Các tin tức tại MEDlatec
Bà bầu bị ho có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi không?
1. Nguyên nhân khiến bà bầu bị ho
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho nhẹ ở mẹ bầu, song nếu gặp yếu tố thuận lợi, cơn ho kéo dài gây không ít khó chịu và lo lắng cho mẹ. Những nguyên nhân thường gặp khiến mẹ gặp phải tình trạng ho kéo dài như:
1.1. Nguyên nhân thời tiết
Thời tiết giao mùa, đặc biệt khi trời đột ngột trở lạnh ở đầu mùa thu, đông dễ khiến mẹ bầu mắc phải triệu chứng ho.
1.2. Do hệ miễn dịch yếu
Ở phụ nữ mang thai, sức đề kháng cơ thể cũng bị suy giảm hơn nhiều, cùng sự thay đổi nội tiết tố là điều kiện tốt khiến các vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây bệnh. Ho là một trong những triệu chứng của nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp.
1.3. Trào ngược dạ dày
Khi mang thai, tử cung kích thước lớn tạo áp lực lên ổ bụng, dễ gây trào ngược dạ dày. Acid dạ dày lúc này có thể làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp gây ra triệu chứng ho.
1.4. Dị ứng
Cơn ho khan có thể xuất hiện nếu cơ thể mẹ bầu tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: thay đổi thời tiết, hóa chất, thức ăn, bụi phấn, lông chó mèo,…
1.5. Hen suyễn
Phụ nữ có tiền sử bệnh hen suyễn cũng thường gặp tình trạng ho kéo dài, dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong thời kỳ mang thai.
1.6. Ô nhiễm không khí
Sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi, khí gas cũng là nguyên nhân khiến bà bầu bị ho.
1.7 Ho do các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp
Nếu ho do viêm họng, viêm xoang,... hoặc bệnh lý phổi: viêm phế quản, viêm phổi,… kèm theo sốt hoặc tức ngực, khạc đờm,... thì cần đến gặp bác sĩ ngay.
Ho do bị cảm, ốm thường hết sau khi trị khỏi bệnh
2. Bà bầu bị ho có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Ho ở bà bầu là tình trạng khá thường gặp, ho do cảm, nhiễm trùng đường hô hấp thường hết sau khi điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu ho kéo dài, ho do hen suyễn, dị ứng kéo dài dai dẳng có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
2.1. Ho cảnh báo tình trạng nhiễm trùng
Nếu mẹ bị ho do nhiễm trùng, thường gặp là nhiễm trùng đường hô hấp, mẹ cần sớm điều trị để tránh nhiễm trùng thai nhi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
2.2. Ho có thể kích thích mạnh tới thai nhi
Bà bầu bị ho kéo dài, ho khan, ho mạnh, ho liên tục có thể gây kích thích dẫn tới cơn gò tử cung, gây dọa sinh non hoặc động thai sớm.
2.3. Ho gây co thắt vùng ngực
Tình trạng này kéo dài khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, suy nhược, ảnh hưởng làm chậm sự phát triển của thai nhi.
3. Làm gì khi mẹ bầu bị ho?
Mẹ bầu bị ho kéo dài, ho có đờm, kèm theo sốt, mệt mỏi,… nên sớm tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Mọi dấu hiệu bất thường về sức khỏe của mẹ và thai nhi cần được xem xét để có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh nhất. Để giảm triệu chứng khó chịu an toàn, nhanh chóng, mẹ có thể tham khảo một số cách sau:
3.1. Dùng mật ong
Từ lâu, mật ong đã được coi như phương thuốc trị ho, đau rát họng khá phổ biến trong dân gian. Mật ong với mẹ bầu cũng rất an toàn. Vị ngọt của mật ong khá dễ chịu, khi uống giúp làm dịu cơn đau rát họng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm ho nhanh chóng.
Mật ong có tác dụng giảm ho nhanh chóng
3.2. Dùng tỏi
Tỏi là loại gia vị chứa kháng sinh tự nhiên rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Tuy nhiên, mùi vị của tỏi cũng khá mạnh nên không phải ai cũng có thể sử dụng được chúng.
Với bà bầu bị ho, ăn một ít tỏi sống cũng giúp giảm khó chịu ở cổ họng, dịu cơn ho hiệu quả. Lưu ý cần nhai hoặc nghiền nát tỏi để đạt hiệu quả tốt nhất. Áp dụng ngày 2 - 3 lần cho tới khi triệu chứng ho dứt hẳn nhé.
3.3. Dùng dầu khuynh diệp
Đây là vị thuốc giảm ho và điều trị cảm lạnh an toàn, hiệu quả với phụ nữ mang thai. Sử dụng bằng cách thoa chà nhẹ một ít dầu lên ngực, hoặc xông hơi giúp làm sạch đường thở.
3.4. Uống nước
Uống nước, đặc biệt là nước ấm cũng giúp làm dịu cổ họng, giảm co thắt, giảm ho hiệu quả. Ngoài ra, bổ sung nước cũng giúp cơ thể phục hồi, giảm triệu chứng khó chịu khi bị cảm lạnh, ốm sốt.
3.5. Chanh
Chanh thường được sử dụng với mật ong như một bài thuốc trị ho hiệu quả. Vitamin C trong chanh tác dụng như một chất chống oxy hóa tự nhiên, kháng virus và kháng khuẩn. Ngoài ra, chanh giúp bổ sung kali, hỗ trợ thận hoạt động tốt hơn, bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể, mẹ bầu cũng nhanh khỏi cảm cúm và ho hơn.
Khi bị ho, mẹ bầu nên uống nước chanh pha ấm từ 1 - 2 lần mỗi ngày. Có thể dùng kết hợp với mật ong.
Trà gừng giúp làm ấm, giảm ho cho mẹ bầu
3.6. Gừng
Gừng đặc biệt hiệu quả với các trường hợp ho khan do dị ứng, nhiễm virus. Trà gừng hoặc nước gừng ấm cũng giúp giảm viêm hiệu quả. Cách chế biến trà gừng cũng khá đơn giản, mẹ đập giập 2 nhanh gừng, ngâm trong cốc nước sôi khoảng 15 phút. Sau đó pha thêm mật ong và thưởng thức (Lưu ý không cho mật ong trực tiếp vào nước sôi).
3.7. Kẽm
Bổ sung kẽm cũng là cách trị ho dai dẳng, do do cảm lạnh hoặc nhiễm virus đường hô hấp. Kẽm có tác dụng ngăn cản sự hoạt động, phát triển của virus gây bệnh ở đường hô hấp, đẩy lùi bệnh cũng như các cơn ho. Mẹ bầu có thể bổ sung kẽm qua các thực phẩm giàu chất này như: dầu mầm lúa mì, rau bó xôi, hạt bí ngô,…
3.8. Nước muối
Súc miệng, ngậm miệng bằng nước muối ấm giúp làm sạch, sát trùng nhẹ nhàng đường hô hấp. Ngoài ra, nước muối cũng giúp làm giảm dịch nhầy, giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn, nấm và chất gây dị ứng trong cổ họng. Vì thế, súc miệng bằng nước muối ấm 3 - 4 lần mỗi ngày cũng giúp mẹ bầu đẩy lùi triệu chứng ho khó chịu.
4. Làm gì để phòng ngừa ho cho mẹ bầu
Với mẹ bầu, việc tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi việc sử dụng thuốc trị bệnh ở giai đoạn này cần rất hạn chế để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi. Sức khỏe của mẹ bầu kém đi cũng là điều kiện thuận lợi khiến vi khuẩn, virus dễ gây bệnh hơn.
Do đó, phụ nữ mang thai nên chủ động tăng sức đề kháng, ngăn ngừa cảm lạnh, ho bằng cách:
4.1. Uống Vitamin tổng hợp
Đôi khi chế độ dinh dưỡng hàng ngày không đủ cung cấp cho cơ thể, tạo hàng rào ngăn ngừa bệnh tật hiệu quả. Các loại Vitamin tổng hợp dành cho mẹ bầu giúp cung cấp Vitamin, sắt và các dưỡng chất cần thiết, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
Mẹ bầu cần lưu ý tiêm phòng vắc xin đầy đủ
4.2. Nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể mẹ khi mang thai không nên lao động quá sức, cần nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là ngủ đủ giấc. Giấc ngủ sẽ giúp cân bằng cơ thể, tăng cường sức khỏe và khả năng miễn dịch.
4.3. Tiêm phòng vắc xin
Phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai cần chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phù hợp để bảo vệ cho sức khỏe cả mẹ lẫn bé.
Ngoài ra mẹ bầu cũng cần giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với những người bị ốm, cảm cúm, cảm virus để ngăn ngừa lây bệnh. Bà bầu bị ho không phải là triệu chứng nguy hiểm quá đáng lo ngại, song không nên chủ quan, thận trọng trong sử dụng thuốc điều trị.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!