng cách bảo vệ chúng khỏi sự tổn thương do oxy hóa.
Thuốc cải thiện chất lượng trứng: Myo-Inositol và D-Chiro-Inositol và các nhóm vitamin như acid folic, vitamin D, E,.. giúp cải thiện chất lượng nang noãn và hỗ trợ rụng trứng.
Tâm lý liệu pháp: điều trị vô sinh thứ phát có thể dẫn đến căng thẳng và lo âu, do đó, việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các cặp vợ chồng là vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu đăng trên Human Reproduction (2016), các liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive Behavioral Therapy) đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm căng thẳng liên quan đến vô sinh. Bên cạnh đó, thực hành yoga không chỉ giúp giảm stress mà còn cải thiện tuần hoàn máu, từ đó tạo ra một môi trường thuận lợi cho khả năng thụ thai.
Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật tắc nghẽn ống dẫn trứng: phẫu thuật giúp tái lập sự lưu thông của vòi trứng, qua đó cải thiện khả năng thụ thai cho các cặp vợ chồng vô sinh thứ phát do nguyên nhân tắc ống dẫn trứng.
Phẫu thuật bóc u xơ cơ tử cung và nang buồng trứng: các trường hợp u xơ cơ tử có biến chứng, gây khó khăn cho việc phôi thai làm tổ hoặc các khối u nang buồng trứng có chỉ định can thiệp sẽ được bác sĩ tiến hành phẫu thuật, nhằm nâng cao cơ hội có thai cho bệnh nhân.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF và ICSI): đây là các phương pháp hỗ trợ sinh sản cuối cùng khi các điều trị khác không giúp bệnh nhân mang thai tự nhiên, đặc biệt với các trường hợp tắc vòi trứng, tinh trùng yếu. Trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông được kết hợp bên ngoài cơ thể trong phòng thí nghiệm để tạo phôi. Phôi sau đó được chuyển vào tử cung của người phụ nữ để phát triển thành thai kỳ.
IVF mang lại cơ hội có con cho các cặp vợ chồng vô sinh thứ phát
Trên đây là các thông tin cần thiết về vô sinh thứ phát. Để chẩn đoán chính xác và điều trị, bệnh nhân cần đến kiểm tra, thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý này. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.
Tài liệu tham khảo:
American Society for Reproductive Medicine (ASRM). (2022). "Diagnostic evaluation of the infertile female." Fertility and Sterility, 118(4), 703-718.
Practice Committee of the American Society for Reproductive Medicine. (2020). "Evaluation and treatment of infertility: A committee opinion." Fertility and Sterility, 113(4), 809-818.
American College of Obstetricians and Gynecologists. (2019). "The Management of Infertility." Obstetrics & Gynecology, 133(2), e111-e126..
Sjöblom, M., et al. (2019). "Lifestyle factors and their impact on fertility." European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology, 242, 1-8.
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!