Các tin tức tại MEDlatec
Mọc răng khôn đau mấy ngày và cách xử trí khi răng khôn gây đau
- 30/09/2023 | Nhổ răng khôn bao lâu thì há miệng được và cách tập há miệng sau nhổ răng
- 31/10/2023 | Hiểu đúng về tiểu phẫu răng khôn và cách chăm sóc nhanh lành thương
- 10/09/2024 | Khi nào nên nhổ răng khôn và chi tiết quy trình thực hiện
1. Răng khôn là gì, dấu hiệu nhận biết mọc răng khôn
1.1. Răng khôn là răng gì?
Răng khôn chính là răng số 8, mọc cuối cùng ở khung hàm, vào giai đoạn 17 - 25 tuổi. Răng khôn bao gồm 4 chiếc tuy nhiên không phải ai cũng mọc đủ, có người chỉ mọc 1 - 2 cái, có người mọc đủ 4 cái nhưng có người không mọc răng khôn, điều này phụ thuộc vào cấu trúc hàm của từng người hoặc do di truyền.
Răng khôn có thể mọc thẳng bình thường nhưng cũng có thể mọc lệch, mọc ngầm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nha chu và khả năng nhai.
Răng khôn mọc ngầm và mọc lệch trong khung hàm
1.2. Dấu hiệu nhận diện mọc răng khôn
Khi răng khôn bắt đầu mọc thường gây nên các dấu hiệu sau:
- Đau nhức quanh vùng nướu, nhất là khi răng khôn bắt đầu đùn lên nướu.
- Sưng, đỏ vùng nướu, có thể gây viêm nướu và xuất hiện mủ.
- Khó mở miệng rộng, khó nuốt.
- Hơi thở có mùi khó chịu do viêm quanh khu vực mọc răng khôn.
- Cơ thể xuất hiện sốt, mệt mỏi: do phản ứng viêm khi mọc răng dẫn tới cơ thể sẽ có phản ứng sốt, mệt mỏi, chán ăn,...
2. Vì sao mọc răng khôn gây đau?
Muốn biết mọc răng khôn đau mấy ngày, trước tiên bạn cần hiểu về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó là:
2.1. Áp lực từ quá trình bật lên khỏi nướu
Khi răng khôn mọc lên khỏi nướu, các mô mềm xung quanh sẽ phải chịu một áp lực lớn gây căng giãn, dồn nén chân răng. Áp lực này là nguyên nhân gây ra cảm giác đau nhức. Đặc biệt, nếu răng mọc lệch, mọc ngược, đâm ngang hoặc chạm vào răng số 7, cảm giác đau sẽ trở nên khó chịu hơn.
2.2. Viêm nướu
Quá trình mọc răng khôn có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào khe hở chân răng. Điều này là nguyên nhân gây viêm nhiễm với các triệu chứng như sưng đỏ, đau rát và chảy mủ. Vì thế, người mọc răng khôn sẽ bị đau không chỉ ở vị trí răng mọc mà còn đau khắp khung hàm, gây khó khăn khi ăn uống.
2.3. Tổn thương mô mềm
Trong quá trình mọc, răng khôn có thể gây tổn thương cho các mô mềm ở nướu và lợi. Khi có sự cọ xát trong quá trình vệ sinh răng miệng hoặc ăn uống, mô mềm dễ bị tổn thương và và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
3. Mọc răng khôn đau mấy ngày và cách xử trí
3.1. Thời gian duy trì cảm giác đau khi mọc răng khôn
Không thể có con số chính xác để giải đáp vấn đề mọc răng khôn đau mấy ngày vì điều này phụ thuộc rất nhiều vào:
- Giai đoạn mọc răng khôn
Khi răng khôn mới bắt đầu mọc có thể gây đau nhức nhẹ và cảm giác khó chịu tại vùng nướu. Những triệu chứng này thường kéo dài 1 - 2 ngày trước khi bùng phát cơn đau thực sự.
Sau khi răng đã mọc được một phần ra ngoài nướu, áp lực từ việc đẩy các mô mềm và xương hàm sẽ tăng lên, cơn đau nhức rõ rệt hơn. Đây thường là giai đoạn cơn đau đạt đỉnh điểm, kéo dài 3 - 7 ngày.
- Cấu trúc hàm
Nếu không gian của khung hàm hạn chế, răng khôn mọc lệch thì thời gian đau thường kéo dài hơn bình thường.
- Tình trạng vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng trong thời gian mọc răng khôn không đảm bảo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, kéo dài thời gian chịu đau.
- Phản ứng miễn dịch của cơ thể
Người có hệ miễn dịch mạnh khỏe mạnh thường chịu đau và sớm hết đau hơn so với người có hệ miễn dịch yếu.
Nhìn chung, nếu răng khôn mọc bình thường, không gây ra vấn đề viêm nhiễm thì bạn không cần quá áp lực với vấn đề mọc răng khôn đau mấy ngày. Trường hợp này, cảm giác đau sẽ giảm rõ rệt sau khoảng 3 - 4 ngày. Nếu răng khôn mọc lệch kèm viêm nhiễm, sâu răng,... thì cơn đau nhức sẽ rất khó chịu và thường kéo dài.
Mọc răng khôn đau mấy ngày phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng phát triển viêm nhiễm đi kèm
3.2. Cách xử trí khi mọc răng khôn gây đau
3.2.1. Xử trí tại nhà
Để làm sạch khoang miệng khi mọc răng khôn, bạn có thể dùng nước muối súc miệng. Nước muối có tác dụng sát khuẩn và giảm viêm nên sẽ làm dịu cơn đau. Bạn chỉ cần dùng nước muối sinh lý 0.9% súc miệng trong khoảng 1 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần.
Hoặc bạn cũng có thể làm cách khác để giảm đau là dùng túi chườm nóng áp lên vùng má bên ngoài khu vực mọc răng khôn trong vòng 10 - 15 phút, mỗi ngày 3 - 5 lần.
3.2.2. Can thiệp Nha khoa
Nếu cơn đau do mọc răng khôn kéo dài quá 7 - 10 ngày hoặc trên mức chịu đựng của bạn, hay đi kèm triệu chứng bất thường như sốt cao, sưng nướu lan rộng, chảy mủ, bạn nên đến bác sĩ Nha khoa kiểm tra để được can thiệp.
Thông thường, nếu cơn đau quá mức, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay paracetamol để giảm đau và giảm sưng. Nếu có dấu hiệu của nhiễm trùng như sưng đỏ, chảy mủ hoặc sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc đơn thuốc kháng sinh kết hợp giảm viêm để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
Trường hợp răng khôn mọc lệch, không đủ không gian để phát triển hoặc gây ra nhiều biến chứng, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật để nhổ răng. Quyết định này sẽ được bác sĩ đưa ra sau khi đã có kết quả chẩn đoán từ hình ảnh chụp X-quang và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nếu đau nhức kéo dài khi mọc răng khôn, người bệnh nên thăm khám bác sĩ Nha khoa để được can thiệp an toàn
3.2.3. Vấn đề dinh dưỡng khi mọc răng khôn
Trong thời gian mọc răng khôn, cảm giác đau và tình trạng viêm sẽ cản trở khả năng ăn uống của người bệnh. Bên cạnh vấn đề giảm đau khi mọc răng khôn, bạn cũng cần chú ý đến dinh dưỡng để tăng khả năng hồi phục sức khỏe, bằng cách:
- Chế độ dinh dưỡng: Nên ưu tiên những thực phẩm mềm, dễ nuốt như cháo, súp, sữa, canh,... để tránh ảnh hưởng tới vùng nướu lợi đang viêm. Tránh thực phẩm cay nóng nhiều gia vị.- Chú ý bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, phô mai, cá hồi, rau lá xanh,... để răng khôn mọc ổn định và giảm nguy cơ bị đau.
- Hạn chế ăn các loại thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc có kết cấu cứng, vì những thực phẩm này có thể làm kích thích vùng nướu bị tổn thương, gây đau đớn và sưng tấy ở vùng mọc răng khôn.
- Các dụng cụ hỗ trợ làm sạch như: bàn chải lông mềm, chỉ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng đều được khuyến cáo nên sử dụng trong quá trình răng khôn mọc, giúp làm sạch khoang miệng tối ưu, giảm thiêu nguy cơ viêm nhiễm.
Thăm khám bác sĩ Nha khoa theo đúng lịch hẹn cũng là việc làm cần thiết trong quá trình mọc răng khôn. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện để can thiệp kịp thời các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch thăm khám, chăm sóc sức khỏe nha khoa cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ Hotline 1900 4000 66 để được tư vấn và hỗ trợ tận tình.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!