Các tin tức tại MEDlatec

Áp xe cạnh hậu môn: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 01/03/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh

Áp xe cạnh hậu môn: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Sự xuất hiện của áp xe cạnh hậu môn sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, ngứa ngáy, cuộc sống hàng ngày gặp nhiều bất tiện. Vậy bệnh lý này xuất phát từ đâu, có nguy hiểm không, điều trị và phòng ngừa như thế nào mới hiệu quả,... những vấn đề này sẽ được MEDLATEC chia sẻ cùng bạn ngay trong bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân và nhận biết dấu hiệu áp xe cạnh hậu môn

1.1. Như thế nào là áp xe cạnh hậu môn?

Áp xe cạnh hậu môn là sự xuất hiện của một ổ nhiễm khuẩn chứa mủ bên trong, cạnh trực tràng hoặc hậu môn. Đây là sự tích tụ của mảnh vụn tế bào, xác bạch cầu, vi khuẩn và mủ; được bao bọc bên ngoài bởi một lớp tế bào.

Mô phỏng vị trí áp xe cạnh hậu môn

1.2. Nguyên nhân áp xe cạnh hậu môn

Các trường hợp bị áp xe cạnh hậu môn thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:

- Quá trình vệ sinh hậu môn không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ gây viêm nhiễm kéo dài.

- Mắc bệnh lý vùng hậu môn: bệnh trĩ, rò hậu môn, nứt kẽ hậu môn,... khiến cho vi khuẩn xâm nhập sâu vào tổ chức kẽ ở khu vực hậu môn - trực tràng.

- Cơ thể suy nhược, thiếu máu, hệ miễn dịch suy giảm, tiểu đường,... làm tăng nguy cơ áp xe cạnh hậu môn.

- Sau tiểu phẫu một số bệnh lý như: cắt tầng sinh môn, nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ,... nếu việc vệ sinh không tốt rất dễ bị vi khuẩn tấn công và hình thành áp xe cạnh hậu môn.

- Lao động nặng trong thời gian dài, tác dụng phụ của việc dùng thuốc, có dị vật ở hậu môn nhưng điều trị sai hướng,...

1.3. Dấu hiệu áp xe cạnh hậu môn

Người bị áp xe hậu môn thường có các dấu hiệu:

- Đau nhức hậu môn ở nơi có ổ áp xe, cơn đau có xu hướng tăng khi ngồi lâu, đứng hoặc đi ngoài.

- Có khối sưng, đỏ, cứng ở quanh hậu môn gây cảm giác đau nhức, căng tức cho người bệnh.

- Khối sưng tăng kích thước, vỡ ra và chảy mủ đặc màu vàng, có mùi hôi. Tại vị trí chảy mủ có vết loét sâu rộng khó liền.

- Hậu môn luôn trong tình trạng ngứa ngáy, ẩm ướt do dịch mủ từ ổ áp xe cạnh hậu môn chảy ra.

- Mệt mỏi, sốt, mất ngủ, ớn lạnh.

Đau rát, có dịch mủ do áp xe cạnh hậu môn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh

2. Nguy cơ biến chứng áp xe cạnh hậu môn

Áp xe cạnh hậu môn nếu không được phát hiện sớm và xử trí đúng cách có thể dẫn đến nhiều hệ lụy:

- Nhiễm trùng và chảy mủ nghiêm trọng ở ổ áp xe khiến cho tổn thương ngày càng rộng, điều trị trở nên phức tạp.

- Áp xe càng lớn thì người bệnh càng đau đớn, đại tiện khó khăn và ra máu. Điều này khiến cho người bệnh có xu hướng nhịn đại tiện, nhịn ăn, giảm sức đề kháng, sức khỏe suy giảm.

- Nếu ổ áp xe vỡ có thể gây rò hậu môn.

- Tâm lý đau đớn, e ngại do có áp xe cạnh hậu môn khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, chất lượng cuộc sống giảm sút, khó tập trung vào công việc.

- Lây lan áp xe sang vùng khác của cơ thể, nguy hại đến chức năng sinh sản, dễ khiến nữ giới bị viêm nhiễm phụ khoa.

3. Chẩn đoán và điều trị áp xe cạnh hậu môn như thế nào?

3.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán áp xe cạnh hậu môn, bác sĩ thường chỉ định các hình thức kiểm tra như:

- Chụp X-quang kiểm tra đường rò hậu môn.

- Siêu âm hậu môn - trực tràng: áp dụng với trường hợp nghi ngờ đường rò lên cao hoặc không tìm thấy lỗ trong.

- Chụp MRI: đánh giá tổng quan đường rò, lỗ trong, cấu trúc lân cận và các tổn thương đi kèm.

3.2. Điều trị

3.2.1. Điều trị nội khoa

Đây là phương pháp điều trị áp dụng cho các trường hợp ổ áp xe bị viêm nhưng chưa có mủ. Trong quá trình điều trị bác sĩ thường sử dụng kháng sinh kỵ khí kết hợp kháng sinh phổ rộng, thuốc chống táo bón, dịch truyền và hạ sốt.

Khám bác sĩ Ngoại khoa giúp người bệnh tìm ra phương án điều trị áp xe cạnh hậu môn hiệu quả

Trong quá trình điều trị nội khoa áp xe cạnh hậu môn, người bệnh cần:

- Tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị do bác sĩ chỉ định.

- Không làm việc nặng và tập thể dục, tránh bơi lội.

- Ăn đồ ăn mềm, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giàu vitamin và protein để cải thiện hoạt động đường ruột.

- Uống nhiều nước để giảm đau rát và làm mềm phân.

- Rửa vệ sinh hậu môn sạch sẽ mỗi ngày.

- Không quan hệ tình dục.

- Mặc quần áo chất liệu mềm, thoáng mát.

- Nếu có các dấu hiệu sau cần đến khám bác sĩ ngay: mất nếp nhăn và sưng phồng đỏ ở hậu môn, sốt, đau rát hậu môn khiến việc ngồi và di chuyển trở nên khó khăn, chảy mủ màu vàng đặc có mùi hôi ở hậu môn.

3.2.2. Điều trị ngoại khoa

Những trường hợp bị áp xe cạnh hậu môn đã có mủ cần tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu, tháo mủ và làm sạch toàn bộ ổ áp xe. Sau phẫu thuật 1 tháng, người bệnh cần tái khám để đánh giá hiệu quả điều trị, xem xét khả năng hình thành rò hậu môn và điều trị cắt đường rò (nếu có).

4. Phương pháp phòng ngừa bệnh áp xe cạnh hậu môn

- Luôn chú ý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ hậu môn và các vùng xung quanh, nhất là sau khi đi ngoài, đi tiểu tiện.

- Thực hiện chế độ ăn khoa học với sự ưu tiên chất xơ, uống nhiều nước.

- Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, dùng chất kích thích hoặc đồ uống chứa cồn.

- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để lưu thông khí huyết, cải thiện miễn dịch và giúp cho cơ vùng chậu được thư giãn.

- Hình thành thói quen đại tiện theo giờ nhất định, không nhịn đại tiện, không ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ, không làm việc khác trong quá trình đại tiện.

Nhìn chung, áp xe cạnh hậu môn là bệnh lý có thể gặp phải ở mọi độ tuổi. Các triệu chứng do bệnh gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sức khỏe của người bệnh. Chẩn đoán sớm để điều trị ngay là cách tốt nhất để ngăn chặn hệ lụy này và kiểm soát nguy cơ biến chứng.

Quý khách hàng có dấu hiệu nghi ngờ bị áp xe cạnh hậu môn có thể đăng ký khám tại Chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được chẩn đoán đúng và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

BS Chỉnh đã duyệt

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.