Các tin tức tại MEDlatec
Gợi ý các bài tập đau thần kinh tọa giúp giảm đau và phục hồi nhanh chóng
- 29/02/2024 | Bệnh đau thần kinh tọa là gì và cách điều trị bệnh
- 31/07/2023 | Thuốc giảm đau thần kinh tọa: Phân loại, công dụng và thời điểm nên dùng
- 19/09/2024 | Đau thần kinh tọa: Nhận biết 5 triệu chứng thường gặp
1. Đau thần kinh tọa do nguyên nhân nào?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, chạy từ lưng dưới xuống chân. Đau thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh này bị chèn ép hoặc chịu sự kích thích. Người bị đau thần kinh tọa có cảm giác đau nhức, tê liệt hoặc yếu một bên người từ lưng dưới lan xuống chân.
Trước khi thực hiện bài tập đau thần kinh tọa bạn cần hiểu rõ nguyên nhân gây nên tình trạng này, gồm:
- Thoát vị đĩa đệm gây áp lực lên thần kinh tọa.
- Hẹp ống sống chèn ép vào dây thần kinh.
- Chấn thương cột sống gây tổn thương thần kinh tọa.
Người bệnh thường xuyên bị cơn đau thần kinh tọa ở phần cuối cột sống thắt lưng
2. Lợi ích của bài tập đối với đau thần kinh tọa
Có một số bài tập đau thần kinh tọa khi thực hiện đúng cách sẽ giúp:
2.1. Giảm áp lực lên dây thần kinh tọa
Khi thực hiện các bài tập kéo giãn cơ và cột sống, áp lực chèn lên dây thần kinh tọa được giảm bớt. Con đau do sự chèn ép từ các đĩa đệm hoặc hẹp ống sống cũng được thuyên giảm.
2.2. Tăng sức mạnh cho vùng cơ lưng dưới
Các bài tập đau thần kinh tọa cũng tăng sức mạnh cho vùng cơ lưng dưới và vùng hông. Nhờ vậy mà tình trạng đau cột sống được giảm bớt, cơn đau thần kinh tọa cũng hạn chế tái phát.
2.3. Hỗ trợ phục hồi chức năng
Dành thời gian luyện tập các bài tập đau thần kinh tọa đúng cách sẽ giúp phục hồi và duy trì chức năng của các vùng cơ thể bị ảnh hưởng. Nhờ vậy mà người bệnh tránh được tình trạng đau kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động bình thường.
3. Các bài tập yoga giúp giảm đau và phục hồi chức năng hiệu quả
Để cải thiện đau thần kinh tọa, bạn có thể thực hiện một số bài tập yoga tương đối dễ thực hiện sau:
3.1. Tư thế đứa trẻ Child's Pose for Beginners
Tư thế này giúp kéo dài cột sống, tăng sự linh hoạt cho vùng hông và đùi, giảm căng thẳng cho vùng lưng dưới.
- Bước 1: Ngồi trên tư thế quỳ, mông đặt lên trên gót chân, hai tay đặt lên đùi, mở rộng hông và đầu gối rồi hít thở đều.
- Bước 2: Đưa người gập về phía trước giữa hai đùi, duỗi thẳng hai tay ra trước mặt rồi úp lòng bàn tay xuống sàn.
- Bước 3: Giữ tư thế trong khoảng 1 phút rồi nâng người từ từ về tư thế ban đầu.
Tư thế Child's Pose for Beginners
3.2. Tư thế đầu gối ôm ngực Knees-to-Chest Pose
Đây là tư thế giúp giảm đau và căng cứng cho vùng hông, mông và toàn bộ lưng dưới. Bài tập được thực hiện qua các bước:
- Bước 1 Nằm ngửa trên sàn, kéo đầu gối về phía ngực.
- Bước 2: Dùng tay ôm hai đầu gối rồi lắc qua lắc lại nhẹ nhàng để massage lưng dưới.
Tư thế Knees-to-Chest Pose
3.3. Tư thế cây cầu Bridge Pose
Việc thực hiện bài tập đau thần kinh tọa với tư thế cây cầu giúp cột sống được thư giãn, tăng tuần hoàn máu, giảm cơn đau thần kinh tọa.
- Bước 1: Nằm ngửa trên sàn sau đó kéo đầu gối vuông góc với thân mình, chân đặt trên mặt sàn cách mông khoảng một gang tay.
- Bước 2: Đưa tay đặt dọc theo cơ thể, úp lòng bàn tay xuống dưới sàn.
- Bước 3: Thở ra nhẹ nhàng rồi từ từ dùng cơ lưng và cơ mông nâng hông lên khỏi sàn, vai và lưng tạo thành một đường thẳng.
- Bước 4: Giữ nguyên tư thế khoảng 1 phút sau đó hạ hông xuống một cách từ từ, lặp đi lặp lại 10 lần.
Tư thế cây cầu trong yoga là bài tập đau thần kinh tọa hỗ trợ căng thẳng cho cột sống
3.4. Tư thế rắn hổ mang Cobra Pose
Tư thế rắn hổ mang giúp kéo giãn cơ lưng dưới và cơ bụng, tăng độ linh hoạt cho cột sống.
- Bước 1: Người nằm sấp trên sàn, duỗi thẳng lưng, mu bàn chân úp xuống sàn.
- Bước 2: Đưa lòng bàn tay đặt bên dưới vai, khủy tay đặt sát vào thân người.
- Bước 3: Thở vào rồi dùng lực của cơ lưng nâng ngực từ từ lên khỏi, cằm hướng về phía trước.
- Bước 4: Giữ tư thế trong 30 giây rồi từ từ hạ ngực xuống. Thực hiện lại tư thế này 2 - 3 lần.
Tư thế Cobra Pose
3.5. Tư thế châu chấu Locust Pose
Việc thực hiện tư thế châu chấu sẽ tăng sức mạnh cho vùng cột sống, cải thiện tuần hoàn máu và tăng độ linh hoạt cho cơ hông.
- Bước 1: Nằm sấp người trên sàn, hai tay duỗi dọc theo thân, úp lòng bàn tay xuống sàn.
- Bước 2: Từ từ thở ra rồi nâng phần đầu, ngực, hai tay và chân lên cao khỏi mặt sàn, đưa mắt nhìn về phía trước.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế trong 30 giây rồi hạ dần người xuống tư thế ban đầu. Lặp lại tư thế này 2 - 3 lần.
Tư thế Locust Pose
4. Những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện các bài tập đau thần kinh tọa
Muốn những bài tập đau thần kinh tọa trên đây phát huy tốt hiệu quả, người tập hãy tuân thủ các lời khuyên sau đây:
- Thực hiện đúng kỹ thuật
Để đạt được hiệu quả tối đa và tránh làm tổn thương thêm cho cột sống, bạn cần thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu không chắc chắn về kỹ thuật thực hiện, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp để được hướng dẫn cụ thể.
- Lắng nghe cơ thể
Trường hợp cảm thấy đau trong quá trình luyện tập, bạn cần dừng lại ngay. Căng thẳng quá mức trong quá trình tập rất dễ làm tình trạng đau thần kinh tọa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Kiên trì
Giảm đau thần kinh tọa bằng bài tập cần thời gian dài và sự kiên trì. Bạn hãy cố gắng thực hiện đều đặn mỗi ngày và kết hợp với các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định để sớm đạt được hiệu quả mong muốn.
Bên cạnh việc thực hiện bài tập, người bị đau thần kinh tọa cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị tích cực
Những bài tập đau thần kinh tọa trên đây chỉ có tác dụng cải thiện kéo giãn, giảm đau cơ, cải thiện khả năng vận động. Khi tình trạng bệnh có chiều hướng nghiêm trọng hơn, bạn cần đi thăm khám để được điều trị kịp thời.
Quý khách hàng bị đau thần kinh tọa có thể thông qua Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được đánh giá đúng và hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!