Các tin tức tại MEDlatec

Giúp bạn lý giải nguyên do khiến cho da bị mẩn ngứa nổi cục

Ngày 08/05/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Khi bỗng nhiên bị mẩn ngứa nổi cục không ít người liền nghĩ ngay đến bệnh về da. Tuy nhiên, thực tế triệu chứng này còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn bên trong, nếu không được chữa trị sớm có thể gây ra những hệ lụy xấu cho sức khỏe.

1. Lý giải nguyên do khiến cho da bị mẩn ngứa nổi cục

Mẩn ngứa nổi cục không phải là bệnh mà bản thân nó là một triệu chứng miêu tả tình trạng da bị ngứa và nổi mẩn đỏ thành cục với các kích thước khác nhau. Nguyên nhân khiến triệu chứng này xuất hiện thường là do:

1.1. Bệnh da liễu

- Viêm da tiếp xúc

Đây là tình trạng da bị tổn thương do tiếp xúc với một số chất kích thích như: nọc độc của côn trùng, hóa chất, ánh mặt trời, phấn hoa,...

Mẩn ngứa nổi cục là một trong các triệu chứng của bệnh viêm da dị ứng

- Viêm da dị ứng

Bệnh viêm da dị ứng xuất hiện khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên như lông động vật, thực phẩm, bụi bẩn,... làm kích thích phản ứng quá mẫn ở da từ đó sinh ra tình trạng phát ban, ngứa, nổi mẩn,... trên da. Ngoài ra, người bệnh còn bị chảy nước mũi, hắt hơi,...

- Bệnh chàm da

Đặc trưng của bệnh chàm da là tình trạng phát ban, đỏ da, mẩn ngứa nổi cục,... Do chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác nên đến nay bệnh vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi gặp các điều kiện thuận lợi, các triệu chứng của bệnh sẽ có xu hướng bùng phát dữ dội.

- Bệnh ghẻ nước

Ghẻ nước là tình trạng ký sinh trùng Sarcoptes scabiei xâm nhập vào vùng thượng bì rồi đào hang và đẻ trứng ở trong da gây ra hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy,...

- Bệnh vảy nến

Có nhiều thể vẩy nến khác nhau nhưng phổ biến nhất là thể mụn mủ, thể đốm và thể tròn có thể gây ra triệu chứng mẩn ngứa nổi thành cục nhỏ giống như nốt muỗi đốt.

- Hắc lào

Tác nhân gây nên bệnh hắc lào là vi nấm thuộc nhóm Dermatophytes. Đặc trưng để nhận biết bệnh là các đốm hình tròn trên da gây mẩn ngứa nổi cục kèm mụn nước.

- Nổi mề đay

Bệnh nổi mề đay gây nên các đám ban đỏ mẩn ngứa thành cục trên da rất khó chịu. Khi không điều trị sớm bệnh có thể gây ra suy hô hấp, sốc phản vệ ảnh hưởng đến sự sống.

1.2. Bệnh lý bên trong

Một số bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể cũng có thể trở thành lý do khiến cho tình trạng mẩn ngứa nổi cục xuất hiện. Cụ thể là:

- Nhiễm giun sán

Người nhiễm giun sán (nhất là sán chó) rất dễ bị nổi mẩn đỏ, ngứa da,... Càng kéo dài thời gian mắc bệnh giun sán càng dễ làm tắc ống mật gây nổi mẩn ngứa toàn thân.

Suy giáp dễ khiến da trở nên mẫn cảm hơn và bị nổi cục ngứa ngáy

- Đái tháo đường

Đặc trưng của bệnh đái tháo đường là nồng độ glucose huyết cao khiến cho toàn bộ các cơ quan trong cơ thể chịu ảnh hưởng và tất nhiên, làn da cũng khó tránh khỏi hệ lụy. Do nồng độ đường huyết cao nên khả năng miễn dịch của da bị suy giảm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập sinh ra mẩn ngứa nổi cục và viêm nhiễm.

- Bệnh suy giáp

Tuyến giáp đảm nhận vai trò truyền đi tín hiệu để điều khiển quá trình trao đổi chất. Khi tuyến giáp hoạt động kém thì cơ thể sẽ phải chịu những tác động tiêu cực, trong đó có cả tổn thương da. Người bị suy giáp thường có làn da mẫn cảm và dễ bị mẩn ngứa nổi cục.

- Lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh lý này có liên quan đến rối loạn miễn dịch nên hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra kháng thể tấn công trực tiếp đến các cơ quan khỏe mạnh, làn da chính là nơi đầu tiên được nhắm đến. Người bị Lupus ban đỏ sẽ có triệu chứng trên da như: nổi mề đay, nổi cục mẩn ngứa, loét da, vảy nến,...

- Bệnh suy gan

Suy gan khiến cho chức năng hoạt động của gan bị giảm. Bản thân gan giữ nhiệm vụ chuyển hóa và đào thải độc tố từ thực phẩm đưa vào cơ thể nên nếu chức năng gan giảm thì các loại độc tốt này rất dễ tích tụ rồi phát sinh phản ứng trên da.

- HIV

Một trong những triệu chứng sớm ở người bị nhiễm HIV đó là mẩn ngứa nổi cục. Hiện tượng này hay phát sinh ở giai đoạn cơ thể nhận biết được nhiễm trùng và đang chuyển đổi huyết thanh để tạo ra kháng thể HIV.

2. Nên làm gì khi bỗng nhiên da bị mẩn ngứa nổi cục?

Về cơ bản, hầu hết các trường hợp bị mẩn ngứa nổi cục không xuất phát từ bệnh lý gây nguy hiểm cho tính mạng nên không cần lo lắng quá. Tuy nhiên, người bệnh cũng không được chủ quan vì thực tế nó vẫn có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn.

Khi có những triệu chứng sau, tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ:

- Các triệu chứng trên da kéo dài và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

- Tổn thương da kèm theo triệu chứng toàn thân ở mức độ nghiêm trọng như: sốt, vàng da, tiểu vàng, đau bụng, rối loạn đại tiện,...

- Da bị sưng nóng, chảy mủ, lở loét.

Những trường hợp chỉ bị mẩn ngứa nổi cục với mức độ nhẹ thì sau một khoảng thời gian ngắn nó có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể sẽ bị các cơn ngứa ngáy vô cùng khó chịu, nhất là trong ngày oi bức.

Bị mẩn ngứa nổi cục không rõ nguyên nhân nên đến gặp bác sĩ để có những kiểm tra cần thiết, giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh

Nếu việc ngứa ngáy khiến bạn gãi quá mạnh thì da dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho một số loại virus, vi khuẩn xâm nhập, dễ hình thành bệnh lý. Vì thế, ngay từ giai đoạn khởi phát, người bệnh nên điều trị tích cực bằng cách tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này sau đó đưa ra phác đồ trị bệnh cụ thể.

Muốn tìm ra chính xác tác nhân gây mẩn ngứa nổi cục, tốt nhất người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được đội ngũ bác sĩ thăm khám và có những kiểm tra cần thiết. Dựa trên kết quả của việc thăm khám và kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác về tác nhân gây ra bệnh để tìm phương pháp trị bệnh phù hợp.

Bên cạnh việc thực hiện điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bị mẩn ngứa nổi cục cũng nên:

- Luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là những vùng da đang bị nổi mẩn đỏ.

- Nên hạn chế những hoạt động dễ tạo mồ hôi vì nó dễ khiến da bị bí và kích thích làm trầm trọng hơn hiện tượng mẩn ngứa da.

- Không được chà xát, gãi lên vùng da đang bị mẩn ngứa nổi cục.

- Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với yếu tố có khả năng gây ra hiện tượng da bị ngứa, mẩn đỏ.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế chất kích thích, đồ ăn nhiều muối và cay nóng để da sớm trở về trạng thái bình thường.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý có thể là tác nhân gây mẩn ngứa nổi cục trên da.

Mong rằng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tác nhân khiến mình bị mẩn ngứa nổi cục. Nếu cần tư vấn thêm về triệu chứng này và đặt lịch thăm khám bạn đọc có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để có sự hỗ trợ cụ thể hơn từ chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.