Các tin tức tại MEDlatec

Giải đáp: Bố bị viêm gan B có lây sang con không?

Ngày 03/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm nghiêm trọng, có thể gây biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, ung thư gan nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một trong những thắc mắc được nhiều người quan tâm là “bố bị viêm gan B có lây sang con không”. Để giải đáp rõ ràng vấn đề này, bài viết sau sẽ cung cấp thông tin về cơ chế lây truyền của viêm gan B và các biện pháp phòng ngừa an toàn, hiệu quả.

1. Tìm hiểu về bệnh viêm gan B 

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do virus HBV gây nên. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, ít biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến người bệnh khó phát hiện cho đến khi tình trạng trở nên trầm trọng. Nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể để lại các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan. 

Về con đường lây truyền, virus HBV có khả năng tồn tại trong máu, dịch cơ thể và dễ lây qua: 

  • Đường máu: Truyền máu, dùng chung kim tiêm, xăm mình không bảo đảm vệ sinh. 
  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn.
  • Từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai hoặc khi sinh nở. 

Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến suy gan hoặc ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời

2. Bố bị viêm gan B có lây sang con không? 

Nhiều người thắc mắc bố bị viêm gan B có lây sang con không. Thực tế, khả năng lây truyền là có, nhưng không xảy ra trong mọi trường hợp.

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm và không lây qua gen. Nếu bố bệnh, con không tự động bị nhiễm trừ khi có tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu chứa virus HBV.

Mặc dù có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn so với mẹ truyền sang con, trong một số trường hợp cụ thể, bố mắc viêm gan B vẫn có thể vô tình lây truyền bệnh cho con trong sinh hoạt hằng ngày, cụ thể: 

  • Dùng chung dao cạo râu hoặc bàn chải đánh răng có dính máu. 
  • Tiếp xúc với vết thương hở hoặc máu mà không có biện pháp bảo vệ.
  • Trẻ nhỏ chơi với vật dụng sắc nhọn của người bệnh.

Lưu ý, bố bị viêm gan B không lây truyền cho con qua các hoạt động như: 

  • Ăn uống, dùng chén bát chung. 
  • Ôm, nắm tay. 
  • Ngủ chung giường (nếu không có vết thương hở).

3. Cách phòng ngừa viêm gan B lây từ bố sang con

Mặc dù viêm gan B không lây qua gen và không dễ lây trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng nếu không cẩn thận, virus HBV có thể lây truyền từ bố sang con qua các đường gián tiếp như tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể. Dưới đây là một số cách phòng ngừa quan trọng: 

Tiêm vắc xin phòng viêm gan B

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm virus HBV. Trẻ sơ sinh nên được tiêm mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh, sau đó hoàn thành đủ 3 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại nếu cần thiết. Để bảo đảm an toàn cho cả gia đình, các thành viên cũng nên chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan B hoặc tiêm vắc xin nếu chưa có miễn dịch. 

Tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Lưu ý trong sinh hoạt hằng ngày 

Trong sinh hoạt hằng ngày, để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B, gia đình cần chú ý: 

  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người mắc bệnh viêm gan B, bao gồm: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay,…
  • Xử lý vết thương đúng cách: Nếu bố hoặc con bị trầy xước, cần sát khuẩn và băng bó cẩn thận, tránh để máu tiếp xúc trực tiếp giữa 2 người. 
  • Dọn dẹp máu hoặc dịch tiết (nếu có). 

Khám sức khỏe định kỳ

Trường hợp bố đang bị viêm gan B, cần theo dõi định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm soát tải lượng virus, đánh giá chức năng gan và điều trị khi cần thiết. Đối với trẻ và các thành viên khác trong gia đình, nên thực hiện xét nghiệm kiểm tra miễn dịch định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và có kế hoạch điều trị hiệu quả, kịp thời. Xét nghiệm cần thực hiện bao gồm: 

  • HBsAg: Giúp kiểm tra có nhiễm virus hay không. 
  • Anti-HBs: Kiểm tra có kháng thể chống lại virus hay chưa. Nếu xét nghiệm cho thấy chưa có kháng thể, nên tiêm vắc xin bổ sung để phòng ngừa bệnh. 

Thực hiện xét nghiệm tầm soát viêm gan B giúp phát hiện sớm bệnh 

4. Lời khuyên từ bác sĩ 

Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng ngừa, đặc biệt nếu trẻ đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh viêm gan B, đặc biệt là bố, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

  • Không nên quá lo lắng hay kỳ thị: Cần hiểu đúng về bản chất của bệnh, tránh kỳ thị, vì điều này có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người mắc bệnh, nhất là khi đó là người thân trong gia đình. 
  • Chủ động tiêm vắc xin và kiểm tra kháng thể để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. 
  • Tái khám và điều trị đều đặn cho người bệnh, giúp kiểm soát tốt bệnh, giảm nguy cơ lây truyền và biến chứng nặng như xơ gan hay ung thư gan. 
  • Tăng cường kiến thức và phòng ngừa chủ động cho cả gia đình: Hãy chủ động tìm hiểu thông tin y tế về viêm gan B từ những nguồn tin chính thống như WHO, CDC hoặc Bộ Y tế. Tập cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt, không dùng chung đồ cá nhân, và biết cách xử lý vết thương an toàn. 

Như vậy, bài viết trên đây đã giúp giải đáp chi tiết băn khoăn “bố bị viêm gan B có lây sang con không”. Bố bị viêm gan B có thể lây sang con, nhưng không lây qua gen hoặc tiếp xúc thông thường. Nguy cơ lây nhiễm chỉ có thể xảy ra khi có sự tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người mắc bệnh. 

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.