Các tin tức tại MEDlatec

Góc giải đáp thắc mắc: Bệnh lupus ban đỏ có di truyền không?

Ngày 06/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Lupus ban đỏ là một trong những bệnh lý tự miễn nguy hiểm. Các thông tin về bệnh lý này không phải ai cũng nắm rõ, đặc biệt nhiều người đặt ra thắc mắc liệu bệnh lupus ban đỏ có di truyền không? Tìm hiểu thông tin được MEDLATEC cung cấp trong bài viết dưới đây để hiểu rõ câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.

1. Bệnh lupus ban đỏ là gì?

Bệnh lupus ban đỏ (Systemic Lupus Erythematosus) là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các tế bào và mô khỏe mạnh, gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm da, khớp, thận, tim, phổi, não và mạch máu.

Ở mỗi người bệnh, các triệu chứng lupus ban đỏ có thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và các cơ quan bị ảnh hưởng, cụ thể như sau: 

  • Đau khớp: Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng đau, cứng và sưng khớp, nhất là vào buổi sáng. Triệu chứng có thể nhẹ và tăng dần theo thời gian, có thể tự giảm đi rồi tái phát;

Đau khớp là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh lupus ban đỏ

  • Mệt mỏi: Hầu hết người mắc lupus trải qua cảm giác mệt mỏi kéo dài, ngủ nhiều vào ban ngày và gặp khó khăn khi ngủ vào ban đêm;
  • Sốt không xác định được nguyên nhân: Cơn sốt nhẹ tái diễn thường xuyên, dễ bị bỏ qua do mức độ nhẹ;
  • Rụng tóc: Tóc rụng từng mảng lớn hoặc rụng thưa, tóc trở nên yếu và dễ gãy, có thể kèm theo rụng lông mi, lông mày;
  • Khô miệng, khô mắt: Do bệnh Sjogren, một hội chứng tự miễn khác khi mắc lupus ban đỏ , gây khô miệng, khô mắt và có thể gây khô da và âm đạo;
  • Phát ban da: Phát ban dạng "cánh bướm" xuất hiện trên má và sống mũi, thường nặng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời;

Hiện nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh tăng lên bởi một số yếu tố sau:

  • Di truyền: Nếu có anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường;
  • Giới tính: Lupus ban đỏ phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 45 tuổi);
  • Yếu tố môi trường: Một số yếu tố môi trường như ánh nắng mặt trời (tia UV), nhiễm virus, thuốc hoặc stress… có thể kích thích bệnh.

2. Bệnh lupus ban đỏ có di truyền không? 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh lupus ban đỏ có tính chất di truyền. Đặc biệt, khả năng di truyền sẽ cao hơn đối với các thành viên trong thế hệ thứ nhất như cha mẹ, anh chị em. 

Tuy nhiên, khả năng di truyền tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Có nhiều trường hợp cha mẹ mắc lupus ban đỏ nhưng sinh con ra không bị mắc bệnh. Vì ngoài yếu tố di truyền ra còn do rất nhiều các yếu tố khác như môi trường, giới tính, các bệnh nhiễm trùng… 

Nhiều người đặt ra thắc mắc liệu bệnh lupus ban đỏ có di truyền không?

Lupus ban đỏ là bệnh miễn dịch và có thể gây tổn thương trực tiếp trên da nên khiến rất nhiều người nhầm lẫn rằng đây là bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế lupus ban đỏ không phải là bệnh có tính lây truyền. Điều này có nghĩa là bệnh không thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc hay giao tiếp, nhưng nó có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình.

Tóm lại, lupus ban đỏ có yếu tố di truyền, nhưng di truyền chỉ là một phần trong việc quyết định liệu người đó có mắc bệnh hay không. Các yếu tố môi trường và miễn dịch cũng đóng vai trò quan trọng tác động đến sự phát triển của bệnh. 

3. Phương pháp điều trị bệnh lupus ban đỏ 

Bệnh lupus ban đỏ hiện vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có một số phương giúp giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. 

Các phương pháp điều trị lupus ban đỏ bao gồm một số loại thuốc chủ yếu sau: 

  • Thuốc chống viêm và giảm đau không steroid: Các loại thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Nimesulide... giúp giảm viêm và đau đối với các triệu chứng xảy ra ở cơ và khớp. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ như viêm loét dạ dày tá tràng, vì vậy cần dùng sau bữa ăn để giảm nguy cơ này;
  • Corticosteroid: Đây là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, được sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng, khi có tổn thương nội tạng. Tuy nhiên, corticosteroid đi kèm với nhiều tác dụng phụ, do vậy thuốc này thường được chỉ định uống một lần sau bữa sáng;
  • Thuốc chống sốt rét: Các thuốc như Hydroxychloroquine và Chloroquine có hiệu quả tốt trong việc điều trị các tổn thương trên da và khớp, giúp giảm các triệu chứng của lupus ban đỏ mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng như các nhóm thuốc khác.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Những loại thuốc như Cyclophosphamide (Endoxan), Azathioprine (Imuran), Cyclosporine (Sandimmun)... được sử dụng trong các trường hợp bệnh nặng hoặc khi bệnh nhân không đáp ứng với corticosteroid.

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị lupus ban đỏ phổ biến hàng đầu hiện nay 

Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần lưu ý một số những điều quan trọng sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, vì có thể kích thích sự phát triển của lupus ban đỏ hoặc làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn;
  • Duy trì lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao;
  • Nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế căng thẳng;
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin D.

Hy vọng rằng những thông tin được trình bày trong bài viết này đã giúp bạn có lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc bệnh lupus ban đỏ có di truyền không. Người dân có nhu cầu tư vấn chi tiết các thông tin về bệnh lupus ban đỏ nói riêng và thăm khám sức khỏe nói chung hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.