Các tin tức tại MEDlatec
Đo áp lực ổ bụng: Đối tượng chỉ định và chi tiết quy trình thực hiện
- 18/11/2021 | Tràn dịch trong ổ bụng có nguy hiểm không? Chẩn đoán bệnh bằng biện pháp nào?
- 19/11/2021 | Giải đáp băn khoăn khi nào cần nội soi ổ bụng
- 26/02/2025 | Siêu âm ổ bụng có phát hiện ung thư cổ tử cung không? Giải đáp từ chuyên gia
1. Áp lực ổ bụng là như thế nào?
Áp lực ổ bụng là áp lực trong ổ bụng ở trạng thái cân bằng động, tăng lên ở thì hít vào và giảm xuống ở thì thở ra, thường trong khoảng 0 - 5 mmHg (0 - 7 cm H2O). Giá trị này có thể cao hơn với người béo phì.
Hiệp hội khoang bụng thế giới cho biết, áp lực ổ bụng ≥ 16 cmH2O trong tối thiểu 2 lần đo cách nhau 12 giờ, được xem là tăng áp lực ổ bụng.
Hình mô phỏng toàn bộ quy trình thực hiện đo áp lực ổ bụng
2. Các phương pháp thực hiện đo áp lực ổ bụng
2.1. Đo trực tiếp
Đo áp lực ổ bụng trực tiếp thường được bác sĩ thực hiện khi bác sĩ có thể tiếp cận trực tiếp với khoang bụng hoặc khi phẫu thuật. Khi đo, các cảm biến được cấy vào ổ bụng và cho kết quả đo chính xác về áp lực nội tạng.
Do tính xâm lấn cao và cần tiếp cận bên trong khoang bụng nên phương pháp đo này chỉ được áp dụng với những bệnh nhân cần theo dõi sau phẫu thuật.
2.2. Đo gián tiếp qua bàng quang
Đây là phương pháp sử dụng ống nội soi hoặc đưa thiết bị chuyên dụng qua ống catheter đặt vào bàng quang để đo áp lực ổ bụng. Khi đó, áp lực trong khoang bụng sẽ truyền qua bàng quang.
2.3. So sánh giữa hai phương pháp đo áp lực bụng
Tuy cả hai phương pháp nêu trên đều được sử dụng để đo áp lực ổ bụng, nhưng mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng:
- Đo trực tiếp:
+ Ưu điểm: Độ chính xác cao, cung cấp dữ liệu trực tiếp từ khoang bụng.
+ Hạn chế: Đòi hỏi can thiệp xâm lấn, rủi ro nhiễm trùng tăng cao, chỉ sử dụng trong các ca phẫu thuật hay chuyên khoa đặc thù.
- Đo gián tiếp qua bàng quang:
+ Ưu điểm: Ít xâm lấn, an toàn, dễ dàng thực hiện.
+ Hạn chế: Có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố ngoại lai như vị trí đặt catheter, tình trạng bàng quang của bệnh nhân, đòi hỏi sự chuẩn xác trong việc chuẩn bị và thực hiện quy trình.
Do tính an toàn và dễ thực hiện nên phương pháp đo áp lực ổ bụng qua bàng quang hiện vẫn được bác sĩ ưu tiên lựa chọn.
3. Trường hợp nào được chỉ định thực hiện áp lực ổ bụng?
Đo áp lực ổ bụng được chỉ định đối với các trường hợp cần đánh giá và theo dõi áp lực ổ bụng đối với:
- Người bị giảm áp lực thành bụng do bỏng nặng, chấn thương, suy hô hấp cấp, theo dõi sau phẫu thuật ổ bụng.
- Người bệnh bị tăng thể tích ống tiêu hóa.
- Viêm tụy cấp.
- Tăng thể tích ổ bụng trong bệnh tràn khí phúc mạc, tràn máu phúc mạc, suy gan, cổ trướng.
Hiện không có chống chỉ định đo áp lực ổ bụng nhưng người bị rách niệu đạo, nhiễm khuẩn đường tiết niệu sẽ không thể đo áp lực ổ bụng gián tiếp qua bàng quang. Kết quả đo áp lực ổ bụng ở người bị khối u bàng quang thường không chính xác.
Người bị bệnh cổ trướng có thể được chỉ định đo áp lực ổ bụng
4. Quy trình đo áp lực ổ bụng qua bàng quang
Quy trình đo áp lực ổ bụng qua bàng quang được áp dụng với các bước cơ bản sau đây:
4.1. Chuẩn bị trước đo
- Đối với bác sĩ
Bác sĩ cần sát khuẩn tay, mặc áo vô khuẩn, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết gồm: thước chia vạch cmH2O hoặc đồng hồ đo áp lực, Sonde foley có kích thước phù hợp với bệnh nhân, khóa 3 chạc, bơm tiêm, túi chứa nước tiểu, túi dịch truyền Natri Clorua 0.9% và kẹp.
- Đối với người bệnh
+ Người bệnh sẽ được bác sĩ giải thích kỹ càng về quy trình đo áp lực ổ bụng để dễ dàng hợp tác cùng bác sĩ khi thủ thuật diễn ra.
+ Người bệnh nằm trên giường bệnh với tư thế nằm ngửa ngay ngắn, đầu bằng, hai chân thẳng sau đó sẽ được nhân viên y tế vệ sinh vùng sinh dục và hậu môn.
+ Người bệnh được nhân viên y tế thực hiện thao tác đặt ống thông Foley để dẫn lưu toàn bộ nước tiểu ra ngoài.
4.2. Thực hiện thao tác đo áp lực ổ bụng
- Bước 1: Bác sĩ kết nối hệ thống khóa ba chạc: 1 chạc nối với ống thông Foley và bơm tiêm 50ml, chạc 2 nối với chạc 3 thứ nhất và nối một cổng với túi đựng dung dịch muối đẳng trương, chạc 3 nối với chạc 3 thứ 2 và túi đựng nước tiểu cùng hệ thống đo áp lực. Sau khi kết nối 3 chạc xong, kiểm tra lại sao cho đầu của chạc 3 ở ngang mào chậu tại vị trí đường nách giữa.
- Bước 2:
+ Cả 3 chạc đều được mở khóa thứ nhất để dẫn lưu toàn bộ nước tiểu ra túi.
+ Đóng đường dẫn túi nước tiểu ở chạc 3, mở đường tới cổng áp lực.
+ Khóa đường đến ống bàng quang ở chạc 3 thứ nhất.
+ Mở đường đến túi muối đẳng trương ở chạc 3 thứ 2.
- Bước 3
+ Tại chạc 3 thứ nhất, hút 50ml dịch Natri clorua 0.9% vào bơm tiêm.
+ Tại chạc 3 thứ 2, khóa đường đến túi dịch.
+ Tại chạc 3 thứ nhất, mở đường đến ống thông bàng quang sau đó rồi bơm Natri clorua 0.9% vào bàng quang với hàm lượng 1ml/kg (tối đa 25 ml).
+ Đóng khóa bơm tiêm và chờ 30 - 60 giây để đảm bảo thăng bằng áp lực.
+ Theo dõi và ghi nhận thông số đo được tại đồng hồ đo áp lực lần đo cuối thì thở ra.
- Bước 4
+ Tháo đồng hồ và các bộ phận dùng để đo áp lực ổ bụng.
+ Tháo bộ phận đo ở chạc 3, nối sonde tiểu với túi đựng nước tiểu, bỏ bộ phận đo áp lực vào thùng chất thải.
+ Rút ống sonde tiểu cho người bệnh.
Đặt ống dẫn nước tiểu - một bước trong quy trình đo áp lực ổ bụng
4.3. Xử trí với tai biến
Một số biến chứng sau có thể xảy ra khi đo áp lực ổ bụng:
- Nhiễm trùng đường tiểu: xảy ra do thời gian đặt và lưu ống thông bàng quang quá lâu. Biến chứng sẽ được giảm thiểu bằng việc tuân thủ tiêu chuẩn vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật, nếu bệnh nhân không cần theo dõi áp lực ổ bụng nữa thì cần rút ống thông bàng quang ngay.
- Chảy máu đường tiểu: thường xảy ra do lựa chọn size sonde tiểu không phù hợp. Để hạn chế biến chứng cần chọn sonde tiểu phù hợp với thực hiện thủ thuật một cách nhẹ nhàng.
Đo áp lực ổ bụng là kỹ thuật đơn giản nhưng có giá trị lâm sàng cao trong việc phát hiện sớm hội chứng tăng áp lực ổ bụng. Thủ thuật này cần được thực hiện chuẩn xác, đảm bảo điều kiện vô trùng để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi được chỉ định thực hiện thủ thuật đo áp lực ổ bụng, người bệnh nên tìm hiểu kỹ để thủ thuật được diễn ra tại cơ sở y tế uy tín, đáp ứng mọi điều kiện và tiêu chuẩn y tế do Bộ Y tế quy định.
Quý khách hàng đang gặp phải triệu chứng bất thường vùng bụng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ y tế nhanh chóng, an toàn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!