Các tin tức tại MEDlatec

Cảnh báo những biểu hiện cúm A ở trẻ em cha mẹ cần cẩn trọng

Ngày 09/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Cúm A là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt trong mùa cúm và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận diện sớm các biểu hiệu cúm A ở trẻ em là điều vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh những cảnh báo về các biểu hiện cúm A ở trẻ em, giúp cha mẹ chủ động và cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe con yêu.

1. Những biểu hiện cúm A ở trẻ em 

Cúm A ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc nhận diện sớm các biểu hiện của bệnh là rất quan trọng để kịp thời điều trị và phòng tránh các biến chứng. Dưới đây là những biểu hiện cúm A ở trẻ em mà các bậc phụ huynh cần chú ý:

Sốt cao

  • Trẻ em mắc cúm A thường có sốt cao (từ 38°C đến 40°C) và sốt có thể kéo dài từ 2-4 ngày;
  • Sốt cao kèm theo cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi và có thể gây mất nước nếu không được chăm sóc đúng cách.

Sốt cao là biểu hiện cúm A điển hình ở trẻ em 

Ho khan và đau họng

  • Trẻ có thể ho khan, kéo dài, và có cảm giác đau họng, khó nuốt thức ăn hoặc nước uống;
  • Đôi khi, ho có thể trở nên dữ dội hơn, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.

Đau cơ, đau khớp

Trẻ em mắc cúm A có thể cảm thấy đau cơ, nhức khớp, và cảm giác khó chịu toàn thân. Điều này làm cho trẻ khó khăn trong việc vận động hoặc chơi đùa như bình thường.

Mệt mỏi, uể oải

Trẻ sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và thiếu năng lượng. Thậm chí, trẻ có thể không muốn ăn uống hoặc chơi đùa.

Nghẹt mũi, sổ mũi

Trẻ có thể bị nghẹt mũi hoặc sổ mũi, gây khó khăn trong quá trình thở. Đôi khi, trẻ cũng có thể cảm thấy khó chịu do chảy nước mũi liên tục.

Đau đầu 

Cúm A có thể gây ra triệu chứng đau đầu, khiến trẻ cảm thấy choáng váng.

Khó thở (trường hợp nghiêm trọng)

Trong một số trường hợp nặng, cúm A có thể dẫn đến viêm phổi hoặc các vấn đề về hô hấp, khiến trẻ có dấu hiệu khó thở, thở gấp hoặc thở nông.

Biểu hiện tiêu chảy hoặc nôn mửa 

Cúm A đôi khi gây ra các triệu chứng tiêu hóa như nôn mửa hoặc tiêu chảy, mặc dù triệu chứng này không phải lúc nào cũng xuất hiện.

2. Trường hợp nào cần đưa trẻ nhập viện? 

Khi trẻ mắc cúm A, hầu hết các trường hợp sẽ có thể điều trị tại nhà với sự chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc có nguy cơ biến chứng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo khi trẻ cần được nhập viện:

Khó thở hoặc thở nhanh

Trước tiên, cha mẹ cần nắm bắt một số thông tin nhận biết dấu hiệu thở nhanh ở trẻ, cụ thể như tím môi, tím đầu ngón tay - ngón chân, tần số thở tăng cao so với độ tuổi (trẻ sơ sinh đến dưới 2 tháng tuổi nhịp thở trên 60 nhịp/ phút; trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi nhịp thở trên 50 nhịp/ phút; trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi nhịp thở trên 40 nhịp/ phút; trẻ trên 5 tuổi nhịp thở trên 30 nhịp/ phút) , rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít… 

Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, hoặc thở nông hay rút lõm lồng ngực, điều này có thể là dấu hiệu của viêm phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp cần được tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Sốt cao kéo dài không hạ

Trẻ có sốt cao (trên 39°C) kéo dài trên 3 ngày mà không có dấu hiệu giảm sốt sau khi dùng thuốc hạ sốt;

Các dấu hiệu mất nước

  • Miệng khô, không có nước bọt;
  • Ít hoặc không đi tiểu (nước tiểu sẫm màu, ít);
  • Khô da, mắt trũng sâu;
  • Trẻ lười ăn uống hoặc không thể giữ thức ăn trong cơ thể;
  • Trẻ mệt mỏi, lừ đừ hoặc không phản ứng với môi trường xung quanh;
  • Mất nước có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác và cần được can thiệp y tế.

Cần kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mất nước 

Co giật

Co giật có thể xảy ra khi sốt quá cao hoặc khi cơ thể trẻ mất nước hoặc kèm theo các biến chứng khác do cúm gây ra như viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng... Co giật có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan khác, vì vậy, trẻ cần được cấp cứu ngay lập tức.

Biến đổi hành vi (hôn mê, lừ đừ hoặc kích thích mạnh)

Nếu trẻ rất lừ đừ, không tỉnh táo, khó tỉnh dậy, hoặc hôn mê hoặc có biểu hiện kích thích, quấy khóc liên tục, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết hoặc biến chứng thần kinh do cúm A.

Thở khò khè hoặc ho liên tục không kiểm soát

Ho kéo dài, khò khè hoặc khó thở khi trẻ mắc cúm A có thể chỉ ra một dấu hiệu của viêm phổi, hen suyễn hoặc các vấn đề hô hấp nặng khác. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện biểu hiện tím tái. Đây là dấu hiệu nghiêm trọng cần nhập viện ngay lập tức, vì có thể liên quan đến các vấn đề hô hấp hoặc tuần hoàn nghiêm trọng.

Nôn mửa liên tục

Nếu trẻ có nôn mửa liên tục và không thể giữ bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng nào trong cơ thể, tình trạng này có thể dẫn đến mất nước và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Dấu hiệu của viêm não hoặc tổn thương thần kinh

Nếu trẻ có triệu chứng như suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức hoặc các vấn đề thần kinh khác, điều này có thể liên quan đến các biến chứng thần kinh của cúm A và cần phải nhập viện để điều trị kịp thời.

Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị chuyên sâu. Cúm A có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc kịp thời, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và những trẻ có hệ miễn dịch yếu.

3. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc cúm A 

Chăm sóc trẻ bị cúm A tại nhà đòi hỏi sự cẩn thận để giúp trẻ phục hồi nhanh chóng và tránh các biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là việc theo dõi và phát hiện các biểu hiện triệu chứng diễn biến nặng để xử trí kịp thời. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau: 

Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi đầy đủ

Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.

Giảm sốt và hạ nhiệt

Hạ sốt là một trong những bước quan trọng khi chăm sóc trẻ bị cúm A. Bạn có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, như paracetamol (acetaminophen), để giảm cơn sốt và cảm giác khó chịu.

Cung cấp đủ nước

Uống đủ nước là rất quan trọng để tránh tình trạng mất nước, đặc biệt nếu trẻ bị sốt cao, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Cung cấp nước cho trẻ thường xuyên, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây, hoặc dung dịch bù nước điện giải (ORS) để bổ sung khoáng chất và giúp cơ thể trẻ duy trì sự cân bằng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Cung cấp thực phẩm dễ tiêu, như cháo, súp, hoặc thức ăn mềm để trẻ dễ nuốt và hấp thụ.

Cha mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ 

Giảm ho và thông mũi

Để giảm ho khan và đau họng, bạn có thể cho trẻ uống nước ấm pha mật ong (nếu trẻ trên 1 tuổi), hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ. Làm thông mũi cho trẻ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ vào mũi, giúp trẻ dễ thở hơn.

Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ cúm A, cha mẹ hãy chủ động theo dõi và kiểm tra sức khỏe của trẻ một cách kịp thời. Hệ thống Y tế MEDLATEC đáp ứng việc thăm khám, chẩn đoán, điều trị cúm A một cách toàn diện và hiệu quả. Cha mẹ có nhu cầu đặt lịch thăm khám và điều trị tình trạng cúm A ở trẻ, hãy liên hệ tới MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch sớm. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.