Các tin tức tại MEDlatec
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản: Nhận diện triệu chứng, độ nguy hiểm và cách chẩn đoán
- 06/11/2024 | Trào ngược dạ dày nên ăn sáng gì và một số lưu ý khác người bệnh cần biết
- 06/12/2024 | Cách chữa trào ngược dạ dày tại nhà và những điều cần tránh
- 11/12/2024 | Tổng quan về bệnh trào ngược dạ dày thực quản mã ICD 10
1. Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản là do nguyên nhân nào?
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên phía thực quản. Dịch vị này chứa axit và các enzyme tiêu hóa nên nếu hiện tượng trào ngược dạ dày thường xuyên lặp lại có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản.
Hiện tượng này thường xuất hiện do nhiều yếu tố:
- Cơ vòng thực quản dưới hoạt động kém
Cơ vòng thực quản giúp ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu cơ vòng này hoạt động kém hoặc đóng mở không đúng cách thì axit dạ dày rất dễ trào ngược lên.
- Áp lực gia tăng bên trong dạ dày
Áp lực gia tăng trong dạ dày do ăn quá no, ăn quá nhanh,... hoặc do béo phì có thể gây ra tình trạng trào ngược.
- Nghiện hút thuốc hoặc uống nhiều bia rượu
Thuốc lá khiến cho khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản dưới bị giảm sút. Nồng độ cồn trong bia rượu gây kích ứng niêm mạc dạ dày và thực quản. Đây đều là những yếu tố kích thích trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn.
Hình ảnh mô phỏng hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản
2. Triệu chứng thường thấy ở hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản thường được biểu hiện dưới các triệu chứng:
- Đau hoặc nóng rát từ vùng dạ dày lan lên thực quản, cổ họng, thậm chí lên miệng.
- Trong miệng có cảm giác chua hoặc đắng do axit hoặc dịch dạ dày trào ngược lên miệng.
- Nuốt khó, nuốt đau nếu niêm mạc thực quản bị tổn thương.
- Ho khan nhiều vào ban đêm, khó thở hoặc nghẹn trong cổ họng do axit trào ngược vào đường hô hấp, cản trở giấc ngủ.
3. Mức độ nguy hiểm của hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản gây nên những triệu chứng ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, sự kéo dài của tình trạng này khi không được điều trị còn dễ dẫn đến biến chứng:
3.1. Viêm loét thực quản
Sự trào ngược thường xuyên diễn ra khiến cho niêm mạc thực quản dễ bị viêm loét với các triệu chứng: ho, khó nuốt, đau rát cổ họng,... Những triệu chứng này nếu không được điều trị ngay, vết viêm loét ngày càng nghiêm trọng, sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp, ung thư thực quản.
3.2. Hẹp thực quản
Trào ngược dạ dày mạn tính là nguyên nhân gây hẹp thực quản. Do niêm mạc thực quản đã bị tổn thương lâu dài nên các vết sẹo hình thành và gây hẹp lòng thực quản. Cũng vì thế mà khi nuốt thức ăn người bệnh thường thấy rất khó khăn, có cảm giác thức ăn bị nghẹn lại trong cổ họng.
Thường xuyên bị trào ngược gây bất tiện cho cuộc sống và suy giảm sức khỏe
3.3. Ung thư thực quản
Khi tình trạng viêm loét thực quản kéo dài nhưng không có biện pháp điều trị các tế bào thực quản có thể bị biến đổi và hình thành ung thư. Tuy đây không phải biến chứng phổ biến nhưng vẫn không nên chủ quan.
4. Chẩn đoán trào ngược dạ dày bằng cách nào?
Hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản cần được chẩn đoán đúng để có phác đồ điều trị tích cực, ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp nói riêng và sức khỏe nói chung.
Thông thường, để chẩn đoán bệnh cần có sự kết hợp của:
4.1. Thăm khám lâm sàng và đánh giá triệu chứng
Trước khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Bác sĩ thường hỏi về triệu chứng thường gặp với tần suất và mức độ ảnh hưởng như thế nào, có yếu tố nào kích thích triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không,...
Quá trình thu thập thông tin từ câu hỏi đặt ra cho người bệnh sẽ giúp bác sĩ đưa ra phán đoán ban đầu về khả năng bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
4.2. Nội soi dạ dày thực quản
Hình ảnh nội soi giúp bác sĩ quan sát chi tiết niêm mạc dạ dày và thực quản để phát hiện tổn thương, vết loét do axit từ dạ dày gây ra ở niêm mạc thực quản. Nếu có nghi ngờ ung thư bác sĩ cũng có thể tiến hành lấy mẫu sinh thiết ngay khi nội soi.
Nội soi giúp người bệnh được chẩn đoán đúng trào ngược dạ dày thực quản
4.3. Đo pH thực quản 24 giờ
Đo pH thực quản là cách đo hàm lượng axit có trong thực quản để chẩn đoán trào ngược dạ dày. Một thiết bị cảm biến pH sẽ được đưa vào thực quản qua mũi hoặc miệng của người bệnh trong vòng 24 giờ. Thời gian này người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Kết quả đo được sẽ giúp bác sĩ biết được lượng axit trào ngược để xác định mức độ nghiêm trọng của hiện tượng trào ngược dạ dày và xem xét liệu có cần điều trị hay không.
4.4. Đo áp lực và nhu động thực quản HRM
Phương pháp này có tác dụng kiểm tra chức năng của các cơ vòng thực quản và sự co bóp của thực quản để bác sĩ có căn cứ xác định sự hoạt động bình thường không, có hiện tượng giãn cơ vòng làm dịch dạ dày trào ngược lên thực quản hay không. Trong quá trình thực hiện, một ống mềm chứa các cảm biến áp lực sẽ được đưa vào thực quản để đo áp lực tại các điểm khác nhau.
Mặc dù không phải mọi trường hợp có hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản đều tiến triển nghiêm trọng nhưng vẫn cần được chẩn đoán đúng để điều trị sớm. Vì thế, nếu có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên sớm đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa và thực hiện kiểm tra theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán trào ngược dạ dày cùng bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa - Hệ thống Y tế MEDLATEC, có thể liên hệ đặt lịch trước qua Tổng đài 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!