Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh sa ruột: Những thông tin cơ bản cần nhớ để chủ động bảo vệ sức khỏe
- 23/05/2022 | Bệnh sa ruột ở trẻ nhỏ có thể điều trị được không?
- 31/12/2023 | Thoát vị bẹn ở người lớn có triệu chứng gì? Nguy hiểm không?
- 13/01/2025 | Hướng dẫn tư thế nằm cho người thoát vị đĩa đệm
1. Cơ chế hình thành bệnh sa ruột
Sa ruột (thường được gọi là thoát vị bẹn, thoát vị rốn) là bệnh lý đường tiêu hóa, xuất hiện khi có hiện tượng tạng trong ổ bụng chui qua điểm yếu của thành bụng. Bệnh lý này bao gồm: sa ruột bẹn và sa ruột cuống rốn, nhưng sa ruột bẹn có tính phổ biến hơn.
Bên trong ổ bụng có một số vài lỗ nhỏ để động mạch thông ra ngoài. Đây cũng chính là vị trí xảy ra hiện tượng sa ruột.
Nam giới thường bị sa ruột bẹn hơn so với nữ giới. Vùng bẹn của nam giới có một khe nhỏ là con đường tinh hoàn di chuyển xuống túi bìu. Khi hột tinh hoàn đã cố định trong túi bìu, khe này tự bít lại, chỉ có động mạch có khả năng đi qua để cung cấp máu nuôi tinh hoàn. Trường hợp lỗ bít vùng bẹn không kín, đoạn ruột có thể chui vào và xuống đến bìu. Đây chính là lý do bệnh được gọi là thoát vị bẹn.
Lỗ thoát vị của nữ giới cùng ở bẹn nhưng thấp xuống đùi chứ không cao như nam giới. Trong thời kỳ bào thai, dây rốn dẫn máu từ mẹ đến thai nhi. Nếu sau sinh, vòng cơ quanh rốn không đóng kín, có thể hình thành thoát vị rốn.
Ngoài ra, nếu đã từng phẫu thuật vùng bụng thì vết sẹo cũng có thể trở thành vị trí sa ruột.
Hình ảnh mô tả giúp hình dung về bệnh sa ruột
2. Nguyên nhân gây sa ruột và triệu chứng nhận diện
2.1. Nguyên nhân gây nên bệnh sa ruột
Các yếu tố sau góp phần làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh sa ruột:
- Bẩm sinh
Sau khi sinh, đối với bé trai, ống phúc tinh mạc là phần phúc mạc kéo dài đi theo ống bẹn xuống bìu trong quá trình tinh hoàn di chuyển từ ổ bụng xuống. Đây là vị trí khiến cho ruột dễ sa xuống bìu và gây sa ruột bẹn. Ngoài ra, gia đình có tiền sử thoát vị bẹn sẽ làm tăng nguy cơ ở thế hệ tiếp theo.
- Yếu tố mắc phải
+ Tăng áp lực ổ bụng do ho kéo dài, táo bón, béo phì, mang vác nặng… tạo điều kiện cho ruột đi xuống khe hở ở rốn hoặc bẹn.
+ Người cao tuổi, mô liên kết yếu dần cũng dễ bị mắc bệnh sa ruột.
+ Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng bụng - bẹn khiến thành bụng bị tổn thương và suy yếu.
2.2. Triệu chứng gặp phải ở bệnh sa ruột
Khi mắc bệnh sa ruột, người bệnh dễ gặp các tình trạng như:
- Ở tư thế đứng hoặc khi nâng vật nặng quá sức sẽ xuất hiện khối mềm, có thể đẩy vào ở bụng hoặc bẹn. Ở tư thế nằm, khối này có chiều hướng tự xẹp xuống.
- Vùng bụng có cảm giác khó chịu, nặng nề, nhất là khi di chuyển, ho hoặc cười lớn.
Một số ít trường hợp mắc bệnh sa ruột có tình trạng buồn nôn, đầy hơi, đau tức hạ vị.
Sờ thấy khối mềm ở bẹn khi đứng có thể là triệu chứng bệnh sa ruột
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh sa ruột
Trong giai đoạn đầu, người mắc bệnh sa ruột thường chỉ có cảm giác khó chịu, phiền toái vì sự xuất hiện của khối thoát vị. Tuy nhiên, nếu không điều trị ngay, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:
- Thoát vị kẹt: Nếu đoạn ruột bị mắc kẹt trong lỗ thoát vị, không thể đẩy ngược vào ổ bụng sẽ gây tắc ruột, đau dữ dội, cần cấp cứu ngay.
- Hoại tử ruột: Nếu đoạn ruột bị kẹt trong lỗ thoát vị thì sẽ không được tưới máu đầy đủ nên bị hoại tử, gây nhiễm trùng huyết và đe dọa tính mạng người bệnh.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản (nguy cơ thấp): Nam giới bị bệnh sa ruột khiến cho tinh hoàn hoặc ống dẫn tinh bị chèn ép, từ đó dễ gây suy giảm khả năng sinh sản.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh sa ruột như thế nào?
4.1. Chẩn đoán
- Khám lâm sàng
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ở tư thế đứng, sau đó thực hiện động tác rặn hoặc ho. Bác sĩ sẽ quan sát vùng bẹn để tìm kiếm khối phồng sau đó dùng ngón tay thăm khám nhằm xác định xem đó có phải là khối thoát vị hay không.
- Chẩn đoán cận lâm sàng
Nếu kết quả từ quá trình thăm khám chưa đủ để đưa ra kết luận, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số biện pháp kiểm tra khác để chẩn đoán như: siêu âm, chụp CT-Scanner, chụp MRI,...
Siêu âm bụng có thể được chỉ định để chẩn đoán sa ruột
4.2. Điều trị
Phương pháp điều trị chính được áp dụng đối với bệnh sa ruột là phẫu thuật. Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể quyết định thực hiện một trong hai phương pháp sau:
- Phẫu thuật mổ mở:
Người bệnh sẽ được gây tê vùng cần phẫu thuật hoặc gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ tiến hành rạch một đường ở bẹn để thực hiện thao tác đưa ruột trở về vị trí ban đầu, dùng lưới nhân tạo để gia cố thành bẹn.
- Phẫu thuật nội soi:
Bác sĩ tiến hành rạch một đường nhỏ ở bụng để đưa ống nội soi gắn camera và dụng cụ chuyên dụng gia cố vùng bẹn vào. Đây là phương pháp ít xâm lấn và khả năng phục hồi cũng nhanh hơn so với phẫu thuật mổ mở.
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để không ảnh hưởng tiêu cực đến đường tiêu hóa. Người bệnh cũng cần kiêng vận động mạnh, kiêng mang vật nặng trong vòng 4 - 6 tuần.
5. Phương pháp phòng ngừa tái phát bệnh sa ruột
Để tránh tái phát bệnh sa ruột, người bệnh cần chú ý:
- Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên ổ bụng, tăng cơ hội tái phát bệnh sa ruột.
- Duy trì các bài tập như Plank, gập bụng, Pilates,... mỗi tuần 3 - 4 lần, mỗi lần 15 - 20 phút để tăng sức mạnh cơ thành bụng.
- Nên tập các bài tập tăng cường cơ bụng nhẹ nhàng như plank, yoga nhẹ hoặc đi bộ nhanh. Tránh bài tập tăng áp lực ổ bụng như gập bụng.
- Kiểm soát táo bón, ho mạn tính, tránh rặn quá mức.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, xử trí, tránh nguy cơ tái phát.
Bệnh sa ruột nếu không được điều trị kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ hoại tử ruột, viêm phúc mạc, hoại tử buồng trứng, hoại tử tinh hoàn,... Vì thế, nếu có bất cứ triệu chứng nào trên đây, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán đúng và thực hiện điều trị theo phác đồ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!