Các tin tức tại MEDlatec
Giải đáp băn khoăn cây xấu hổ có tác dụng gì
Giải đáp băn khoăn cây xấu hổ có tác dụng gì
Tuy là loài cây rất dễ tìm thấy ở nước ta nhưng không phải ai cũng biết cây xấu hổ có tác dụng gì. Dược liệu tự nhiên này có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh, mang lại lợi ích thiết thực cho sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về tác dụng chữa bệnh của cây xấu hổ.
1. Đặc điểm sinh học cây xấu hổ
Cây xấu hổ (Mimosa pudica L), còn được biết đến với tên gọi: cây trinh nữ, cây mắc cỡ, cây thẹn,... là loài cây thuộc họ đậu, thân thảo, chủ yếu mọc ở vùng đất trống ven đường.
Giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng, loài cây này có xu hướng mọc hướng lên. Giai đoạn trưởng thành, cây chủ yếu bò trườn trên mặt đất.
Xấu hổ là loài cây mọc hoang dễ tìm
Thân cây xấu hổ nhỏ, có gai, chia thành nhiều nhánh, chiều dài trung bình khoảng 1.5m. Lá cây xấu hổ hình lông chim, có cuống hình chân vịt, chỉ cần chạm vào, lá cây sẽ tự động khép xuôi lại theo chiều trục lá. Trung bình, mỗi lá xấu hổ có khoảng 15 - 20 lá chét không có cuống.
Hoa cây xấu hổ có cuống dài, được mọc từ nách lá, màu tím đỏ, kích thước nhỏ, hình cầu. Quả xấu hổ hình ngôi sao, thắt lại ở phần giữa của hạt, có lông cứng. Trung bình chiều dài mỗi quả xấu hổ khoảng 2mm, chiều rộng 3mm mọc. Quả có xu hướng mọc gộp thành chùm. Cây ra hoa và kết quả vào tháng 6 - 8.
Nguồn gốc của cây xấu hổ xuất phát từ Trung và Nam Mỹ. Ở châu Á, loài cây này thường có ở Malaysia, Việt Nam, Thái Lan,… Ở nước ta, cây xấu hổ tập trung ở miền Nam nhiều hơn.
2. Thành phần hóa học và cách khai thác dược liệu cây xấu hổ
2.1. Thành phần hóa học
Muốn biết cây xấu hổ có tác dụng gì, trước tiên cần tìm hiểu về thành phần hóa học của dược liệu này. Toàn thân cây xấu hổ chứa Alcaloid - axit amin nguồn gốc tự nhiên có vai trò như một chất gây tê, giảm đau.
Ngoài ra, trong cây xấu hổ cũng chứa: acid amin, acid hữu cơ, các loại ancol, crocetin, flavonosid, minosin,... Hạt cây xấu hổ chứa chất nhầy và selen. Lá cây chứa hoạt chất tương tự Selen, Adrenalin. Những thành phần này giúp tăng cường vận chuyển máu về tim.
Cây xấu hổ thường được hái, phơi khô, bảo quản cẩn thận để làm dược liệu
2.2. Khai thác, sơ chế và sử dụng dược liệu cây xấu hổ
- Có thể khai thác mọi bộ phận của cây xấu hổ để làm dược liệu.
- Cành và lá của cây xấu hổ tốt nhất nên thu hái vào mùa khô, có thể dùng cả dạng tươi và khô.
- Rễ xấu hổ thu hoạch quanh năm, sau khi thu hoạch cần rửa sạch sau đó đem cắt thành lát nhỏ, phơi hoặc sấy khô dùng dần.
Dược liệu cây xấu hổ sau khi đã được làm khô cần bảo quản trong môi trường kín, khô thoáng để không bị ẩm mốc. Khi có ánh nắng, nên mang dược liệu ra phơi để tránh biến chất dược liệu do bị vi nấm xâm nhập.
3. Cây xấu hổ có tác dụng gì?
3.1. Tác dụng trong y học hiện đại
- Chống lại nọc của rắn độc
Minh chứng cây xấu hổ có tác dụng gì trên phương diện này được đưa ra trong nghiên cứu tiến hành ở Đại học Ấn Độ trong năm 2001. Kết quả từ nghiên cứu này đã cho thấy dịch tiết từ rễ khô của cây xấu hổ chứa hoạt chất Mimosa có thể ức chế các hoạt động của men trong nọc rắn độc là Protease và Hyaluronidase.
- Chống co giật
Sử dụng dịch chiết của lá xấu hổ có thể chống co giật do Strychnin và Pentylenetetrazol. Trường hợp co giật do N-methyl-D-aspartate thì dịch chiết này không phát huy tác dụng.
- Chống lo âu
Để giải thích cây xấu hổ có tác dụng gì đối với phòng chống lo âu thì dược liệu này có thể đem lại hiệu quả tương đương với thuốc Diazepam và Tricyclic.
- Chống trầm cảm
Đại học Veracruz (Mexico) đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, chiết xuất từ lá xấu hổ khô có thể chống lại các dấu hiệu bệnh trầm cảm.
- Tác động lên chu kỳ rụng trứng
Đại học Annamalai Ấn Độ đã có nghiên cứu cho thấy cây xấu hổ có thể tác động tới chu kỳ rụng trứng tự nhiên của cơ thể người phụ nữ.
Bị đau nhức xương khớp có thể dùng cây xấu hổ để chữa bệnh
3.2. Tác dụng trong y học cổ truyền
Xét trên phương diện y học cổ truyền thì cây xấu hổ có tác dụng gì? Đây là dược liệu được dùng để chữa viêm phế quản, suy nhược thần kinh, mất ngủ, viêm gan, viêm kết mạc cấp tính, đau dạ dày, cao huyết áp, phong thấp, sỏi đường tiết niệu.
Khi dùng cây xấu hổ tươi giã nát để đắp ngoài vết thương có thể trị viêm da mủ, chấn thương. Rễ của dược liệu này còn hỗ trợ điều trị đau lưng, tê liệt chân tay, đau nhức xương khớp, rối loạn kinh nguyệt. Phần lá và cành cây xấu hổ giúp hỗ trợ điều trị mất ngủ, suy nhược thần kinh. Hạt cây xấu hổ giúp gây nôn khi cần và hỗ trợ điều trị hen suyễn.
3. Cách dùng và lưu ý sử dụng cây xấu hổ
Mỗi bộ phận của cây xấu hổ đều có cách sơ chế và sử dụng khác nhau:
- Rễ cây: thái thành lát mỏng, đem phơi khô rồi sắc lấy nước uống, không quá 120g/ngày.
- Cành và lá: dùng tươi hay phơi khô đều được. Có thể đắp trực tiếp lên vết thương đã được vệ sinh sạch sẽ để giảm đau, cầm máu. Dược liệu này cũng có thể sắc nước uống nhưng không nên quá hàm lượng 6 - 12g/ngày.
Khi dùng dược liệu cây xấu hổ để chữa bệnh, để đạt được hiệu quả tối ưu và tránh được các yếu tố bất lợi cho sức khỏe thì bạn cần chú ý:
- Không dùng nếu cơ địa có tiền sử dị ứng.
- Không dùng cho phụ nữ mang thai.
- Tránh kết hợp xấu hổ và cây mimosa để làm thuốc vì chúng rất dễ tương tác làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
- Không dùng cho người có cơ địa thiên hàn hoặc bị suy nhược cơ thể.
Trước khi bắt đầu dùng cây xấu hổ như một vị thuốc để chữa bệnh, bạn cần thăm khám và có hướng dẫn dùng thuốc từ thầy thuốc Đông y để biết được liều lượng và bài thuốc dùng phù hợp. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của thầy thuốc để tránh tình trạng bất lợi cho sức khỏe.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!