Các tin tức tại MEDlatec

Bắt mạch có tác dụng gì và quy trình thực hiện như thế nào?

Ngày 13/04/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Trong Đông y, bắt mạch là bước đầu tiên và quan trọng trong quá trình khám và chữa trị bệnh. Vậy phương pháp này có tác dụng gì? Quy trình chẩn đoán mạch diễn ra như thế nào?

1. Tác dụng của bắt mạch là gì?

Mạch là khí huyết của con người và được biểu hiện ở hai tay. Trong y học cổ truyền, bắt mạch là kỹ thuật cơ bản và rất quan trọng đối với người thầy thuốc. Đây là phương pháp giúp người thầy thuốc kiểm tra được những bất thường đang diễn ra bên trong cơ thể của người bệnh. 

Bắt mạch có thể giúp người thầy thuốc phát hiện những vấn đề sức khỏe của người bệnh

Ở người bình thường, mạch không trầm, không phù, không sắc, đi hòa hoãn đều đặn. Khi cơ thể có những bất thường, mạch sẽ có sự thay đổi tùy thuộc theo những vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang gặp phải. 

Dưới đây là một số đặc điểm của mạch trong những bệnh lý cụ thể: 

- Nếu bệnh thuộc ngoại tà thực chứng: Người bệnh trong tình trạng khí huyết thịnh nhưng nhiệt, khi cảm nhiễm phải tà khí lục dâm như hàn, thấp, phong, thử, táo, hỏa mạch sẽ biến ra hồng, phù, huyền, hoạt, sác, khẩn, khâu, thực, đại, trường đều thuộc mạch dương.

- Nếu bệnh thuộc chính khí hư hay bệnh nội thương phần lý: Người bệnh trong tình trạng khí huyết thuộc hư nhưng hàn. Mạch sẽ biểu hiện ra nhuyễn, nhược, nhu, trì, trầm, hoãn, tế, phục, sác, mạch hư thuộc loại mạch âm khi mắc hội chứng nội thương thất tình như buồn, vui, lo sợ,…

2. Quy trình bắt mạch

Như đã nêu trên, bắt mạch là một bước không thể thiếu trong quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh trong Đông y. Cụ thể, quy trình bắt mạch sẽ được diễn ra theo các bước như sau: 

- Bước chuẩn bị: Phòng bắt mạch cần đảm bảo yên tĩnh. Người bệnh cần ở tư thế nằm và hai tay để xuôi, bàn tay ngửa lên để đảm bảo mạch không bị ép. Một điều đặc biệt quan trọng mà người bệnh cần lưu ý đó là cần thả lỏng cơ thể và giữ tinh thần thoải mái, không nên quá căng thẳng và lo lắng để tránh làm ảnh hưởng đến việc kết quả bắt mạch của thầy thuốc. 

- Xác định vị trí bắt mạch: Người thầy thuốc sẽ xác định vị trí bắt mạch ở cổ tay của người bệnh. 

- Bắt mạch: Để có thể bắt mạch chính xác, người thầy thuốc cũng cần thoải và tập trung cao độ mới có thể bắt mạch chuẩn và nhận biết được những vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang gặp phải. 

Người thầy thuốc cần bắt mạch theo đúng quy trình

Đoạn động mạch quay đi qua cổ tay sẽ được phân chia rõ ràng thành 3 bộ. Đó là bộ quan, bộ thốn và bộ xích. Sau khi xác định được các bộ này, bác sĩ sẽ đặt ngón tay vào đúng vị trí để thực hiện bắt mạch. Cụ thể, bác sĩ sẽ đặt ngón tay giữa vào bộ quan, ngón tay trỏ vào bộ thốn và cuối cùng, ngón nhẫn sẽ được đặt vào bộ xích. Vị trí của 3 ngón tay này thường được đặt khít nhau. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh nhân quá cao, vị trí của 3 ngón tay có thể xa nhau một chút. 

Có thể chia thành 2 cách bắt mạch như sau: 

+ Tổng khán: Là cách bắt mạch mà bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh bằng cách xem chung cả 3 bộ.

+ Vi khán: Người thầy thuốc sẽ đánh giá sức khỏe của bệnh nhân bằng cách đánh giá vị trí từng bộ vị. Chẳng hạn, ở cổ tay trái của người bệnh, bộ thốn sẽ tương ứng với tạng tâm, bộ xích tương ứng với tạng thận và bộ quan sẽ tương ứng với tạng can. Ở cổ tay bên phải, bộ quan sẽ tương ứng với tạng tỳ, bộ thốn tương ứng với tạng phế, bộ xích tương ứng với tạng thận.

Tuy nhiên, trên thực tế, người thầy thuốc thường không dùng đơn độc một cách bắt mạch mà thường kết hợp cả hai cách bắt mạch để nhận biết chính xác về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ sẽ bắt mạch theo cách tổng khán trước và sau đó áp dụng cách vi khán. 

Trong quá trình bắt mạch, bác sĩ có thể dùng lực các ngón tay khác nhau để kiểm tra tình trạng sức khỏe của người bệnh một cách tỉ mỉ nhất. Lực ngón tay nhẹ được gọi là khinh án và lực ngón tay hơi được gọi là trung án. Lực ngón tay ấn sâu được gọi là trọng án. 

3. Lưu ý khi bắt mạch

Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý để có thể bắt mạch chính xác, góp phần điều trị bệnh hiệu quả: 

- Thời gian bắt mạch: Nên bắt mạch vào buổi sáng sớm. Đây là thời điểm âm khí chưa động và dương khí chưa tán, lạc mạch được điều hòa và khí huyết chưa loạn. Thời điểm sáng sớm chính là thời điểm mà bác sĩ có thể phát hiện bệnh trong mạch một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu bắt mạch vào một thời điểm khác, người thầy thuốc vẫn có thể chẩn đoán bệnh. 

- Người bệnh cần được nghỉ ngơi trước khi bắt mạch để được điều hòa khí huyết. Nếu người bệnh vừa đi một quãng đường xa để đến khám bệnh và vẫn đang trong tình trạng mệt mỏi thì không nên bắt mạch. 

- Khi người bệnh đang quá no hoặc quá đói hay vừa dùng chất kích thích cũng không nên được bắt mạch. 

Bác sĩ không bắt mạch khi bệnh nhân đã ăn quá no

- Lựa chọn trang phục phù hợp cũng là yếu tố mà người bệnh cần chú ý để việc bắt mạch diễn ra thuận lợi và đạt kết quả chính xác. Nếu ống tay áo của người bệnh quá chật, kết quả bắt mạch có thể bị thay đổi. 

- Không nên bắt mạch trong không gian ồn ào, đông đúc. 

- Người bệnh có thể nằm ngửa hoặc ngồi thẳng, cánh tay duỗi ra và chú ý để ngửa bàn tay. Ngược lại, nếu bệnh nhân không thực hiện đúng tư thế, kết quả bắt mạch cũng có thể bị sai lệch. Trong khi bác sĩ đang bắt mạch, nếu người bệnh cử động thì mạch sẽ nhanh hơn bình thường,... 

Hi vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng và quy trình bắt mạch cũng như một số lưu ý để kết quả bắt mạch được chính xác. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Từ khoá: mệt mỏi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.