Các tin tức tại MEDlatec
Đau họng nên uống gì để giảm nhanh triệu chứng?
- 01/05/2024 | Nuốt nước bọt đau họng phải làm sao để nhanh khỏi?
- 01/07/2023 | Bị đau họng nên làm gì và cách phòng tránh đau họng
- 13/08/2024 | Kẹo ngậm đau họng có tốt không? Dùng như thế nào?
1. Nguyên nhân gây đau họng
Đau họng là tình trạng người bệnh cảm thấy nóng, rát, ngứa và đau ở cổ họng, cảm giác đau, khó chịu tăng lên mỗi khi nuốt thức ăn, nước bọt hoặc giao tiếp. Có nhiều nguyên nhân gây đau họng, bao gồm:
● Virus: Virus cảm cúm là tác nhân thường gặp gây ra tình trạng đau họng và thường sẽ khỏi sau vài ngày tùy sức đề kháng của từng cơ thể.
● Vi khuẩn: Những trường hợp viêm họng do vi khuẩn (chủ yếu Streptococcus) thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn và thời gian kéo dài, người bệnh cần phải điều trị kháng sinh để chấm dứt tình trạng, ngăn ngừa biến chứng.
● Môi trường: Các tác nhân từ môi trường như khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng,… có thể xâm nhập và kích thích niêm mạc họng gây phản ứng dị ứng.
● Nói nhiều, nói quá to: Những người thường xuyên nói nhiều, nói to có thể gây ảnh hưởng đến dây thanh và dẫn đến đau họng.
● Bệnh lý: Những bệnh lý ở cổ họng như viêm amidan, viêm họng, cảm lạnh,… đều là lý do dẫn đến tình trạng đau họng, đi kèm với triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, khó chịu, khàn giọng,…
● Thay đổi thời tiết: Thời điểm giao mùa, không khí thiếu độ ẩm, nhiệt độ bên ngoài quá lạnh,… khiến cơ thể không kịp thích ứng có thể xuất hiện tình trạng đau họng.
● Uống đá, ăn đồ lạnh quá mức: Ngoài những lý do trên thì việc uống đá nhiều, nhất là khi uống nước ngọt, bia,… hoặc thường xuyên ăn đồ đông lạnh như kem cũng là lý do dẫn đến đau họng.
Tình trạng đau, nóng rát,… cổ họng gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh
2. Đau họng nên uống gì?
Đau họng nên uống gì để cải thiện triệu chứng và chóng khỏi là vấn đề được nhiều người quan tâm. Nếu bạn đang tìm kiếm thức uống tốt cho người bị đau họng thì đừng bỏ qua những gợi ý sau đây.
Nước ấm
Dù bạn là người khỏe mạnh hay đang bị đau họng thì mỗi ngày cần phải cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể thay nước lọc bằng nước ấm trong thời gian bị đau họng để làm dịu niêm mạc và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng trà ấm. Trà có chứa chất chống oxy hóa, giúp giảm các triệu chứng viêm và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng khi bị đau họng.
Mật ong
Mỗi buổi sáng khi thức dậy, bạn có thể pha 1 - 2 thìa mật ong với nước ấm để uống. Cách này không chỉ giảm đau họng mà mật ong còn có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch. Khi sử dụng mật ong, tốt nhất bạn nên dùng mật ong nguyên chất, không pha lẫn tạp chất để phát huy công dụng chữa viêm họng hiệu quả.
Pha mật ong với nước ấm uống mỗi sáng để giảm đau họng
Trà gừng
Từ xưa đến nay, gừng là một trong những vị thuốc Đông y được sử dụng phổ biến nhờ tính ấm, vị cay và chứa thành phần kháng viêm, chống khuẩn. Với người bị đau họng thì mỗi ngày nên uống trà gừng ấm 1 - 2 lần liên tiếp từ 5 - 7 ngày. Với cách này bạn sẽ thấy hiệu quả giảm đau họng rõ rệt sau vài lần uống.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc được biết đến có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, bao gồm cả điều trị chứng đau họng nhờ thành phần Bisabolol. Không chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, trà hoa cúc còn giúp làm dịu các phản ứng kích thích đồng thời thúc đẩy quá trình làm việc của hệ miễn dịch. Nhờ đó cải thiện nhanh và hiệu quả các triệu chứng đau, ngứa, nóng rát cổ họng.
Nước ép
Nếu bạn không biết đau họng nên uống gì thì tuyệt đối đừng bỏ qua các loại nước ép từ trái cây, rau xanh. Bạn có thể trộn lẫn nhiều loại trái cây với rau xanh khi ép để bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, nhanh chóng đẩy lùi tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bạn phải nhớ nước ép càng nguyên chất thì càng tốt, hạn chế cho đường và đá lạnh khi uống trong thời gian bị đau họng.
Đau họng nên uống gì? - Nước ép trái cây, rau quả tươi
3. Một số lưu ý khi điều trị viêm họng
Ngoài việc thắc mắc đau họng uống gì, trong quá trình điều trị viêm họng, bạn cần phải chú ý đến một số vấn đề sau:
● Các loại nước ép có tính acid và trà thì không nên uống khi bụng đói để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
● Ngoài bổ sung các loại thức uống giúp cải thiện triệu chứng đau họng, người bệnh còn cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối và đầy đủ chất. Nên ưu tiên chế biến thức ăn thành dạng mềm, lòng, hạn chế các đồ cay, quá nóng, nhiều dầu mỡ hoặc khô cứng khiến cơn đau họng tăng thêm mỗi khi ăn.
● Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt, đồ đông lạnh… khi đang bị viêm họng.
● Súc miệng thường xuyên với nước muối sinh lý để loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
● Trường hợp các triệu chứng đau họng kéo dài hoặc có biểu hiện nghiêm trọng hơn thì cần phải tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và áp dụng biện pháp điều trị thích hợp.
● Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị đau họng ở các quầy thuốc tây khi chưa có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài các gợi ý cho câu hỏi đau họng nên uống gì ở trên thì trong trường hợp cần thiết, người bệnh vẫn cần phải khám và dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo điều trị dứt điểm tình trạng đau họng. Các triệu chứng đau họng có thể gây nên nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra về tình trạng đau họng kéo dài
Nếu bạn đang có những dấu hiệu bị đau họng hoặc cần được tư vấn về tình trạng, hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa thuộc các cơ sở của Hệ thống Y tế MEDLATEC thông qua hotline: 1900 565656 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!