Các tin tức tại MEDlatec

Bạn nên biết: vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày?

Ngày 21/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Tỷ lệ người Việt Nam mắc vi khuẩn HP dạ dày đang có xu hướng ngày càng tăng. Điều đáng nói là loại vi khuẩn này lại có liên hệ mật thiết với bệnh ung thư dạ dày nên rất nhiều người lo lắng. Vậy vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày?

1. Nguyên nhân khiến bạn bị HP dạ dày là gì

Vi khuẩn HP sống trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và tiết ra chất kích thích làm dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, làm suy yếu lớp nhầy, tạo một số độc tố và làm tổn thương các tế bào nằm bên dưới lớp này. Chính vì sự có mặt và hủy hoại mà HP gây ra nên niêm mạc dễ bị chất axit có trong dịch tiêu hóa của dạ dày bào mòn và viêm loét dạ dày hay tá tràng.

Vi khuẩn HP tấn công dạ dày

Vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể con người qua nhiều con đường lây nhiễm khác nhau:

- Miệng - phân: khi ăn uống nguồn nhiễm khuẩn HP thì vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể rồi nó được đào thải qua phân. Nếu việc xử lý chất thải không tốt, nuôi trồng không đảm bảo an toàn thực phẩm thì khi ăn hoặc uống phải nguồn bị ô nhiễm chất thải có chứa chủng Hp thì sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn này.

- Đường miệng - miệng: Hp tồn tại trong nước bọt người bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác khi nói chuyện, ho, hắt hơi,... hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống, vệ sinh răng miệng,...

2. Bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP có triệu chứng ra sao

Hầu hết các trường hợp bị bệnh dạ dày do vi khuẩn HP đều không có triệu chứng điển hình. Ở một số người, khuẩn này gây tổn thương dưới dạng viêm loét hoặc ung thư dạ dày với những triệu chứng với mức độ khác nhau:

- Cảm thấy đau hoặc khó chịu ở thượng vị.

- Bụng đầy, chướng.

- Chán ăn.

- Ăn cảm thấy nhanh no.

- Thường xuyên buồn nôn, nôn.

- Phân đen do ổ loét dạ dày bị chảy máu hoặc từ khối u mà ra.

3. Vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày

3.1. Khi nào vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày

Đối với các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng mãn tính thì HP được xem là yếu tố chủ yếu gây ra bệnh. Đối với ung thư dạ dày, loại khuẩn này cũng được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm tác nhân đầu tiên gây ra bệnh. Vậy vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày?

Không thể không thừa nhận vi khuẩn HP có liên hệ mật thiết với ung thư dạ dày. Năm 2014, tại Đức, một nhóm nhà khoa học đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa ung thư dạ dày và vi khuẩn này đó là khi nó sinh sống trên niêm mạc dạ dày sẽ tiết ra nhiều độc tố khiến cho DNA của tế bào niêm mạc dạ dày thay đổi, gây chuyển sản dạ dày ruột, viêm teo dạ dày, loạn sản và ung thư.

Vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày - chủ yếu là khi nhiễm phải chủng mang gen CagA

Phân tích tổng hợp gồm 12 nghiên cứu khác nhau của các nhà khoa học về mối tương quan giữa vi khuẩn Hp với ung thư dạ dày cho thấy, so với người bình thường thì người bị nhiễm khuẩn HP có khả năng ung thư dạ dày cao gấp 6 - 10 lần. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu dịch tễ thế giới ở người bị nhiễm khuẩn HP cũng cho thấy khuẩn HP có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Một bằng chứng khác nữa là một nghiên cứu tại Trung Quốc trong hơn 10 năm ở nhóm bệnh nhân đã được điều trị và tiêu diệt vi khuẩn HP cho thấy họ có thể giảm được 40% nguy cơ bị ung thư dạ dày trong những năm tiếp theo của cuộc đời. Như vậy, có thể khẳng định vi khuẩn HP có thể là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải cứ bị nhiễm vi khuẩn HP là chắc chắn sẽ bị ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như độc tính của vi khuẩn, cơ địa của mỗi người, chế độ ăn uống,... Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy có đến 200 loại HP khác nhau nhưng chỉ một số loại mang gen CagA là có độc lực cao và làm tăng nguy cơ ung thư mà thôi.

Không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, khuẩn HP còn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nhiều loại ung thư đường ruột khác như ung thư thực quản, ung thư ruột, ung thư hạch. Để biết dạng HP mình mắc có thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA không người bệnh chỉ cần làm xét nghiệm là được. Thực tế cho thấy có đến 80% người trên 50 tuổi nhiễm khuẩn HP nhưng trong số đó không phải ai cũng bị ung thư dạ dày.

3.2. Quá trình gây ung thư dạ dày ở vi khuẩn HP

Cơ chế tác động vào dạ dày gây ra ung thư của vi khuẩn HP tương đối đa dạng. Chủng HP có khả năng gây ung thư sẽ gây đột biến và tác động trực tiếp đến việc hình thành các khối u có trong niêm mạc dạ dày. Trường hợp các tế bào của khối u này là tế bào đột biến ác tính thì chúng sẽ phát triển thành ung thư dạ dày. Ngoài ra, khuẩn HP mang tên EPIYA D mang gen biến đổi thể gen A liên quan đến cytokine cũng có thể gây ung thư dạ dày nhưng theo một cơ chế khác.

3.3. Đối tượng nào nên làm xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn HP

Khi đã biết vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày bạn cũng cần biết về những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm tìm kiếm vi khuẩn này. Nhóm đối tượng ấy gồm:

Test thở tìm vi khuẩn HP dạ dày

- Người có triệu chứng như đã nói ở trên.

- Người sinh ra trong gia đình có tiền sử với bệnh ung thư dạ dày.

- Người có bệnh lý dạ dày HP mãn tính.

- Người phải dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm trong thời gian dài.

Ngoài những trường hợp này thì hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn HP không cần can thiệp điều trị. Mặt khác, khuẩn này có thể bị tiêu diệt khi tuân thủ đúng phác đồ do bác sĩ đưa ra nên tiêu diệt vi khuẩn HP được xem là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa nguy cơ ung thư dạ dày.

Qua những chia sẻ trên đây hy vọng chúng tôi đã giúp bạn đọc giải đáp được hoang mang vi khuẩn HP khi nào gây ung thư dạ dày để bớt lo lắng về sự xâm nhập của khuẩn này vào cơ thể. Nếu còn băn khoăn khác, bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900 565656 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp chi tiết hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.