Các tin tức tại MEDlatec

Lovastatin là thuốc gì? Tác dụng, cách dùng và liều dùng

Ngày 21/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Thuốc Lovastatin có tác dụng giảm Cholesterol, thuốc chỉ thực sự phát huy tối ưu hiệu quả khi người bệnh kết hợp cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Thông tin chi tiết hơn về loại thuốc này sẽ được chia sẻ trong bài viết sau.

1. Giới thiệu chung về thuốc Lovastatin

Lovastatin thuộc nhóm thuốc chống tăng Lipid máu, được bào chế theo dạng viên nén với hàm lượng 10mg, 20mg hoặc 40mg. Nếu gặp vấn đề tăng LDL cholesterol và tăng cholesterol toàn phần, triglyceride, hoặc giảm cholesterol HDL, bệnh nhân cần dùng thuốc Lovastatin kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. 

Một sản phẩm thuốc Lovastatin lưu hành trên thị trường

2. Tác dụng chính của thuốc Lovastatin

Hoạt chất Lovastatin có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong gan và tế bào. Ngoài ra, thuốc còn phát huy hiệu quả tác dụng trong phòng chống xơ vữa động mạch, hỗ trợ phòng ngừa tai biến tim mạch.

3. Chỉ định và chống chỉ định

Các loại thuốc chống rối loạn Lipid máu như Lovastatin chỉ thực sự phát huy tối ưu hiệu quả khi được sử dụng cho đúng đối tượng. Cụ thể như sau:

3.1. Chỉ định

Thuốc chống rối loạn Lipid Lovastatin chủ yếu được chỉ định cho những nhóm đối tượng dưới đây: 

  • Người bị rối loạn Lipid máu. 
  • Người cần điều trị dự phòng tiên phát tai biến tim mạch (cấp 1). 
  • Người cần điều trị dự phòng thứ phát tai biến tim mạch (cấp 2). 
  • Người cần điều trị dự phòng tai biến tim mạch khi mắc đái tháo đường. 
  • Người cần điều trị giảm tiến triển xơ vữa mạch vành. 

Lovastatin giúp dự phòng tai biến tim mạch ở người bị đái tháo đường

3.2. Chống chỉ định

Những trường hợp không nên dùng thuốc Lovastatin bao gồm: 

  • Người bị dị ứng với hoạt chất ức chế HMG-CoA reductase hay bất kỳ thành phần nào khác trong thuốc. 
  • Người mắc bệnh lý gan hoạt động, lượng enzym transaminase huyết thanh tăng cao không rõ nguyên nhân. 
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. 

4. Cách dùng và liều dùng 

Lovastatin sẽ phát huy tốt hiệu quả điều trị khi được dùng đúng thời điểm và đúng liều lượng. 

4.1. Cách dùng

Dạng bào chế chính của Lovastatin là dạng viên nén nên sẽ được sử dụng theo đường uống. Thời điểm thích hợp để uống thuốc là vào buổi tối bởi quá trình tổng hợp cholesterol tại gan chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Để cơ thể hấp thụ tốt hoạt chất trong thuốc, bạn nên uống thuốc sau khi ăn. 

Bạn nên uống thuốc Lovastatin vào buổi tối để có thể hấp thụ tốt nhất các hoạt chất 

4.2. Liều dùng

Người lớn và trẻ trên 10 tuổi gặp vấn đề về rối loạn Lipid có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng Lovastatin. 

4.2.1. Liều dùng ở người trưởng thành

Trước và trong khi dùng thuốc, người bệnh cần điều trị chế độ ăn uống nhằm hạn chế cholesterol, phát huy tối ưu hiệu quả điều trị. Liều lượng thuốc sẽ được điều chỉnh theo khả năng hấp thụ của từng người bệnh. Cứ sau khoảng một vài tuần, liều dùng có thể điều chỉnh tăng cho đến khi đạt mức tối đa theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong đó:

  • Liều lượng khuyến cáo điều trị: Bắt đầu điều trị với liều thấp nhất thông thường ở người lớn là 20 mg. Uống 20mg/lần/ngày, dùng thuốc vào buổi tối. Sau khoảng 4 tuần, liều lượng sử dụng có thể được điều chỉnh tăng dần nếu cần theo từng cá thể bệnh nhân, tối đa không quá 80 mg/ngày. 
  • Liều dùng duy trì: Duy trì dùng 20mg đến 80mg/ngày, chia thành 1 hoặc 2 lần dùng. 

Với bệnh nhân đang điều trị ức chế miễn dịch, liều lượng khởi đầu vào khoảng 10 mg/ngày, tối đa không quá 20 mg/ngày. 

4.2.2. Liều dùng ở trẻ nhỏ

Trẻ từ 10 tuổi trở lên gặp vấn đề về rối loạn Lipid máu có thể bắt đầu dùng thuốc Lovastatin. Sau đây là liều lượng tham khảo: 

  • Trẻ từ 10 đến 17 tuổi cần giảm LDL-cholesterol ≥ 20%: Liều dùng khởi đầu 20mg/lần/ngày. 
  • Trẻ từ 10 đến 17 tuổi cần giảm ít LDL-cholesterol: Liều dùng khởi đầu vào khoảng 10mg/lần/ngày. 

Tương tự như ở người trưởng thành, lượng dùng Lovastatin ở trẻ em cần được điều chỉnh sau khoảng 4 tuần cho đến khi thuốc phát huy tác dụng. Trong đó, liều dùng tối đa không quá 40mg/ngày. 

5. Tác dụng phụ khi dùng Lovastatin

Bên cạnh tác dụng điều trị, Lovastatin vẫn gây ra một vài tác dụng phụ cho người dùng. Cụ thể:

Tác dụng phụ phổ biếnTác dụng phụ ít gặp Tác dụng phụ hiếm gặp

- Tiêu chảy hoặc táo bón. 

- Đầy bụng. 

- Đau bụng. 

- Buồn nôn.

- Choáng váng. 

- Khó ngủ. 

- Cơ thể suy nhược. 

- Đau cơ hoặc đau khớp. 

- Mắc bệnh cơ. 

- Da nổi phát ban. 

- Viêm mũi hoặc viêm xoang. 

- Viêm họng. 

- Lên cơn ho. 

- Nhận thức suy giảm. 

- Viêm cơ. 

- Cơ vân bị tiêu. 

- Suy thận cấp thứ phát. 

- Tăng HbA1c và nồng độ glucose. 

- Tăng nguy cơ mắc tiểu đường. 

6. Một vài lưu ý chung trước khi sử dụng thuốc 

Trước khi điều trị bằng thuốc Lovastatin, bạn cần nắm rõ thông tin về khả năng tương tác của loại thuốc này, cách thức hoạt động xử lý trong trường hợp dùng quá liều và một vài lưu ý chung khác.

6.1. Khả năng tương tác của thuốc

Nếu phối hợp không đúng cách với những loại thuốc khác, Lovastatin có thể sẽ không phát huy tối đa hiệu quả, thậm chí là gia tăng tác dụng phụ. Theo đó, Lovastatin chống chỉ định phối hợp với các loại thuốc sau: 

  • Thuốc kháng Retrovirus: Nếu phối hợp không đúng cách, nhóm thuốc này dễ làm giảm nồng độ Lovastatin trong huyết tương. 
  • Thuốc ức chế protease HCV: Nhóm thuốc này có khả năng làm tăng nồng độ Lovastatin trong huyết tương, tăng nguy cơ nhiễm độc. 
  • Amiodaron: Có khả năng làm giảm tác dụng của thuốc điều trị rối loạn Lipid máu. 
  • Diltiazem: Thuốc Diltiazem khiến nồng độ Lovastatin trong huyết tương tăng, dễ dẫn đến suy thận. 
  • Warfarin: Lovastatin có khả năng tăng tác dụng của thuốc Warfarin. 
  • Gemfibrosil: Không nên dùng đồng thời Gemfibrosil và Lovastatin. 

Thuốc chống rối loạn Lipid máu không nên kết hợp đồng thời cùng thuốc Diltiazem

6.2. Trường hợp uống quá liều

Lovastatin thường không biểu hiện triệu chứng khi người bệnh dùng quá liều. Tuy nhiên trong trường hợp dùng quá liều loại thuốc này, bạn vẫn cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn theo dõi, xử lý kịp thời. 

6.3. Những lưu ý chung khác

Bên cạnh khả năng tương tác của thuốc, cách xử lý trong trường hợp uống quá liều, bạn cũng nên lưu ý một vài điểm sau: 

  • Trước và trong khi dùng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. 
  • Người dùng nên kiểm tra chức năng gan định kỳ sau một thời gian uống thuốc. 
  • Tạm dừng dùng thuốc nếu nồng độ CK huyết thanh tăng cao. 
  • Cần theo dõi kỹ các dấu hiệu sau khi uống thuốc, thông báo kịp thời tình hình của bác sĩ khi nhận thấy có biểu hiện bất thường nghiêm trọng. 
  • Lovastatin có thể gây tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt. Do đó, người bệnh cần thận trọng khi lái xe, điều khiển máy móc. 
  • Chỉ điều chỉnh tăng liều khi có sự chỉ định của bác sĩ. 

Trước và trong khi dùng thuốc, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh

Lưu ý, phần tổng hợp hướng dẫn về cách dùng và liều dùng thuốc Lovastatin đề cập trong phần trên chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Nếu muốn hạn chế tối đa rủi ro khi dùng thuốc, bạn tốt nhất hãy chủ động đi kiểm tra sức khỏe, tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Có thể thấy rằng thuốc Lovastatin thường được chỉ định cho bệnh nhân bị rối loạn Lipid máu. Tuy nhiên, loại thuốc này sẽ không phát huy tối ưu hiệu quả nếu bệnh nhân không thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt theo hướng lành mạnh hơn. Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, bạn nên đi thăm khám bác sĩ nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường. Một địa chỉ y tế bạn có thể tham khảo và lựa chọn là Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.