Các tin tức tại MEDlatec
Áp xe vú có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
- 29/01/2021 | Cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi bị áp xe răng
- 14/01/2021 | Chị em thường sẽ mắc ung thư vú ở độ tuổi bao nhiêu?
- 26/01/2021 | Áp xe có nguy hiểm không, khi nào cần phải mổ áp xe?
1. Áp xe vú là gì và triệu chứng của bệnh
1.1. Áp xe vú là gì?
Áp xe là tình trạng viêm sưng và tích tụ mủ do nhiễm trùng gây ra, trong đó có áp xe vú. Áp xe ở vú có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, kể cả nam giới và nữ giới, cả phụ nữ sau khi sinh lẫn phụ nữ các độ tuổi khác. Tuy nhiên, áp xe vú thường gặp nhất là phụ nữ sau khi sinh và cho con bú do vú hoạt động nhiều, cần cung cấp sữa để nuôi trẻ.
Áp xe vú là tình trạng sưng viêm và tích dịch mủ số lượng lớn
Nguyên nhân gây áp xe vú là các loại tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, phế cầu, vi khuẩn kị khí,… Khi nhiễm trùng xảy ra, tế bào bạch cầu được sản sinh nhiều hơn để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Dịch mủ chính là kết quả của tế bào bạch cầu và vi khuẩn chết trong quá trình miễn dịch cơ thể này.
Tuy nhiên nếu dịch tích tụ quá mức tại cơ quan nhiễm bệnh, cụ thể là vú sẽ gây ra áp xe. Áp xe khiến vú trở thành một cái túi kín chứa đầy dịch mủ. khi dịch mủ ngày càng nhiều, ổ áp xe ngày càng lớn thì triệu chứng bệnh cũng như các biến chứng cũng nguy hiểm hơn.
Áp xe vú ảnh hưởng đến lượng cũng như chất lượng sữa của người mẹ
1.2. Triệu chứng của áp xe vú
Áp xe vú tiến triển theo 2 giai đoạn với triệu chứng khác nhau:
Giai đoạn viêm
Ở giai đoạn này, triệu chứng khá nhẹ và không thể nhận biết nếu không theo dõi sát sao:
-
Sốt cao, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu,...
-
Đau vùng vú, nhất là khi cử động ở cánh tay, vai hoặc khi cho con bú. Cảm giác đau nhức sâu trong tuyến vú sẽ tăng dần khi kích thước ổ áp xe tăng.
-
Sưng to một bên vú - nơi vú bị áp xe với mật độ chắc, sờ vào thấy đau.
-
Vùng da ở ổ áp xe có thể nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm gần da hoặc bề mặt tuyến, song cũng có trường hợp da bình thường do áp xe nằm sâu trong tuyến vú.
Giai đoạn tạo áp xe
Lúc này, các triệu chứng viêm nhiễm đều tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, sẽ có thêm các biểu hiện như: Bên cạnh đó, người bệnh còn nhận thấy:
-
Bên vú nhiễm trùng sẽ to, sưng.
-
Da bên vú áp xe bị căng, nóng, phù tím hoặc sưng đỏ.
-
Một số trường hợp khi ổ áp xe thông với ống dẫn sữa, khi sữa chảy sẽ thấy lẫn mủ.
-
Hội chứng nhiễm độc nhiễm khuẩn với 1 loạt triệu chứng như: da xanh, sốt cao, môi khô, rét run, đau đầu, khát nước, gầy yếu,…
Thăm khám giúp nhận biết và đánh giá giai đoạn áp xe vú
Nhìn chung áp xe ở vú khá dễ nhận biết, tuy nhiên do chủ quan nên nhiều trường hợp phát hiện bệnh muộn, biến chứng nặng dẫn đến việc điều trị khó khăn.
2. Biến chứng nguy hiểm của áp xe vú
Nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực thì đa phần bệnh khỏi nhanh không để lại biến chứng gì. Nếu để tình trạng này kéo dài, có thể gây ra các ảnh hưởng tới sức khỏe như:
Mất chức năng tiết sữa
Áp xe vú thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú, nếu ổ áp xe lớn, tự vỡ, gây hoại tử có thể gây mất chức năng tiết sữa.
Nhiễm trùng lan rộng
Áp xe ở vú tiến triển thì nhiễm trùng chỉ nằm trong phạm vi cơ quan này, tuy nhiên khi hệ miễn dịch không thể tiêu diệt được tác nhân gây bệnh, nhiễm trùng sẽ lan đến các cơ quan khác. Nguy hiểm nhất là nhiễm trùng đi theo đường máu đến toàn cơ thể, biến chứng nguy hiểm lúc này là: suy thận, nhiễm trùng huyết, hoại tử các chi,…
Hoại tử vú
Đây là biến chứng xảy ra do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng ở áp xe vú nặng mà không được điều trị. Tình trạng lúc này thường là vú sưng to, phù nề, vùng da ở ổ áp xe có màu vàng nhạt, tím đen dần khi hoại tử xảy ra.
Một trong những biến chứng nguy hiểm của áp xe vú là hoại tử vú
Viêm xơ tuyến vú mạn tính
Ổ áp xe tiến triển có thể gây hình thành vùng thâm nhiễm trắng do xơ vú. Biến chứng này không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng tuyến vú mà còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư vú.
Áp xe ở vú rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở cơ quan này như ung thư vú, tắc tia sữa,… gây nhầm lẫn và điều trị không hiệu quả.
Để chẩn đoán phân biệt và điều trị tốt nhất, bệnh nhân cần đi khám sớm ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh.
3. Điều trị áp xe vú như thế nào cho hiệu quả?
Bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chủ yếu là chích tháo mủ và dùng kháng sinh.
Kháng sinh
Kháng sinh giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng nói chung do vi khuẩn và áp xe ở vú nói riêng. Các trường hợp phát hiện bệnh áp xe vú sớm thường chỉ cần điều trị bằng kháng sinh mà không cần phẫu thuật can thiệp.
Chích rạch và dẫn mủ áp xe
Thường khi ổ áp xe kích thước lớn, nhiều mủ trong ổ vú thì bệnh nhân cần chích rạch hoặc phẫu thuật dẫn mủ. Đầu tiên cần phá vỡ ổ mủ rồi dẫn lưu ổ mủ ra ngoài, cần bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện kết hợp với kĩ thuật hình ảnh để tránh làm tổn thương ống dẫn sữa cũng như các cơ quan liên quan khác.
Vệ sinh và sát khuẩn
Áp xe ở vú trong giai đoạn cho con bú có thể tiến triển nặng hơn, biến chứng phức tạp hơn do trẻ bú làm sứt, nhiễm trùng đầu vú. Vì thế vệ sinh sạch sẽ đầu vú, đặc biệt khi bị xước xát, viêm nhiễm cũng rất quan trọng.
Hạn chế cho trẻ bú ở bên vú bị áp xe bởi chất lượng sữa cũng như đau đớn cho mẹ
Bên cạnh đó, ở các trường hợp cần phẫu thuật, chích mủ dẫn lưu ổ áp xe vú, cần rửa bằng oxy già, thuốc sát khuẩn,… Thay băng gạc bảo vệ hàng ngày cho đến khi hết hoàn toàn mủ, tránh bệnh tái phát.
Trong thời gian điều trị áp xe vú, mẹ không nên cho trẻ bú vì có thể lẫn dịch mủ trong sữa, sốt cao và các triệu chứng nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Điều này có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng,… Hãy cho trẻ bú ở bên vú bình thường, tuy nhiên bên vú nhiễm bệnh vẫn cần hút sữa thường xuyên ra ngoài.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!