Các tin tức tại MEDlatec

Gãy xương gót và cách điều trị phù hợp

Ngày 03/01/2023
Gãy xương gót chân thường do những tác động mạnh từ bên ngoài gây ra. Đây là vùng có ít mạch máu nuôi và phải chịu trọng lượng của cả cơ thể nên thời gian hồi phục sẽ khá lâu. Vậy cần điều trị gãy xương gót chân bằng những phương pháp nào để xương sớm liền trở lại? 

1. Nguyên nhân gãy xương gót chân

Gãy xương gót chân có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, những người đang trong độ tuổi lao động, người vận động nhiều, lao động chân tay hoặc thường xuyên phải di chuyển,… sẽ có nguy cơ bị gãy xương cao hơn.

Gãy xương gót chân thường do tác động mạnh từ bên ngoài

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gãy xương thường là do tác động mạnh và đột ngột từ bên ngoài, chẳng hạn do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Một số trường hợp chấn thương thể thao cũng là nguyên nhân dẫn đến gãy xương gót chân.

2. Gãy xương gót chân có biểu hiện như thế nào?

Có nhiều kiểu gãy xương gót chân chẳng hạn như gãy xương ngang, gãy xoắn, xương gót chân bị dập vỡ, gãy không di lệch hoặc bị di lệch khỏi vị trí ban đầu,… Khi bị gãy xương, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như sau:

- Tại những vị trí chấn thương có dấu hiệu bầm tím, sưng tấy và thậm chí là biến dạng vùng gót.

Vùng gãy xương thường có dấu hiệu bầm tím, sưng tấy

- Nếu quan sát từ phía sau, vùng gót có thể bị bè ra và trục cổ chân có dấu hiệu nghiêng, không thẳng như bình thường.

- Vùng bị chấn thương có cảm giác đau buốt, chân không thể đặt xuống dưới đất. Cũng có một số trường hợp nhẹ, người bệnh có thể đi được nhưng những trường hợp này rất hiếm gặp.

Chỉ thông qua triệu chứng hay cảm nhận của người bệnh thì không thể chẩn đoán bệnh chính xác. Các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số phương pháp chẩn đoán cần thiết như:

- Chụp X-quang:

Kết quả chụp X-quang sẽ giúp phân biệt rõ 2 dạng gãy xương là gãy ngoài khớp và gãy nội khớp. Cụ thể như sau:

+ Gãy nội khớp: Những trường hợp này chiếm tỷ lệ lớn trong số bệnh nhân bị gãy xương gót chân. Vị trí gãy thường là phần thân của xương gót chân và tác động vào phần khớp dưới sên. Phần lớn những trường hợp gãy nội khớp thường là do ngã từ trên cao xuống, gót chân của người bệnh gặp phải một ngoại lực tác động mạnh dẫn tới gãy.

+ Gãy ngoài khớp: Vị trí gãy thường ở củ trước của xương gót, mấu xương gót. Nguyên nhân gây bệnh thường là do người bệnh gặp chấn thương khi tham gia giao thông, khi chơi thể thao hoặc trong quá trình lao động.

- Chụp CT-scanner

Đây là phương pháp hiện đại có thể mang lại kết quả chính xác cao. Nhờ chụp CT, bác sĩ có thể nhận biết rõ tình trạng:

+ Gãy xương gót chân di lệch, dù chỉ số di lệch chỉ dưới 2mm.

+ Tình trạng gãy xương di lệch và có chia làm 2 mảnh.

+ Tình trạng xương bị gãy kèm theo di lệch và chia thành 3 mảnh.

+ Gãy xương gót chân di lệch 2mm và chia thành nhiều mảnh vỡ(từ 4 mảnh vỡ trở lên).

3. Phương pháp điều trị gãy xương gót chân

Sau khi thăm khám lâm sàng kết hợp với kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác về tình trạng gãy xương gót chân của người bệnh, chẳng hạn như về kiểu gãy, mức độ gãy, xương bị di lệch hay không di lệch,… Qua đó, chuyên gia sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Dưới đây là những phương pháp được áp dụng phổ biến:

Điều trị bệnh bằng phương pháp bó bột

- Phương pháp điều trị bảo tồn: Thông thường, bác sĩ sẽ dùng phương pháp bó bột. Sau thời gian khoảng 10 ngày sẽ được thay bằng bột tròn kín. Người bệnh cần được bó bột từ 6 đến 8 tuần. Khi di chuyển, người bệnh không được để chân tì xuống đất.

Điều trị bảo tồn thường được áp dụng với một số trường hợp như sau:

+ Gãy xương gót chân ngoài khớp, xương không bị di lệch hoặc di lệch rất ít.

+ Gãy xương gót chân bị di lệch, phần mềm có hiện tượng phù nề và bệnh nhân là người lớn tuổi, chống chỉ định với các loại thuốc gây mê và gây tê.

+ Những trường hợp gãy phức tạp và dẫn tới mất chức năng chân.

- Phương pháp điều trị phẫu thuật: Với công nghệ y khoa hiện đại, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng gãy xương rất chính xác. Từ đó, áp dụng những phương pháp phẫu thuật phù hợp. Hiện nay, các kỹ thuật mổ kết hợp xương rất đa dạng và mang lại hiệu quả cao.

Như đã nêu trên, vùng gót chân có ít mạch máu nuôi dưỡng và thường phải chịu áp lực từ toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Chính vì thế, thời gian liền xương và phục hồi chức năng vận động sẽ kèm hơn những vị trí bị gãy xương khác. Để hình thành can xương thường mất từ 4 đến 6 tuần. Tuy nhiên, để có thể đi lại và sinh hoạt bình thường, người bệnh cần mất một khoảng thời gian khá lâu, từ 3 đến 6 tháng.

Nếu thực hiện các bài tập vật lý trị liệu cũng như bổ sung đầy đủ dưỡng chất thì thời gian liền xương sẽ nhanh hơn rất nhiều. Bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để xương được phục hồi một cách tốt nhất.

Dùng nạng để di chuyển khi chân chưa hồi phục hoàn toàn

Thời gian đầu sau mang nẹp cố định, người bệnh nên tập các bài tập thụ động, gốc cơ. Cường độ của các bài tập sẽ tăng dần theo từng tuần, tầm vận động khớp cũng tăng dần. Sau khoảng thời gian 6 tuần thì có thể thực hiện các bài tập cơ.

Xương gót chân là một bộ phận rất quan trọng đối với cơ thể. Dù điều trị bằng bất cứ phương pháp nào, bạn vẫn cần kết hợp với việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như canxi, magie, kẽm, các loại vitamin,… để thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi xương.

Chuyên khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực điều trị xương khớp. Đến với MEDLATEC bạn sẽ được thăm khám bởi các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, bệnh viện còn đầu tư quy mô về trang thiết bị y tế, đặc biệt là một số loại máy móc hiện đại, đảm bảo phát hiện chính xác tình trạng gãy xương và nhiều vấn đề về xương khớp như máy chụp X-quang, máy chụp CT, máy chụp cộng hưởng từ MRI,… Để được đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.