Các tin tức tại MEDlatec
Mách bạn 5 cách làm tan máu bầm lâu ngày tại nhà
- 27/07/2022 | Những nguyên nhân khiến cơ thể hay bị bầm tím
- 24/09/2024 | Vết bầm tím trên da không rõ nguyên nhân: Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
- 05/02/2025 | Tụ máu bầm ở đầu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý
1. Máu bầm là gì?
Khi các mao mạch tổn thương làm máu thoát ra, tụ lại dưới da, gây ra vết bầm màu xanh, tím hoặc đen được gọi là máu bầm. Thông thường, máu bầm do các tác nhân ngoại lực tác động thường hết sau 1 - 2 tuần. Trường hợp máu bầm kéo dài, liên tục tái phát, có thể do bệnh lý tiềm ẩn.
Để có cách làm tan máu bầm lâu ngày hiệu quả, cần xác định nguyên nhân gây ra máu bầm. Nguyên nhân phổ biến nhất là chấn thương, va chạm xảy ra khi chơi thể thao, làm việc, lái xe,… Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Cơ thể thiếu chất như thiếu vitamin B12, vitamin C, vitamin K, vitamin P.
- Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ mang thai, phụ nữ tiền mãn kinh, người lớn tuổi.
- Lão hóa ở người già. Lúc này, da kém đàn hồi và trở nên mỏng hơn, chỉ cần tác động nhẹ cũng làm mao mạch dưới da vỡ, dẫn đến xuất huyết, tụ máu.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc hen suyễn, thuốc trầm cảm, thuốc chống đông máu,…
- Các bệnh lý tiểu đường, rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu, ung thư cũng gây ra máu bầm.
Máu bầm do nhiều nguyên nhân gây ra
2. 5 cách làm tan máu bầm lâu ngày
Để xử lý các vết bầm, bạn có thể áp dụng 5 cách làm tan máu bầm lâu ngày sau đây.
Chườm lạnh
Nếu máu bầm do chấn thương, va chạm và gây sưng đau, bạn có thể thực hiện cách này. Cho một vài viên đá lạnh vào túi nhựa hoặc túi vải rồi chườm lên vết bầm. Mỗi ngày thực hiện 5 lần, mỗi lần 10 phút. Kiên trì thực hiện đến khi tình trạng thuyên giảm.
Chườm nóng
Ngoài chườm lạnh, bạn cũng có thể chườm nóng để làm tan máu bầm hiệu quả. Chườm nóng bao gồm dùng túi hoặc chai nước nóng, trứng gà nóng hay đơn giản là ngâm vết bầm vào trong chậu nước ấm. Hơi nóng giúp lưu thông máu, tan máu bầm, đồng thời, tạo cảm giác dễ chịu, nhất là khi bạn đang căng cơ sau khi chơi thể thao.
Quấn băng ép
Với những vết bầm ở cổ tay, bàn chân, bạn có thể dùng kỹ thuật quấn băng ép để cải thiện. Băng ép có tác dụng siết chặt các mô cơ xung quanh vùng tổn thương, nhờ đó, ngăn mao mạch vỡ, rò rỉ máu. Lưu ý quấn băng ép vừa phải, không quá chặt cũng quá lỏng.
Vết bầm ở cổ tay có thể thuyên giảm khi được quấn băng
Nâng vùng tổn thương lên cao
Mục đích của việc này là giảm áp suất và áp lực lên vùng tổn thương cũng như kích thích máu lưu thông đến vùng này. Đây không chỉ là cách làm tan máu bầm lâu ngày mà còn có tác dụng giảm đau nhức hiệu quả. Bạn chỉ cần nâng vùng tổn thương sao cho cao hơn tim là được.
Bổ sung dinh dưỡng
Đây là cách làm tan máu bầm lâu ngày mà nguyên nhân chính là do cơ thể thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Các loại thực phẩm bạn cần tăng cường bổ sung có thể kể đến như:
- Thực phẩm giàu vitamin C như ổi, cam, quýt, bưởi, dưa lưới, kiwi, bông cải xanh, súp lơ trắng, ớt chuông,…
- Thực phẩm giàu vitamin K như việt quất, dâu tây, rau diếp cá, rau họ cải (cải xoăn, cải chân vịt,…).
- Protein từ thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu phụ. Dưỡng chất này giúp mạch máu khỏe mạnh, cải thiện các tổn thương ở mạch máu.
- Thực phẩm giàu kẽm như hải sản (tôm, cua, hàu), hạt bí ngô, đậu,… Kẽm giúp các mô cơ và mạch máu mau phục hồi sau tổn thương.
Ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin C, K giúp làm mờ nhanh các vết thâm, bầm máu
Tuy nhiên, khi đã thực hiện những cách trên mà vết máu bầm sau vài tuần vẫn không cải thiện hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như đỏ, sưng nóng và đau gia tăng, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
3. Tụ máu bầm - khi nào cần đi khám?
Như chia sẻ, máu bầm thường khỏi sau 1 - 2 tuần, thậm chí, nếu biết cách chăm sóc vùng tổn thương, áp dụng các cách làm tan máu bầm lâu ngày nói trên, tình trạng có thể được cải thiện nhanh hơn.
Nhưng với những trường hợp tụ máu bầm không phải do va chạm, chấn thương, thời gian kéo dài và thường xuyên tái phát, bạn không được chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bị thiếu chất nghiêm trọng hoặc mắc bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Nên đi khám nếu vết bầm kéo dài, tái phát, sờ vào thấy có u
Dưới đây là những trường hợp bạn cần đi khám khi xuất hiện vết bầm.
- Vết bầm không rõ nguyên nhân, tức không phải do va chạm, chấn thương. Nếu vết bầm xuất hiện mà không do va chạm hoặc chấn thương, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
- Vết bầm xuất hiện trên 2 tuần. Như đã nói, thông thường vết bầm sẽ nhạt dần và biến mất sau vài ngày đến 1, 2 tuần. Nếu vết bầm tồn tại lâu hơn hai tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cần đi thăm khám ngay.
- Vết bầm tái phát cùng một vị trí, sự tái phát liên tục này có thể là dấu hiệu của sự tổn thương mạch máu tại đó.
- Vết bầm kích thước lớn, sưng đau.
- Sờ vào vết bầm thấy có khối u.
- Bầm tím kèm chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu.
Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc vì thuốc sẽ không mang lại hiệu quả điều trị, ngược lại, còn khiến tình trạng thêm nghiêm trọng, tốt nhất là đi khám để bác sĩ chẩn đoán, tìm kiếm nguyên nhân. Nếu máu bầm do các bệnh về máu hay ung thư, bạn cần có phác đồ điều trị lâu dài.
Để kiểm tra tình trạng vết bầm lâu ngày xuất hiện trên cơ thể, bạn có thể đến các cơ sở y tế thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. MEDLATEC sở hữu đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, cùng các trang thiết bị, máy móc hiện đại sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và hướng xử lý hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, Quý khách hãy gọi số 1900 56 56 56, Tổng đài viên sẽ hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!