Các tin tức tại MEDlatec

Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh như thế nào hiệu quả?

Ngày 15/11/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Loãng xương dễ xảy ra với phụ nữ sau giai đoạn mãn kinh do nhiều nguyên nhân, gây suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng nhiều đến vận động. Chẩn đoán để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh từ khi bệnh còn nhẹ sẽ tránh được gãy xương và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

1. Đôi nét về bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

1.1. Nguyên nhân khiến phụ nữ mãn kinh bị loãng xương

Loãng xương xảy ra khi mật độ khoáng chất trong xương giảm, cấu trúc xương trở nên yếu và dễ gãy. Bệnh lý này thường diễn biến âm thầm, ít có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên người bệnh có thể không nhận biết được cho đến khi va chạm nhẹ dẫn đến gãy xương. 

Loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng nguy cơ mắc bệnh tăng cao đáng kể khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. Lý do chính là do:

- Sự suy giảm hormone estrogen

Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xương và duy trì mật độ xương. Khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể giảm sản sinh estrogen, làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương. Đây là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh cao hơn nhiều so với nam giới.

- Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt

canxi và vitamin D là các dưỡng chất cần để đảm bảo ổn định sức khỏe hệ xương. Chế độ ăn uống thiếu đi các dưỡng chất này trong một thời gian dài dễ khiến phụ nữ mãn kinh bị loãng xương. Ngoài ra, thói quen ít tiếp xúc với ánh nắng cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt vitamin D.

- Yếu tố di truyền

Gia đình từng có người bị loãng xương tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng có thể chi phối đến mật độ xương và làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.

- Yếu tố khác

Một số yếu tố khác như dùng thuốc corticosteroid thời gian dài, cường giáp, suy tuyến cận giáp,.. cũng tăng nguy cơ gây loãng xương.

1.2. Nhận diện loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

- Đau lưng, đau xương khớp, đặc biệt là sau các hoạt động thể chất hoặc khi thay đổi thời tiết.

- Chiều cao giảm dần và gù lưng..

- Dễ bị gãy xương dù chỉ gặp va chạm nhẹ. Các khu vực dễ bị gãy bao gồm cổ tay, xương đùi và xương sống.

Đau lưng và nhức mỏi cơ thể là dấu hiệu loãng xương thường gặp ở phụ nữ mãn kinh

2. Phương pháp điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

2.1. Điều trị bằng thuốc

- Liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Liệu pháp HRT là phương pháp bổ sung hormone estrogen để làm giảm tốc độ mất xương, ngăn ngừa loãng xương hiệu quả cho phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên, loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng HRT có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư vú. Phương pháp này chỉ được áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

- Thuốc ức chế tái hấp thu xương

Các loại thuốc như alendronate, risedronate,... giúp quá trình mất xương bị chậm lại từ đó ngăn ngừa gãy xương. Những loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng hàng tuần hoặc hàng tháng để cải thiện mật độ xương ở phụ nữ mãn kinh.

- Thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc 

Đây là nhóm thuốc tác động giống estrogen lên xương mà không gây tác dụng phụ trên các cơ quan khác. Nhóm thuốc này làm giảm nguy cơ gãy xương ở cột sống và ngăn chặn quá trình mất xương.

2.2. Bổ sung canxi và vitamin D

Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh cũng không thể bỏ qua việc bổ sung vitamin D và canxi từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng. Việc bổ sung canxi và vitamin D đặc biệt cần thiết với phụ nữ bị thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn uống hoặc tuổi tác.

Canxi là thành phần chính cấu tạo xương, giúp xương chắc khỏe. Nguồn thực phẩm giàu canxi nên ưu tiên bổ sung gồm: sữa, hải sản, rau xanh,... Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, có thể bổ sung qua các loại thực phẩm: lòng đỏ trứng, cá thu, cá hồi, sản phẩm từ sữa,... ánh nắng mặt trời và thực phẩm chức năng.

Bổ sung canxi là điều cần thiết để hỗ trợ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

2.3. Tập luyện thể dục đều đặn

Đây là phương pháp hỗ trợ loãng xương ở phụ nữ tuổi mãn kinh giúp tăng mật độ xương và tăng sự dẻo dai cho cơ bắp, giảm nguy cơ té ngã. 

Phụ nữ mãn kinh bị loãng xương nên chọn một số bài tập giúp tăng khả năng chịu trọng lượng cho xương như leo cầu thang, đi bộ,... và duy trì ít nhất 30 phút/ngày. Đây là cách kích thích sản xuất tế bào mới cho xương thêm chắc khỏe.

Ngoài ra, nâng tạ, tập với dây kháng lực,... cũng có thể tăng mật độ xương. Các bài tập này được tập luyện đều giúp hỗ trợ cấu trúc xương, tăng cường sức mạnh cơ, giảm áp lực lên khớp. Lưu ý không nên tập luyện các bài tập gắng sức có nguy cơ gây tổn thương xương và sụn khớp.

Một bộ môn khác mà phụ nữ bị loãng xương tuổi mãn kinh có thể lựa chọn là yoga và pilates. Đây là các bài tập tăng sự linh hoạt cho khớp, giúp thăng bằng tốt để tránh nguy cơ té ngã - yếu tố nguy hiểm gây gãy xương. Các bài tập yoga như tư thế cái cây, chiến binh sẽ giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và hỗ trợ xương khớp.

2.4. Thay đổi lối sống

Rượu và thuốc lá làm giảm lượng canxi trong cơ thể và gây mất xương nhanh chóng. Phụ nữ mãn kinh nên hạn chế tối đa việc tiêu thụ các chất này để bảo vệ sức khỏe xương.

Thừa cân sẽ tạo áp lực lên xương khớp và thiếu cân làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương. Phụ nữ mãn kinh cần ổn định cân nặng phù hợp để không gây áp lực và làm giảm mật độ xương.

Đo mật độ xương định kỳ giúp phát hiện sớm loãng xương 

Kiểm tra mật độ xương định kỳ là cách hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ loãng xương ở độ tuổi mãn kinh. Qua những lần kiểm tra như vậy, bác sĩ sẽ đánh giá đúng mức độ và điều chỉnh phương pháp loãng xương ở phụ nữ mãn kinh sao cho có hiệu quả tốt nhất.

Loãng xương ở phụ nữ mãn kinh có thể kiểm soát được nguy cơ biến chứng nếu điều trị đúng phương pháp. Việc thực hiện đúng biện pháp loãng xương ở phụ nữ mãn kinh sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp phụ nữ yên tâm hơn về sức khỏe xương khớp khi bước vào tuổi mãn kinh.

Để đo mật độ xương, đánh giá loãng xương định kỳ, quý khách hàng có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp - Hệ thống y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.