Các tin tức tại MEDlatec
Chỉ số axit uric và những vấn đề không nên bỏ qua
- 04/03/2023 | Xét nghiệm axit uric có ý nghĩa như thế nào?
- 01/11/2023 | Tìm hiểu chi tiết về xét nghiệm axit uric
- 17/06/2024 | Chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị Gout? Khắc phục bằng cách nào?
1. Chỉ số axit uric bình thường như thế nào?
Axit uric là sản phẩm cuối từ quá trình phân giải purin từ thực phẩm và tế bào cơ thể. Đo chỉ số axit uric trong máu giúp đánh giá nguy cơ mắc phải một số bệnh lý như gout, sỏi thận và các vấn đề chuyển hóa.
Bình thường, chỉ số axit uric trong máu của nam giới trưởng thành trong khoảng: 140 - 420μmol/l, nữ giới trưởng thành trong khoảng: 120-380μmol/l. Khoảng tham chiếu sẽ thay đổi đôi chút tùy labo xét nghiệm và ngưỡng máy xét nghiệm.
Axit uric trong máu tăng được gọi là hội chứng tăng axit uric máu. Xét nghiệm axit uric rất hữu ích trong xác định bệnh gout, bệnh thận và một số tình trạng sức khỏe khác.
Purin từ thực phẩm sẽ được cơ thể được phân giải thành axit uric
2. Nguyên nhân nào dẫn đến tăng hoặc giảm chỉ số axit uric?
2.1. Nguyên nhân khiến chỉ số axit uric máu tăng
- Mắc các bệnh ung thư như ung thư di căn, đa u tủy xương, u lympho, đa hồng cầu,... và đang trong liệu trình điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị,...
- Dinh dưỡng hàng ngày:
+ Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất purin như thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật.
+ Uống quá nhiều thức uống có cồn, nhất là bia.
+ Dùng thực phẩm chứa hàm lượng đường fructose cao như nước ngọt có gas, bánh kẹo.
- Chức năng thận suy giảm: Suy yếu thận khiến cho khả năng đào thải axit uric giảm nên có tình trạng tích trữ axit uric trong máu.
- Di truyền từ gia đình đã có người bị tăng axit uric máu:
- Mắc một số bệnh lý: Tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, suy giáp, suy cận giáp.
- Dùng thuốc lợi tiểu, thuốc chống lao, aspirin liều thấp,...
2.2. Nguyên nhân khiến chỉ số axit uric giảm
- Bệnh Wilson, hội chứng tăng tiết ADH.
- Suy dinh dưỡng: Cơ thể thiếu hụt purin từ thức ăn.
- Bệnh lý gan nghiêm trọng: Gan không sản xuất đủ lượng purin.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc lợi tiểu hoặc thuốc điều trị bệnh có thể làm thải trừ axit uric qua đường tiểu.
3. Các nguy cơ dễ gặp khi tăng chỉ số axit uric
Tăng quá mức chỉ số axit uric là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe không thể chủ quan:
- Bệnh gout
+ Tăng axit uric trong máu tăng làm kết tinh tinh thể urat tại khớp, lâu ngày sẽ gây biến dạng khớp, hạn chế vận động, thậm chí dẫn đến tàn phế.
+ Người mắc bệnh gout sẽ bị đau nhức dữ dội, sưng, nóng, đỏ ở các khớp, nhất là vào ban đêm.
- Bệnh tim mạch
Một số bệnh tim mạch như: Bệnh mạch vành, huyết áp cao, xơ vữa động mạch,... khởi phát từ tăng chỉ số axit uric. Điều này khiến cho người bệnh phải đối mặt trước nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Hội chứng chuyển hóa
Tăng quá mức chỉ số axit uric thường khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều bệnh lý về hội chứng chuyển hóa như: Kháng insulin, rối loạn lipid máu, béo phì,...
- Tổn thương thận
Axit uric ứ đọng lâu ngày trong thận là nguyên nhân dẫn đến viêm thận, giảm chức năng lọc của thận. Tình trạng này càng kéo dài thì khả năng suy thận càng cao. Suy thận do axit uric cao là một nguyên nhân dẫn đến tử vong nếu không điều trị tích cực.
Khi thận không lọc hết lượng axit uric dư thừa, tinh thể axit uric tích tụ trong thận, gây ra sỏi thận. Tăng kích thước sỏi thận làm cho đường tiểu bị tắc, dễ gây nhiễm trùng thận hoặc suy thận.
Chỉ số axit uric tăng quá mức dễ làm tổn thương khớp, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh gout
4. Kiểm tra chỉ số axit uric bằng cách nào?
Xét nghiệm axit uric có thể được chỉ định để theo dõi bệnh gout, suy giảm chức năng thận, suy thận, các bệnh máu và thiếu máu do tan máu, bệnh nhân nghiện rượu. Ngoài ra, xét nghiệm cũng có thể được thực hiện ở bệnh nhân điều trị ung thư bằng hóa trị hoặc xạ trị.
Để kiểm tra chỉ số này, bác sĩ thường chỉ định:
- Xét nghiệm máu: Đo lượng axit uric trong máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá axit uric bài tiết qua nước tiểu trong 24 giờ.
5. Cách ổn định chỉ số axit uric?
5.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Để giảm hoặc ngăn chặn tình trạng tăng chỉ số axit uric trong máu, bạn cần hạn chế nhóm thực phẩm giàu purin: Thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, đồ ăn nhanh,... và không sử dụng đồ uống có cồn.
Thay vào đó, hãy ưu tiên nhóm thực phẩm lành mạnh như: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và uống nhiều nước để đẩy nhanh quá trình đào thải axit uric qua nước tiểu, nhất là vào ngày thời tiết nóng hoặc sau khi vận động.
5.2. Duy trì lối sống lành mạnh
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các hoạt động vừa sức như: Đạp xe, đi bộ, yoga,... có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm axit uric. Ngoài ra, việc kiểm soát cân nặng để không bị béo phì làm tăng sản xuất và giảm khả năng đào thải axit uric cũng rất cần thiết.
Mất ngủ hoặc căng thẳng kéo dài dễ gây mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa purin. Do đó, mỗi người nên cố gắng đảm bảo thời gian ngủ 7 - 8 giờ/ đêm và có biện pháp thư giãn để giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống.
Ngoài ra, hút nhiều thuốc lá cũng được xếp vào nhóm nguy cơ tăng tích tụ axit uric. Người đang hút thuốc nên cố gắng giảm và tập cai dần thuốc lá để tránh gặp phải tình trạng này.
5.3. Sử dụng thuốc điều trị khi cần
Bệnh nhân cần điều trị kiểm soát axit uric sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc như:
- Thuốc giảm axit uric
+ Allopurinol: Ức chế xanthine oxidase để giảm sản xuất axit uric.
+ Febuxostat: Dành cho bệnh nhân không thể sử dụng allopurinol.
- Thuốc tăng đào thải axit uric qua thận
Probenecid: Hỗ trợ thận đào thải axit uric qua đường nước tiểu, đặc biệt hiệu quả ở bệnh nhân không có tổn thương thận.
- Thuốc giảm đau kháng viêm
+ Colchicine: Giảm đau và sưng do cơn gout cấp gây ra.
+ Thuốc NSAIDs giúp kiểm soát viêm và giảm đau.
Việc sử dụng thuốc để ổn định chỉ số axit uric cần có chỉ định từ bác sĩ sau khi đã có kết quả kiểm tra, chẩn đoán chính xác. Người bệnh cần thực hiện theo chỉ định từ đơn thuốc của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh gặp phải tác dụng phụ do dùng sai đơn thuốc.
Khách hàng khám và theo dõi chỉ số axit uric định kỳ tại MEDLATEC
Chỉ số axit uric nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng như đã được đề cập ở trên. Khám sức khỏe định kỳ, nhất là các trường hợp thuộc nhóm nguy cơ tăng axit uric sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe để có biện pháp ngăn chặn nguy cơ gặp phải những biến chứng này.
Quý khách có nhu cầu thăm khám sức khỏe, kiểm tra chỉ số axit uric có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn xét nghiệm, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!