Các tin tức tại MEDlatec
Cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều nhanh chóng và an toàn
- 08/04/2025 | Những điều cần biết trước khi dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen
- 09/04/2025 | Thuốc hạ sốt pha với sữa được không? Lợi hay hại?
- 12/04/2025 | Tham khảo liều dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen cho trẻ em
- 15/04/2025 | Sốt, đau đầu, đi khám phát hiện bất thường nghiêm trọng ở mũi
- 19/04/2025 | Thuốc hạ sốt Hapacol - Công dụng, liều dùng cho trẻ em và người lớn
1. Dấu hiệu cho thấy trẻ dùng thuốc hạ sốt quá liều
Khá nhiều trường hợp cha mẹ cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt quá liều nhưng lại không kịp thời nhận ra, dẫn đến việc sức khỏe và bệnh tình của bé trở nên nghiêm trọng hơn. Để sớm nhận ra tình trạng dùng thuốc quá liều ở trẻ, cha mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu sau:
1.1. Trẻ buồn nôn, nôn mửa
Trẻ có thể đột ngột cảm thấy khó chịu ở dạ dày, nôn liên tục hoặc không rõ nguyên nhân sau khi uống thuốc hạ sốt. Đây là dấu hiệu sớm và khá phổ biến trong trường hợp quá liều, đặc biệt là với paracetamol – hoạt chất hạ sốt phổ biến nhất hiện nay.
Buồn nôn là dấu hiệu thường thấy khi trẻ uống thuốc quá liều
1.2. Chán ăn, mệt mỏi bất thường
Khi gan bắt đầu bị tổn thương do dư thừa paracetamol, trẻ sẽ có biểu hiện chán ăn kéo dài, mệt mỏi, và uể oải hơn so với thông thường. Cơ thể trẻ sẽ không còn năng lượng để vận động, thậm chí mất hứng thú với đồ chơi hoặc các hoạt động thường ngày.
1.3. Vàng da, vàng mắt
Khi tình trạng quá liều dẫn đến tổn thương gan cấp, vàng da và vàng mắt sẽ là dấu hiệu rõ rệt. Đây là hậu quả của việc gan không thể xử lý các chất độc trong máu, khiến bilirubin tích tụ, gây hiện tượng vàng da.
1.4. Co giật
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, co giật có thể xảy ra. Đặc biệt khi liều thuốc ảnh hưởng đến chức năng thần kinh và gây mất cân bằng điện giải.
1.5. Nhịp thở bất thường
Trẻ có thể thở nhanh, thở dốc hoặc thở nông. Đây là phản ứng của cơ thể khi bị ngộ độc thuốc, do ảnh hưởng đến chuyển hóa năng lượng và tuần hoàn máu.
Cần lưu ý nếu trẻ hô hấp bất thường
1.6. Nhịp tim không đều
Tình trạng loạn Nhịp tim, mạch yếu hoặc nhanh bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ tim mạch đang bị ảnh hưởng bởi độc tính thuốc.
2. Xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều sao cho đúng?
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dùng quá liều thuốc hạ sốt, phụ huynh không nên hoảng loạn nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan. Xử lý đúng cách trong "thời điểm vàng" sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương gan, thận hoặc các biến chứng nguy hiểm khác cho trẻ. Dưới đây là cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều mà người chăm sóc cần ghi nhớ.
2.1. Nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất
Trong đa số các trường hợp, dấu hiệu ngộ độc do thuốc hạ sốt không xuất hiện tức thì mà diễn tiến âm thầm trong vài giờ đầu. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng trẻ vẫn ổn. Tuy nhiên, việc trì hoãn có thể làm mất đi thời gian điều trị hiệu quả nhất, thường được gọi là “thời gian vàng” trong xử lý ngộ độc thuốc.
Ngay khi nghi ngờ trẻ uống quá liều (dù chưa có biểu hiện rõ ràng), hãy lập tức gọi cấp cứu 115 hoặc đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất có chuyên khoa nhi hoặc cấp cứu nhi khoa. Không nên cố gắng tự xử lý tại nhà bằng cách gây nôn hay cho uống thêm nước mà không có chỉ định chuyên môn, vì điều đó có thể làm tình trạng nặng hơn.
Đến bệnh viện gần nhất là cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều phụ huynh cần biết
2.2. Khai báo chi tiết thông tin thuốc, liều lượng
Một trong những yếu tố quan trọng trong xử lý ngộ độc thuốc chính là hiểu rõ trẻ đã uống gì và bao nhiêu. Khi đến cơ sở y tế, phụ huynh cần nhanh chóng cung cấp các thông tin sau:
- Tên thuốc: Ví dụ Paracetamol, Ibuprofen hoặc các biệt dược tương ứng.
- Hàm lượng mỗi viên hoặc mỗi ml (thường ghi trên vỏ hộp, chai lọ).
- Liều lượng trẻ đã uống (số lượng viên, ml, thời gian uống).
- Thời điểm uống thuốc gần nhất và tổng liều tính theo số lần trong ngày.
- Cân nặng và độ tuổi của trẻ, giúp bác sĩ tính toán mức liều phù hợp.
Nếu còn giữ vỏ hộp, toa thuốc hoặc lọ thuốc đã dùng, ba mẹ hãy mang theo đến bệnh viện. Những thông tin này sẽ giúp đội ngũ y tế đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, như sử dụng thuốc giải độc (ví dụ N-acetylcystein cho ngộ độc Paracetamol) hoặc tiến hành lọc máu nếu cần thiết.
3. Các phương pháp phổ biến xử lý tình trạng uống thuốc hạ sốt quá liều
Tùy vào từng trường hợp dùng thuốc quá liều mà sẽ có từng phương pháp riêng cho trẻ. Dưới đây là những cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều được áp dụng tại các cơ sở y tế ba mẹ có thể tham khảo:
3.1. Gây nôn hoặc rửa dạ dày khi phát hiện sớm
Gây nôn bằng siro ipeca hoặc rửa dạ dày bằng ống thông mũi - dạ dày có thể giúp loại bỏ phần thuốc chưa hấp thụ. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp này không còn được áp dụng rộng rãi vì có thể gây biến chứng, đặc biệt ở trẻ nhỏ hoặc người mất ý thức.
Phương pháp này chỉ áp dụng khi:
- Trẻ mới uống thuốc trong vòng 1 giờ.
- Bệnh nhân còn tỉnh táo và không có nguy cơ hít sặc.
Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý gây nôn tại nhà nếu không có chỉ định và giám sát y tế.
Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ có cách xử lý phù hợp và an toàn
3.2. Dùng than hoạt tính
Than hoạt tính có khả năng hấp thụ thuốc trong đường tiêu hóa, làm giảm hấp thu vào máu. Đây là một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, thường được chỉ định khi:
- Bệnh nhân uống thuốc quá liều trong vòng 1 - 2 giờ.
- Không có chống chỉ định như mất ý thức, co giật, suy hô hấp.
Liều dùng thường là 1g/kg cân nặng (tối đa 50g ở người lớn, 25g ở trẻ nhỏ). Than hoạt tính được dùng qua đường uống hoặc qua ống thông dạ dày.
3.3. Sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu (antidote)
Trong trường hợp ngộ độc Paracetamol (loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất), thuốc giải độc đặc hiệu là N-acetylcystein (NAC) sẽ được chỉ định. NAC có tác dụng:
- Trung hòa các chất chuyển hóa gây hại cho gan.
- Phục hồi dự trữ glutathion trong tế bào gan.
- Giảm nguy cơ suy gan cấp nếu dùng trong 8 giờ đầu sau khi uống quá liều.
Có hai đường dùng thuốc là:
- Đường uống: dùng trong 72 giờ, chia làm nhiều liều.
- Đường tĩnh mạch: truyền liên tục trong 20–24 giờ, áp dụng cho những trường hợp nặng hoặc không uống được.
Việc chỉ định liều NAC phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm nồng độ Paracetamol trong máu, cân nặng và thời điểm uống thuốc.
Sử dụng thuốc giải độc cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ
4. Tuyệt đối không làm gì khi trẻ bị uống thuốc quá liều?
Khi phát hiện trẻ uống thuốc quá liều, nhiều cha mẹ thường hoảng loạn và “cứu nguy” vội vàng cho trẻ mà không suy xét kỹ. Tưởng chừng như đây là cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều hiệu quả nhưng thực tế lại vô cùng nguy hiểm. Do đó, trong trường hợp này, cha mẹ tuyệt đối không:
- Tự ý gây nôn cho trẻ: Gây nôn sai cách có thể khiến trẻ sặc dịch nôn vào phổi, trầy xước thực quản.
- Uống các loại thuốc khác để cân bằng: Một số phụ huynh nghĩ rằng có thể “cân bằng” tác dụng thuốc quá liều bằng cách cho trẻ uống nước, sữa hoặc các loại thuốc khác. Điều này vừa sai về nguyên lý dược học, vừa có thể làm trầm trọng tình trạng ngộ độc
- Áp dụng mẹo dân gian: Các bài thuốc dân gian không có cơ sở khoa học có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, tiêu hóa hoặc thậm chí che lấp triệu chứng quan trọng.
Việc trẻ uống thuốc quá liều là một tình huống không mong muốn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Cách xử lý khi trẻ uống thuốc hạ sốt quá liều tốt nhất là đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, can thiệp phương pháp y khoa để không bỏ qua thời gian vàng cứu chữa. Một cơ sở y tế uy tín ba mẹ có thể lựa chọn thăm khám cho con là chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám và được tư vấn kỹ hơn các thắc mắc, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!