Các tin tức tại MEDlatec

Bụng tụt bao lâu thì sinh? Các dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần biết

Ngày 16/04/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Khi bước vào những tuần cuối thai kỳ, cơ thể mẹ bầu bắt đầu có nhiều thay đổi để chuẩn bị cho quá trình “vượt cạn”. Dấu hiệu dễ nhận biết là hiện tượng bụng tụt – nhưng liệu bụng tụt bao lâu thì sinh? Bài viết này sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về băn khoăn cùng các dấu hiệu sắp sinh để chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt nhất

1. Bụng tụt bao lâu thì sinh?

Khi thai nhi đã di chuyển xuống khung xương chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh nở mẹ bầu sẽ có hiện tượng tụt bụng. Tuy nhiên, thời gian từ khi bụng tụt đến khi sinh ở mỗi mẹ bầu là khác nhau và không thể dự đoán chính xác.

  • Đối với con so (sinh con lần đầu): Bụng bầu thường tụt xuống khoảng 2-4 tuần trước khi chuyển dạ;
  • Đối với con rạ (đã từng sinh con): Bụng tụt trong thời gian ngắn, có thể chỉ vài ngày hoặc thậm chí vài giờ trước khi chuyển dạ.

Do đó, câu hỏi bụng tụt bao lâu thì sinh không có câu trả lời chính xác, mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng là mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe và lưu ý một số vấn đề quan trọng sau đây: 

  • Bụng tụt không phải là dấu hiệu duy nhất và chính xác để dự đoán thời điểm sinh;
  • Bụng tụt sớm (trước tuần 36 của thai kỳ) có thể là triệu chứng bất thường và cần được bác sĩ kiểm tra để phòng ngừa nguy cơ sinh non hoặc các vấn đề khác.

Bụng tụt bao lâu thì sinh - câu trả lời phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể 

Tốt nhất, khi thấy bụng tụt xuống, bạn nên theo dõi sát các dấu hiệu khác của cơ thể và có kế hoạch thăm khám bác sĩ để được tư vấn và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở sắp tới. 

2. Các dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần biết 

Để giúp bạn nhận biết rõ hơn, dưới đây là các dấu hiệu sắp sinh mà mẹ bầu cần biết, được chia thành hai giai đoạn: dấu hiệu chuyển dạ giả (tiền chuyển dạ) và dấu hiệu chuyển dạ thật sự:

Giai đoạn tiền chuyển dạ 

  • Bụng bầu tụt xuống (sa bụng): Mẹ bầu có thể cảm thấy dễ thở hơn nhưng lại tức nặng ở vùng bụng dưới và đi tiểu nhiều hơn;
  • Tăng tiết dịch âm đạo, có thể lẫn chất nhầy hồng: Nút nhầy cổ tử cung bị bong ra, đây là một dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang bắt đầu mềm và mở dần;
  • Các cơn co thắt Braxton Hicks (gò giả): Các cơn gò này thường không đều, không mạnh;
  • Đau lưng và chuột rút: Cảm giác đau âm ỉ ở lưng dưới và chuột rút có thể xuất hiện thường xuyên hơn do các dây chằng và khớp ở vùng chậu giãn ra.

Mẹ bầu cần lưu ý các dấu hiệu chuyển dạ 

Giai đoạn chuyển dạ thật sự (cần nhập viện)

  • Các cơn co thắt tử cung mạnh và đều đặn: Các cơn gò trở nên mạnh hơn, kéo dài hơn và tần suất dày hơn (ví dụ: ban đầu có thể 10-20 phút một cơn, sau đó rút ngắn còn 5-7 phút, rồi 2-3 phút một cơn). Cơn gò gây đau và không giảm khi thay đổi tư thế;
  • Vỡ ối: Túi ối bị vỡ, nước ối chảy ra từ âm đạo (có thể là dòng chảy mạnh hoặc rỉ rả);Ra dịch nhầy hồng hoặc máu:
  • Lượng dịch nhầy có thể tăng lên và có màu hồng hoặc lẫn máu tươi;
  • Cổ tử cung giãn nở: Đây là dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy quá trình sinh đang tiến triển, tuy nhiên chỉ có thể xác định được qua thăm khám âm đạo của bác sĩ;
  • Mót rặn: Cổ tử cung đã mở hoàn toàn khiến mẹ bầu có cảm giác muốn dặn.

Hãy luôn lắng nghe cơ thể và liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra. 

3. Những lưu ý cho mẹ bầu trong thời điểm sắp sinh 

Thời gian sắp sinh là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi mẹ bầu cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là những lưu ý quan trọng dành cho mẹ bầu trong giai đoạn này:

Về thể chất:

  • Theo dõi sát các dấu hiệu chuyển dạ: Hãy ghi nhớ và phân biệt rõ các dấu hiệu chuyển dạ giả và thật như đã đề cập ở trên;
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Ngủ đủ giấc và tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Việc này giúp bạn có đủ năng lượng cho quá trình vượt cạn sắp tới;
  • Dinh dưỡng hợp lý: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, dễ tiêu hóa, giàu chất xơ và vitamin;
  • Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với giai đoạn cuối thai kỳ giúp cơ thể dẻo dai và hỗ trợ quá trình chuyển dạ;
  • Chuẩn bị đồ dùng cá nhân và cho em bé: Sắp xếp sẵn giỏ đồ đi sinh, đồ dùng cá nhân cho mẹ và bé, giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế…

Áp dụng các biện pháp nhằm duy trì thể chất trước sinh 

Về tinh thần:

  • Giữ tinh thần thoải mái và tích cực: Lo lắng là điều khó tránh khỏi, nhưng hãy cố gắng giữ tâm lý lạc quan, tin tưởng vào bản thân và đội ngũ y tế;
  • Áp dụng các bài tập thư giãn: Thực hành các bài tập để giúp giảm căng thẳng và đối phó với cơn đau khi chuyển dạ;
  • Tìm hiểu về việc chăm sóc em bé sau sinh: Tìm hiểu thông tin về cách cho con bú, thay tã, tắm bé... để chuẩn bị cho cuộc sống mới sau sinh.

Những lưu ý khác:

  • Tránh đi xa vào những tuần cuối thai kỳ;
  • Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào;
  • Luôn mang theo hồ sơ khám thai bên mình;
  • Tìm hiểu trước về bệnh viện hoặc cơ sở y tế bạn dự định sinh, đường đi và các thủ tục cần thiết.

Trên đây là lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc bụng tụt bao lâu thì sinh, đồng thời là những thông tin hữu ích về các dấu hiệu sắp sinh cũng như lưu ý mẹ bầu cần nắm bắt. Nếu có thêm thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám, theo dõi sức khỏe trong suốt thai kỳ, mẹ bầu hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.