Các tin tức tại MEDlatec
Chụp X - quang có phát hiện ung thư xương không?
- 01/01/2020 | Có những phương pháp chụp X - quang cột sống thắt lưng nào? Khi nào nên chụp?
- 04/10/2019 | Chụp X - quang là gì và những thông tin cần biết về kỹ thuật này
- 16/03/2020 | Khi đi bác sĩ chụp X - quang cần lưu ý những gì?
1. Tìm hiểu chung về ung thư xương
ung thư xương nguyên phát là bệnh ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo xương, tế bào sụn hoặc/và tế bào liên kết mô xương. Các tế bào ung thư nhanh chóng phát triển, phân chia, hình thành khối u ác tính trong xương. Sau một thời gian, ung thư xương xâm lấn sang các mô xung quanh, di căn đến các cơ quan khác.
Thông thường, ung thư xương nguyên phát bắt đầu từ các khu vực: xương đùi, xương chày, đầu dưới xương quay hay đầu trên của xương cánh tay.
Ung thư xương phát triển theo 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1
Lúc này các tế bào ung thư xương vừa xuất hiện trong mô xương, bắt đầu phát triển và nhân nhanh số lượng. Do đó, tế bào ung thư chưa chèn lấn các tế bào bình thường, ít gây hại và không có triệu chứng rõ ràng. Rất ít bệnh nhân phát hiện ung thư xương từ giai đoạn này, nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh rất cao.
Giai đoạn 2
Khối u ung thư bắt đầu phát triển lớn dần, nhưng còn giới hạn trong xương, chưa lan truyền sang các mô và cơ quan. Phát hiện ung thư xương giai đoạn này cũng có tiên lượng điều trị tốt.
Giai đoạn 3
Ung thư xương không chỉ giới hạn ở vùng nguyên phát mà lan ra nhiều vị trí khác nhau của xương. Giai đoạn này phát triển rất nhanh, ung thư sẽ lan đến các hạch bạch huyết và cơ quan xung quanh.
Ung thư xương giai đoạn 4 tiên lượng rất xấu
Giai đoạn 4
U ung thư và tế bào ung thư nhân số lượng nhanh chóng, bắt đầu di căn sang các mô, cơ quan xung quanh đến xa hơn. Điều trị ung thư lúc này khó khăn, tiên lượng xấu.
Mặc dù hiếm gặp hơn những bệnh ung thư khác nhưng hầu hết bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh phát triển âm thầm, do đó điều trị và tiên lượng rất xấu.
Vì thế, tầm soát sớm ung thư ở những người có nguy cơ rất quan trọng, nhằm phát hiện và điều trị sớm ngay từ lúc bệnh khởi phát.
2. Chụp X-quang có phát hiện ung thư xương không?
Để phát hiện và chẩn đoán ung thư xương, bác sỹ dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng của ung thư xương rất khó phát hiện và không mang ý nghĩa quyết định chẩn đoán.
Chụp X-quang là một trong các phương pháp cận lâm sàng giúp phát hiện sớm căn bệnh này. Ngay khi người bệnh có dấu hiệu đau xương, chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên, có thể thấy các hình ảnh: gián đoạn xương mất chất khoáng, phản ứng màng xương, vị trí tổn thương xương,...
Bệnh nhân nghi ngờ bị ung thư xương sẽ được chỉ định chụp X-quang phim thẳng, phim nghiêng, chụp đối bên để kiểm tra xem có dấu hiệu của bệnh không.
Hình ảnh chụp X-quang của bệnh nhân ung thư xương
Các dấu hiệu ung thư xương có thể thấy trên ảnh chụp X-quang như:
Vị trí tổn thương ở xương
Chụp X-quang có thể xác định vị trí của khối u xương, từ đó có thể quyết định phương hướng điều trị và tiên lượng sau này.
Bờ khối u
Hình ảnh chụp X-quang này cho thấy tốc độ phát triển của u ung thư, cũng như phản ứng xung quanh, từ hình ảnh bờ khối u, có thể tiên lượng khối u lành hay ác tính.
Dấu hiệu tiêu xương
Ung thư xương có nhiều loại, dấu hiệu tiêu xương của từng loại cũng khác nhau, thể hiện như có hình nang xương, hình gặm nhấm hoặc có thể gãy do tiêu xương.
Phản ứng màng xương
Bệnh nhân ung thư xương có hình ảnh X-quang cho thấy màng xương không đều, mỏng, tạo thành các lá, phá vỡ màng xương. Có thể không phát hiện màng xương.
Chụp X-quang giúp phát hiện sớm ung thư xương
Như vậy, chụp X-quang cho biết nhiều dấu hiệu nhận biết của ung thư xương, tuy nhiên dấu hiệu có thể do các bệnh hoặc u lành tính khác. Ngoài phát hiện ung thư xương, chụp X-quang còn được dùng để chẩn đoán nhiều bệnh ung thư khác. Nhưng hầu hết phương pháp chẩn đoán hình ảnh này chỉ chẩn đoán phân nào, không thể chắc chắn đó là ung thư và mức độ bệnh.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của ung thư xương khi chụp X-quang, bệnh nhân sẽ cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán khác như sinh thiết, chụp xạ hình,... để chẩn đoán xác định và phân giai đoạn ung thư.
3. Các phương pháp phát hiện và chẩn đoán ung thư xương khác
Ngoài chụp X-quang, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác sẽ hỗ trợ chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh, vị trí, kích thước khối u, mức độ di căn,... Như vậy sẽ giúp bác sỹ đưa ra liệu trình điều trị hiệu quả và tiên lượng bệnh chính xác.
Một số phương pháp thường dùng như:
Chụp cắt lớp vi tính
Giúp phát hiện hình ảnh u xương, hình dạng, kích thước và vị trí chính xác của khối u.
Chụp PET
Thực hiện đưa lượng nhỏ glucose phóng xạ vào mạch máu, theo dõi đường đi đến xương và cho hình ảnh tại xương. Hình ảnh này có giá trị để đánh giá giai đoạn bệnh.
Chụp xạ hình xương
Ở phương pháp này, lượng phóng xạ nhỏ sẽ được đưa vào máu, chúng di chuyển đến xương rồi được chụp bằng máy xạ hình. Hình ảnh chụp này có giá trị lớn để phát hiện sớm ung thư xương nguyên phát.
Sinh thiết xương để chẩn đoán chính xác ung thư
Sinh thiết xương
Khác với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trên, bệnh nhân được lấy mẫu tế bào ở vị trí nghi ngờ có khối u ung thư để xác định có phải tế bào ung thư không. Kết quả của sinh thiết xương có giá trị chẩn đoán chính xác ung thư xương.
Như vậy, bạn đọc đã biết chụp X-quang có phát hiện ung thư xương không rồi chứ? Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu đầu tiên của ung thư xương nguyên phát. Nhưng để chẩn đoán chính xác và tiên lượng bệnh, cần kết hợp chụp X-quang với các phương pháp chẩn đoán khác.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!