Các tin tức tại MEDlatec

Hen suyễn do gắng sức: Hiểu đúng để kiểm soát bệnh hiệu quả

Ngày 04/05/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Hen suyễn do gắng sức dễ gặp ở người mắc bệnh hen phế quản. Khi người bệnh tập luyện với cường độ cao hoặc hít thở quá mạnh sẽ khởi phát cơn hen, gây khó thở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Vậy hen suyễn do gắng sức là gì? Nhận biết và kiểm soát như thế nào để cơn hen không khởi phát? Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể về những vấn đề này.

1. Hen suyễn do gắng sức là như thế nào?

1.1. Cơ chế khởi phát hen suyễn do gắng sức

Hen suyễn do gắng sức xảy ra ở bệnh nhân đang có nền hen phế quản. Người mắc hen phế quản có đường thở nhạy cảm trước nhiều yếu tố kích thích như bụi, phấn hoa, thời tiết lạnh, dị ứng thực phẩm và đặc biệt là khi gắng sức hoạt động thể chất.

Hen suyễn do gắng sức xuất hiện khi bệnh nhân hen phế quản có hoạt động vượt quá cường độ và thời gian bình thường. Khi người bệnh vận động, đặc biệt là vận động mạnh, cơ thể cần lượng oxy lớn hơn. Lúc này, người bệnh sẽ thở nhanh và sâu, làm khô đường hô hấp. Không khí lạnh hoặc khô khi hít vào khiến niêm mạc phế quản bị kích thích, dẫn đến co thắt phế quản và gây ra triệu chứng hen.

Cơn hen suyễn do gắng sức thường xảy ra trong khoảng 5 - 15 phút, khi người bệnh gắng sức và kéo dài nhiều giờ sau đó dù người bệnh đã kết thúc gắng sức.

Vận động quá mức làm người bệnh khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức

1.2. Triệu chứng khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức

Các triệu chứng khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức bao gồm:

- Khó thở, thở hụt hơi.

- Thở khò khè với âm thanh rít, thường nghe rõ khi thở ra.

- Ho nhiều: đặc biệt khi trời lạnh hoặc sau khi vận động.

- Có cảm giác ngực bị bó thắt chặt gây đau vùng ngực.

- Cơ thể nhanh kiệt sức khi gắng sức.

Nếu không được kiểm soát tốt, cơn hen có thể kéo dài, gây giảm oxy máu và thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

1.3. Yếu tố gắng sức dễ gây khởi phát cơn hen

Cơn hen suyễn do gắng sức có thể khởi phát do các yếu tố sau:

- Thực hiện các hoạt động như chạy bộ, đá bóng, bơi lội (trong nước lạnh), thể dục nhịp điệu,… đòi hỏi lượng oxy cao.

- Không khởi động đúng cách trước khi tập luyện.

- Không khí lạnh và khô khiến đường thở bị khô nhanh chóng.

- Ô nhiễm môi trường, khói bụi, phấn hoa kích thích niêm mạc phế quản.

- Bệnh nhân hen phế quản chưa được điều trị ổn định hoặc đang trong giai đoạn viêm nhiễm hô hấp.

2. Cách thức chẩn đoán và kiểm soát khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức

2.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán sự khởi phát của cơn hen suyễn do gắng sức, bác sĩ thường căn cứ vào:

- Các triệu chứng lâm sàng:

+ Người bệnh ngại vận động trong thời gian dài, né tránh hoạt động.

+ Người bệnh có tâm lý lo sợ xuất hiện cơn hen khi gắng sức.

+ Khi hoạt động trong thời gian dài, vận động mạnh, người bệnh bị khó thở.

- Thăm khám: Bác sĩ nghe thấy tiếng rít qua dụng cụ nghe phổi.

- Kiểm tra cận lâm sàng: Bác sĩ đo lưu lượng đỉnh PEF trước và sau khi người bệnh thực hiện hoạt động gắng sức. Trường hợp nhận kết quả PEF giảm trên 20% sau khi dừng gắng sức 20 phút sẽ được chẩn đoán dương tính với hen suyễn do gắng sức.

Người bệnh được bác sĩ hướng dẫn đo PEF để chẩn đoán hen suyễn do gắng sức

2.2. Biện pháp kiểm soát khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức

Để tránh khởi phát cơn hen suyễn do gắng sức, người bệnh cần chú ý thực hiện tốt các vấn đề sau:

- Luôn mang theo ống hít giãn phế quản bên người để dự phòng tình huống cần dùng đến.

- Thực hiện các bài khởi động nhẹ nhàng trong 10 - 15 phút trước khi vận động để giúp đường thở thích nghi dần, giảm nguy cơ co thắt phế quản đột ngột.

- Tránh tập luyện ngoài trời lạnh, khô hoặc khi có ô nhiễm không khí. Nếu tập thể dục ngoài trời, cần đeo khẩu trang để giữ ấm vùng mũi miệng.

- Tránh tiếp xúc với các yếu tố là nguyên nhân khiến cơn hen khởi phát như dị ứng nguyên, không khí lạnh, khói thuốc lá,...

- Dùng thuốc giãn phế quản hít nhanh do bác sĩ kê đơn trước khi vận động khoảng 15 - 30 phút để ngăn cơn hen khởi phát.

- Chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, yoga, đạp xe, bơi trong nước ấm,… để vừa có tác dụng tăng cường thể lực vừa tránh gây kích thích đường thở quá mức.

- Tập theo phương pháp ngắt quãng: sau 3 - 5 phút tập hãy nghỉ 1 - 2 phút rồi lặp lại bài tập.

- Tăng cường độ tập từ thấp đến cao để cơ thể thích ứng, không tăng đột ngột.

- Dùng máy đo lưu lượng đỉnh kế tại nhà để theo dõi tình trạng đường thở, kịp thời điều chỉnh cường độ vận động cho phù hợp.

- Không tập luyện khi đang nhiễm trùng đường hô hấp hoặc có triệu chứng cảm cúm.

- Không vận động ngay sau khi ăn no hoặc khi đang đói.

- Không tắm nước lạnh sau khi vận động vì việc làm này rất dễ gây co thắt phế quản đột ngột.

- Trước khi thực hiện chương trình tập luyện mới cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Nếu trong quá trình vận động, xuất hiện các dấu hiệu sau, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám ngay lập tức:

- Cơn hen kéo dài không cải thiện dù đã dùng thuốc hoặc xuất hiện cơn hen trở lại < 3 giờ sau khi dùng thuốc kích thích bêta 2 ban đầu.

- Môi tím tái, vã mồ hôi, khó thở nghiêm trọng.

- Có biểu hiện rối loạn ý thức như lơ mơ, mệt lả.

Bệnh nhân bị hen suyễn do gắng sức cần được điều trị tích cực bởi bác sĩ chuyên khoa 

Cơn hen suyễn do gắng sức hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu người bệnh hiểu rõ cơ chế xuất hiện, kịp thời nhận diện triệu chứng và xử lý đúng cách. Chỉ khi các yếu tố kích thích sự khởi phát cơn hen được kiểm sát thì người bệnh mới có thể duy trì vận động thể chất nhẹ nhàng và sống chung khỏe mạnh cùng bệnh lý này.

Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ sự khởi phát của cơn hen suyễn do gắng sức và cần tới sự hỗ trợ y khoa, quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giúp đỡ nhanh chóng, an toàn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.