Các tin tức tại MEDlatec

Hướng dẫn phụ huynh cách phân biệt tăng động và hiếu động ở trẻ

Ngày 03/08/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Rất nhiều phụ huynh cho rằng, những đứa trẻ nghịch ngợm mới thông minh. Tuy nhiên, nếu con trẻ quá nghịch, thậm chí nghịch đến mức “không thể chịu được”, thì cha mẹ cần theo dõi trẻ cẩn thận hơn. Theo các chuyên gia, trẻ tăng động và hiếu động hoàn toàn khác nhau và chỉ cần chú ý quan sát để phân biệt và điều trị kịp thời cho trẻ. 

1. Phân biệt tăng động và hiếu động

Dưới đây là cách phân biệt trẻ tăng động và hiếu động:

Trẻ hiếu động thường có hành vi mang tính tích cực.

- Đối với những trẻ hiếu động, những hành vi của trẻ mang hướng tích cực. Có thể những hành vi của trẻ hiếu động gần giống với trẻ tăng động nhưng những hành vi này thường có mục đích, tuân thủ quy định. Chẳng hạn, khi trẻ đang chơi đùa, quậy phá, phụ huynh yêu cầu trẻ không được nghịch và ngồi yên một chỗ, trẻ hiếu động vẫn có thể tuân thủ được yêu cầu này.

Bên cạnh đó, trẻ hiếu động có thể đùa nghịch nhiều nhưng vẫn có thể tập trung trong những khoảng thời gian nhất định, ví dụ như tập trung khi học tập. Do đó, việc đùa nghịch của trẻ không ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Trẻ tăng động rất khó khăn để tập trung vào một việc nào đó

- Đối với những trẻ tăng động (hay chính là bệnh tăng động giảm chú ý): Trẻ thường rất nghịch ngợm và những hoạt động của trẻ rất khó kiểm soát. Trẻ tăng động thường có những biểu hiện như sau:

+ Trẻ thường không thể kiên trì đối với những hoạt động đòi hỏi nhận thức.

+ Rất dễ xúc động.

+ Trẻ vận động quá nhiều, thường xuyên nhấp nhổm, leo trèo, chạy nhảy.

+ Rất khó khăn khi sắp xếp các công việc, hoạt động.

+ Hay đánh mất những đồ dùng cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

+ Hay quên những hoạt động sinh hoạt thường ngày.

+ Trẻ thường không tuân thủ theo những yêu cầu của người lớn.

+ Những trường hợp trẻ bị tăng động thường mất tập trung, khó khăn với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, trong các kỹ năng xã hội, học tập, giao tiếp.

+ Trẻ gặp phải những vấn đề về ngôn ngữ: Trẻ chậm nói hơn bạn bè cùng lứa tuổi hoặc những năm đầu đời, khả năng ngôn ngữ của trẻ vẫn phát triển bình thường, chưa có dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp, khó khăn khi sắp xếp câu chữ, khó khăn khi diễn đạt thông qua lời nói.

2. Tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ có nguy hiểm không?

Tình trạng rối loạn tăng động giảm chú ý là chứng bệnh tâm lý khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay. Trong đó trẻ nam có nguy cơ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn nhiều so với trẻ em gái.

Phần lớn, trẻ em thường rất nghịch ngợm và thường hoạt động liên tục vì các con luôn tò mò, muốn khám phá thế giới xung quanh và có những thời điểm rất khó để kiểm soát hành vi của trẻ. Tuy nhiên, với những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý thì việc kiểm soát hành vi của trẻ lại càng khó khăn, khó khăn gấp nhiều lần so với những trẻ phát triển bình thường.

Trẻ tăng động là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh

Có thể nói rằng, tình trạng tăng động giảm chú ý ở trẻ là nỗi lo lắng, thậm chí là vấn đề nan giải đối với các bậc phụ huynh. Những đối tượng trẻ này cần được điều trị và quan tâm nhiều hơn. Thông thường, chứng rối loạn này cần mất rất nhiều thời gian mới có được hiệu quả điều trị. Gia đình có trẻ bị bệnh cần phải kiên nhẫn. Thực tế, do thiếu kiên nhẫn và gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính nên nhiều trường hợp đã phải bỏ điều trị giữa chừng.

Nếu không được điều trị bệnh, trẻ sẽ không thể phát triển một cách tốt nhất và lớn lên có thể vi phạm nhiều vấn đề về đạo đức, pháp luật chẳng hạn như đập phá, trộm cắp, chống đối xã hội, dễ bị trầm cảm, sử dụng chất kích thích,…

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được khám, đánh giá và lập kế hoạch điều trị.

3. Phải làm sao để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ?

Trước hết, nếu thấy trẻ có những biểu hiện nghi ngờ bị tăng động, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nhi kết hợp khám toàn diện các chuyên khoa như thần kinh,... Bên cạnh đó, các chuyên gia có thể chỉ định cho trẻ thực hiện một số bài trắc nghiệm tâm lý cần thiết.

Để điều trị chứng tăng động của trẻ, gia đình cần kiên nhận thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Dưới đây là một số phương pháp chữa bệnh phổ biến:

- Trị liệu tâm lý: Trị liệu về hành vi và về nhận thức.

- Sử dụng thuốc: Giúp cải thiện phần nào năng lực chú ý cũng như giảm bớt hoạt động ở trẻ, nâng cao thành tích học tập.

Cha mẹ chú ý cho con dùng thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Nếu trẻ gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, rối loạn giấc ngủ, ăn uống,… cần liên hệ ngay với bác sĩ.

- Thay đổi môi trường quản lý và giáo dục: Những đứa trẻ tăng động cần có một môi trường quản lý đặc biệt và giáo dục tâm lý riêng, tránh những hành vi trách phạt hay giáo dục một cách bạo lực.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chơi những trò chơi mang tính tư duy

- Một số lưu ý dành cho các bậc phụ huynh

+ Đưa ra những quy tắc rõ ràng, ngắn gọn và cụ thể đối với trẻ.

+ Có thể giao cho trẻ những việc nhỏ nhặt để giúp trẻ có ý thức về trách nhiệm.

+ Hướng dẫn trẻ lập thời gian biểu các việc cần làm mỗi ngày để trẻ ghi nhớ và tuân thủ dễ dàng hơn.

+ Khuyến khích trẻ hoạt động trong lĩnh vực mà trẻ có năng khiếu, chẳng hạn như vẽ, học toán,…

+ Chấp nhận và thông cảm với những hạn chế của trẻ.

+ Tạo cho trẻ thói quen chú ý nghe và nhìn khi người khác nói.

+ Khuyến khích trẻ chơi những trò chơi đòi hỏi tư duy, tránh những trò chơi bạo lực.

+ Động viên trẻ tham gia thể thao, tập thể dục mỗi ngày.

+ Nhắc nhở trẻ về quy định, luật lệ khi đến nơi công cộng.

+ Dứt khoát khi yêu cầu trẻ và khi trẻ có những hành động tích cực, cha mẹ nên khen thưởng kịp thời.

+ Trong học tập: Nên lập thời gian biểu để trẻ tuân thủ thời gian học bài ở nhà, hạn chế tiếng ồn khi trẻ đang học. Cha mẹ nên thường xuyên liên hệ với giáo viên để nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia hoạt động đoàn thể.

Qua những thông tin trên, hi vọng các bậc phụ huynh đã có thể phân biệt tăng động và hiếu động ở trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện khác thường, mẹ có thể để đặt lịch khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC bằng cách gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên của MEDLATEC sẽ tư vấn cụ thể cho bạn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.