Các tin tức tại MEDlatec
Bệnh thuyên tắc động mạch phổi: Tính chất nguy hiểm và phương pháp điều trị
- 17/10/2024 | Xơ hóa phổi nguyên nhân do đâu? Phương pháp phòng tránh và điều trị bệnh
- 01/11/2024 | Nấm phổi là gì? Bệnh lý này nguy hiểm như thế nào?
- 21/11/2024 | Bệnh bụi phổi: Triệu chứng và cách điều trị
1. Triệu chứng điển hình ở bệnh thuyên tắc động mạch phổi
Thuyên tắc động mạch phổi là tình trạng một hoặc nhiều cục máu đông di chuyển từ các vùng khác trong cơ thể đến và bịt kín động mạch phổi. Điều này gây cản trở lưu thông máu đến phổi, làm giảm khả năng trao đổi oxy và ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Các triệu chứng của thuyên tắc động mạch phổi thường đến đột ngột và tiến triển nhanh:
- Đau ngực đột ngột, dữ dội, thường giống với cơn đau thắt ngực, có thể kéo dài hoặc tăng khi thở sâu.
- Khó thở do tắc nghẽn động mạch làm cho phổi không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Người bệnh có thể cảm thấy hụt hơi, thở gấp hoặc khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Ho, đôi khi có thể kèm theo máu do thuyên tắc động mạch phổi gây tổn thương mô phổi.
- Chóng mặt, ngất xỉu khi động mạch phổi bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
- Phù chân (thường gặp ở người bị huyết khối tĩnh mạch sâu), là kết quả của sự hình thành huyết khối từ chân di chuyển lên và gây tắc nghẽn phổi.
Bệnh nhân ho và đau ngực dữ dội do thuyên tắc động mạch phổi
2. Thuyên tắc động mạch phổi có phải là bệnh nguy hiểm không?
Thuyên tắc động mạch phổi được xếp vào hàng bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị sớm. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
2.1. Mức độ tắc nghẽn động mạch phổi
Nếu chỉ một phần nhỏ của động mạch phổi bị tắc nghẽn, tuy người bệnh có các triệu chứng đau ngực, khó thở hay mệt mỏi,... nhưng cơ thể có thể vẫn duy trì được chức năng hô hấp bình thường.
Tuy nhiên, khi cục máu đông lớn hoặc nhiều cục máu đông đến làm tắc nghẽn một phần lớn động mạch phổi, tình trạng thiếu oxy sẽ trở nên nghiêm trọng, gây suy hô hấp hoặc trụy tim. Lúc này, các cơ quan quan trọng trong cơ thể sẽ không nhận đủ oxy để hoạt động, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Suy tim phải, sốc và nặng nhất là tử vong trong vài giờ hoặc vài ngày do không được cấp cứu kịp thời.
2.2. Thời gian phát hiện và điều trị
Thời gian phát hiện và điều trị thuyên tắc động mạch phổi có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cứu sống bệnh nhân. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn mà không gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
Ngược lại, nếu không được điều trị ngay có thể dẫn đến các hậu quả khôn lường. Cục máu đông có thể di chuyển và gây tắc nghẽn các động mạch phổi lớn, làm giảm khả năng trao đổi oxy, gây suy hô hấp hoặc suy tim.
2.3. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân
Những người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường hoặc béo phì thường có nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng hơn khi mắc phải thuyên tắc động mạch phổi. Các bệnh nền này làm tăng khả năng hình thành cục máu đông trong cơ thể, khiến bệnh tình trở nên nặng nề hơn.
Ngoài ra, những người già trên 70 tuổi hoặc có hệ miễn dịch yếu cũng dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn do cơ thể không đủ khả năng để chống chọi với tình trạng thiếu oxy và huyết khối.
Thuyên tắc động mạch phổi dễ tiến triển nghiêm trọng ở người mắc bệnh về tim
2.4. Tiến triển thuyên tắc động mạch phổi mạn tính
Ngoài những trường hợp cấp tính, một số bệnh nhân có thể phát triển tình trạng thuyên tắc động mạch phổi mạn tính, khi các cục máu đông nhỏ không được phát hiện hoặc điều trị ngay từ đầu. Tình trạng này kéo dài là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý mạn tính khác như huyết áp động mạch phổi, tổn thương phổi vĩnh viễn và suy tim mạn tính.
3. Phương pháp nào giúp điều trị hiệu quả thuyên tắc động mạch phổi?
3.1. Điều trị nội khoa
- Thuốc chống đông máu
Điều trị chính cho bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi là thuốc chống đông máu như heparin hoặc warfarin. Những thuốc này giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông mới và hỗ trợ quá trình tiêu cục máu đông cũ.
- Thuốc tiêu huyết khối
Nếu bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối như tPA để làm tan cục máu đông. Thuốc này được sử dụng trong trường hợp cần điều trị nhanh chóng và hiệu quả.
- Thuốc giảm đau
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng đau ngực và khó thở do bệnh gây ra.
3.2. Điều trị ngoại khoa
3.2.1. Thủ thuật lấy cục máu đông
Nếu bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi nặng và đe dọa tính mạng, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật lấy cục máu đông ra khỏi động mạch phổi. Phương pháp này được thực hiện qua ống thông catheter đưa vào động mạch và rút cục máu đông ra ngoài.
3.2.1. Phẫu thuật thuyên tắc động mạch phổi
Phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông hoặc khắc phục tổn thương là phương án cần thiết với những ca bệnh tiến triển cực kỳ nghiêm trọng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi cần được hỗ trợ để duy trì chức năng hô hấp và tuần hoàn. Người bệnh cũng cần được theo dõi liên tục các chỉ số sinh tồn và tình trạng sức khỏe để kiểm soát các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Phát hiện và điều trị ngay giúp bảo vệ chức năng hô hấp cho bệnh nhân thuyên tắc động mạch phổi
Thuyên tắc động mạch phổi tuy nguy hiểm nhưng nếu người bệnh được phát hiện để điều trị ngay thì có thể bảo vệ an toàn cho chức năng hô hấp. Vì thế, nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng nào đã được nói đến ở trên, người bệnh cần chủ động thăm khám chuyên khoa để có những đánh giá chính xác.
Quý khách hàng gặp vấn đề về đường hô hấp nhưng chưa biết làm cách nào để chẩn đoán đúng, hãy liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!