Các tin tức tại MEDlatec
Khi nào cần hút đờm trong cổ họng cho bé? Cần thực hiện như thế nào?
- 11/05/2022 | Cách xử lý khi trẻ khò khè và ho nhiều đờm do Covid-19
- 26/07/2022 | Các cách long đờm cho bé an toàn và đơn giản bố mẹ có thể tham khảo
- 30/07/2022 | Những điều bạn cần biết nếu bị vướng đờm ở cổ
- 10/05/2023 | Khạc đờm ra máu có nguy hiểm không? Là biểu hiện của bệnh lý gì?
1. Vì sao bé có đờm ở trong họng?
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện nên rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bé có đờm trong cổ họng:
Trẻ có đờm trong cổ họng do nhiều nguyên nhân
- Trẻ bị viêm mũi họng do dị ứng, virus, vi khuẩn,...: Khi mắc bệnh này, trẻ tăng tiết dịch nhầy ở mũi, dẫn tới ngạt mũi, chảy nước mũi, ho nhiều và thở khò khè.
- Viêm phế quản: Bệnh gây tăng tiết dịch nhầy ở phế quản. Trẻ thường có triệu chứng ho nhiều. Với một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị khó thở, thở nhanh, khò khè.
- Cảm lạnh và cảm cúm do virus: Trong đó, cảm lạnh thường có biểu hiện ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ho, ngạt mũi, sốt,... Còn các trường hợp cảm cúm thì trẻ thường bị sốt cao, ho nhiều, đau họng, cơ thể mệt mỏi, hay quấy khóc. Nếu không xử trí kịp thời có thể gây viêm đường hô hấp dưới.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Tình trạng này không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có thể gặp phải ở trẻ nhỏ do cơ thắt tâm vị của trẻ chưa hoàn thiện nên khi thức ăn không tiêu hóa được, trẻ rất dễ bị trào ngược. Khi bị bệnh, trẻ thường ho nhiều, hay nôn, họng có nhiều đờm,...
- Ngoài những nguyên nhân nêu trên, một số yếu tố khác cũng dễ khiến trẻ bị tăng tiết đờm ở cổ họng như môi trường ô nhiễm, có nhiều khói thuốc lá, thời tiết khô hanh, thay đổi thời tiết thất thường,...
2. Khi nào cần hút đờm trong cổ họng cho bé?
Khi trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, cổ họng tăng tiết dịch đờm. Bệnh càng nghiêm trọng thì dịch đờm càng đặc và nếu không đẩy được đờm ra bên ngoài có thể gây tắc nghẽn đường thở, gây khó thở, suy hô hấp và thậm chí còn đe dọa tính mạng của trẻ.
Vệ sinh mũi, họng giúp đường thở của trẻ thông thoáng
Việc vệ sinh mũi họng sẽ giúp cho đường thở của trẻ được thông thoáng, trẻ sẽ hô hấp dễ dàng và cảm thấy dễ chịu hơn.
- Lưu ý: Đối với trẻ dưới 2 tuổi, mẹ chỉ vỗ long đờm khi có chỉ định. Chỉ nên rửa mũi hoặc xịt mũi, giúp mũi loãng đờm và thông thoáng đường thở.
Trong bất cứ trường hợp nào, trước khi hút đờm cho trẻ, cha mẹ cũng cần nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có thể thực hiện hút đờm cho trẻ đúng cách, đảm bảo an toàn cho trẻ.
3. Lưu ý khi hút đờm trong cổ họng cho bé
Khi hút đờm trong cổ họng cho bé, mẹ cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Không tự ý hút đờm cho con khi chưa được bác sĩ hướng dẫn chi tiết.
- Khi hút đờm cho trẻ, không dùng miệng để tránh vi khuẩn từ khoang miệng của trẻ có thể lây nhiễm sang cho con. Hơn nữa, hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện và còn rất non yếu và khi bị lây nhiễm bệnh, tình trạng sức khỏe của trẻ sẽ càng nghiêm trọng. Do đó, các bà mẹ nên dùng dụng cụ hút đờm. Tuy nhiên, cần lựa chọn dụng cụ hút đờm có kích thước phù hợp với trẻ để không gây tổn thương cho trẻ.
- Có thể nhỏ nước muối sinh lý trước khi hút đờm để làm loãng đờm và nâng cao đầu trẻ khi thực hiện, nên hút đờm từng bên để tránh bị sặc đờm.
- Không nên hút đờm quá nhiều lần cho trẻ. Mỗi ngày chỉ nên thực hiện hút đờm từ 2 đến 3 lần. Nếu hút đờm nhiều lần, niêm mạc mũi của trẻ sẽ bị tổn thương và ảnh hưởng nhiều đến chức năng hô hấp.
- Khi trẻ vừa ăn no thì không nên hút đờm vì hút đờm trong thời điểm này sẽ khiến các con dễ bị nôn trớ. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cha mẹ nên hút đờm cho trẻ sau ăn khoảng 30 phút.
- Cần làm sạch máy hút đờm trước khi sử dụng để tránh nhiễm khuẩn và không nên dùng chung mà hãy dùng riêng cho mỗi trẻ để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
4. Một số cách làm sạch đờm cho bé
Ngoài việc hút đờm trong cổ họng cho bé, các bậc phụ huynh có thể thực hiện một số cách làm sạch đờm khác cho con, chẳng hạn như:
Cho trẻ bú nhiều hơn để làm loãng dịch đờm
- Bổ sung đủ chất lỏng cho trẻ: Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con bú nhiều lần. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi và đã uống nước được thì nên cho trẻ uống thêm nước mỗi ngày.
- Vỗ rung cho trẻ: Mẹ khum bàn tay lại và nhẹ nhàng vỗ vào lưng trẻ, đây cũng là cách giúp long đờm hiệu quả cho trẻ.
- Đảm bảo môi trường ở của trẻ luôn sạch sẽ, giảm thiểu tác nhân gây bệnh.
- Giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là khi trời lạnh.
- Nêu không khí trong phòng quá khô, mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và loãng đờm hiệu quả.
- Mát xa cho trẻ: Nên mát xa vùng sau lưng, lòng bàn chân, khuỷu tay cho trẻ để giúp làm ấm cơ thể, loãng đờm và giảm tiết đờm trong cổ họng.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Cha mẹ cần lưu ý quan tâm và theo dõi trẻ chặt chẽ. Nếu trẻ bị đờm ở cổ họng và kèm theo những triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm:
- Đờm của trẻ có màu bất thường như xanh lá cây, đỏ, nâu,.. Biểu hiện này cho thấy, trẻ có thể đang bị nhiễm khuẩn hoặc có lẫn máu trong đờm.
- Trẻ gặp phải tình trạng suy hô hấp do quá nhiều đờm gây tắc nghẽn hoặc do bệnh lý nghiêm trọng. Một số biểu hiện suy hô hấp như môi trẻ tím tái, trẻ thở khò khè, khó thở, cánh mũi phập phồng, trẻ bị rút lõm lồng ngực,...
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ có đờm và kèm theo các biểu hiện khác
- Nôn nhiều, bỏ bú, li bì,...
- Trẻ sốt cao, hơi thở hôi, lưỡi bẩn.
- Trẻ ho kéo dài trên 2 tuần, cơ thể mệt mỏi.
Hi vọng với những thông tin trên, các bậc cha mẹ đã hiểu rõ khi nào cần hút đờm trong cổ họng cho bé và những lưu ý khi thực hiện. Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn hút đờm cụ thể trong từng trường hợp.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch sớm cho trẻ, mời các bậc phụ huynh liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!