Các tin tức tại MEDlatec
Mất ngủ uống thuốc gì để ngủ ngon và sâu giấc hơn?
Mất ngủ uống thuốc gì để ngủ ngon và sâu giấc hơn?
Mất ngủ là tình trạng phổ biến có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi nào, trong đó thường gặp nhất là ở những người cao tuổi. Mất ngủ kéo dài có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Vậy người mất ngủ uống thuốc gì để có một giấc ngủ ngon và chất lượng hơn? Băn khoăn này sẽ được giải đáp ngay trong bài viết sau đây.
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ
Một người bình thường sẽ cần dành ra ít nhất từ 7 - 8 tiếng/ngày để ngủ với điều kiện là giấc ngủ đó phải là giấc ngủ chất lượng, ngủ dậy xong cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và dễ chịu.
Mất ngủ được coi là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân bị mất ngủ có thể gặp phải các triệu chứng như: khó ngủ, ngủ chập chờn, giật mình khi ngủ, thức dậy quá sớm, mệt mỏi sau khi ngủ dậy hoặc khó quay lại giấc ngủ. Nguyên nhân gây mất ngủ có thể xuất phát từ những yếu tố sau:
● Căng thẳng, áp lực, rối loạn sức khỏe tâm thần do các sự kiện trong cuộc sống gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tâm trạng của người bệnh;
● Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: ngủ trưa quá nhiều, lịch ngủ thay đổi liên tục, dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ;
● Thói quen ăn uống không hợp lý: ăn quá no và ăn tối quá muộn sẽ dễ dẫn tới chứng trào ngược dạ dày thực quản, dạ dày bị quá tải còn gây khó tiêu, đầy bụng, ợ chua làm ảnh hưởng tới giấc ngủ;
● Múi giờ thay đổi do phải đi công tác xa, đi học hay đi du lịch tới khu vực địa lý khác múi giờ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể;
● Rối loạn giấc ngủ: bệnh nhân bị mắc hội chứng chân không yên, chứng ngưng thở khi ngủ,... cũng là yếu tố cản trở người bệnh có một giấc ngủ ngon;
● Do tuổi tác: giấc ngủ của người lớn tuổi thường có xu hướng rút ngắn hơn và trong lúc ngủ cũng dễ bị giật mình tỉnh giấc giữa đêm;
● Yếu tố bệnh lý: mất ngủ có khả năng là hệ quả của các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn, tiểu đường, ung thư, đau mạn tính,...;
● Do dùng chất kích thích: lạm dụng các chất kích thích như bia rượu, cà phê, trà, đồ uống chứa caffeine, thuốc lá,... cũng khiến bệnh nhân bị mất ngủ.
Mất ngủ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh
2. Mất ngủ uống thuốc gì để cải thiện chất lượng giấc ngủ?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ là gì, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc trị mất ngủ người bệnh có thể tham khảo sử dụng:
2.1. Thuốc an thần
Hay còn gọi là thuốc bình thần, gồm Bromazepam, Rotunda, Clonazepam và Diazepam,... Thuốc có tác dụng gây buồn ngủ nhanh ngay sau khi dùng nhưng chỉ nên dùng cho những bệnh nhân bị mất ngủ ngắn, tính chất bệnh chưa nghiêm trọng bởi vì nếu dùng trong thời gian dài có thể gây suy giảm trí nhớ và nhờn thuốc. Khi đó ngay cả khi đã tăng liều thì bệnh nhân vẫn bị mất ngủ. Do vậy bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2.2. Thuốc ngủ
Bao gồm các thuốc như Zolpidem, Phenobarbital,... có tác dụng mạnh nhưng cũng có thể gây nhờn thuốc nếu dùng lâu dài như thuốc an thần. Vì vậy thuốc chỉ dành cho bệnh nhân bị mất ngủ ngắn và không dùng quá 3 ngày. Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình dùng thuốc ngủ đó là nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa,...
2.3. Thuốc an thần kinh mới
Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm Quetiapine, Olanzapine và Amisulpride,... Công dụng của các thuốc này cũng khá mạnh, chỉ dùng cho các trường hợp bệnh nhân mất ngủ do lo âu lan tỏa, trầm cảm hay chán ăn tâm lý. Tuy nhiên nếu dùng trong thời gian dài thuốc có thể gây tăng cân vì bệnh nhân cảm thấy ăn ngon miệng hơn. Để tránh gặp phải tác dụng này thì người bệnh nên kiêng những loại thức ăn chứa chất bột đường, chất béo, chất ngọt và tăng cường vận động thể dục thể thao.
Để biết được mất ngủ uống thuốc gì, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám để nhận lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa
2.4. Thuốc kháng Histamin
Mất ngủ uống thuốc gì? Thuốc kháng Histamin cũng là một lựa chọn được cân nhắc, bao gồm các thuốc như Clorpheniramin, Dimedrol và Promethazine,... Đây đều là các thuốc kháng Histamin thế hệ cũ với tác dụng chống dị ứng, đồng thời gây buồn ngủ. Thuốc được chỉ định trong những trường hợp mất ngủ do gãi ngứa nhiều vì mắc các bệnh ngoài da như nấm tổ đỉa, eczema, hắc lào,... Tuy nhiên cần lưu ý về một số tác dụng phụ khi dùng thuốc đó là khô mũi, miệng, mệt mỏi, trí não bị ảnh hưởng,...
2.5. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng
Mirtazapine và Clomipramine là những thuốc điển hình của nhóm thuốc này. Những bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài thường sẽ được kê đơn có các thuốc nêu trên. Đặc biệt thuốc chống trầm cảm không gây tác dụng phụ là nhờn thuốc nhưng tác dụng lại chậm hơn so với các nhóm thuốc khác. Phải mất 3 - 4 tuần điều trị tình trạng mất ngủ của bệnh nhân mới được cải thiện.
Một số tác dụng phụ do dùng nhóm thuốc này đó là đắng miệng, khô miệng, táo bón hoặc bí tiểu thường xảy ra ở những người bị u xơ tuyến tiền liệt. Thuốc phù hợp cho những bệnh nhân mất ngủ do lo âu, trầm cảm, mất ngủ do đau (ung thư, chấn thương, đau dây thần kinh) và mất ngủ tiên phát.
Việc dùng các loại thuốc nêu trên cần phải có sự kê đơn, hướng dẫn sử dụng và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Nếu tự ý dùng thuốc bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và các hệ lụy nguy hiểm khác.
3. Những cách giúp cải thiện giấc ngủ không cần dùng thuốc
Uống thuốc có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng đạt được hiệu quả điều trị nhưng thuốc cũng tiềm ẩn những tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy để lấy lại chất lượng cho giấc ngủ thì bản thân người bệnh cần phải thay đổi trước, bằng cách áp dụng những phương pháp như sau:
● Ngủ đúng giờ, thức dậy đúng giấc;
● Trước khi đi ngủ nên thực hiện một số hoạt động như: uống sữa ấm, tập các động tác nhẹ nhàng, thư giãn, tránh xa các chất kích thích như bia rượu, cà phê, không dùng thiết bị điện tử;
● Tránh ăn những món khó tiêu, không tập các bài tập quá nặng, hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối;
● Phòng ngủ nên được bố trí yên tĩnh, ánh sáng nhẹ nhàng, không quá chói mắt;
● Tập yoga, massage, thiền định sẽ giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Việc dùng các thuốc điều trị mất ngủ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Nếu người bệnh thay đổi lối sống tích cực hơn và được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ thì sẽ giúp tăng cơ hội điều trị khỏi chứng mất ngủ. Trong trường hợp sau khi đã áp dụng các cách nêu trên mà chứng mất ngủ vẫn không được cải thiện, kèm theo đó là những biểu hiện bất thường khác thì người bệnh nên đi khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế. Bởi vì nếu diễn ra lâu ngày, tình trạng mất ngủ có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh.
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!