Các tin tức tại MEDlatec
Lý giải vì sao bạn bị viêm túi thừa đại tràng và điều trị sao cho đúng
- 08/11/2021 | Vì sao cần tầm soát ung thư đại tràng và nên thực hiện ở đâu?
- 08/11/2021 | Hỏi và đáp: Bệnh lý răng miệng có tăng nguy cơ viêm loét đại tràng?
- 16/11/2021 | Các tiêu chí giúp phân biệt viêm ruột thừa với viêm túi thừa đại tràng
1. Tìm hiểu về túi thừa đại tràng
Niêm mạc thành đại tràng đôi khi có thể hình thành các cấu trúc dạng túi, hay gặp nhất là ở vị trí đại tràng trái, đại tràng sigma hoặc toàn bộ đại tràng. Vách của đại tràng thông thường sẽ có 4 lớp bằng phẳng. Nếu có một chỗ nào bị lõm sâu vào thì đó chính là dấu hiệu của túi thừa.
Túi thừa có cấu tạo mỏng hơn vách của đại tràng, bên trong là một lớp niêm mạc bao bọc, rồi tới một lớp niêm mạc khác, sau đó đến lớp cơ và ngoại mạc.
Túi thừa có thể nằm ở bên trong vách của đại tràng hoặc là thòi ra bên ngoài ngoại mạc đại tràng. Những trường hợp túi thừa thòi ra ngoài thường rất dễ bị thủng hoặc vỡ vì khi đó lớp cơ của túi thừa rất mỏng hoặc hầu như không có.
Hình ảnh minh họa túi thừa và viêm túi thừa đại tràng
Cơ chế hình thành túi thừa đại tràng: do phân bị khô và cứng, đào thải khó nên để có thể tống được hết phân ra ngoài, đại tràng phải dừng lực co thắt nhiều hơn, bệnh nhân phải vận nhiều sức để rặn mỗi khi đi đại tiện và từ đó làm gia tăng áp lực lên vách đại tràng. Ở những vùng niêm mạc đại tràng bị yếu thì sẽ rất dễ bị đẩy ra ngoài tạo nên các túi thừa có đường kính khoảng 1 - 2 cm, thậm chí là 5 - 6 cm.
Người phương Tây là chủng tộc có xu hướng có nhiều túi thừa đại tràng vì khẩu phần ăn của họ ít chất xơ hơn thực đơn ăn uống của người Á Đông. Một điều đáng lưu ý khác đó là phần đại tràng sigma khá hẹp so với những đoạn đại tràng khác nên áp lực niêm mạc vì thế cũng nhiều hơn. Điều này lý giải vì sao bạn bị viêm túi thừa đại tràng nhiều nhất ở khu vực này.
2. Các yếu tố giải thích vì sao bạn bị viêm túi thừa đại tràng
Viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi cơ quan này gặp tình trạng nhiễm khuẩn. Hiện tượng viêm có thể là ở bên trong hoặc quanh các túi thừa. Trong túi thừa thường chứa một lượng phân bị kẹt lại, để lâu ngày sẽ đóng thành cục đá phân gây kẹt lòng và ép vách túi thừa. Nơi đây sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn có cơ hội phát triển mạnh mẽ tạo ổ viêm.
Nếu nhiễm trùng nhiều sẽ làm lủng vách túi thừa, vết loét sẽ lan ra ngoài vách đại tràng tạo nên nhiều túi mủ, nguy hiểm hơn là gây viêm phúc mạc và bệnh nhân có thể bị đe dọa tới tính mạng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Các yếu tố sau đây sẽ giúp chúng ta biết được vì sao bạn bị viêm túi thừa đại tràng:
-
Chế độ ăn ít chất xơ và tiêu thụ nhiều chất béo động vật: nhiều nghiên cứu cho thấy ăn quá ít chất xơ sẽ khiến phân bị cứng dẫn đến táo bón gây tăng áp lực trong đại tràng, tạo nên nhiều túi thừa ở bộ phận này;
Chất xơ rất quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động tiêu hóa
-
Tuổi tác: tuổi càng cao thì nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng sẽ càng tăng. Có thể là do thành ruột bị suy giảm độ đàn hồi và lão hóa theo độ tuổi của bạn;
-
Lười vận động, ít tập thể dục thể thao;
-
Người nghiện thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc;
-
Béo phì, thừa cân;
-
Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ làm gia tăng nguy cơ viêm túi thừa đại tràng như opioids, steroid, thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen (Motrin IB, Advil,...) và naproxen natri.
3. Phương án được áp dụng trong điều trị viêm túi thừa đại tràng
Phần lớn những người bị viêm túi thừa đại tràng sẽ không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, và không cần điều trị cụ thể. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên áp dụng một chế độ ăn tăng cường chất xơ để hạn chế tình trạng táo bón - nguyên nhân phổ biến tạo nên túi thừa đại tràng.
Nếu bị viêm túi thừa kèm theo các triệu chứng như sốt, đau bụng,... ở mức độ nhẹ thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để giảm triệu chứng. Trong trường hợp bệnh nhân bị đau nặng hơn thì cần kết hợp với chế độ ăn thức ăn lỏng, mềm để niêm mạc ruột và đại tràng có thời gian hồi phục. Khi bị đau nghiêm trọng hoặc sốt cao, người bệnh cần được nằm viện để điều trị và tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng tốt các phương án điều trị nội khoa nêu trên thì cần phải được can thiệp bằng phẫu thuật, bao gồm chỉ định dẫn lưu mủ và loại bỏ phân đoạn đại tràng có túi thừa. Đặc biệt là những bệnh nhân bị viêm túi thừa đại tràng kèm chảy máu kéo dài, khi túi thừa xâm lấn vào bàng quang, gây nhiễm trùng nước tiểu và tái phát, hoặc bệnh nhân bị tắc nghẽn đường ruột thì cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
4. Làm sao để phòng ngừa viêm túi thừa đại tràng
Nhằm giúp ngăn ngừa tình trạng viêm túi thừa đại tràng, bạn nên thực hiện các phương pháp sau:
-
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Các hoạt động thể chất lành mạnh sẽ giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa, giảm áp lực đại tràng. Mỗi ngày bạn nên dành ra khoảng 30 phút tập thì sẽ rất tốt cho sức khỏe;
-
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ trong thực đơn hàng ngày như rau củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,... Những loại thức ăn này sẽ giúp làm mềm phân, giảm triệu chứng táo bón;
-
Uống đủ nước mỗi ngày: chất xơ sẽ được cung cấp đủ nước và làm phân mềm hơn.
Trong thực đơn ăn uống hàng ngày bạn nên tăng cường rau củ quả để hạn chế nguy cơ bị viêm túi thừa đại tràng
Hy vọng rằng với lời giải đáp của các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bạn đã hiểu vì sao bạn bị viêm túi thừa đại tràng và thu thập được một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng này, cũng như phương pháp phòng tránh viêm túi thừa đại tràng. Nếu bạn vẫn còn nhiều băn khoăn liên quan tới viêm túi thừa đại tràng hoặc các vấn đề khác về sức khỏe, đừng ngần ngại mà hãy kết nối ngay với chúng tôi qua tổng đài 1900 56 56 56. Tư vấn viên sẽ giúp bạn lựa chọn các gói khám phù hợp và đặt lịch hẹn với các bác sĩ chuyên khoa.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!