Các tin tức tại MEDlatec
Giải phẫu thần kinh chi trên: Cấu trúc, chức năng và ứng dụng lâm sàng
- 16/12/2024 | 4 nhóm triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật đặc trưng nhất
- 04/02/2025 | Gợi ý bài tập giảm đau thần kinh tọa tại nhà đơn giản, hiệu quả cao
- 21/02/2025 | Bệnh nhân nữ 54 tuổi đối diện nguy cơ mất thính lực do khối u tại dây thần kinh số 8
- 01/04/2025 | Có thể phục hồi dây thần kinh thị giác bị tổn thương sau chấn thương không?
1. Hệ thần kinh chi trên là gì?
Hệ thần kinh chi trên là một phần của hệ thần kinh ngoại biên, bao gồm các dây thần kinh điều khiển vận động và cảm giác ở vùng vai, cánh tay, cổ tay bàn và ngón tay. Nó chủ yếu bắt nguồn từ đám rối thần kinh cánh tay, được hình thành từ rễ thần kinh sống cổ C5 đến T1.
Hệ thần kinh chi trên đóng vai trò quan trọng trong truyền tín hiệu từ não đến cơ bắp để điều khiển vận động, nhận tín hiệu cảm giác từ da và mô đưa về não, điều phối các phản xạ đơn giản và phức tạp của tay. Việc hiểu rõ hệ thần kinh chi trên là điều quan trọng đối với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, chỉnh hình, kỹ thuật viên vật lý trị liệu và sinh viên y khoa, cho phép chẩn đoán chính xác các tổn thương thần kinh. Từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và đạt hiệu quả cao.
2. Chi tiết giải phẫu thần kinh chi trên
Giải phẫu thần kinh chi trên sẽ bao gồm 3 phần chính: đám rối thần kinh cánh tay, các dây thần kinh chính và mối liên quan với các cấu trúc khác. Dưới đây là thông tin chi tiết:
Đám rối thần kinh cánh tay
Đây là trung tâm điều phối chính của các dây thần kinh chi trên, nắm giữ vai trò quan trọng trong truyền dẫn tín hiệu thần kinh giữa chi trên và hệ thần kinh trung ương và phân phối thần kinh hợp lý đến từng vùng trên cơ thể. Nó được chia thành 5 phần khác nhau:
- Phần rễ (Roots): C5 - T1.
- Phần Thân (Trunks): Trên, giữa, dưới.
- Phân nhánh (Divisions): Trước và sau.
- Phần bó (Cords): Bó bên, bó sau, bó trong.
- Nhánh cuối (Terminal branches): Các dây thần kinh chính đi đến chi trên.
Các dây thần kinh chính
Các dây thần kinh chính được xuất phát từ đám rối thần kinh cánh tay và phân nhánh đến các khu vực cụ thể của chi trên đảm bảo chức năng dẫn truyền vận động và cảm giác, gồm: thần kinh giữa, thần kinh trụ, thần kinh quay, thần kinh cơ bì và thần kinh nách. Với mỗi loại sẽ có đặc trưng về vị trí và chức năng riêng, cụ thể như sau:
- thần kinh giữa (Median nerve): Bắt nguồn từ các bó ngoài và trong của đám rối thần kinh cánh tay, điều khiển phần lớn cơ gấp ở cẳng tay và một phần bàn tay. Với các trường hợp bị tổn thương thần kinh giữa có thể xuất hiện tình trạng tê bì ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa hội chứng cơ sấp nếu tổn thương thần kinh giữa vị trí cẳng tay, hội chứng ống cổ tay nếu tổn thương ở vị trí cổ tay.
- Thần kinh trụ (Ulnar nerve): Tách ra từ bó trong của đám rối dây thần kinh cánh tay, chi phối cơ nhỏ bàn tay và cảm giác vùng mô út. Tổn thương thần kinh trụ có thể gây tê bì giảm mất cảm giác vùng ô mô út, teo cơ mô út, cơ gian cốt, cơ khép ngón cái, dấu hiệu bàn tay vuốt trụ...
- Thần kinh quay (Radial nerve): Tách ra từ bó sau của đám rối dây thần kinh cánh tay, kiểm soát hoạt động duỗi cơ khuỷu tay, cổ tay và ngón tay. Trường hợp bị tổn thương thần kinh quay, có thể gây ra hội chứng “bàn tay rũ” (là tình trạng mất khả năng duỗi cổ tay và ngón tay, khiến bàn tay rũ xuống một cách thụ động).
- Thần kinh cơ bì (Musculocutaneous nerve): Tách ra từ bó ngoài đám rối cánh tay, điều khiển chức năng cơ gấp ở cánh tay và cảm giác mặt ngoài cẳng tay.
- Thần kinh nách (Axillary nerve): Tách ra từ bó sau của đám rối cánh tay, chi phối hoạt động của cơ delta và cảm giác vùng vai.
Mối liên quan với các cấu trúc khác
Hệ thần kinh chi trên bắt nguồn từ đám rối dây thần kinh cánh tay, đi gần hoặc nằm cùng các mạch máu lớn như động mạch cánh tay, động mạch quay - trụ và nằm giữa các bó cơ. Về mặt giải phẫu, nó có liên quan đến các cấu trúc khác như: ống cổ tay, ống khuỷu tay (cubital) và tam giác tứ diện vùng nách.
3. Chức năng của hệ thần kinh chi trên
Hệ thần kinh chi trên đảm nhận hai nhiệm vụ chính liên quan đến chức năng vận động và cảm giác. Cụ thể:
- Chức năng vận động: Điều khiển hoạt động của các nhóm cơ vùng vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay và hỗ trợ các thao tác tỉ mỉ, cần sự linh hoạt như cầm máy, gõ bàn phím, xoay,...
- Chức năng cảm giác: Giúp nhận biết nhiệt độ, chạm, đau, rung từ da vùng chi trên. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ duy trì nhận thức về không gian khi tay hoạt động.
4. Ứng dụng lâm sàng của giải phẫu thần kinh chi trên
Hiểu rõ về giải phẫu thần kinh chi trên sẽ giúp bác sĩ, kỹ thuật viên chẩn đoán bệnh chính xác và có kế hoạch điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
- Chẩn đoán các bệnh lý thần kinh ngoại biên: Đọc hiểu giải phẫu hệ thần kinh chi trên cho phép chẩn đoán chính xác một số bệnh lý thần kinh ngoại biên điển hình như: liệt thần kinh quay, hội chứng ống cổ tay hoặc tổn thương dây thần kinh trụ.
- Mang lại hiệu quả điều trị và hồi phục tốt cho người bệnh: Dựa vào giải phẫu, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về hướng điều trị, tránh làm tổn thương đến các vùng khác, giúp mang lại hiệu quả điều trị và hồi phục tốt cho người bệnh.
- Hướng dẫn làm các xét nghiệm kiểm tra thần kinh: Giải phẫu thần kinh chi trên cũng giúp định hướng thực hiện các xét nghiệm liên quan để kiểm tra chức năng hoạt động của hệ thần kinh.
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về cấu trúc, chức năng và ứng dụng lâm sàng của giải phẫu thần kinh chi trên. Hệ thần kinh chi trên bắt nguồn chủ yếu từ đám rối dây thần kinh cánh tay, có nhiệm vụ quan trọng trong điều khiển vận động của các nhóm cơ vùng vai, cánh tay, cổ tay, bàn tay và giúp cảm nhận chạm, nóng lạnh, rung, vị trí tay trong không gian khi hoạt động. Việc hiểu rõ giải phẫu của hệ thần kinh chi trên giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác và có kế hoạch điều trị phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi liên quan hoặc có nhu cầu thăm khám sức khoẻ, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được tư vấn nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!