Các tin tức tại MEDlatec
Chân nổi gân tím có phải do mắc bệnh giãn tĩnh mạch? Chẩn đoán và điều trị bằng cách nào?
- 13/04/2025 | Mang vớ giãn tĩnh mạch bao lâu và lời khuyên từ bác sĩ điều trị?
- 25/05/2025 | Giãn tĩnh mạch ở chân: Biểu hiện như thế nào? Giải pháp điều trị ra sao?
- 22/06/2025 | Giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không và lưu ý từ bác sĩ chuyên khoa
1. Chân nổi gân tím có phải là giãn tĩnh mạch?
1.1. Chân nổi gân tím là như thế nào?
Gân tím là cách nhiều người dùng để mô tả các đường tĩnh mạch xanh hoặc tím nổi rõ dưới da. Hiện tượng này thường gặp ở vùng bắp chân, mặt sau đùi hoặc cổ chân.
Gân tím nổi thành mảng ở chân
1.2. Khi nào chân nổi gân tím là do giãn tĩnh mạch?
Không phải mọi trường hợp nổi gân tím đều là bệnh lý. Nếu chỉ thỉnh thoảng thấy nổi gân khi vận động mạnh hoặc khi thời tiết nóng và biến mất sau đó thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi chân nổi gân tím ngày càng nhiều, gân rõ kèm theo các triệu chứng sau thì có thể là dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch chân:
- Cảm giác nặng chân gây khó khăn khi di chuyển, nhất là sau khi đứng lâu hoặc vào cuối ngày.
- Tê bì, châm chích hoặc đau râm ran ở chân.
- Phù nhẹ ở mắt cá chân hoặc bàn chân.
- Chuột rút vào ban đêm.
- Ngứa, khô hoặc thâm da quanh vùng tĩnh mạch nổi.
Những dấu hiệu này thường tăng dần theo thời gian nếu người bệnh không được điều trị.
2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch chân và biến chứng có thể gặp phải
2.1. Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân thường xuất phát từ các yếu tố như:
- Đứng lâu, ngồi nhiều một chỗ khiến lưu thông máu đến chân kém.
- Người cao tuổi có nguy cơ cao với giãn tĩnh mạch do sự lão hóa của cơ thể khiến tĩnh mạch mất độ đàn hồi, van tĩnh mạch cũng yếu đi.
- Di truyền cấu trúc mạch máu từ gia đình có tiền sử giãn tĩnh mạch.
- Mang thai khiến nội tiết tố thay đổi, tăng cân nhanh, tử cung giãn nở,... làm tăng áp lực vùng chậu, tăng nguy cơ chân nổi gân tím do giãn tĩnh mạch.
- Béo phì làm trọng lượng cơ thể dồn lên chân, tạo áp lực lớn cho tĩnh mạch, khiến máu khó lưu thông.
Ngồi một chỗ quá lâu dễ gây ra chân nổi gân tím do giãn tĩnh mạch
2.2. Biến chứng có thể gặp khi không điều trị sớm bệnh giãn tĩnh mạch chân
Người bị chân nổi gân tím trong thời gian dài do giãn tĩnh mạch nếu không thăm khám để được chẩn đoán đúng và điều trị sớm có thể gây nên các biến chứng như:
- Viêm tĩnh mạch huyết khối: Giãn tĩnh mạch dễ gây đau và đỏ da do viêm. Trường hợp nặng có thể hình thành huyết khối trong lòng tĩnh mạch nông, làm tắc nghẽn lưu thông máu về tim. Nếu huyết khối lan sang tĩnh mạch sâu, người bệnh có nguy cơ bị thuyên tắc phổi, thậm chí đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
- Loét da: Tình trạng lưu thông máu kém nếu kéo dài sẽ gây ứ trệ tĩnh mạch, làm xuất hiện vết loét ở cổ chân. Vết loét có thể lan rộng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thay đổi màu da, xơ cứng mô: Giãn tĩnh mạch chân lâu ngày khiến da sẫm màu, xuất hiện các mảng thâm hoặc xơ cứng dưới da, gây mất thẩm mỹ và đau rát kéo dài.
3. Nghi ngờ chân nổi gân tím do giãn tĩnh mạch, làm cách nào chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả?
3.1. Cách thức chẩn đoán
Không phải mọi trường hợp có triệu chứng chân nổi gân tím đều do giãn tĩnh mạch. Nếu đang nghi ngờ bệnh lý này, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng.
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá trực quan các dấu hiệu bên ngoài như tĩnh mạch nổi, vùng da sẫm màu, phù nhẹ,... Người bệnh cũng sẽ được kiểm tra phản xạ đau, mức độ đau và khả năng vận động chân.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được chỉ định thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng để cung cấp căn cứ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh như:
- Siêu âm Doppler màu: Đánh giá mức độ và vị trí giãn tĩnh mạch. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ cũng xác định được tĩnh mạch bị suy van, kiểm tra hướng chảy của dòng máu có bị ngược chiều hay không và xác định sự tồn tại của huyết khối.
- Xét nghiệm D-dimer: Thực hiện với trường hợp nghi ngờ có huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRV) hoặc chụp CT tĩnh mạch: Đối với trường hợp cần đánh giá chi tiết vùng bụng - chậu.
Người bệnh bị nổi gân tím nhiều ở chân được siêu âm Doppler chẩn đoán giãn tĩnh mạch
3.2. Phương pháp điều trị
Trường hợp chân nổi gân tím ở chân đã được chẩn đoán xác định bệnh giãn tĩnh mạch chân thường được bác sĩ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp như:
- Điều trị nội khoa
Người bệnh sẽ được chỉ định đeo vớ y khoa để kiểm soát triệu chứng Suy giãn tĩnh mạch. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn chọn loại vớ phù hợp với từng bệnh nhân.
Việc dùng vớ y khoa có tác dụng đưa máu chảy ngược về tim dễ dàng hơn, giảm sưng và đau. Người bệnh cần mang vớ cả ngày, chỉ nên tháo ra khi ngủ.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được chỉ định điều trị bằng một số loại thuốc như: thuốc tăng sức bền thành mạch, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc chống đông máu,...
- Điều trị can thiệp
Khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp can thiệp khác như: tiêm xơ tĩnh mạch, sóng cao tần (RFA), laser nội mạch (EVLT), phẫu thuật Stripping,...
Giãn tĩnh mạch chân tiến triển nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, tăng mức độ đau nhức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng. Vì thế, nếu xuất hiện triệu chứng chân nổi gân tím kèm theo đau, phù chân, da chân đỏ và ngứa rát, căng tức bất thường ở chân,... người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng do giãn tĩnh mạch gây ra.
Quý khách hàng nếu gặp phải triệu chứng như đã đề cập ở trên có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán đúng, kịp thời điều trị hiệu quả.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!