Các tin tức tại MEDlatec

4 nhóm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật đặc trưng nhất

Ngày 16/12/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Thụ
Khi hệ giao cảm và phó giao cảm không còn duy trì sự cân bằng, hệ thần kinh thực vật dễ rơi vào trạng thái rối loạn. Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật không quá khó để nhận biết nếu bạn chú ý cảm nhận sự thay đổi của cơ thể. Thông tin cụ thể hơn sẽ được chia sẻ trong bài viết sau của MEDLATEC.

1. Tìm hiểu chung về rối loạn thần kinh thực vật

1.1. Khái quát bệnh lý

Rối loạn thần kinh thực vật tác động đến một số hoạt động không thể tự chủ của cơ thể như điều phối nhịp tim, tăng hoặc giảm huyết áp, điều tiết mồ hôi, hoạt động tại đường tiêu hóa,... gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống hàng ngày. 

Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng khá lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh 

Nói cách khác, rối loạn thần kinh thực vật được hiểu là sự mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, đây là hai thành phần cấu thành hệ thần kinh thực vật. Thông thường, hai hệ thần kinh này vận hành theo cơ chế trái ngược, tác động qua lại duy trì các hoạt động trong cơ thể. 

Người bị rối loạn thần kinh thực vật sẽ gặp phải một vài ảnh hưởng trong đời sống. Để điều trị bệnh lý này, bác sĩ cần kết hợp nhiều phương pháp dựa theo nguyên nhân gây bệnh. 

1.2. Nguyên nhân

Tình trạng rối loạn thần kinh thực vật có thể đến từ những nhóm nguyên nhân sau: 

  • Ảnh hưởng của bệnh lý tự miễn: Chẳng hạn như bệnh lý Lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren. 
  • Hệ miễn dịch bị tấn công: Có thể là do sự tác động của bệnh lý ung thư hoặc hội chứng cận ung thư. 
  • Hệ thống dây thần kinh bị tổn thương: Sau khi thực hiện phẫu thuật, điều trị xạ trị. 
  • Ảnh hưởng của một số bệnh lý khác: Ví dụ như đái tháo đường, bệnh lý về truyền nhiễm,... có thể gây tổn thương hệ thần kinh trên toàn cơ thể. 

Người bị đái tháo đường có nguy cơ bị rối loạn hệ thần kinh thực vật

Việc xác định nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật là rất quan trọng. Bởi vì dựa theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp, giảm nhẹ triệu chứng, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. 

2. Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Để giúp việc nhận biết bệnh lý sớm một cách hiệu quả, sau đây là 4 nhóm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật bạn có thể tham khảo:

2.1. Rối loạn tiêu hóa

Các rối loạn liên quan đến hệ thần kinh thực vật tại đường tiêu hóa khiến chức năng co bóp của ruột và dạ dày phần nào bị ảnh hưởng. Triệu chứng cụ thể là: 

  • Mất cảm giác ăn ngon, khó khăn khi nuốt. 
  • Đường tiêu hóa rối loạn gây táo bón hoặc tiêu chảy. 
  • Bụng đầy hơi, cảm thấy no lâu. 
  • Mất khả năng tự chủ khi đại tiện. 
  • Ợ nóng, nôn ói. 
  • Nhanh no bụng hơn bình thường dù chưa ăn nhiều,… 

Nôn ói là triệu chứng cho thấy đường tiêu hóa bị ảnh hưởng do rối loạn hệ thần kinh thực vật

Nếu không kiểm soát kịp thời, dạ dày của người bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Kéo theo đó, cơ quan tiêu hóa có khả năng bị liệt, không còn khả năng co bóp, quá trình vận chuyển thức ăn lúc này cũng bị ảnh hưởng. Hệ quả là hoạt động hấp thụ Insulin và Glucozơ thay đổi, tác động tiêu cực đến đường huyết. 

2.2. Rối loạn thần kinh thực vật tác động lên nhịp tim và huyết áp

Tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật thường tác động đến hoạt động kiểm soát nhịp tim cũng như huyết áp. Khi đó, nhiều hệ cơ quan trong cơ thể có xu hướng phản ứng chậm hơn, gây ra một vài thay đổi. Triệu chứng thường gặp lúc này là: 

  • Chỉ số huyết áp tăng. 
  • Nhịp tim thay đổi bất thường, tim có xu hướng đập nhanh hơn. 
  • Khó thở khi hoạt động thể chất. 
  • Bị thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim nhưng không xuất hiện cơn đau ngực. 
  • Cơ thể choáng váng, bị ngất khi vận động hoặc thay đổi tư thế bất ngờ. 

2.3. Triệu chứng rối loạn tại đường ở tiết niệu 

Sự rối loạn tại hệ thần kinh thực vật còn ảnh hưởng đến bàng quang gây ra một vài triệu chứng như:

  • Khó đi tiểu. 
  • Khả năng kiểm soát bàng quang kém đi. 
  • Đường tiết niệu bị nhiễm trùng. 
  • Mất khả năng tự chủ khi đi tiểu. 
  • Không còn cảm nhận được bàng quang đã chứa đầy nước hay chưa,… 

2.4. Triệu chứng tại những hệ cơ quan khác 

Bên cạnh 3 nhóm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như trên, người bệnh còn biểu hiện một số dấu hiệu khác như: 

  • Đời sống tình dục bị suy giảm: Nam giới bị rối loạn cương dương, gặp khó khăn khi xuất tinh; nữ giới bị khô âm đạo, ngại quan hệ.
  • Hoạt động điều tiết mồ hôi thay đổi: Hay đổ mồ hôi chân, tay,.. 
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc bóng tối: Bởi dây thần kinh tại đồng tử bị tổn thương làm cho khả năng điều chỉnh khả năng phản ứng với ánh sáng bị ảnh hưởng khiến cơ thể nhạy cảm với ánh sáng hoặc bóng tối. 

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây tình trạng nhạy cảm với ánh sáng

3. Chẩn đoán và điều trị

3.1. Chẩn đoán

Trước tiên, bác sĩ thường kiểm tra tiền sử bệnh lý, thăm hỏi triệu chứng. Dựa theo thông tin khai thác được, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định thêm những xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,... và các thăm dò chức năng hay chẩn đoán hình ảnh khác.

3.2. Điều trị

Phác đồ điều trị cho người bị rối loạn thần kinh thực vật được xây dựng dựa vào nguyên nhân dẫn đến bệnh lý. Trường hợp chưa tìm ra nguyên nhân, tình trạng rối loạn này rất khó có thể điều trị triệt để. 

Sử dụng thuốc hiện vẫn là phương pháp điều trị phổ biến cho người bị mắc phải tình trạng rối loạn này. Theo đó, những loại thuốc thường dùng là thuốc trị mất ngủ, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm co thắt bàng quang dùng cho người bị rối loạn khả năng tiểu tiện, thuốc điều trị giảm tiết mồ hôi,... Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp liệu pháp tâm lý để tăng hiệu quả điều trị. 

Người bị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu được điều trị bằng thuốc

Rối loạn thần kinh không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, người bệnh không nên quá căng thẳng, nôn nóng về kết quả điều trị. Thay vào đó, mọi người hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, duy trì lối sống lành mạnh, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. 

Như vậy, MEDLATEC vừa tổng hợp các nhóm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật đặc trưng nhất. Nếu nhận thấy cơ thể biểu hiện dấu hiệu nghi ngờ của tình trạng bệnh này, bạn có thể tìm đến với chuyên khoa Thần kinh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ theo tổng đài tư vấn 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.