Các tin tức tại MEDlatec

Bệnh giảm tiểu cầu: dấu hiệu cảnh báo và mức độ nguy hiểm

Ngày 01/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh giảm tiểu cầu xảy ra khi lượng tiểu cầu trong máu giảm mạnh, liệu tình trạng này có nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? Khi tiểu cầu giảm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với triệu chứng nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới để hiểu hơn về căn bệnh giảm tiểu cầu và chủ động chăm sóc, điều trị bệnh sớm.

1. Bệnh giảm tiểu cầu là gì?

Trước khi tìm hiểu về bệnh tiểu cầu, chúng ta cần nắm được vai trò của tiểu cầu. Trong máu có nhiều dạng tế bào nhỏ khác nhau như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Đặc điểm đặc trưng của tiểu cầu đó là: không màu, không nhân và được hình thành ở tuỷ xương. Tiểu cầu trực tiếp tham gia vào quá trình tạo cục máu đông, hỗ trợ cầm máu khi các mạch máu tổn thương.

Tiểu cầu là một dạng tế bào nhỏ trong máu.

Tuổi thọ trung bình của tiểu cầu từ 7 - 10 ngày, kết thúc thời gian này chúng sẽ bị loại bỏ và được thay thế bởi các tế bào tiểu cầu mới. Đồng thời, khoảng 150.000 - 450.000 tế bào tiểu cầu sẽ có mặt/micro lít máu, đây là con số cực kỳ ấn tượng.

Bệnh tiểu cầu xảy ra khi số lượng tiểu cầu trong máu thấp hơn 150.000 tế bào/micro lít máu, tuy nhiên, chức năng của tiểu cầu vẫn duy trì ổn định. Tình trạng giảm tiểu cầu sẽ ảnh hưởng tới quá trình đông máu và khiến bệnh nhân bị chảy máu bên ngoài, bên trong, thậm chí là chảy máu dưới da. Chính vì thế, chúng ta không nên chủ quan khi lượng tiểu cầu giảm quá ngưỡng cho phép.

2. Tình trạng giảm tiểu cầu do yếu tố nào gây nên?

Việc xác định nguyên nhân gây bệnh giảm tiểu cầu sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị phù hợp, giúp người bệnh nhanh phục hồi. Trong thực tế, có một số nguyên nhân chính như sau:

Virus là một trong những tác nhân khiến số lượng tiểu cầu trong máu giảm, đặc biệt là virus gây sốt xuất huyết, bệnh quai bị, viêm gan B, virus gây bệnh rubella, thuỷ đậu hoặc HIV. Sự tấn công của virus vào cơ thể khiến tủy xương sản xuất ít tiểu cầu hơn. Sau khi loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể, quá trình sản xuất tiểu cầu sẽ quay trở lại bình thường.

Bệnh nhân ung thư có nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu.

Một số loại thuốc có tác dụng phụ là: ức chế sản xuất tiểu cầu, sản sinh kháng thể phá hủy tiểu cầu. Đó là nguyên nhân vì sao nhiều bệnh nhân khi sử dụng có dấu hiệu giảm tiểu cầu. Do đó, đây thường là những loại thuốc kê đơn, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

Bệnh nhân ung thư cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu, bởi vì tế bào ác tính chiếm phần lớn không gian của tuỷ xương, quá trình sản xuất tiểu cầu bị gián đoạn, số lượng tiểu cầu trong máu giảm rõ rệt. Đồng thời, các phương pháp điều trị ung thư như: trị liệu hoá học, xạ trị cũng là một nguyên nhân làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu.

Ngoài ra, bệnh nhân lách to hoặc sưng lá lách có nguy cơ cao bị giảm tiểu cầu. Bình thường, lá lách chịu trách nhiệm sản xuất tế bào lympho, đồng thời lưu trữ tế bào máu, lọc máu, tiêu huỷ tế bào máu cũ. Trong trường hợp sưng lá lách, tiểu cầu sẽ bị phá huỷ, số lượng tiểu cầu giảm mạnh và ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Một số nguyên nhân khác gây bệnh giảm tiểu cầu là: tình trạng thiếu máu bất sản, do gen di truyền, do mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, do nhiễm trùng hoặc mới ghép tạng, bệnh suy tủy xương hoặc bệnh lý máu ác tính,…

3. Dấu hiệu cảnh báo bệnh giảm tiểu cầu

Vậy người mắc bệnh giảm tiểu cầu sẽ phải đối mặt với những triệu chứng nào? Nếu lượng tiểu cầu giảm nhẹ, bệnh nhân hầu như không thấy triệu chứng bất thường nào. Họ chỉ phát hiện khi đi xét nghiệm huyết đồ và được bác sĩ thông báo về tình trạng sức khoẻ.

Bệnh nhân thường bị chảy máu cam.

Trong trường hợp tiểu cầu trong máu ít hơn bình thường, người bệnh bắt đầu thấy các triệu chứng bất thường, ví dụ như chảy rất nhiều máu khi đứt tay, ra máu nhiều trong kỳ kinh,… Do các dấu hiệu vẫn khá nhẹ nên nhiều người vẫn chủ quan, đó là nguyên nhân vì sao tình trạng giảm tiểu cầu tiếp tục chuyển biến xấu.

Nếu số lượng tiểu cầu dưới ngưỡng 10.000 - 20.000 tế bào/micro lít máu, bạn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh giảm tiểu cầu mức độ nặng. Lúc này tình trạng chảy máu tự phát có thể xảy ra, bệnh nhân thường xuyên bị chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc đi đại tiện có lẫn máu. Ngoài ra, còn có nhiều vết xuất huyết nhỏ xuất hiện dưới da. Ngay khi phát hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời. Ở tình trạng này, bệnh nhân rất dễ bị xuất huyết nội tạng, xuất huyết não,... đe dọa tính mạng.

4. Giải đáp thắc mắc: bệnh giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Nhiều bạn lo lắng không biết bệnh giảm tiểu cầu có nguy hiểm hay không? Như đã phân tích ở trên, tiểu cầu giữ vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Nếu số lượng tiểu cầu trong máu giảm mạnh, khả năng đông máu và chống lại nhiễm trùng của cơ thể giảm đáng kể, đồng thời bệnh nhân có nguy cơ bị xuất huyết. Tình trạng chảy máu không kiểm soát sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như không cầm máu được vết thương, xuất huyết não,... và nghiêm trọng nhất đó là tử vong.

Giảm tiểu cầu là tình trạng nguy hiểm, nhất là khi cơ thể có vết thương hở do không cầm được máu

Chính vì thế, khi phát hiện số lượng tiểu cầu trong máu của bệnh nhân có dấu hiệu giảm mạnh, bác sĩ sẽ kiểm tra, xác định nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị ngay lập tức. Tuỳ vào nguyên nhân gây giảm tiểu cầu, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn điều trị theo phác đồ phù hợp nhất.

Lưu ý người mắc bệnh giảm tiểu cầu không nên sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tới tiểu cầu, đặc biệt là aspirin hoặc các loại thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý sinh hoạt cẩn thận, tránh gặp chấn thương và gây chảy máu.

Nếu lượng tiểu cầu giảm quá thấp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân truyền tiểu cầu để ngăn tình trạng xuất huyết xảy ra. Tách huyết tương là một phương pháp điều trị được áp dụng đối với bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối. Khi áp dụng phương pháp này, huyết tương của bệnh nhân sẽ được thay thế bởi huyết tương tươi đông lạnh.

Ngoài ra, một số bệnh nhân còn được chỉ định cắt lá lách để điều trị bệnh giảm tiểu cầu. Tuy nhiên phương pháp này không được áp dụng đối với trẻ nhỏ, bởi vì bệnh vẫn có nguy cơ tái phát, thậm chí sau khi cắt lá lách, trẻ còn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Bệnh nhân nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Chắc hẳn với những chia sẻ trên, các bạn đã hiểu hơn về bệnh giảm tiểu cầu. Đây là vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Do đó, bạn nên đi thăm khám tại cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.