Các tin tức tại MEDlatec

Hở van tim 2 lá 1/4: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 09/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Hở van tim 2 lá 1/4 là bệnh lý cần được theo dõi, tái khám định kỳ. Trong nhiều trường hợp, tình trạng hở van tim thể nhẹ này sẽ không tiến triển thêm nhưng vẫn cần dùng thuốc để giảm nhẹ triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp không chủ động quản lý, bệnh có thể chuyển biến nặng, dẫn tới tăng áp phổi, suy tim,...

1. Thế nào là hở van tim 2 lá 1/4?

Hở van tim 2 lá 1/4 được hiểu là hiện tượng van giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái không đóng lại hết khi tim vận động co bóp. Tuy nhiên, tình trạng hở chỉ ở mức độ nhẹ. 

Hở van tim 2 lá 1/4 là tình trạng hở van tim ở thế nhẹ

Thông thường, van tim 2 lá làm nhiệm vụ liên kết tâm nhĩ trái và tâm thất trái, hỗ trợ vận chuyển máu từ tâm nhĩ tới tâm thất theo hướng một chiều. Khi tâm thất trái tiến hành bơm máu, van tim 2 lá cũng đồng thời đóng lại, nhằm ngăn không cho máu vận chuyển ngược về tâm nhĩ. Ở trường hợp hở van tim 2 lá thể nhẹ, máu có khả năng chảy ngược về tâm nhĩ trái (chủ yếu diễn ra tại giai đoạn tâm thu). 

Xét về mặt cấu trúc, van 2 lá cấu thành từ 4 bộ phận chính. Bao gồm phần vòng van, phần lá van, phần dây chằng và phần cơ nhú. Chỉ cần một trong số những bộ phận này tổn thương, hoạt động của van 2 lá cũng bị ảnh hưởng. 

Trong số các dạng hở van tim 2 lá thì hở van 2 lá 1/4 là thể nhẹ hơn cả. Tuy vậy, người bệnh vẫn cần được theo dõi, tái khám theo lịch hẹn để xử lý kịp thời biến chứng. 

2. Biến chứng 

Theo các bác sĩ, hở van tim 2 lá 1/4 không gây nguy hiểm nhiều cho sức khỏe người bệnh. Mặc dù vậy, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm 1 đến 2 lần. 

3. Nguyên nhân gây bệnh 

Tình trạng hở van tim 2 lá 1/4 có thể đến từ nguyên nhân cấp tính hoặc mạn tính, cụ thể như: 

  • Nguyên nhân cấp tính: Thường là do van bị rách, dây chằng bị đứt chủ yếu xuất hiện trong trường hợp bệnh nhân bị viêm nội mạc nhiễm trùng hoặc bị nhồi máu cơ tim, thấp tim, van tim bị chấn thương hoặc thoái hóa. 
  • Nguyên nhân mạn tính, bao gồm
  • Bệnh lý van hậu thấp. 
  • Bệnh lý thoái hóa van tim thường xuất hiện ở người lớn tuổi. 
  • Van tim 2 lá bị sa. 
  • Van tim 2 lá bị vôi hóa hay xuất hiện ở người lớn tuổi, người bị xơ vữa động mạch. 
  • Mắc bệnh về động mạch vành mạn tính. 
  • Bệnh lý liên quan đến cơ tim như cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở,... 
  • Dị tật tim bẩm sinh ảnh hưởng đến van tim. 

Tình trạng hở van tim 2 lá có thể xuất hiện do nhiều yếu tố

4. Triệu chứng ở người bị hở van tim 2 lá 1/4

Trong hầu hết trường hợp, người bị hở van tim 2 lá 1/4 không biểu hiện triệu chứng rõ nét. Chỉ một vài trường hợp xuất hiện dấu hiệu nhẹ như khó thở, tức ngực, cơ thể mệt mỏi đặc biệt là khi phải cố sức. Chính bởi triệu chứng không đặc trưng nên không phải ai cũng biết mình bị hở van tim 2 lá. Mặt khác, nhiều khả năng bệnh lý sẽ không tiến triển thêm. 

Người bệnh đôi khi sẽ cảm thấy khó thở

5. Cách chẩn đoán và điều trị 

5.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán tình trạng hở van tim 2 lá, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện điện tâm đồ, siêu âm và một vài kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Cụ thể:

  • Điện tâm đồ: Cho phép bác sĩ phát hiện tình trạng rối loạn nhịp tim. 
  • Siêu âm tim thông qua thành ngực: Hỗ trợ chẩn đoán tình trạng hở van tim, xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Cụ thể với kỹ thuật này, bác sĩ có thể kiểm tra kích thước hệ thống buồng tim, tình trạng hay cơ chế hở van tim, áp lực tác động lên phổi,... Từ đó, đưa ra chẩn đoán, tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp. 
  • Siêu âm tim thông qua thực quản: Kỹ thuật siêu âm này cũng cho phép bác sĩ kiểm tra tình trạng van tim, tìm kiếm những dấu hiệu như đứt dây chằng, vùng áp xe, rối loạn chức năng van tim nhân tạo. 
  • Chụp X-quang tim phổi: Giúp chẩn đoán bất thường như bóng tim to, tình trạng tràn dịch màng phổi do suy tim, vùng sung huyết tại phổi. 
  • Chụp cộng hưởng từ MRI tim: Thường chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị hở van tim do hệ quả của bệnh lý cơ tim.
  • Chụp CT tim: Một trong những kỹ thuật chẩn đoán phổ biến nhất được áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị hở van tim 2 lá do hậu quả của bệnh lý mạch vành. Ngoài ra trước khi phẫu thuật van tim, bệnh nhân cũng cần phải chụp CT tim. 

Điện tâm đồ giúp bác sĩ kiểm tra nhịp tim

5.2. Điều trị

Bệnh nhân bị hở van tim 2 lá 1/4 chủ yếu được điều trị nội khoa bằng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc điều chỉnh huyết áp, thuốc giúp giảm nhịp tim, thuốc chống đông máu,... Những loại thuốc này có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng. 

Trong thời gian điều trị bằng thuốc, bệnh nhân bị hở van tim 2 lá phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ, để kịp thời phát hiện biến chứng. Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt theo hướng lành mạnh, tránh để bệnh lý diễn biến nghiêm trọng hơn. 

Người bị hở van tim đôi khi sẽ được chỉ định dùng thuốc

6. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?

Áp dụng lối sống khoa học, chú ý đến ăn uống,... có thể phần nào hỗ trợ phòng ngừa tình trạng hở van tim 2 lá. Theo đó, bạn nên áp dụng một vài biện pháp đơn giản như: 

  • Đo huyết áp hàng ngày. Với người dưới 65 tuổi, chỉ số huyết áp không nên vượt quá 130/80 mmHg, còn người trên 65 tuổi thì huyết áp cũng không nên lớn hơn 140/90mmHg. 
  • Áp dụng các bài tập vừa sức như tập Yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền,... đồng thời hạn chế làm việc nặng. 
  • Nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm theo mùa, vắc xin phòng viêm phổi phế cầu.
  • Bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày rau xanh, trái cây, phẩm giàu chất xơ, phẩm chứa lượng chất béo thấp. 
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo, chứa nhiều muối và đường, nội tác động vật. 
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh. 
  • Đánh răng hàng ngày, đồng thời duy trì lịch khám nha khoa định kỳ để phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng viêm nội tâm mạc. 
  • Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, tránh lo nghĩ nhiều dẫn đến stress. 

Bên cạnh áp dụng lối sống khoa học, bạn nên duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ. Trong đó, một trong những địa chỉ bạn nên tin tưởng lựa chọn là chuyên khoa Tim mạch thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Với đội ngũ bác sĩ giỏi cùng trang thiết bị tiên tiến như máy chụp X-quang, máy chụp CT, máy chụp MRI, máy siêu âm,... nhập khẩu từ Đức, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, quá trình chẩn đoán sẽ diễn ra nhanh chóng và chính xác. 

Vậy nếu nghi ngờ bị hở van tim 2 lá 1/4 hoặc bệnh lý tim mạch khác, bạn hãy tìm đến MEDLATEC để được bác sĩ kiểm tra. Quý khách có thể liên hệ với MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và đặt lịch khám. 

Từ khoá: tâm nhĩ hở van tim

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.