Tin tức
Cây xấu hổ: công dụng và bài thuốc chữa bệnh được dân gian tin dùng
- 14/08/2024 | Cây bao báp và 5 lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
- 14/08/2024 | Cây lược vàng: loài cây làm cảnh có thể chữa bệnh, ít người biết tới
- 19/08/2024 | Cây đác - món ăn ngon, dược liệu tốt cho sức khỏe
1. Đặc điểm sinh học của cây xấu hổ
Cây xấu hổ (trinh nữ, mắc cỡ, hàm tu thảo) thuộc họ Đậu, thân thảo, chủ yếu mọc hoang nơi đất trống. Thân xấu hổ dài khoảng 1.5m, có nhiều gai móc, phân nhiều nhánh nhỏ, xu hướng bò trườn trên mặt đất khi trưởng thành.
Lá cây xấu hổ dạng lông chim, nếu chạm vào sẽ tự co khép lại. Cuống lá hình chân vịt, nhiều lông. Trung bình mỗi lá có 15 - 20 lá chét, không cuống.
Hoa xấu hổ có cuống dài, nhỏ, hình cầu, màu tím đỏ, mọc ra từ nách. Quả xấu hổ nhiều lông cứng, hình ngôi sao, thắt lại ở giữa hạt. Quả mọc tụ thành chùm.
Nguồn gốc cây xấu hổ xuất phát từ Trung và Nam Mỹ sau đó có mặt ở nhiều nước châu Á. Ở nước ta, cây xấu hổ chủ yếu mọc ở ven đường, khu đất trống, bờ sông, miền Nam thường có nhiều hơn so với miền Bắc.
Xấu hổ là cây mọc hoang, rất dễ tìm ở nhiều vùng trên đất nước ta
2. Thành phần hóa học và cách khai thác, chế biến dược liệu
2.1. Thành phần hóa học
Toàn thân cây xấu hổ chứa axit amin tự nhiên có vai trò như Alcaloid - chất thường được dùng để gây tê, giảm đau. Ngoài ra, cây xấu hổ cũng có các thành phần khác như: alcol, axit hữu cơ, crocetin, flavonosid, minosin,...
Hạt xấu hổ chứa chất nhầy và selen. Lá xấu hổ chứa hoạt chất có vai trò gần giống như selen và adrenalin hỗ trợ ổn định quá trình đưa máu đến tim.
2.2. Cách khai thác và chế biến
Mọi bộ phận trên cây xấu hổ đều có thể dùng làm dược liệu. Phần lá và cành thường thu hoạch vào mùa khô để dùng tươi hoặc sấy, phơi để dùng dạng khô. Rễ cây xấu hổ cần được làm sạch sau đó mới thái thành khúc ngắn để sấy hoặc phơi khô, bảo quản trong túi kín.
3. Công dụng của cây xấu hổ đối với sức khỏe
3.1. Theo Y học cổ truyền
Trong quan niệm của y học cổ truyền, cây xấu hổ tính hàn, vị ngọt, có thể điều trị mất ngủ, suy nhược thần kinh, đau dạ dày, viêm kết mạc cấp, viêm gan, sỏi tiết niệu, phong thấp, huyết áp cao,...
3.2. Theo Y học hiện đại
Nghiên cứu của Đại học Ấn Độ công bố năm 2001 cho thấy dịch chiết từ rễ khô của cây xấu hổ chứa hoạt chất Mimosa có thể ức chế hoạt động của men Protease và Hyaluronidase trong nọc rắn.
Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ còn chỉ ra rằng loài cây này còn có thể tác động lên chu kỳ rụng trứng.
Các nhà khoa học Mexico trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng cây xấu hổ khô chứa chất chiết xuất có thể chống lại dấu hiệu trầm cảm.
Ngoài ra, dịch chiết từ lá cây xấu hổ còn có thể chống co giật nguyên nhân do Strychnin hoặc Pentylenetetrazol.
Tinh chất có trong cây xấu hổ cũng giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh,...
Cây xấu hổ được thu hoạch về, phơi khô làm dược liệu
4. Bài thuốc chữa bệnh sử dụng dược liệu cây xấu hổ
4.1. Chữa đau thắt lưng
- Cách thứ nhất:
+ Nguyên liệu: rễ cây xấu hổ khô 20 - 30g.
+ Cách thực hiện: rửa sạch nguyên liệu, để ráo, sao vàng rồi tẩm cùng chút rượu sau đó sao lại cho khô và sắc lấy nước uống hàng ngày.
- Cách thứ hai:
+ Nguyên liệu: 20g rễ cúc tần, 10g dây cam thảo, 20g rễ cây xấu hổ, 10g rễ đinh lăng, 20g bưởi bung.
+ Cách thực hiện: sao vàng dược liệu rồi tẩm thêm chút rượu, sao vàng lại lần nữa và sắc uống.
4.2. Chữa đau nhức xương khớp
- Cách thứ nhất:
+ Nguyên liệu: 120g rễ cây xấu hổ khô.
+ Cách thực hiện: rang vàng dược liệu sau đó tẩm thêm rượu trắng 40 độ và sao khô, sắc với 600ml cho đến khi còn 300ml thì chắt nước chia 3 lần uống trong ngày.
- Cách thứ hai:
+ Nguyên liệu: các dược liệu sau mỗi loại 12g: dây gắm,dây đau xương, rễ xấu hổ, gai tầm xoong, tục đoạn, kê huyết đằng, hy thiêm, thiên niên kiện, thổ phục linh.
+ Cách thực hiện: sắc dược liệu lấy nước uống 1 ngày 3 lần.
4.3. Chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ
- Cách thứ nhất: sắc 15g cây xấu hổ lấy nước để uống.
- Cách thứ hai: sắc chua me đất 30g, cúc tần 15g, rễ cây xấu hổ 15g để lấy nước uống hàng ngày, nên uống nhiều hơn vào buổi tối.
- Cách thứ ba: sắc toàn bộ dược liệu sau để uống 1 thang/ngày, liên tục 1 tuần: chua me đất hoa vàng 30g, thảo quyết minh 10g, cây xấu hổ 15g, nụ áo hoa tím 15g, lạc tiên 10g, mạch môn 10g.
Nước sắc từ cây xấu hổ có thể chữa mất ngủ
4.4. Chữa huyết áp cao
- Nguyên liệu: các dược liệu sau mỗi loại 6g: lá vông nem, kiến cò, hạt muồng ngu, đỗ trọng, cây xấu hổ, câu đằng, cùi bông sứ; tăng ký sinh 8g; hà thủ ô 8g; địa long 4g.
- Cách thực hiện: sắc dược liệu lấy nước uống hoặc tán thành dạng bột mịn, vo viên để dùng uống mỗi ngày.
4.5. Chữa khó tiêu, đầy bụng
- Nguyên liệu: cành và lá xấu hổ 16g, mạch nha 16g, thần khúc 12g, bạch thược 16g.
- Cách thực hiện: sắc dược liệu lấy nước uống sau bữa ăn, mỗi ngày 2 lần.
4.6. Chữa viêm khớp
- Nguyên liệu: tía tô 30g, cây hy thiêm 30g, ngải cứu 30g, hoắc hương 30g, quế chi 15g, lá long não 20g, lá lốt 40g, cây xấu hổ 40g, đơn tướng quân 30g.
- Cách thực hiện: sắc dược liệu với lượng nước vừa đủ xâm xấp đến khi sôi thì tắt bếp, dùng để xông 10 - 15 phút/ngày.
4.7. Chữa động kinh
- Nguyên liệu: cây câu đằng 10g, cây xấu hổ 20g.
- Cách thực hiện: sắc lấy nước uống hàng ngày hoặc trước khi có cơn co giật.
5. Một vài lưu ý khi dùng cây xấu hổ chữa bệnh
- Tuyệt đối không áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây xấu hổ đối với thai phụ.
- Không dùng kết hợp cây xấu hổ với cây Mimosa.
- Không dùng xấu hổ cho người đang bị suy nhược cơ thể hoặc thân hàn.
Tuy cây xấu hổ là dược liệu đa công dụng nhưng khả năng đáp ứng thuốc tùy thuộc rất nhiều vào cách sử dụng và cơ địa cá nhân. Để đảm bảo hiệu quả và tính an toàn trong quá trình chữa bệnh, tốt nhất nên có sự hướng dẫn chi tiết từ thầy thuốc y học cổ truyền.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!