Các tin tức tại MEDlatec
Chỉ số Ritchie trong đánh giá viêm khớp dạng thấp: Những vấn đề cần ghi nhớ
- 29/02/2024 | Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp như thế nào?
- 31/01/2024 | Có thể chữa viêm khớp dạng thấp được không, chữa bằng cách nào?
1. Bệnh viêm khớp dạng thấp: Những thông tin khái quát
1.1. Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp viêm mạn tính mà trong đó phản ứng miễn dịch đóng vai trò cơ bản, gây tình trạng viêm tại màng hoạt dịch khớp. Quá trình viêm này không chỉ xảy ra tại một khớp đơn lẻ mà có thể lan rộng ra nhiều khớp của cơ thể.
Nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm khớp dạng thấp hiện chưa được xác định, nhưng các yếu tố sau có thể kích thích sự phát triển của bệnh:
- Yếu tố di truyền:
Tiền sử gia đình mắc viêm khớp dạng thấp khiến thế hệ sau có nguy cơ cao hơn với bệnh lý này do di truyền gen liên quan đến phản ứng không bình thường của hệ miễn dịch.
- Yếu tố môi trường:
Các yếu tố như hút thuốc lá, tiếp xúc với một số hóa chất hoặc các chất kích thích từ môi trường có thể kích hoạt sự phát triển của bệnh ở người có cơ địa dễ bị tổn thương.
- Yếu tố nội tiết:
Sự thay đổi hormone nội tiết, nhất là ở phụ nữ, được xem là một trong những yếu tố góp phần gây viêm khớp dạng thấp.
viêm khớp ở chi trên
1.2. Triệu chứng thường xuất hiện ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có thể thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thường gặp nhất là các triệu chứng:
- Đau và sưng ở các khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở tay và chân. Cơn đau này có thể lan ra các vùng lân cận và làm hạn chế khả năng vận động.
- Cứng khớp vào buổi sáng, thời gian cứng khớp thường trên 1 giờ, khiến khả năng thực hiện hoạt động thường ngày suy giảm.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng, có thể sốt nhẹ.
- Cấu trúc khớp bị tổn thương nên có hiện tượng khớp mất cân đối, biến dạng, giảm chức năng vận động.
2. Chỉ số Ritchie có ý nghĩa gì trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp?
2.1. Tầm quan trọng của chẩn đoán sớm viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán sớm viêm khớp dạng thấp là việc cần làm để:
- Ngăn ngừa tổn thương khớp
Điều trị sớm giúp giảm thiểu tình trạng viêm mạn tính, hạn chế tổn thương cấu trúc khớp và ngăn ngừa khớp biến dạng không thể phục hồi.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
Khi các viêm khớp dạng thấp được kiểm soát, tình trạng đau khớp được giảm thiểu, bệnh nhân duy trì được hoạt động hàng ngày.
- Tùy chỉnh phác đồ điều trị
Nếu phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp điều chỉnh miễn dịch, chỉ định người bệnh dùng thuốc chống viêm và các biện pháp hỗ trợ khác để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
2.2. Vai trò của chỉ số Ritchie trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp
Chỉ số Ritchie là một trong những công cụ được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Chỉ số này được xây dựng dựa trên mức độ đau khi nhấn vào các khớp. Bác sĩ sẽ tạo áp lực vừa phải lên các khớp của bệnh nhân và ghi nhận phản ứng đau . Điểm số được tính dựa trên số lượng khớp nhạy cảm trước tác động của áp lực.
Theo dõi chỉ số Ritchie giúp bác sĩ:
- Đo lường mức độ nhạy cảm của khớp để đánh giá tình trạng viêm.
- Hỗ trợ theo dõi tiến triển bệnh qua các đợt điều trị.
Do tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 1987 không phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm nên ở nước ta và nhiều nước trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu Âu 2010 trong chẩn đoán bệnh lý này.
Theo EULAR, tiêu chuẩn đánh giá đợt tiến triển của viêm khớp dạng thấp là tối thiểu 3 khớp sưng và có ít nhất 1 trong 3 tiêu chí:
- Chỉ số Ritchie từ ≧ 9 điểm.
- Thời gian cứng khớp vào buổi sáng kéo dài tối thiểu 45 phút.
- Tốc độ máu lắng giờ đầu 28mm.
Chỉ số Ritchie thường được sử dụng kết hợp với các kiểm tra cận lâm sàng khác để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bác sĩ trong quá trình kiểm tra, đánh giá chỉ số Ritchie ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
2.3. Cách đánh giá chỉ số Ritchie đối với bệnh viêm khớp dạng thấp
Để đánh giá chỉ số Ritchie, bác sĩ sẽ dùng đầu ngón tay cái của mình ấn với lực vừa phải lên trên khớp cần nhận diện viêm. Có 26 vị trí khớp, dựa trên biểu hiện và cảm giác đau của bệnh nhân, cách tính điểm ở mỗi vị trí khớp như sau:
- Không đau: 0 điểm.
- Đau ít: 1 điểm.
- Bệnh nhân nhăn mặt và nói đau vừa: 2 điểm.
- Bệnh nhân rút chi lại và kêu đau nhiều: 3 điểm.
Điểm đau tối đa là 78, không đau là 0. Nếu sau khi đánh giá chỉ số Ritchie thu được từ 9 điểm trở lên tức là bệnh nhân đang ở đợt tiến triển của viêm khớp dạng thấp.
Ngoài chỉ số Ritchie, bệnh viêm khớp dạng thấp còn được đánh giá trên nhiều loại chỉ số khác như: CDAI, SDAI, DAS 28,...
2.4. Các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chỉ số Ritchie
Một số yếu tố sau có thể tác động đến tính chính xác trong kết quả đánh giá chỉ số Ritchie:
- Kinh nghiệm của bác sĩ trong quá trình quan sát, đánh giá phản ứng của bệnh nhân.
- Khả năng chịu đau của người bệnh. Một số bệnh nhân có ngưỡng chịu đau kém nên có thể báo cáo mức độ đau cao hơn so với thực tế viêm.
- Bệnh nhân có các vấn đề khác ở khớp.
- Thời điểm kiểm tra khác nhau có thể cho kết quả khác nhau do mức độ đau thay đổi theo thời gian.
Bệnh nhân được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh và phương pháp viêm khớp dạng thấp
Chỉ số Ritchie là công cụ đánh giá mức độ viêm khớp đơn giản và nhanh chóng. Nhờ công cụ này mà bác sĩ có căn cứ để chẩn đoán, theo dõi tiến triển và điều chỉnh phác đồ điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
Hy vọng, với những thông tin được đề cập, quý khách hàng đã hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng chỉ số Ritchie trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Nếu còn thắc mắc về chỉ số này hoặc có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, quý khách có thể liên hệ Hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp và xác nhận lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!