Các tin tức tại MEDlatec

Cảnh giác với những triệu chứng bất thường báo hiệu ung thư phổi

Ngày 31/01/2024
Ung thư phổi là một trong những bệnh lý ung thư vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng thì rất khó điều trị và gây ra nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Một điều đáng lưu ý nữa đó là ung thư phổi lại đang có chiều hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng đời sống, làm tăng gánh nặng chi phí y tế và các vấn đề an sinh khác của xã hội.

1. Triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư phổi

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, hình thành do sự xuất hiện của khối u ác tính trong đường hô hấp, cụ thể là ở phổi. Theo thời gian, khối u này sẽ gia tăng về kích thước và thâm nhiễm ra những tổ chức xung quanh, thậm chí là di căn tới những cơ quan khác ngoài phổi.

Ung thư phổi được phân thành 2 loại chính như sau:

●       Ung thư phổi tế bào nhỏ: thường gặp phải ở những bệnh nhân hút thuốc lá (bao gồm cả chủ động và thụ động), chiếm khoảng 15 - 20%.

●       Ung thư phổi không tế bào nhỏ: là thuật ngữ ngầm mô tả các loại u phổi ác tính đó là ung thư biểu mô tế bào lớn, ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô tế bào vảy. So với loại trên thì ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ lớn hơn (khoảng 80 - 85%).

Vẫn có những trường hợp bệnh nhân gặp phải những khối u phổi lành tính. Do đó để xác định rõ ràng tính chất của khối u thì người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính có tỷ lệ tử vong cao

Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của tổn thương. Trong giai đoạn đầu tổn thương còn khu trú, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh. Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng thường được phân thành ba nhóm: triệu chứng tại chỗ tại vùng, triệu chứng do di căn xa và các hội chứng cận ung thư:

●       Ho nhiều, ho lâu ngày không khỏi, ho có đờm hoặc ho ra máu.

●       Hụt hơi, khàn tiếng, thở khò khè.

●       Ăn ít, chán ăn, sụt cân nhanh mà không rõ lý do.

●       Cảm thấy đau tức ngực khi thở sâu, khi ho hoặc khi cười.

●       Cảm giác mệt mỏi, cơ thể suy nhược gầy yếu.

Đây là những triệu chứng thường gặp có thể dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn đầu khi ung thư phổi mới khởi phát. Ngoài ra người bệnh cũng cần chú ý đến những biểu hiện khác dựa trên các giai đoạn của bệnh:

●       Giai đoạn đầu: thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc hay bị tái phát các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi,...

●       Những giai đoạn sau: tùy thuộc vào khu vực mà khối u ở phổi di căn tới cơ quan nào, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác nhau: vàng da, vàng mắt (nếu ung thư phổi di căn đến gan), đau nhức xương tại nhiều vị trí (nếu ung thư di căn xương), nổi u hạch ở xương đòn, cổ, hạch bạch huyết (nếu ung thư di căn tới các hạch bạch huyết),...

2. Vì sao lại mắc bệnh ung thư phổi?

Có không ít các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi, trong đó ô nhiễm môi trường chính là yếu tố phổ biến nhất làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư phổi:

●       Do nhiễm khuẩn: bệnh nhân nhiễm phải virus HPV 16/18 thường đi kèm đột biến P53.

●       Thường xuyên hít phải khói thuốc lá: theo thống kê của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) thì những người có thói quen hút thuốc lá thường có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn người bình thường từ 15 - 30 lần. Ngay cả khi bạn không hút thuốc lá thì nguy cơ này vẫn cao nếu bạn thường xuyên hít phải khói thuốc từ người khác. Khói thuốc lá có khả năng làm tổn thương đường hô hấp và các mô phổi. Mặc dù phổi vẫn có thể tự khắc phục được những thương tổn này nhưng nếu khói thuốc vẫn liên tục đi vào phổi thì chức năng này cũng sẽ dần biến mất. Sự tổn thương của các tế bào phổi sẽ khiến chúng hoạt động bất thường, phát triển thành các khối u ác tính hay còn gọi là ung thư phổi.

●       Ô nhiễm không khí: khi thường xuyên hít phải những khí độc hại từ bên ngoài môi trường sẽ làm tăng nguy cơ bị xơ phổi. Một khi phổi đã bị xơ hóa thì sẽ khiến chức năng phổi bị vô hiệu hóa và hình thành nên những khối u ác tính tại đây. Những khí độc hại đó có thể là bụi công nghiệp như amiang, silic, bụi than, cadimi, thạch tín, uranium, niken,...

●       Tiếp xúc với một loại khí độc hại - Radon: đây là một dạng khí phóng xạ sản sinh từ tự nhiên. Nó có thể len lỏi vào các tòa nhà, nơi ở thông qua đất và những vết nứt nhỏ. Nếu ngày nào cũng tiếp xúc với khí radon, cộng thêm hít phải khói thuốc lá thì nguy cơ người đó bị ung thư phổi là rất cao.

●       Do biến đổi gen, di truyền: ung thư phổi có thể xuất phát từ tình trạng biến đổi gen hoặc do di truyền từ đời bố mẹ sang đời con cái. Đột biến T790M xảy ra trên tế bào mầm kèm theo ung thư biểu mô tuyến của phổi.

Ho nhiều, ho dai dẳng và ho ra máu là triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư phổi

3. Bệnh ung thư phổi điều trị như thế nào?

Phụ thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của ung thư phổi, tiên lượng bệnh của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu phát hiện bệnh càng sớm thì cơ hội kiểm soát bệnh càng cao. Để chẩn đoán bệnh, người bệnh cần được khám lâm sàng và thăm khám toàn diện, đồng thời sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cũng như xét nghiệm thăm dò, xét nghiệm tế bào học để có kết quả chẩn đoán xác định.

Phần lớn bệnh nhân mắc ung thư phổi đều được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Điều này chính là bất lợi rất lớn đối với khả năng điều trị căn bệnh này. Bởi vì khi ung thư đã tiến đến giai đoạn nặng thì các công tác điều trị lúc này sẽ chỉ tập trung làm giảm bớt cơn đau, kiểm soát triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Sau đây là một số phương pháp thường được bác sĩ chỉ định để điều ung thư phổi, dựa trên những yếu tố như tình trạng bệnh, độ tuổi, thể chất và các bệnh lý nền khác của bệnh nhân:

●       Phẫu thuật loại bỏ khối u: thường tiến hành ở giai đoạn sớm khi khối u xuất hiện ở vị trí dễ phẫu thuật, chưa di căn hoặc mới chỉ di căn khu trú tại phổi. Phẫu thuật xong bệnh nhân sẽ được theo dõi để chỉ định phương án điều trị phù hợp tiếp theo.

●       Hóa trị: là cách điều trị bằng hóa chất hoặc bằng thuốc, phân thành từng đợt. Hóa chất được đưa vào cơ thể có nhiệm vụ tiêu diệt những tế bào ung thư.

●       Xạ trị: là biện pháp điều ung thư phổi thông qua tác động của tia xạ X nhằm làm thu nhỏ và loại bỏ khối u. Xạ trị có thể kết hợp cùng với hóa trị hoặc phẫu thuật với mục đích điều trị triệt căn khối u ác tính.

●       Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác: áp dụng cho những người bị ung thư phổi giai đoạn nặng giúp giảm đau, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Tương tự như những bệnh lý ung thư khác, ung thư phổi cũng có mức độ ác tính cao khi tỷ lệ tử vong lớn cho dù khoa học kỹ thuật vẫn đang phát triển từng ngày. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn nên áp dụng cho mình một lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, bảo vệ cơ thể trước khói bụi và thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ thăm khám đáng tin cậy với gần 30 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển.

Tầm soát ung thư phổi - Đăng ký ngay tại MEDLATEC

Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ và các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm, hệ thống máy móc chẩn đoán hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài, MEDLATEC còn sở hữu Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP. Những ưu điểm này đã giúp MEDLATEC trở thành thương hiệu được nhiều khách hàng lựa chọn thăm khám và điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả tầm soát các bệnh lý ung thư như ung thư phổi, gan, dạ dày,...

Nếu bạn cần được hỗ trợ tư vấn cụ thể hơn về các dịch vụ thăm khám tại MEDLATEC, hãy liên hệ đến hotline 1900565656.

Từ khoá: Ung thư phổi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.